Tiếng nói nhà văn: Đã thành đại dịch
Thì lâu nay cứ nghĩ, cà phê hạt người ta mua ở vườn về, rồi rang rồi xay, rồi trộn nhiều loại với nhau, ra một thứ nhãn cà phê Việt, phục vụ hàng triệu người Việt uống theo gu Việt mỗi ngày.
Té ra không phải thế, bởi giờ chỉ cần một giọt tinh chất cà phê mua trôi nổi ở đâu đấy, cộng với các loại “bột đen đen” có vị đắng, thế là hàng triệu người có cà phê uống. Tôi chỉ uống vài ba quán quen, nhưng rồi chính ngay ở các quán quen ấy, tôi cũng không hiểu là cà phê ấy có đúng là... cà phê không?
Và rồi hàng ngày tôi vẫn uống cà phê, dẫu nghi ngờ, dẫu được cảnh báo, nhưng chả lẽ lại... không uống. Mà mỗi sáng có một ly nhỏ, mấy thìa thôi mà, bao giờ mới... đủ để chết.
Và không chỉ cà phê. Cà phê là thứ không đại trà, không phải ai cũng dùng. Còn nhiều thứ ai cũng phải dùng hàng ngày, và ai cũng... hoang mang vì không biết nó ra làm sao, hoang mang nhưng rồi vẫn cứ phải dùng, bởi không dùng thì biết dùng cái gì, ăn cái gì mà sống.
Cái sự vô cảm của người Việt cũng đã lên đến mức kinh hoàng khi mà người ta trồng rau để bán riêng, rau để ăn riêng. Người bán rau không biết là người bán thịt cũng sẽ bán thịt cho họ như vậy, rồi người bán trái cây, bán cá, tôm, bán gạo, bán nước mắm... vân vân, họ cũng làm riêng đồ để bán và có riêng đồ để ăn... họ vô cảm một cách hồn nhiên để rồi đầu độc lẫn nhau và ai cũng nghĩ mình... khôn hơn người khác.
Như thế là tội ác. Không thể gọi khác được, phải gọi thẳng tên ra, rằng như thế là tội ác.
Chả ai có thể suốt ngày rị mọ lần mò để đi tìm từng tí thực phẩm sạch rồi mang về nhà tự nấu được. Người Việt đa phần bây giờ ăn uống ngoài đường. Không ăn sáng thì cũng uống cà phê, uống trà. Rồi ăn trưa, nhậu chiều. Đấy là nói những gia đình còn có điều kiện để... ăn ở nhà là chính. Còn bao nhiêu người bình dân lấy vỉa hè bình dân làm nơi qua bữa. Mười lăm ngàn một xuất cơm vỉa hè, các bà nội trợ tài ba đến mấy đi nữa cũng khó mà nấu được cho chồng con bữa cơm với giá ấy. Thế mà ăn ở vỉa hè, no căng, chỉ mười lăm ngàn. Các chuyên gia kinh tế nghĩ ba năm có khi cũng không ra đáp án bài toán ấy, nhưng các bà chủ quán cơm vỉa hè giải quyết rất rốt ráo. Họ nuôi hàng triệu người Việt mỗi ngày như thế, và họ cũng sống nhờ hàng triệu người Việt vì hoàn cảnh mà phải ăn uống như thế. Rồi chính họ cũng ăn uống như thế.
Vậy nên hôm nọ, Bộ trưởng Cao Đức Phát, khi phát biểu ở Quốc Hội đã “diễn đạt chưa rõ ràng” rằng “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn” khiến gần như toàn dân nổi sóng, và cũng khiến ông, bằng một hành động rất chân thành, đã xin lỗi nhân dân ngay tắp lự, thông qua báo chí. Nó chứng tỏ, vấn đề thực phẩm bẩn đã trở thành đại dịch, trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của mọi người dân Việt Nam hiện nay.
Nhà thơ Văn Công Hùng (ảnh: Internet)
Thôi thì những người trực tiếp làm ra thực phẩm ấy, họ cũng vì lòng tham nhất thời, vì miếng ăn, vì thiếu hiểu biết... mỗi người “góp” một tí, nó thành ra tràn lan thực phẩm bẩn. Nhưng chúng ta có chính quyền tới từng khu phố, từng thôn làng mà. Rồi trên ấy là cấp xã phường, trên đấy nữa là huyện thị, rồi cấp tỉnh, và cuối cùng là trung ương, có đến mấy bộ cùng lo miếng ăn sạch cho dân, thế mà rồi thực phẩm bẩn vẫn phát triển như đại dịch. Thuốc độc, chất cấm vẫn được nhập tràn lan, dành cho y tế một ít, còn lại phần nhiều là mang ra... thúc heo tạo nạc. Những chuyến xe chở thịt, nội tạng thối... vẫn nghễu nghện qua biên giới rồi xuyên Việt, lâu lâu mới thấy bắt được một vụ chụp ảnh quay ti vi thấy nhặng xanh bâu đầy. Ti tỉ những thứ chất vô danh tạo hương tạo vị trôi nổi trên thị trường để chỉ cần một thìa là thành nồi lẩu, thành phở, thành bún, vài giọt là thành cà phê, nước mắm, rượu vân vân... Người dân có quyền hỏi chính quyền đã ở đâu, làm gì khi ngay trước mắt họ, dưới chân họ, tràn lan thực phẩm bẩn, thứ thuốc độc giết người hàng ngày hàng giờ tiêu hủy sự sống của đồng loại họ, con dân của họ. Ngay Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong cuộc xin lỗi nhân dân kể trên, cũng đau đớn nói rằng gia đình ông cũng có người bị ung thư...
Chưa bao giờ mà tỉ lệ người chết vì ung thư lại nhiều đến như thế trên đất nước ta. Trước còn đổ cho uống rượu, hút thuốc. Nhưng giờ số người không rượu không thuốc lặng lẽ ra đi cũng rất lắm. Trước nữa thì tại Dioxin, đành rằng nó cũng là một trong những tác nhân gây bệnh. Nhưng lý giải sao với những người không ở vùng Dioxin, không rượu không thuốc... những đứa bé đầu trọc lốc ngơ ngác chen chúc trong các bệnh viện ung bướu...
Tôi ấn tượng với tường thuật của báo chí ở một cuộc họp gần đây, trong lúc hai bộ chính liên quan đến vấn đề thực phẩm và bữa ăn của dân là Y tế và Nông nghiệp đang thanh minh là cùng phối hợp tốt thì Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh đứng lên phát biểu: “Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì? Nói thế không được. Nói thế thì tức là bảo dân cứ tạm thời ăn bẩn đi, chúng tôi còn phải có lộ trình à? Cần có biện pháp rất nhanh”. Và ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đây không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật, điều hành của các cấp mà còn là minh chứng của xuống cấp đạo đức xã hội”...
Vâng, nó vừa là điều hành của nhà nước, vừa là đạo đức của từng cá nhân, mà không chỉ đạo đức, mà là trách nhiệm của từng người đối với mình, đối với giống nòi.
Toàn những thứ tưởng thiết thân mà cứ thấy mù xa, trong khi cái chết cứ lừ lừ xông tới...
(Nguồn: báo Văn Nghệ- HNV)