Văn học với đời sống

14/5
8:04 AM 2016

Một bằng chứng về sức sống mãnh liệt của thơ Ba Lan

Ngay từ lần đầu tiên tham gia Liên hoan thơ quốc tế mang tên Tháng Mười Một Thơ Poznan, tổ chức hàng năm tại thành phố Poznan, Ba Lan, tôi đã chú ý đến hai nhà thơ khiếm thị, một người đã lớn tuổi và một còn khá trẻ.

                                                                                   Một thành phố của Ba Lan (nguồn; Internet)

Mỗi lần lên diễn đàn đọc thơ mình trong chương trình có tên gọi Maratông Thơ, cả hai đều phải nhờ đến cái dắt tay của người phụ nữ đi theo (sau này tôi mới biết đó là hai người bạn đời tuyệt vời của hai thi sĩ). Người lớn tuổi hơn đọc từ trí nhớ của mình, giọng oang oang, không ai có thể thể thờ ơ. Người trẻ hơn đọc bằng bản chữ nổi Brain. Hai người phụ nữ đứng chờ cạnh diễn đàn. Khi xong, họ lại đưa tay cho các ông bám lấy, đi về chỗ ngồi trong tràng vỗ tay bao giờ cũng dài nhất của người nghe. Sau này tôi mới biết người cao tuổi hơn trong số họ là Andrzej Bartynski, nhà thơ khiếm thị đang sống ở thành phố Wroslaw.

Mặc dù yêu mến và thán phục ông ngay từ lần gặp đầu tiên, nhưng phải đến kỳ liên hoan Tháng Mười Một Thơ Quốc tế Poznan gần đây nhất (năm 2014), sau khi đọc bài viết về nghị lực phi thường của nhà thơ khuyết tật Việt Nam Đỗ Trọng Khơi, tôi mới mạnh dạn đến làm quen ông bà và kể cho họ nghe về sự trùng hợp thú vị giữa hai nhà thơ từ hai đất nước xa xôi. Hai ông bà rất cảm động khi nghe tôi nói chuyện. Ông tặng tôi tập thơ mới nhất của mình (xuất bản năm 2014) dưới nhan đề "Bữa tiệc của chú bướm". Lời đề tặng do bà vợ viết, nhưng chữ ký thì do đích thân ông đặt bút. Cảm động biết bao khi được chứng kiến cảnh bà đưa bút cho ông, chỉ cho ông chỗ ký tên, ông ký nhanh và chính xác như người sáng mắt bình thường. Lần đầu tiên chúng tôi chính thức làm quen nhưng cũng ngay trong lần đầu tiên đó, sau khi tặng sách, chúng tôi ôm hôn nhau như những người bạn lâu ngày không gặp. Và từ đó tôi trở thành người bạn thân tình của hai ông bà. Ông đáng tuổi cha tôi, nhưng ông cho phép tôi xưng hô và cư xử với ông như bạn bè, đồng nghiệp. Ông hay gọi điện cho tôi, lần nào cũng chuyện trò sôi nổi, tình cảm, rất khó ngừng lại, không bao giờ nói lời tạm biệt một lần là xong. Lần nói chuyện gần đây nhất, ông nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên, không biết những hiểu biết đó thấm vào trí nhớ của ông khi nào và bằng cách nào, bởi vì vào năm lên chín tuổi, cậu Andrzej, trong một cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt và bị giam cùng cả nhà về "tội" tham gia các hoạt động chống phát xít Hit-le trên đất Ucraina, bọn lính gestapo đã cướp đi đôi mắt của cậu bằng một hành động hết sức dã man.

Andrzej Bartynski sinh ngày 25 tháng 5 năm 1934 tại Lvov (Ucraina). Trong các năm 1943 -1944, thời kỳ cuộc Chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn quyết liệt, khi mới là một cậu bé chưa tròn 10 tuổi, Andrzej đã tham gia Quân đôi Quốc gia Ba Lan trên đất Ucraina, làm liên lạc, vận chuyển chất nổ, bị bắt, bị tù. Năm 1946, sau khi chiến tranh kết thúc, ông rời Lvov về Ba Lan và cùng gia đình sống ở thành phố Wroclaw cho đến ngày nay.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài phát thanh thành phố Wroclaw quê hương, ông kể: "Sau chiến tranh, ở tuổi 11 mà đã hoàn toàn là một cậu bé mù lòa, vấn đề lớn nhất đặt ra đối với tôi là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "Mình sẽ làm gì đây để cuộc đời có ý nghĩa?. Thường thì người mù hay làm nghề mát-xa kiếm sống. Mẹ tôi quyết định tôi phải học. Thế là tôi đi học".

Andrzej Bartynski học tại trường tiểu học dành cho người khiếm thị đặt ở ngoại ô Varsava. Mái trường này không chỉ cấp cho ông tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc mà còn giúp ông có tình bạn đặc biệt với những người sau này giữ một vai trò lớn lao trong cuộc đời ông. Sau đó, trong những năm ngồi trên ghế nhà trường trung học cơ sở, ở tuổi 14, Andrzej Bartynski đã say mê làm thơ. Những người có ảnh hưởng lớn tới sáng tác của ông trong thời gian này là nhà thơ kiêm nhà báo Mikolaj Roztworowski và nhà viết kịch Jerzy Zawieyski. Trong 5 năm tồn tại nhóm nghệ thuật "Tại sao không", khách mời của nhóm là các nhà văn nhà thơ được mệnh danh là "Những người được Chúa lựa chọn" như J. Andrzejewski, W. Broniewski, M. Samozwaniec, W. Szymborska. Năm 1953 ông tốt nghiệp phổ thông trung học, sau đó theo học ngành ngữ văn Ba Lan tại Đại học Tổng hợp Wroclaw danh tiếng vào năm 1962. Luận văn tốt nghiệp đại học của ông được viết bằng hai thứ tiếng, Ba Lan và ý, có phần phụ lục là bản dịch "Những truyện ngắn viết ở thành Rôm" của Alberto Moravia. Ngay từ khi còn là học sinh trung học Andrzej Bartynski đã là thành viên Nhóm nhà văn trẻ được Chi hội Nhà văn Ba Lan tại Wroclaw đỡ đầu. Vào tháng 10 năm 1956, trong thời kỳ "Băng tan" ở các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô, cùng với mấy người bạn, ông thành lập nhóm Nghệ thuật Wroclaw nổi tiếng dưới tên gọi "Tại sao không" tập hợp quanh mình các nhà thơ, nhà văn, diễn viên, nghệ sĩ tạo hình trẻ tuổi. Với tư cách nhà thơ, ông công bố tác phẩm đầu tay vào năm 1956, đó là bài thơ dài nhan đề Ca ngợi Yexênin trên tạp chí "Sinh hoạt đại học". Vào năm 1961 ông gia nhập Hội Nhà văn Ba Lan. Ông từng viết về con đường dẫn ông đến với thơ ca và quan niệm đơn giản của mình khi bước trên con đường đó:

"Tôi sinh ra để làm thơ nên tôi viết những gì tôi nghĩ, tôi làm những gì tôi nghĩ, mà điều này không phải bao giờ cũng có tác dụng đoàn kết mọi người lại với nhau, ngược lại có thể đánh mất bạn bè. Với tư cách Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn, tôi sống theo phương châm tăng cường tình bạn, tình đồng nghiệp, sống có trước có sau. Tôi coi giới văn thơ của tôi là tầng lớp xã hội tinh hoa, tôi cảm nhận ở họ thiện chí giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ sự ghen ghét. Con người ta, để sống tốt, cần duy trì sự ủng hộ lẫn nhau trong một nhóm. Điều này làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn".

Thành tựu văn chương của ông không chỉ đáng khâm phục về mặt số lượng (riêng về thơ ông đã xuất bản trên dưới 10 tập), mà còn rất phong phú về thể loại. Ông đã viết nhiều tác phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình. Trên các trang của nguyệt san Văn hóa, ông đăng đều đặn loạt bài Trò chuyện giữa con người về bản thân trên trái đất. Ông đã được trao rất nhiều giải thưởng có giá trị của Nhà nước Ba Lan, đó là sự ghi nhận những cống hiến to lớn của ông trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Piotr Kuncewicz, người nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan, đã viết những lời khó ai có thể phủ nhận về thi sĩ-ca sĩ Andrzej Bartynski: "Thế giới của ông là một thế giới sặc sỡ, đa màu sắc, đa hình dạng, không đồng nhất, trong đó chứa đựng rất nhiều bầu không khí khác nhau. Bầu không khí ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp và cả theo nghĩa rộng, tức là bầu không khí của các xúc cảm và bầu không khí mang đậm tính trí tuệ. Ông đã đi rất xa trên con đường mình lựa chọn và đã trải nghiệm những thi pháp khác nhau. Ông đã xuất bản không chỉ một tập thơ và ông đã hát vang không chỉ một bài ca. Các tác phẩm của ông sẽ không bị lãng quên, mà còn mãi bên tai và trong trí nhớ của đông đảo bạn đọc".

Ngoài thơ ra Andrzej Bartynski còn được cả Ba Lan biết đến với tư cách nghệ sĩ hát rong. Ông không chỉ biểu diễn trong nước mà nhiều lần thể hiện tài năng của mình ở nước ngoài. Nhóm nghệ thuật mang tên Các nhà thơ trên sân khấu gồm ông, nhà thơ Henryk Gala và nghệ sĩ dương cầm Jerzy Jankowski, đã có hàng trăm buổi biểu diễn thơ-ca nhạc trên khắp đất nước Ba Lan. Không phải ngẫu nhiên ở tổ quốc mình ông được mọi người tôn vinh là Homer Ba Lan.

Andrzej Bartynski hiện là Chủ tịch Chi hội Nhà văn Ba Lan vùng Slask Hạ. Ông đảm nhiệm trọng trách này từ nhiều năm nay. Từ năm 2003 ông là người đề xướng và tổ chức vào tháng Mười Một hàng năm Liên hoan Thơ Quốc tế Polanica Zdroj dưới tên gọi Nhà thơ không biên giới.

Về tài năng thơ, Andrzej Bartynski là một trong số ba nhà thơ Ba Lan hiện đại được nhà thơ sinh sau ông 12 năm, Stanislaw Grabowski, coi là "những người sinh ra để làm thơ", bên cạnh Jan Twardowski và Tadeusz Nowak. Nhưng so với hai người kia, ông không có may mắn được sáng tạo nghệ thuật trong điều kiện bình thường, vì ông chỉ sáng lòng mà không sáng mắt. Ông phải sống trong cái thế giới còn đọng lại trong trí nhớ của mình cho đến năm ông bước sang tuổi thứ mười của cuộc đời. Sau này ông tự an ủi rằng ông không bị mù bẩm sinh nên không phải là người mù hoàn toàn. Theo chứng minh khoa học những người mất hẳn thị giác sau 5 tuổi vẫn được coi là người khiếm thị vì họ vẫn có trong đầu những gì quan sát được trước khi bị mù hoàn toàn.

Nhà thơ Andrzej Bartynski đã bị kẻ thù cướp đi đôi mắt, nhưng ông may mắn được thiên phú một tài năng thơ lạ thường. Trong cuộc sống hàng ngày, ông được nhiều người nể phục vì cách ứng xử tài tình trước những tình huống bất ngờ. Trong thơ ông được coi là nhà thơ thực sự lớn, là cái núi lửa của ngôn từ và của sức sống, tức là cái gì cũng mạnh mẽ và tự nhiên. Cũng có người gọi ông là hiện tượng xã hội đặc biệt trên bản đồ văn hóa Ba Lan. Thế giới của ông lẽ ra đã là một thế giới khép kín, thế giới bị bánh xe lịch sử và sự đau khổ hủy diệt từ lâu. Nhưng tài năng và nghị lực phi thường của ông được thể hiện ở chỗ mặc dù bị cướp mất đôi mắt do bàn tay man rợ của bọn phát – xít, ông đã biến sự bất hạnh đó thành một thông điệp hùng hồn và đầy sức thuyết phục. Sự nhận thức thế giới ở ông, nếu có những khiếm khuyết thì cũng là điều dễ hiểu, song nhờ kết hợp tính năng động với một nhiệt tình không bao giờ tắt, cộng với một thái độ sống luôn được xác định đúng hướng, nhận thức đó luôn được nâng cao không ngừng nên trở thành nguồn sức mạnh nằm ngoài những tầng ý thức đã được biết đến. Có thể coi đó là suối thơ trên sa mạc cuộc đời.

Andrzej Bartynski, với tư cách nhà thơ-nghệ sĩ, được coi là con người thành đạt. Nguồn gốc sự thành công ở ông có lẽ có xuất phát điểm từ việc ông xác định rất rõ mình đang đứng trong một cuộc đời như thế nào và mình phải làm gì với cái bất hạnh mà cuộc đời đã bất công đem đến cho ông. Đáng khâm phục biết bao khi ông đã bước đi những bước kiên định trên con đường đời mà ông biết chắc chắn là sẽ lắm chông gai. Nhờ vậy ông như nhìn thấy nhiều hơn, rõ hơn, cảm nhận chính xác hơn, nghe chăm chú hơn. Ông bước đi mạnh mẽ hơn, mãnh liệt hơn, đầy nhiệt huyết hơn và chủ động hơn. Ông hoạt động xã hội, ông viết lách, ông sáng tạo nghệ thuật, ông thiết lập các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Tất cả những cái đó đã dẫn đến thành quả và vinh dự lớn lao là ở Ba Lan hiện nay các nhà phê bình văn học không cần phải e ngại khi xếp ông vào hàng những tác giả hàng đầu của giới văn nghệ sĩ nước mình.

Trong một buổi đọc thơ trong khuôn khổ Liên hoan Thơ Polanica Zdroj "Nhà thơ không biên giới", một nhà nhiếp ảnh đã chụp được tấm ảnh ghi lại cảnh nhà thơ mù đọc thơ ở tư thế co một chân lên như chú cò Ba Lan thân thương chuẩn bị cất cánh bay. Điều này thực ra không khiến ai phải ngạc nhiên. Mong muốn bay bổng trên đôi cánh của Nàng Thơ là điều Andrzej Bartynski luôn mong ước. Đọc thơ ông, nhất là đọc những bài thơ in trong tập Bữa tiệc của chú bướm in năm 2014, con người "sinh ra để làm thơ" này đã cho ta thấy là với tư cách nhà thơ của các trạng thái tình cảm, nhà thơ của những con đường nhân tình thế thái đan chéo nhau chằng chịt, ông không chịu ngồi yên một chỗ. Ông luôn mang trong mình trái tim đầy nhiệt huyết, cũng là trái tim luôn rộng mở dành cho một người thứ hai. Ông đã từng viết trong một bài thơ: Vì con người/Đổ máu để cắt cổ quỷ dữ ta đâu ngại... Đó là lời tuyên bố hùng hồn, ở người khác có thể bị coi là đại ngôn, nhưng ở Andrzej Bartynski, đó là toàn bộ bản chất con người ông.

Nhà thơ muốn bay bổng, song có cái gì đó giữ chân ông lại với cuộc sống trần gian. Đối với một người như ông, cuộc sống hình như không có điểm kết thúc. Đối với một thi sĩ-nghệ sĩ như ông, cái chết cũng là một bài ca, cái chết chỉ là sự thay đổi trạng thái cuộc đời trong thế giới. Ông có một triết lý sống khiến mọi người cảm phục, đó là không cúi mình trước làn đạn. Nhưng ông giữ được thái độ này cũng một phần nhờ ở người phụ nữ bạn đời của ông, người được ông gọi vừa trìu mến vừa viết ơn là thiên thần của những chuyện thường ngày. Ông luôn đến với các đêm tác giả nhờ sự tháp tùng của bà. Trong những lúc giải lao, để chồng được nghỉ ngơi thực sự, khi người nghe yêu cầu, bà thay ông đọc thơ của ông. Tất nhiên nhiều người thích ông đọc hơn, vì giọng ông luôn vang lên sang sảng khi đọc các bài thơ trữ tình và khi ông nhắc lại những năm tháng không thể nào quên, những năm tháng ông sẵn sàng trở về để sống lại với sự hào hùng của chúng, những năm tháng đem lại cho ông niềm tự hào chính đáng.

Thơ Andrzej Bartynski có thể gọi là thơ về tình yêu và thơ xuất phát từ tình yêu. Trong thơ ông có hình ảnh bà mẹ, người vợ hiền, cô em gái, cũng có cả hình ảnh các nhà thơ. Tình yêu trong thơ ông, khi được thể hiện đầy đủ, khi chỉ là biến thể, nhưng đó là thứ tình yêu có thể cảm nhận được, miêu tả được. Tình yêu đối với ông là động lực hành động, là sức mạnh thúc đẩy và là niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp mai sau. Tất cả những cái đó có lẽ góp phần làm cho thơ Andrzej Bartynski, cùng với thời gian, càng ngày càng chín, càng ngày càng tăng thêm giá trị và không bao giờ cũ.

Những người tiếp xúc với Andrzej Bartynski dễ dàng nhận thấy ở ông sự coi trọng tính hài hước, đặc biệt ông rất thích tự trào. Có thể vì thế mà ông vượt qua không mấy khó khăn cái bất hạnh lớn nhất của cuộc đời là bị cướp đi đôi mắt. Trong lần trả lời phỏng vấn phóng viên Đài phát thanh thành phố Wroclaw nơi mình đang sống và sáng tác, được hỏi về những thiệt thòi của bản thân khi nhiều thập kỷ phải sống trong bóng tối, thay cho câu trả lời, ông đã kể lại câu chuyện vui sau đây: "Một ông người Anh đã nhìn thấy ánh nằng mặt trời sau 40 – 50 năm sống trong cảnh mùa lòa. Khi được hỏi về niềm vui thoát khỏi nỗi bất hạnh cuộc đời, ông đã trả lời: "Tôi không hoàn toàn bị cuộc sống mới hấp dẫn vì cái thế giới tôi vẫn tưởng tượng đẹp hơn cái thế giới tôi đang sống hiện nay".

Nguyễn Chí Thuật (nguồn: Tạp chí Thơ-HNV)

 

ANDRZEJ BARTYNSKI

LỜI ĐỀ NGHỊ

 

Hãy yêu tôi đi!

- đá nói thế với chim

Ta không thể thường xuyên sà xuống thấp

- chim trả lời

 

Hãy yêu tôi đi!

- đá nói thế với sóc

Cậu quá nặng để tôi tha về tổ

- sóc trả lời

 

Hãy yêu tôi đi!

- đá nói thế với người

Người ngồi xuống bàn

và viết ngay bài thơ

rằng tốt nhất nên trở thành tảng đá

vì đá chẳng có ước muốn gì.

Mẹ ơi

Trong máu con có vầng trăng mẹ ơi

nên đêm đêm con không sao ngủ được

nên con yêu say đắm nàng Joanna

cô gái khiến bao chàng trai thở dài thườn thượt

 

Mẹ ơi trái tim con luôn phập phồng

nên con ngưỡng mộ vẻ đẹp thế giới

những cô gái - những vì sao nhấp nháy

và mẹ - mặt trời giữa ngàn vạn đóa hoa

 

Con kính cẩn dâng mẹ tình yêu con bao la

nên bao khó khăn con vượt qua tất thảy

tiếng hát cất lên trong đời con và những mùa xuân ấy

con dâng cho mẹ đấy mẹ ơi

 

Bởi mẹ là ngôi nhà từ khi con chào đời

mẹ che chở con trước bao giông tố

mẹ là cây táo trong vườn trắng một màu hoa nở

mẹ cho tất cả những gì lãng mạn nhất trong con

Như đá

Mẹ ơi con không khóc

bởi con phải cứng rắn như tảng đá này

nhưng cứng như đá không hề dễ

khi người ta không nhìn thấy ánh mặt trời

Trong cuộc đời rất cần đôi mắt

mà con chỉ thấy toàn đêm là đêm

Mẹ ơi con không khóc

điều này mẹ hãy ghi nhận cho con

mẹ đã nói với con - con hãy lao vào cuộc

con đã lao vào và hiện vẫn đang theo

mẹ hãy nhìn đi, con không khóc

con phải mạnh như Héc-quyn

mẹ đã nói với con dịu dàng như vậy

nói chung con không khóc đâu mẹ ạ

nhưng đôi khi ai đó nói to

rằng không nhìn thấy ánh sáng trời thì thật rủi ro

con chỉ được phân vai trong cái nhà hát đêm đen, thưa mẹ

Con không khóc đâu, nhưng cũng đôi khi

con hay nghĩ vẩn vơ, không hiểu thế giới này đẹp hay không đẹp

và chỉ có thế

Mẹ đã nói với con

rằng con phải như người lính

dũng cảm xông lên

Mẹ ơi con vẫn trong tư thế sẵn sàng

xông lên phía trước

Tôi đã và đang là

Tôi đã là cá là chim là khỉ

bây giờ tôi là người rồi

tôi không có vây cá không có cánh chim không có sự tinh ranh của khỉ

tôi ghép vần tôi làm thơ tôi nói thơ

nhưng người ta lại bảo –nhà thơ không có tiền

cậu ta chỉ là nhà thơ quèn

cậu ta không thể là ứng cử viên của chúng ta

tôi đã là cá là chim là khỉ

ngày nay tôi là một người nghèo vô vọng

bởi vì người nghèo thì không được đếm xỉa đến bao giờ

anh ta phải sống bằng tình yêu và niềm vui cuộc sống

Người nghèo - sự giàu có của thế giới chúng ta

Người đi rửa tội

Trên các bậc thềm

dẫn đến nhà thờ

những người đi rửa tội

bước đi

họ vào và đặt dưới chân tượng Chúa

những đồng tiền ngoan đạo của mình

rồi họ bước ra, nét mặt căng thẳng

các vị cha cố đi đến tươi cười

ban phước lành cho những người ngoan đạo

chỉ có một người đi xưng tội

vì quá nghèo nên đứng ở ngoài

anh ta không có gì để mang vào bên trong

may sao nhà nước đã cho anh

khoản tiền trợ cấp

nên bây giờ anh có thể vào nhà thờ

đi trên các bậc thềm

mà không thấy mình kém gì người khác

có kém chăng

chỉ kém một độc giả

lấy từ trong túi ra

một bài thơ

vuốt lai phẳng phiu và đọc.

NGUYỄN CHÍ THUẬT dịch

(từ nguyên bản tiếng Ba Lan,

rút trong tập "Bữa tiệc của chú bướm")

(Nguồn: Tạp chí Thơ-HNV)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *