Một liên văn bản: Hoàng Hoa của Bích Khê và bản dịch Chinh Phụ Ngâm
Nhà thơ Bích Khê (nguồn: Internet)
Đương thời, tức là vài ba năm sau khi tập thơ Tinh huyết được xuất bản, trong một bài hài đàm trên tờ Dân Báo ở Sài Gòn năm 1941, chính Phan Khôi (ký bút danh Thông Reo) đã dẫn một đoạn thơ ở bài Hoàng hoa rồi chất vấn: "Lam nhung" là gì? "Xanh nhung" là gì? "Chim yên" là gì? "Xương cây" là gì? - Và tự trả lời để nêu nhận xét: Chẳng có nghĩa gì cả!
Chính bài hài đàm này đã bị những địch thủ đương thời của thơ mới trong báo Tiếng Dân ở Huế được dịp hả hê reo lên: ông Phan Khôi, người cổ vũ thơ mới, đã quay lưng với phong trào này rồi! Sự việc vỡ ra theo cách ấy đã khiến Phan Khôi phải viết liền hai bài báo để cải chính rằng trước sau ông vẫn cổ vũ thơ mới, còn những nhận xét về câu chữ rút từ tập thơ kể trên chỉ là để nói cần viết văn cho có nghĩa mà thôi.
Cố nhiên, ngay cái lý của Phan Khôi khi đó, thật ra, vẫn chưa phải là "cùng kỳ lý" mà chỉ bộc lộ giới hạn quan niệm của chính người khởi xướng thơ mới, theo đó, dù sao các câu thơ mới cũng phải quy được về một ngữ pháp có thể hiểu được! Phan Khôi chỉ có thể quan niệm thơ mới ở dạng những sáng tác dù lãng mạn vẫn cần phải duy lý, trước nhất là duy lý về cú pháp, về ngữ nghĩa, như thơ Thế Lữ, Xuân Diệu; ông không chấp nhận các sáng tác với những chất liệu siêu thực tại, nhất là được diễn tả trong những cú pháp và ngữ nghĩa phi lý như thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử.
Trở lại bài thơ Hoàng hoa.
Văn bản bài này trong tập Tinh huyết (in xong ngày 30/12/1939 tại nhà in Thụy Ký, Hà Nội) có sự khác biệt so với văn bản bài này đăng tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11/5/1939).
Trong tập Tinh huyết bài này chỉ gồm 18 dòng thơ, tách làm 3 khổ, mỗi khổ 6 dòng thơ.
Trên Tiểu thuyết thứ Năm, bài này gồm 24 dòng thơ, tách thành 6 khổ, mỗi khổ 4 dòng thơ. Một số câu ở bản này đã không còn ở tập Tinh huyết:
- Hai dòng đầu:
Chiều đi trên đồi êm như tơ,
Chiều đi trong người êm như mơ,
- Toàn bộ khổ thơ thứ 5:
Bên kia, Hàm Dương; đây, Tiêu Tương,
Tơ lòng nâng cao lên mành Dương!
Nay hoàng hôn rồi mai hôn hoàng,
Trông gương buồn dơ cho dong nhan!
Ngoài ra, ở bản đăng báo kể trên, có khá nhiều từ viết chữ hoa: (chim, non) Yên, Hoàng hoa, Oanh, Quyên, Đào, Phù dung, Hàm Dương, Tiêu Tương, (mành) Dương...
Các từ trong mỗi dòng thơ đôi khi có khác biệt:
Lam nhung ô! màu ngưng lưng trời,
("Tiểu thuyết thứ Năm")
Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,
("Tinh huyết")
Đáng chú ý nhất là hai dòng thơ cuối bài:
- Ai xây bờ oan trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn xuân tươi?!
("Tiểu thuyết thứ Năm")
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!
("Tinh huyết")
Ở bản đăng báo, ngoài bài thơ của Bích Khê còn có lời dẫn nhập, - cũng có thể gọi là lời bình, - của chủ bút Tiểu thuyết thứ Năm Lê Tràng Kiều. Và ở cuối bài thơ, phía trên dòng ghi tên tác giả là Bích Khê Lê Mộng Thu, còn có dòng đề tặng: "Kính tặng Đ. Thị Điểm".
Có lẽ, mấy lời đề tặng này đã làm rõ ra rất nhiều về cảm hứng sáng tác của tác giả. Chính mấy chữ đề tặng này đã khiến chủ bút Lê Tràng Kiều có thể cất lời mời công chúng bằng giọng chắc chắn: "...các bạn hãy theo khúc HOÀNG HOA, đưa tâm hồn đến với những người chinh phụ đang trông chồng nơi "ngàn khơi" kia!"
Quả vậy. Khi đề tặng Đoàn Thị Điểm (1705-1748), điều rõ ràng là nhà thơ Bích Khê nhớ tới bản dịch Chinh Phụ Ngâm mà ở thời gian ấy hầu như chỉ hoàn toàn gắn với tên bà. Thời gian ấy cả văn giới lẫn công chúng Việt Nam đều chưa hề biết đến việc tác phẩm chữ Hán của Đặng Trần Côn (17xx - 17xx) được nhiều người dịch, chưa hề biết đến việc bản dịch thịnh hành phổ biến nhất - và có lẽ hay nhất - lại có nhiều khả năng gắn với tên tuổi Phan Huy ích (1751-1822) hơn là với tên tuổi bà Điểm .
Nhắc đến Đoàn Thị Điểm ở đây chắc chắn là nhắc đến bản nôm Chinh Phụ Ngâm. Vậy là những tên đất như Yên, Hàm Dương, Tiêu Tương, Dương..., những tên chim tên hoa như Oanh, Quyên, Uyên, Đào, Phù dung, Hoàng hoa... - đều là "trích xuất" từ Chinh Phụ Ngâm. Ngay cái từ gọi "Chàng" cũng vậy. Ở đây chỉ không xuất hiện từ tự xưng "thiếp" trong khúc ngâm chinh phụ kia, vì đã được thay bằng "ta"; và như để tương thích với thời đại, ngay "chàng" cũng được đặt vào một chuyển hóa với "tình lang".
Đặt trong sự tương ứng rõ rệt với thế giới của Chinh Phụ Ngâm, sẽ chẳng khó khăn gì để thấy rõ toàn bài Hoàng hoa như là một khúc trữ tình của người chinh phụ đang ngóng chồng vào một buổi chiều thu. Nỗ lực nhiều nhất của nhà thơ ở đây, có lẽ không phải là tạo những hàm nghĩa tiềm ẩn hay tân kỳ, mà chính là tạo ra một nhạc điệu. Một nhạc điệu, như Lê Tràng Kiều ghi nhận, là "rất êm rất nhẹ", do "ghép toàn bởi những tiếng bình thanh" (tức là dùng toàn thanh bằng) .
Đương nhiên ai đọc Hoàng hoa cũng không thể xem thường cái ý được gói vào hai dòng thơ cuối bài, dù là:
- Ai xây bờ oan trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn xuân tươi?!
("Tiểu thuyết thứ Năm")
Hay là:
- Ai xây bờ xanh trên xương người?!
- Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?!
("Tinh huyết")
Câu hỏi về kẻ gây ra cái "bờ oan" (hay "bờ xanh") xây trên xương máu những chinh phu nơi tiền phương, câu hỏi về kẻ gây ra cái "mồ hoa" chôn mất "xuân tươi" (hay "đời tươi") những phụ nữ mỏi mòn nơi hậu phương, - chính là sự tiếp nối và gia tăng tiếng nói phản chiến, của nhà thơ Bích Khê trước những tâm sự đã mã hóa vào thi ca của các bậc tiền bối, - Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, - nhân danh quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc thông thường của con người.
Bài Hoàng hoa được công bố năm 1939, năm mà những tin tức về cuộc thế chiến thứ hai đang khởi lên từ châu Âu đang gia tăng độ ám ảnh lên dư luận tại Việt Nam. Tức là, ở một phía nào đấy, bài thơ này động đến một trong những lo âu vẫn chưa thôi đeo bám trong hồn dân Việt, tính đến thời gian ấy. Và thời gian đã cho thấy ám ảnh kia là thực, như chúng ta đã biết.
LẠI NGUYÊN ÂN (nguồn: Tạp chí Thơ- HNV)