Văn học với đời sống

3/10
8:10 AM 2016

TÁC PHẨM MỚI: ĐẤT-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ

Chuyện một gia đình bị “thu hồi” đất làm sân golf, xảy ra án mạng nhưng lại được kể chậm rãi, nhiều mảnh rời ghép lại bằng chất keo được chưng cất từ nỗi buồn của nhiều thân phận, nhiều cuộc đời éo le cay đắng hay ngậm ngùi nối nhau. Một bi kịch của văn hóa và phát triển. Một cách mới trong thi pháp Nguyễn Ngọc Tư.

                                                                        Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

ĐẤT

         Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

 

Hay chiêm bao lại cảnh trần trụi đứng trước họ. Trong âm thanh hàng nút áo đứt phựt, thấy bơ vơ. Nhỏ như tụi nó cũng ráo riết bỏ đi.

Cảnh trong mơ bao giờ cũng bắt đầu bằng những con bò cạp khổng lồ khẳm lừ nọc độc, đuôi cong lên đi giật lùi về phía đất nhà. Bầu trời thẳng căng, một nút áo va vào làm vết nứt rạn nhanh đến vô tận. Lúc ấy sợ những mảnh vỡ sắc nhọn ấy găm vào đầu hơn là lũ bò cạp. Hình dung đỉnh đầu dính cứng những mảnh trời trong vắt,  không biết gội kiểu nào để khỏi chảy máu. Lôi thôi đâu chỉ vậy, nếu ra nắng, vài mảnh trời ấy bắt sáng, dẫn cái dòng ánh sáng chảy tuôn xuống óc. Tắt đèn, nhắm mắt rồi mà ánh sáng vẫn chan ngập trong đầu thì ngủ sao đây.

Suốt giấc mơ, cứ trần truồng đứng thõng ra nín thở trong nỗi sợ trời bong vỡ. Mặc kệ tụi bò cạp sắp chạm đuôi vào bầu vú, thể nào cũng có một tiếng rền làm bọn chúng cũng nổ tung, văng mớ nọc độc bầy nhầy. Và rồi tỉnh dậy, hơi buồn một chút bởi ý nghĩ chiêm bao dạo này vắng vẻ quá, không có người trong đó cho vui.

Buổi trưa cứ oằn mãi mà không chịu nguội. Muốn kêu tên ai đó mà không nghĩ ra. Trưa tức như chứa đầy oan khuất.

Khum tay che mắt nhìn ra ngoài, nghĩ bây giờ chắc tháng Hai, chỉ quãng đó mới có thứ nắng thẳng căng như vầy. Mặt trời chỉ treo trên vạt đất nhà năm tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng đủ làm nên cơn say nắng. Những con vật không dậy nổi. Ở ba góc đất còn lại, cũng không nghe tiếng động nào.

Nắng gì mà đến nỗi linh hồn cũng cong quéo.

Họ, nóng bức vầy chắc chẳng tới đâu.

Cha nói, không phải giờ đã tháng Sáu sao, hình như bữa trước có mưa mà. Nắng đỏ bầm kiểu này là hạn bà chằn, thứ nắng quạu quọ giữa hai đợt mưa dài. Đàn bà trong nhà hay đem mền mùng ra phơi ngoài rào cho đỡ ẩm mốc. Vẫn còn trong cữ giáp hạt, nhà nghèo trong xóm thường tới nhà mượn gạo. Đám gòn dưới bến ra lá râm ran, sót vài trái điếc câm cứ treo mình giữa trời như hóa thạch. Lúa rày ngoi lên mảnh sân vừa khô mặt sau những ngày mưa dầm. Mé sông, bông súng ma sau một đêm bất ngờ điểm những cái lá tím nhạt lên mặt nước.

Tháng sáu có đám giỗ nữa, Hai nhắc, sau mỗi cú nhún làm nên cơn mưa lá me, “có đám giỗ có một đám giỗ”. Tròng mắt anh đảo một vòng tròn, chực rơi. Anh giỡn kiểu nào cũng có duyên, lúc quàng chân quấn lên cổ ngo ngoe như nhện, lúc treo người ngược nhánh me, hai tay giữ lấy đầu như sợ nó rớt rời.

Cố giở từng nếp gấp ký ức đã mục bở, mà không nghĩ ra được đám giỗ ai. Như khi không nhớ nổi bây giờ là tháng mấy, mùa nào. Dân làm ruộng không nắm bắt được thời tiết thì hết xài. Cha rầu rầu ngó quanh những tòa lầu đã vây kín, nói tới chừng họ kéo vô lấy đất, có khi chúng ta còn không nhớ được tên mình.

Biết họ có quay lại không ?

 

*

 

Bà nội một mình canh chừng ở góc Đông. Phủ lên chỗ bà là cái bóng khổng lồ của tòa nhà Thiên Đường. Nắng ít vói tới, nên bà vẫn hay kêu tao bị đóng rêu đóng mốc. Hồi đầu còn ngại, bà loay hoay chịu đựng, sau kệ, ngứa đâu gãi đó. Mà ghẻ ngứa toàn mọc mấy chỗ ngặt.

 

Cha nhiều lần nói họ không tới bằng đường này đâu, nhà lầu cao quá, sao xuống được. Họ xây cất xung quanh, chỉ chừa lại cái lỏm đất, từ trên cao ngó xuống chắc giống như một vực thẳm không người. Bà nội săm soi cái mài ghẻ mới gỡ, bảo, “chưa chắc”.

Câu cửa miệng của bà luôn gói trong hai chữ đẫm mùi nghi ngại.

Cải cách điền địa, ai cũng nói trong nhà có người làm xã trưởng, thể nào cũng giữ được đất, bà nội bứt dứt đầu tóc mượn, “chưa chắc”, như thấy trước thể nào cũng phải cắt đất cho dân nghèo trong xóm, lúa cháy trụi đồng và ông nội vét mớ vàng còn lại trong nhà đi Nam Vang hú hí. Dạo gần tết con khỉ bom đạn thưa, người Nhơn Thành hơi mừng nói có khi sắp ngưng chiến. Bà nội trả lời, “chưa chắc”, rồi sai con cái xách dá đào thêm cái hầm. Tết đó đụng nhau rát nhất, đổ máu nhiều nhất. Lúa trổ đòng đòng chưa chắc, nhưng đổ vô bồ cũng chắc gì, chỉ trận pháo qua là tro bụi. Bầy con lấy vợ gả chồng bà nội chỉ chúc phúc mỗi câu “ráng ăn ở được tới đâu hay tới đó !”.

Ông nội cười hề hề, “kệ bả”, mỗi khi ai đó khó chịu kiểu sống ngờ đời của vợ, “tánh bả vậy, rờ rỡ trước mắt còn không tin, làm sao tin những chuyện muôn năm”. Nhưng lúc ông nội sắp lìa đời, cái triết lý CHẮC GÌ áp vào ông vừa vặn, khi bà nội bảo trong bầy con năm đứa bà rứt ruột đẻ ra, có một không phải con ông.

 Ông nội mếu máo nói từ giờ con đàn bà tàn ác đó không được ở gần tao, kể cả chết rồi. Đám con không hiểu sao bà mẹ lại bị nhiếc ác, đúng ra phải là mất nết hư thân. Ông nội không giải thích. Cái tối một mình bà bước vô căn buồng nồng nặc mùi thuốc Nam và dầu gió, bà nội đã vói lấy cây đèn dí vào mặt chồng và nói, biết không, thằng Hai, thằng nhỏ ông cưng nhứt đó, nó không phải con ông. Nhìn ông chết sững, bà nhoẻn cười, rồi tắt đèn, để lại ông chồng lịm đi vì cái bụng xơ chướng cao vượt mặt và nỗi bẽ bàng bục vỡ.

 

*

 

Mỗi ngày mặt trời chỉ ở lại vạt đất năm tiếng đồng hồ. Không liu riu nhóm lên cũng không nguội dần, nó đột ngột đến và đi, quạu quọ.

Họ lấy hết nắng sớm mai của mình, bà nội cằn nhằn, cướp đất không được thì cướp nắng, cũng độc địa như thường. Chiều ngó về tây, chỉ thấy đỉnh tòa nhà. Lâu rồi không được ngó những bầy cò ám khói bay qua cái nia đỏ lựng đang dần lún xuống bìa trời. Cảnh mặt trời lặn trong hồi nhớ buồn và kỳ vĩ, ảnh hình biến hóa của giồng mây không bữa nào giống bữa nào.

Ngày của những nắng xưa chưa bị xén đầu xén đít, sáng sớm bà Huế Mười đứng trước rào kêu vói vô “trả thằng Đực lại cho tôi”. Chờ người trong nhà nói vọng ra, “có ai thèm mượn đâu”, bà già bỏ sang đòi con nhà khác. Mẹ nói từ về làm dâu Nhơn Thành đã thấy Huế Mười đi dài xóm tìm con, miệng cắm cẳn mượn con người ta lâu vậy mà không chịu trả, ác quá. Chưa ai từng nhìn thấy đứa trẻ đó, nhưng bà làm người ta tin là có. Nó biết đâu chết đẹn hồi còn ẵm ngửa, biến mất sau trận bom vùi, hoặc lạc mất sau mấy bận tản cư. Cuộc đòi người da diết đến nỗi tụi nhỏ trong xóm ít nhất một lần tự hỏi, biết đâu mình là đứa con của bà điên không tuổi.

Mở ngày ra bằng tiếng gọi con, bà Huế Mười bỏ qua bên sông. Ngày ở Nhơn Thành cứ toang hoác vậy, cho đến khi anh Bảy Cụt khép lại. Treo lúc lỉu nửa người trên đôi nạng, anh chửi xói vào từng nóc gia. Hồi đầu lũ chó còn sủa xé màng tang, sau vẫy đuôi mừng. Nhà này nhà Tư Hường nè, tổ mẹ nó, lúc mình bị sốt rét vàng mắt trong rừng thì nó lấy thằng chồng thứ ba. Nhà Mười Bốn đây, ba đứa con gái kéo nhau ra chợ làm đĩ hết, vậy mà khoe dóc tụi nó học uốn tóc học may, nằm dài cho đàn ông may thì có. Ờ, cái nhà rộng rinh này là của Ba Giàu, con vợ nhỏ nên đất giăng giăng mà không biết cười.

Đêm rùng mình theo chiếc nạng soi lỗ trên đường đất, những tăm tối, khuất lấp, lỡ lầm (mà người ta không tiện nói ra, hoặc chỉ nói thì thầm) phơi trần trên miệng anh cựu binh về từ tây biên giới. Họ quên tao, tụi bây cũng quên tao luôn, cũng đi bắn nhau mà sao kẻ anh hùng kẻ sình bùn, mấy chữ nức nở đó luôn làm người Nhơn Thành thở phào : Bảy Cụt đã về tới căn chòi của mình, sắp nằm trần ngủ phơi trên bộ vạc.

Khuya nào cũng gỡ mài cho sẹo xóm tươi máu, người ta không còn nhớ Bảy Cụt đã từng mười chín tuổi, ngồi trên xe quân sự vẫy tay, cười ngời nắng. Thằng nhỏ ấy không bao giờ trở về.

Nhớ lại, xóm Nhơn Thành chỉ thấy dễ chịu lúc xế trưa. Lúc võng đưa, gà kêu ổ, trẻ con thiếp ngủ trên giường. Những người thiến heo, vá xoong vá dép, bán cao đơn hoàn tán ghé đụt nắng, đặt đít ngồi trên những hàng ba đã bày sẵn bộ bình trà, mỗi người đều đem theo thế giới. Họ cứu rỗi xó quê bởi những chuyện của chân trời, không cách nào xác nhận thực hư. Đâu đó họ ngâm thai nhi dị dạng trong hũ, rồi bán vé cho người ta coi. Một bà già chín mươi lên xe hoa với chú rể tuổi hăm ba. Bên Cống Đá nhà kia bị ếm bùa Chà, năm nào cũng có người chết vì chảy máu không cầm được. Phía Cầu Đôi có thằng vác dao rượt chém mẹ, bị trời trồng chết sững, phải xây luôn mả đứng. Một bữa nghe họ kể chuyện người Pháp vừa xử bắn mấy ông làm quốc sự, cố Lem mới hay thân xác chồng mình đang gục đầu trên cọc. Chính là cái ông tỉnh bơ dặn xạ thủ, bắn thì bắn lẹ giùm cái.

Cũng trên đôi gánh, hay chiếc bị bàng, họ đem chuyện Nhơn Thành đi xứ khác. Không làm sao cản được chuyện nhà mình lê la những xóm quê nào. Cảnh mấy đứa con gái khoả thân cản họ càn vô đám ruộng lang thang rất lâu trên những đôi môi. Và vẫn làm nên những cái rùng mình, chuyện thằng người tự húc đầu vô xe san ủi, hộp sọ mở toang.

 

*

 

Đêm cũng không dễ chịu. Những tòa nhà lên đèn, hàng trăm ô cửa hắt sáng, cái vùng trời rực lên đó làm em tức ngực. Cảm giác mình đang ở  sau lưng, ở ngoài rìa ánh sáng, như hồi con nít thường hơi bực bội khi đám hát về bên sông, đèn của họ hắt đến giữa dòng rồi thôi, thứ ánh sáng mình không cách nào với tới.

Chỉ khi mờ sáng, trời vãi gió cho tụi bù nhìn trùng trình tay vẫy, vạt đồng sống động lên. Nhìn phía nào cũng như có người. Ở xa ngó lại, chắc họ nghĩ người nhà em còn đông. Hồi dựng chúng, em chỉ muốn nhìn quanh đỡ quạnh.

Chiêm bao thấy anh Tư nói mày đâu có thương tao.

Vía phân bua, có đâu, em nhớ anh mà. Nhớ lần băng qua vũng trâu bẻ trái ô môi, bị đỉa đeo đùi, bứt kiểu nào con vật hút máu cũng không buông. Phun nước bọt lên hai ngón tay, anh bôi lên chỗ miệng đỉa đói đang háo hức, cái thứ gớm giếc rùng mình rơi xuống. Lưng ánh những vằn xanh gờn gợn. Lấy tay bịt chỗ đỉa đeo, anh giữ ở đó cho đến khi thôi chảy máu, không hiểu sao lại thở hổn hển. Cái hôm lỡ tay nhồi bột, nhờ anh buộc lại tóc, cũng kiểu thở này suýt cháy gáy em. Không biết anh đang nhộn nhạo giữa hai đùi, em còn vô tư bảo “xong rồi gãi lưng giùm cái”.

- Mày đâu có thèm ôm tao. Toàn ôm Hai. 

Anh nói, rồi bỏ đi mất hút phần rìa của chiêm bao. Giống như hồi nào, bao giờ kết thúc một trò đùa tai quái, nhìn con em gái chùi nước mắt, anh đều tiu ngỉu, “mầy đâu có thương tao”. Như thể anh bỏ rắn vô giầy em, lừa em uống nước chứa trong lu có chuột chết, thắt khăn vào cổ em kéo lê đi, chỉ vì cái ý nghĩ kỳ cục đó.

Anh Tư bỏ nhà đi hồi nào, không nhớ. Người cứ lác đác mà đi, lúc ngoảnh lại nhà vắng ngắt. Hình như Tư có rủ em theo, rồi đùng đùng nổi quạu “mày đâu có thương tao”, khi em ngó quanh nói, chiều nay hết cỏ ngọt cho Hai ăn rồi, có khi phải qua sông cắt. Tư biết đó, anh Hai đâu có ăn gì ngoài cỏ ngọt, uống nước mương. Hai cần có chỗ để dẫn tụi nhỏ đi diễu hành, ở ngoài chợ đông người, nhìn thấy cảnh đó người ta cười chết.

Và khi sắp xếp những mảnh vụn của anh Hai trên vạt đất còn hằn vết xích xe san ủi họ để lại, em biết mình không bao giờ ra khỏi mảnh đất này.

 

*

 

Buổi sáng ấy chắc còn được giữ trong những tờ báo cũ.

Vào quãng giằng co nhất, ngày nào cũng có người của những tòa báo đến thăm. Hình cha trên báo nào cũng hốc hác, khờ căm, nói tụi tôi không cần tiền bồi thường, chỉ muốn giữ miếng đất hương hỏa.

- Họ không quên mình đâu.

 - Chưa chắc.

- Cái ông cầm giấy thu hồi đất, có khi chết queo rồi.

- Ổng nói không nhà nào lì như nhà mình, cả xóm nhận tiền đền bù đời thuở nào rồi, mà ở đây còn đôi co.

Vẫn không sao nhớ ra gương mặt người nói câu ấy, họ cứ nhòe lẫn vào nhau. Cảm giác gì đó như là nuối tiếc: họ không quay lại nữa. Dù bà nội nói chưa chắc, và mọi người vẫn chia nhau từng góc đất ngó chừng. 

Những ngày dày mây, trời dính cứng vào cột chống sét trên nóc cao ốc, gió như bị nhốt. Không khí bí như nhốt trong một nhà tù. Không lối ra nào giữa vách sau của những tòa nhà chi chít ô cửa chớp. Vạt đất đã bị bỏ quên hoặc họ giả đò như đã quên. Như người ta vẫn làm trẻ con khóc rộ khi vờ bỏ quên chúng lại lúc ra khỏi nhà. Quên là một kiểu trừng phạt, sau dọa nạt.

 

*

 

Có khi không kìm được ý nghĩ, họ là thể loại xa lạ với mình. Nhưng chỉ nghĩ thôi cũng không phải với bà nội. Thuộc về họ có con trai bà. Vách nhà từng treo hình người đàn ông trẻ măng mặc quân phục vẫy tay trên bục mít tinh, nhưng sau đám tang ông nội, chúng đã bị đem úp vào đáy tủ.

Lần gần nhất người trong ảnh về đúng mùa gặt, trời đang nắng thì trở mặt, mưa xuống khi lúa phơi ngoài sân chưa kịp cào đậy. Người và lúa ướt ngoi. Nghe tiếng vỏ lãi cặp mé sông, một người cầm máy quay đi giật lùi lên nhà, sau đó là bác Hai Sang sải bước dưới tán dù che mưa, sau đuôi là một đoàn người nghiêm nghị.

Bà nội vắt nước chiếc khăn rằn trùm đầu, nheo mắt hỏi “Sao quỡn mà ghé chơi vậy ?”, rồi hết sức lịch sự kêu “vô nhà, uống miếng trà”. Như một người bà con bên xóm mới qua, như không phải cuộc gặp của người mẹ với đứa con từng được cưng nhất nhà, từng được công kênh trên vai coi chiếu bóng hết đêm này đến đêm khác. Bà nội cứ để nguyên cái quần xà lỏn rỏ nước rót trà mời khách, hỏi “mạnh giỏi chớ ?”. Bầy trẻ cắt bánh tét bưng ra. Ông con hỏi ủa có đám giỗ sao ? Nội khủng khỉnh trả lời, “hôm qua cúng cơm tía chồng tôi”.

Cảnh ấy hôm sau được chiếu trên truyền hình, giọng phát thanh viên nhấn chìm cuộc gặp vào câm lặng. Thấy rõ vũng nước dưới chỗ bà nội ngồi, và Hai Sang bước ra sân, cắn mấy hạt lúa, gật gù. Mười ba năm trước, cũng ngay mùa gặt, thằng con cuốn đồ đi, nói “tui với má khác xa lý tưởng”. Nó tin vào muôn năm, bà nội thì không.

Má con chắc không nghỉ chơi lâu vì cái lý tưởng chẳng biết tròn méo ra làm sao, người trong nhà từng hy vọng vậy, nhưng sau lần đó Hai Sang không bao giờ quay về Nhơn Thành, cũng thôi ngồi trên truyền hình nói những chuyện chẳng ăn nhập gì với dân làm ruộng. Những lá đơn ẩn danh rải đi trước kỳ bầu cử, méc ông là con rơi của người trào cũ. Gã trung uý trên tàu sắt thường ghé qua chòi vó bà nội đổi dầu lấy cá, tôm. Quãng ông nội quấn miết mấy cô vợ nhỏ trên nhà, bà nội có bữa thả sông ngâm mình cả đêm. Anh ta vớt bà lên, đôi tay khét thuốc lá lau khô người bà, rồi nói, có muốn mượn tôi để trả hận không ? Lợi dụng tôi đi, không sao đâu, tôi còn mang ơn nữa, lợi dụng bao nhiêu cũng được, tôi thích vậy.

Lý tưởng không thuộc về người có thân thế nhập nhoạng. Câu chuyện về người con đầu lòng nhà nội chỉ còn lảng vảng trong những bữa nhậu đông người. Thằng nhỏ Sang đó được cưng như trứng mỏng, toàn ngủ trên tay tía nó. Con nít xóm này chỉ riêng nó không khét nắng, mười mấy tuổi đầu da thịt vẫn thơm, đầu vuốt dầu dừa mướt rượt. “Chuyện đồng áng khỏi rớ tới, lo học thôi”, ông già dặn vậy, lúc nhét xấp tiền vô túi thằng con bước lên xe lam ra chợ học.

Có lần đám trẻ trong xóm vạch đầu gối đếm coi ai nhiều sẹo nhất, Hai Sang không có cái nào. Tư Bèo giữ trâu đầu gối nát nhừ, bốn mươi hai năm sau khi gặp lại thằng bạn trên đê, lúc Hai Sang nói chúng ta phải tính coi trồng cây gì nuôi con gì cho nông thôn khởi sắc, ông Tư bập điếu thuốc gò bằng ngón tay cái, kêu lớn, “Nuôi con c(ặc) ! Đầu gối trơn lùi thì biết gì chuyện mùa màng của tụi này”.

Câu nói sỗ sàng của ông Tư lại vang trong đầu em vài lần đứng ở đầu lộ Gòn nhìn đoàn xe công vụ cuộn qua. Những người đang giấu mặt trong xe chắc chẳng bao giờ chộn rộn nhìn cái măng tre háu hơi nước trồi lên sau cơn mưa báo hiệu một mùa lúa mới. Không chóng mặt bởi cái nắng đỏ ối giữa đợt hạn bà chằn đang làm rụi mớ lúa sạ mới lên ngọn chừng gang tay. Không cuộn ruột khi thương lái xách giỏ thờ ơ đi qua sân phơi ngùn ngụn lúa.

Vào buổi sáng bầy xe ủi kéo tới chà đi xát lại đám lúa no đòng đòng, họ không nghĩ rằng lúa đang chửa. Những thứ đang thai nghén đều đáng được sống, ít nhất cho tới lúc sinh nở xong.

Họ không bao giờ biết được tại sao sáng ấy tụi em phát khùng.

 

*

 

Đi tắt qua vườn ra chỗ mẹ chỉ vì nhớ được món canh cá lóc nấu lá me non. Cái vị chua thanh, và lớp thịt trong veo của cá non tháng Sáu lan dần đầu lưỡi, cổ họng. Mẹ kỳ cọ xương quai xanh, không ngước lên, nói phải nêm thêm ít rau tần dày lá, mới thiệt thơm. Không có lá me thì luộc cá với cơm mẻ, nước mắm dầm chút ớt, em bảo. Hay kho quẹt, rắc tiêu xé lưỡi ăn kèm với chuối xiêm chín, cũng qua bữa mưa dầm. Những con cá mềm tựa cổ tay trẻ nít, vừa vượt qua cuộc sinh tồn khốc liệt với bầy đàn, thịt phảng phất mùi mạ và mùi nước mưa.

Nước mưa cuối mùa thơm hơn nhiều, mẹ nói, mà lại không chát như mưa tháng Sáu. Nắm lá ổi trên tay bà chà miết lên hõm cổ đã tươm máu. Vài chỗ thịt đã mọng lên, mẹ nói chưa sạch đâu, còn lâu.

Câu đó cũng có nghĩa mẹ vẫn tanh, đừng tới gần. Không quay đầu, mẹ vẫn biết em lén nhích lại từ phía sau lưng. Không nhớ nổi bao lâu rồi không được dựa vào mẹ. Làm sao leo được qua cái rào “Đừng, mẹ tanh” ?

Sau chuyến đem đơn cầu cứu ở thủ đô về, mẹ chỉ để anh Hai tới gần, chắc nghĩ anh ôm ấp được chuột nhắt, heo con thì sẽ chịu được mùi tanh của mình. Tránh xa gian bếp đã mấy chục năm hong khói tóc, mẹ sợ cái tanh đâu đó trên người sẽ ám tới thức ăn. Ngồi nép ở góc nhà, hay đầu thềm mẹ kỳ cọ không thèm ngủ, miết đến rách da. Không ai biết được đã xảy ra chuyện gì trong chuyến đi, hỏi thì mẹ chỉ lầm lì chà xát.

 Khi đó cả nhà hơi sợ khi thấy mùa hạn bắt đầu, mẹ sẽ không còn được đứng ngửa mặt giữa sân cho mưa xối lên tóc lên người. Chỉ tắm mưa mẹ mới tin mình đã sạch, chịu thiếp ngủ một chút. Mưa của mẹ không chỉ là thứ nước trời chan xuống ruộng vườn người ta hứng lấy pha trà nấu cơm. Những cơn mưa có mùi vị không giống nhau, mẹ nói, không tin thì lè lưỡi ra nếm thử, mưa sáng thơm mùi bông khế chớ đâu có chát đọt cau như mưa bữa qua.

 Vậy nên mẹ bước vào những mùa khô đầy thất vọng, khi trầm mình ở trong hai mươi ba lu nước bên hè, và nhận ra chúng chỉ có một mùi lá mục.

 Giờ nước trong lu cũng cạn. Trời trong ngằn ngặt, mẹ làm sạch thân thể  bằng những thứ lá có mùi thơm, của xoài, sả, ổi. Mùi lá gợi nhớ tới một món ăn đồng ruộng đầu mưa nào đó mà em không nhớ nổi. Muốn gạ chuyện để mẹ lơi tay kỳ cọ, muốn thổi cho da mẹ bớt rát xót, rốt cuộc chỉ nói nổi một câu “mẹ nghĩ coi, họ có tới nữa không ?”.

Họ mà tới lúc này, nhìn thấy máu ứa khắp người mẹ chắc sợ. Như hôm ngó anh Hai giãy tê tê, họ đã gần như bỏ chạy.

 

*

 

Con vật nằm gác đầu lên gốc dừa, những nhánh xương sườn rụng ra đất. Bầy kiến đã tận thu thịt da, đến nỗi mẩu xương nào cũng sạch bong. Đó là hình ảnh cuối cùng của con chó cuối cùng. Không ai hay nó chết, vì lâu rồi con chó không sủa nữa. Bởi trăng gió chẳng còn kỳ diệu, và vạt đất vắng tanh chẳng có người lạ tới lui. Lâu lâu người sống trên đỉnh tòa nhà ném xuống vài món đồ cũ, hay túi rác, con chó sủa lăng líu, ngọng nghịu. Như con người lâu không nói, giọng cứng đờ tựa lưỡi hóa thành củi khô.

Giờ tiếng chó cũng tắt. Bươi đất vùi đống xương trắng, nghĩ xứ Nhơn Thành thôi xong rồi. Tàn tạ ngay từ hồi mấy nhà nghèo cầm cố sạch miếng đất mình sở hữu chưa được bao lâu, tiếp tục nhậu nửa ngày, nửa ngày đi đào mương mướn. Hay lúc ông già Tư Bèo bên xóm cháy cùng đống lúa ngùn ngụn ngoài sân. Năm đó lúa rẻ đến nỗi gần như cho không, nhưng thương lái vẫn khủng khỉnh đi luôn, mặt hất lên trời, không quay mũi tam bản lại. Người ta tính chục giạ lúa chỉ bằng giá tô hủ tiếu, hai chục giạ mới đổi được một ký trà. Ông già nghĩ tới đống nợ mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu, công cấy công cày, ngồi nhậu tù tì. Lúc châm dầu lửa mồi đốt đống lúa đã khô, chắc buồn tình ông bước luôn vào lửa, hay xỉn quá té vô, không biết. Nhưng nhìn tư thế, nghĩ ông không thèm giãy dụa.

 

Người ta hay được thì đám lửa khét tanh. Ông già không cháy hết, nhưng lửa đã kịp bôi xóa mọi sẹo vết của người nông dân cả đời vật lộn với đất đai, trừ bàn tay bị tháo khớp do kẹt vào cánh quạt máy suốt.

Những dấu hiệu mà tàn rụi gửi lại, còn có nắm tro của Nhí, cô gái đầu tiên trong xóm lấy ông chồng Đại Hàn, bị chính chồng dìm trong bồn tắm. Hay thằng con trai bên sông đâm bạn chí mạng trong bữa nhậu chỉ vì cuộc sống buồn tẻ nhà quê. Vài đứa thanh niên còn lại bán đất mua xe, một bữa thân xác tuổi hai mươi tế cột đèn sau cú va chạm  rợn người. Và những người mùa trước còn ra ruộng, giờ ngồi đánh bài, trong lúc chờ nhận tiền bồi thường đất để mua sắm đã đời. Trong những sòng nhậu được nhóm lên từ sáng sớm, nhiều lần tự hỏi nhau không hiểu sao nhà Ba Giàu ôm khư khư miếng đất, làm nông dân thì có sướng mẹ gì.

Thì cũng có lần nghĩ phải đi, tìm một mảnh đất khác để ăn nằm với mùa màng, nhưng bà nội nói, rồi đám nhỏ về thì biết nhà đâu mà tìm.

 

*

 

Một tuần sau khi người ta đổi cờ trên nóc đồn Nhơn Thành, bà nội nấu bữa cơm mừng ngưng bom đạn. Hai mâm dọn dài trên bộ ván giữa nhà, linh đình như đám giỗ. Cơm này nấu đãi đằng con cháu tay chân lành lặn trở về, không phải dành riêng cho người thua kẻ thắng nào, nội nói với mấy ông con đang nằm lắc võng, hút thuốc gò.

Nhưng cái mùi thuốc súng trộn trong máu khô và tóc cháy vẫn lởn vởn trong bữa cơm, nhất là chú Tèo Anh bên sông bơi xuồng qua, trật lưng quần chìa cái thẹo rúm lại bằng nắm tay hỏi Hai Sang, “Ê, nhớ cái thẹo này không mậy ?

- Sao quên được. Tôi đâm chớ ai.

- Dì Ba nghe rồi đó - Tèo Anh kêu vói ra sau bếp - Thằng Sang nó nhận đâm tôi rồi nghen. Trước giờ dì toàn bênh nó.

Giọng chú chói như cái bữa bỏ dở cuộc càn, nằm trên cáng thương áo quần bê bết máu, tay vịn cái tô úp vô chỗ thủng cho ruột khỏi vọt ra, dừng trước nhà kêu, “bớ bà Ba Quyên thằng quý tử của bà đâm bể bụng tôi, anh em bạn dì ruột mà chơi vậy mà coi được ?”. Bà nội xé cái áo may bằng lãnh Mỹ A ra để buộc ngang bụng thằng cháu, một người cáng thương phân trần, “ông trời này không chịu băng, để về nằm vạ với dì”. Tự thấy giọng đã đủ quả quyết, bà nội nói, “không phải thằng Sang đâu, nó ở miết trong rừng, đâu mà ra tận Giồng Cỏ Xước đụng bây”. Nhưng chú Tèo Anh khăng khăng nói thằng Sang chớ ai, nó bật nắp hầm dọt lên, trắng như cục bột. Bà nội nghe tiếng mình đuối dần về cuối.

- Ờ, có khi thằng nhỏ quýnh quá đâm lầm.

Nhưng cuộc nhậu mừng ngưng chiến cuộc sực tạnh, Hai Sang nói khi đó súng mình hết đạn, trong tay chỉ có cây dao mác, và tính trước sẽ đâm vào bụng Tèo Anh. Quãng đường từ cái hầm dưới bụi tre chạy tới mé kinh là mười hai bước, cái hỗn loạn của một người đổ xuống sẽ được tận dụng để chạy thoát.

- Sao lại nhắm vô thằng anh mày ?

- Thì anh đứng gần miệng hầm nhất. Và còn chỉa súng phía tôi.

- Biết là mày thì tao đâu bắn.

- Tụi đi cùng sẽ bắn. Chiến tranh mà. Nhưng anh có chết đâu sao cằn nhằn nhức xương quá.

 

Chú Tèo Anh gãi gãi cái sẹo, cười. Ờ hén, phải tay người khác, có khi họ đâm xoáy ngay tim, đâu chỉ gây vết thương hú họa vu vơ như vầy. 

Một cái dấu chấm xuống dòng. Sau cái trống trải im ắng của khoảng trắng, chiến tranh lại miết lên giấy câu chuyện đắng cay dai nhách của nó. Hết lửa ngọn nhưng không biết chừng nào than mới chịu nguội đây, bà nội rên rẩm trong bụng, khua đũa leng keng miệng chén, kêu tụi bây ăn đi, cháo vịt nguội ngơ đông mỡ rồi kìa. 

Hồi còn bắn nhau, có hai thằng con trong bầy đi theo hai phía chiến tuyến, bà nội dặn cả nhà không được nghiêng theo bên nào, “Dân làm ruộng thì cắm đầu làm ruộng thôi, cảm tình riêng thì để bụng chớ nói ra”. Nhưng ông nội công khai chở lúa, gởi tiền vô rừng cho thằng con lớn, bà không can. Thằng em hay được tỉnh queo, “có sao đâu, tía cưng anh Hai nào giờ ai cũng biết”, rồi lắc võng ngủ khò.

Đứa vắng mặt thì chỉ cái tên đi lại trên môi người ở lại. Thỉnh thoảng nhận được thơ viết tay, nó không xin áo mới thì cũng pin đèn, dầu. Lá thơ nào cũng bắt đầu bằng “Con tin thắng lợi đang tới gần rồi”, và lấy “tía má có khỏe không ?” làm kết thúc. Bà nội cứ lộn lá thơ hy vọng có dòng nào bí mật rơi ra, một câu hay một chữ hỏi tới chứng phong thấp của bà.

Đứa ở gần ngày nào cũng đảo qua nhà lục cơm cháy. Mùi rượu cuối chiều, tóc tai phủ gáy kêu hoài không chịu cắt, nửa đêm huýt sáo chọc chó sủa dậy, có cái áo mặc hoài hôi xì mà không chịu thay. Sự sống động đó, tùy tiện đó, bừa bãi đó khuấy động bà mẹ, khiến lòng bà trùng trình. Thương lén, thương bằng mắt, bằng cái điệu bộ đuổi xua, “cơm chánh phủ đâu sao không ăn, lảng vảng chi trong bếp dân thường”.

Sau cuộc bãi khóa, ông anh lớn bỏ học vào rừng, chú Quý cũng trở về Nhơn Thành, vét sạch hai bồ lúa mua chức xã trưởng. Ngày nào tân xã trưởng cũng ngồi trước hàng ba lau khẩu súng mới được cấp, đuổi dạt mấy người hay tới gặp ông nội hầm hè chuyện để con cái trong nhà trốn theo bên đỏ. Một tay ôm con gà nòi chiến, tay kia xỏ vô túi quần tây, xã trưởng thả tà tà dài xóm, lâu lâu thò đầu vô nhà ai đó hỏi, “Có nuôi chứa ai trong nhà không, thím hai ?”. Chẳng ai dại gì nói có, nhưng xã trưởng hết sức hài lòng, “Không hả ? Ờ được”. Rồi huýt sáo bỏ đi, những nốt nhạc của bài “Nét buồn cuộc chiến” cứ rơi đằng sau gót. Bài hát như nhạc hiệu của xã trưởng, chưa thấy bóng Tư Quý đâu người ta đã nghe rười rượi “mắt em buồn cuộc chiến quê hương, tóc em buồn màu hỏa châu vương, từng đêm nghe súng nổ, con tim mình tan vỡ…”

Thằng con xã trưởng ở đầu gánh, cân bằng với một thằng con khác ở trong rừng, ông nội giữ tư thế người ở giữa, kệ chiến cuộc có nghiêng về bên nào. Nhưng tình thương của bà nội đối với đám con thì khó lòng rạch ròi thế ở giữa. Như bữa mừng dứt chiến tranh, ăn uống xong lôi bộ bài tây ra đánh chơi, thấy chú Tư Quý thua xiểng liểng, bà nội lén dúi cho mấy chục cắc. Vớ mớ vốn đó chú Tư lội ngược dòng, vét sạch túi mấy ông anh. Tàn cuộc, chú phủi đít quần hốt vốc tiền bỏ vô túi người anh họ cũng vừa nộp súng xong.

- Đem về mua gạo cho sắp nhỏ, tụi mình phải đi xa dài ngày mà.

Người đàn ông nhẹ nhõm với thắng thua ấy, ngày về thành con người khác. Như thời gian ở trại cải tạo, người ta đã đánh thức chú giữa giấc ngủ, giữa bữa ăn, lúc đi tắm để dí ngón tay giữa trán, nhiếc móc “anh là kẻ tay sai tay sai”. Là kẻ tay sai. Kẻ tay sai. Tay sai. Như thể trong hai mươi lăm ngày lao động cải tạo, cày cuốc, cọng rau, và cỏ dại đều day đi day lại, nhét đầy những lằn rãnh những tia máu trong đầu chú, “đồ tay sai”

 

Cả tiếng đũa khua, hôm đầu tiên chú về, cũng rón rén, phập phồng. Cái thằng nhỏ ung dung, hay phẩy tay phớt đời của mình đâu rồi, bà nội nghĩ vậy lúc thắp cây đèn ngồi kế bên, gắp cá bống kho tiêu bỏ vào chén nó.

Một bữa sớm, Tư Quý đổ dầu máy cày, rồi lái thẳng ra đồng. Không bao giờ chú quay về nhà nữa. Người ta đã lần theo vết máy cày dằn trên đất, đi hết đồng Nhơn Thành đến Phong Điền, Trảng Gió, Mù Sương cho đến khi không còn nhận ra dấu hằn của máy cày Tư Quý với những chiếc máy cày miệt khác chạy ngang dọc trên đồng đất tháng Năm.

Bằng cách đi vào mịt mù, chú Tư Quý khiến bà nội vĩnh viễn nghiêng thương về phía mình, “Bữa thằng nhỏ đi chỉ đem theo có nắm cơm nếp đậu, nó có thể đi đâu chớ ?”.

 

*

 

Còn nhớ được khạp muối trắng tinh trước khi xỉn màu đi vì gió. Những bông gòn thu lu nằm trong góc nhà, cố trắng cho đến khi không giữ được mình nữa, lầm bụi. Nhớ đám súc vật khỏe mạnh nuôi trong nhà trước khi sinh sản đồng huyết làm chúng dặt dẹo, nhỏ dần.

- Họ kêu, theo tụi này, bảo đảm điền địa còn nguyên.

Bà nội cay đắng. Quãng đó giữ năm trăm công đất, ranh rấp đi cả ngày không giáp, ông bà bước ra đường ai cũng dạ thưa. Cuộc chiến còn giằng co, thuyết phục được đại điền chủ đất Nhơn Thành ngã về phía mình coi như nắm được dân, hai phía đang đánh nhau đều nghĩ vậy, nên kẻ thì đẩy cổng lúc ngày, người gõ vách lúc nửa đêm. Như những tay câu chuyên cần mà mồi nhử chính là mớ đất bà nội đang làm chủ. Chữ nghĩa không bao nhiêu, nhưng bà biết chính thể cần dân, dân cần đất. Lấy đất mua dân, và lấy sức dân sắm sửa nên triều đại, xưa nay vẫn vậy.

Không mấy khi dân làm ruộng được ve vãn, cưng chiều. Chỉ cần giữ thế ở giữa, hai bên còn tới ỉ ôi. Nghĩ, bên nào thắng thì dân làm ruộng cũng làm ruộng thôi, nhưng phải có đất thì mới làm được. Hết ô buýt mới ra đồng thăm lúa, đuổi sâu bọ được.

 Đêm nằm ôm cái radio rọt rẹt nghe nhạc, cảm giác được rồi chiến cuộc sẽ nghiêng về bên nào, ông nội âm thầm oằn ngọn về phía thằng con mà ông cưng nhất. Vét bồ, bán lúa, gởi tiền vô rừng. Ai thắc mắc thì ông bảo cái đám bủn rủn nhớ đàn bà, thể nào cũng thua. Bắn gì nổi. Bà nội nghe cũng phải, không can.

- Lúc đó cần mình nên họ tới ỉ ôi, xong rồi phủi đít cái phẹp, quên tuốt.

Những gì bà nội nhớ về, hết thảy đều cay đắng. Chồng cả đời chạy theo bóng sắc, sớm ra đầu chải dầu dừa mướt rượt, mặc đồ lụa trắng ôm con gà, cà nhỏng ở chợ xã. Có quãng xách dái đi mất biệt, lúc về nhón chân ngó qua bồ lúa coi còn đầy không, tính đường bán để chơi tiếp. Cả nhà quen cảnh thương lái ghé, nói cậu Út Điền đã lấy tiền trước, giờ đong lúa trừ. Một bữa, ông nội đưa về cô đào hát, nói từ giờ em Phượng đây sẽ ở với tôi.

Bà nội ừ, cất chòi vó mé sông, ngủ luôn ngoài đó. Không nói gì, dửng dưng ngó chồng mình chiều chiều xách nước rửa chân cho cô đào, mua quế về cho cô gặm thay cho mấy móng tay. Mỗi tối cô Tư Phượng hát cho dân Nhơn Thành coi, ông chồng ham chơi sẽ đóng vai cái chuông chùa, con chó sủa gâu gâu, tên lính hầu đợi kêu thì dạ, hay là thằng tiểu đồng ôm kháp trầu mặt mũi ngu ngơ.

Ông nội xuống chòi vó với bà lớn mỗi tuần một lần. “Một tay con Quyên lo quản mấy trăm công ruộng, tôi xuống ngủ với nó là vì muốn rút bồ lúa ra sắm sửa kiềng vàng cho mình, chớ yêu thương gì đâu”, ông nội trần tình với bà Hai đào hát vậy. Bà nội lớn vô tình nghe được, nghĩ không có đất thì mình không là gì hết. Không có đất thì mình không có gì hết. Không có đất thì mình không còn gì hết.

Nhưng câu nói đó thật sự đóng đinh vào lòng bà nội khi bất lực ngó vạt lúa sắp gặt cháy trụi. Đó là cái tối cải cách chính thức lấy đất điền chủ chia cho hơn ba chục nhà nghèo trong xóm. Cánh đồng thành bãi lửa, cùng với sự giúp sức vô tình của đợt hạn bà chằn rút nước chân đồng, và gió chướng. Những hạt lúa sắp gặt nổ ran, vỡ ra tàn lửa tựa pháo hoa. 

Không khó để biết mồi lửa từ đâu, trong ánh mắt hể hả của những người mới hôm qua thôi còn là tá điền. Kéo nhau ra đứng ngắm nghía đám cháy, phấn khích trong cơn say xỉn ăn mừng có được mảnh đất đầu tiên, họ đã gần như vỗ tay lúc lửa ngọn xoắn vặn, nhảy nhót trong gió. Không khó để biết mồi lửa từ đâu, khi sáng dậy thấy cứt bôi hàng rào, và bích chương “người cày có ruộng ghi ơn tinh thần hy sinh của điền chủ” bị xé.

Sau này, khi một nửa trong số họ mò đến nhà xin được cầm cố đất, bà nội chửi như tạt nước, “mấy người tàn mạt cũng phải, làm ruộng mà đốt lúa, đất nào tha cho thứ phản phúc đó”. Họ bứt tóc, “thì đó”.

- Tôi đối xử với mấy người đâu có tệ. Nhớ đi, bận giáp hạt nào cũng xách gạo đem cho.

Họ bứt râu, “bởi vậy”. Bị xài xể sao cũng chỉ biết gãi đầu “thì đó” với “bởi vậy”, rồi xách món tiền cầm đất ra về. “Cầm cự không được bao lâu đâu”, bà nội hắt nước trà lên dấu chân khách, “rồi lại khi vác dá, quảy vòng gặt đi mần mướn, như hồi chưa có cục đất chọi chim”.

Những người bà nội yêu thương, đều bỏ đi bằng cách này hay cách khác, chỉ đất là quay lại, hiền lành. Cho đến khi họ tới, lia tay trên đồng đất Nhơn Thành và nói chỗ này làm sân gôn là hết sẩy.

 

*

 

Họ còn không biết mảnh đất này đã làm nên truyền thuyết.

Người ta kể có hai cơn mưa trút xuống Lem khi nó bưng thúng đậu xanh trở lại nhà bà Cả. Và câu hỏi “từ bữa đi đâu mà giờ mới trồi đầu về đây ?” làm nên cơn mưa thứ ba. Con ở đợ ngồi ngẩn giữa nhà, tay ôm đầu gối nghe bụng đội ngược, nghe xóm giềng rủ nhau lại nhắc con Lem nào đó đã biến mất bảy tháng nay, từ buổi sáng bà Cả sai nó đi rẫy hái đậu.

Giờ thì cô biết tại sao cái cổng rào chính tay mình vừa mới quét vôi giờ tróc lở, bông giấy lợp rợp. Hôm Lem đi cuối chạp, giờ sắp bước qua tháng tám. Mưa sòng kéo bầy lợp rêu lên xóm Nhơn Thành. Người phổng phao, bụng ưỡn cao làm vạt áo nhách ngược lên, Lem đi qua đi lại trước nhà bà Cả mấy lượt, ngờ ngờ. Cả cỏ trong sân cũng không giống cỏ lúc nó đi. Nhà củi không còn kê bộ vạc cau từng khoanh giấc ngủ nó từ hồi vào ở đợ. Bà Cả nói tưởng bây chết bụi chết bờ nào nên chẻ vạc un muỗi cho trâu.

Nhưng chính cô cũng không trả lời được sao con Lem còi giờ biến thành con đàn bà chửa chang bang. Lem không nhớ gì, cả kẻ dan díu với mình, sấp ngửa ra sao. Bảy tháng, thời gian đó như cái đìa nước phèn trong thấy đáy, không chút hình ảnh, dư vị nào.

Cắm mặt tách vỏ mớ đậu xanh đã bị sâu mọt khoét, Lem dành cả ngày tìm mớ thời gian thất lạc biết đâu đang rúc sâu trong đó. Đôi lúc phải dừng tay vì đứa nhỏ đạp vách bụng, Lem mới nhớ trong người mình đang ủ một sinh linh. Người Nhơn Thành trông đợi một câu chuyện thật ly kỳ, “Biết đâu con nhỏ ướm chân lên dấu chân trâu đẻ ra thứ kỳ cục nào”.

Ngày thứ ba sau khi trở về, Lem rầu vì đậu đã bóc vỏ sạch trơn mà không mót chút ký ức nào, có anh giáo bên Đồng Gò lò dò tìm vợ. Anh nói đứa nhỏ trong bụng Lem là của anh.

Con Lem nọ nửa đêm lạc vô nhà anh, miệng nhai sình ngỏn ngoẻn, bảo có bà già cho ăn bánh và đưa đến. Lội bộ xuyên qua cánh đồng đất khô trơ rạ, chân Lem rướm máu, môi nứt nẻ vì kiệt nước. Nghe tả bà già anh nghĩ ngay tới bà má vừa mới mất, tưởng má hiển linh đi kiếm vợ cho mình nên anh giữ Lem lại. Lần đầu ăn ở với nhau, Lem vừa ái à ái a với anh vừa ngó chừng thúng đậu. Anh không biết có gì quý giá trong đó, đến nỗi Lem giấu trên giàn bếp. Một bữa đi ăn giỗ xong anh trở về thì không thấy thúng đậu đâu nữa, Lem cũng biến mất chưng hửng như khi tới.

Câu chuyện vừa khít với cuộc mất tích làm vừa lòng đám người hóng hớt ở nhà bà Cả. Lem cũng không trông gì hơn, cô của bảy tháng biệt tăm vẫn làm lụng nấu nướng như mọi đàn bà khác ở Nhơn Thành, không làm gì điên rồ, xấu hổ. Sự góp mặt của con ma già cũng hết sức bình thường. Đất này ma sống lẫn với người, ai đó từng ăn tóc mà tưởng là ăn hủ tiếu, ai đó từng thấy dãi lưỡi từ đọt me thả dài xuống đất, ai đó từng nghe trong bụi tre tiếng con gái khóc nỉ non, có người từng bị ma chó nhập chổng mông sủa suốt đêm và quá nhiều trẻ nít tắm sông bị ma da kéo chân chết nước.

Sau này những người kể lại chuyện bà Lem thường dừng ngay chỗ đó, lấy cớ phải đi pha trà, cài cửa. Để khi quay trở lại câu chuyện, họ ra đòn bất ngờ, “nhưng rốt cuộc có tới năm ông nhận cô Lem làm vợ, ai cũng quả quyết đứa nhỏ trong bụng cô là con mình”.

Lem, tức bà cố, chết vào năm sáu mươi mốt tuổi, không để lại di ảnh nào. Ông cố có bức ảnh trong kho tư liệu của người Pháp, sau này được lưu giữ ở bảo tàng, ngực bị đạn găm lỗ chỗ, ngoẹo đầu trước cọc xử bắn. Ít nhất cũng biết ông tóc râu đều rậm, mũi gãy trán dồ, người thấp nhỏ. Chỉ nhan sắc cố Lem phập phù theo hồi nhớ của những người già. Họ kể bà cố đẹp, nhất là khi mang bầu, người bà mọng như mật sắp tươm ra, nhỏ giọt. Chắc tê mê vị ngọt đó mà ông cố ái à ái a ái à ái a cho bà cấn bầu hoài. Phải ông cố không chạy vô rừng biết đâu bà còn đẻ tới chừng nào hết trứng mới thôi.

Cái buổi chiều kẹt giữa năm người đàn ông, nghẹn thở với những phiên bản xa lạ của mình, bà cố đã chọn chồng theo cách đơn giản nhất, bà hỏi nếu tôi ưng thì mấy anh sẽ cho gì.

“Mấy thứ họ có là đồ bỏ, tôi cho cô cả vạt đất bên sông”, người đàn ông đi cùng hai gã đàn em mặt mũi sọc rằn, không thèm xưng tên, nói, sau khi để tình địch hứa hẹn tặng Lem chữ nghĩa, vườn tược, nhà ngói ba gian. Nhưng đất bên sông là của bà Cả, ai đó cười mỉa. Anh ta mở rộng đôi cánh tay đầy sẹo vẽ ra một khoảng trời, mặt lạnh như đẽo bằng thép, bên con mắt hư nhăn rúm, “Thì cướp lại, mấy hồi”.

Sau này bà cố nói ưng ông vì mảnh đất làm quà cưới, thứ một đứa trẻ ở đợ ráo riết thèm chết được. “Không có đất thì mình không là cái gì hết”, lúc vớt bèo dưới cái gió bấc lạnh căm, lúc nửa đêm đi tìm trâu lạc, lúc nằm khoanh trong bộ vạc rách để khỏi ló cặp giò, lúc bị đòn vì làm đổ nồi canh, con nhỏ Lem đã nghĩ vậy. Đứa nhỏ đó có cả tuổi thơ trôi nổi trên chiếc ghe bấy bá đi cấy mướn gặt thuê, ngó lên bờ thắt ruột thèm muốn một khoảnh đất rộng chạy chơi, trồng cây ổi để leo trèo, thèm xóm giềng để tối tối sang nhà nhau xin lửa, thèm nhìn ổ gà con khẽ mỏ ra ràng, thèm đào trùn bắt dế. Con nhỏ từng sống sót sau trận dịch tả, tự tay vùi ba má mình ở bìa rừng, để lúc xin được một vuông đất chôn cất tử tế, thì thú rừng đã mang đi không còn một mẩu xương.

 

- Đi ! Cho tôi coi miếng đất của nhà mình !

Một cách dứt khoát, bà cố tay không te te bước theo người chồng, lạ từ cái thẹo đến cọng râu. Mỗi khi uống rượu, ông cố hay phiền lòng cái câu được coi là đầu tiên riêng tư giữa hai người, mà cố Lem nói khi đi được một đỗi đường, “nhà mình có sẵn trâu cày chớ? Ờ mà rày đây mai đó, chắc là không rồi”. Mùa này đã lỡ, nhưng phải chuẩn bị vụ mùa sau. “Lẽ ra phải hỏi thăm tôi đói bụng không ?”, ông cố càm ràm trong lúc hì hụi gỡ nút thắt dải dây lưng quần bà.

Cuộc xuất giá trở thành truyền thuyết đất Nhơn Thành, “hồi trước ở xứ mình có một bà năm chồng”. Cố Lem phẩy tay cười, nói đồn cố có trăm chồng cũng không sao, họ vẫn phải vay mượn lúa trong bồ nhà cố để lay lắt qua giáp hạt, “không có đất mới là không có gì hết”.

Nhưng chỉ mỗi con dâu út của cố Lem là ghi tạc câu nói ấy, chỉ một tháng sau khi cái buồng cưới lạnh tanh do chồng mải đi kéo màn cho đoàn hát, cô dâu bắt đầu coi đất là sẹo rún của mình, lấy ngoi ngóp bùn sình và mùa màng bất tận làm vui. Không có đất thì mình không là gì hết.

 

*

 

Như bàn cờ đang bỏ dở. Tướng đen chờ quân trắng đến vây. Tốt mỏi cẳng nhón ở bờ sông không biết khi nào thì được sang bờ. Nửa chừng rừng, biết còn cây. Nửa chừng mưa, biết nước còn trở lại. Chỉ họ thì không biết khi nào tới.

Họ trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại. Có khi ngồi bói lá, và hơi tuyệt vọng vì không biết nhánh trâm bầu còn giấu bao nhiêu chồi búp.

Cha giữ góc đất phía Bắc, giờ cũng hay bỏ chòi gác vô nhà ngồi nhìn con bù nhìn mặc áo thun đứng héo rũ ra trong nắng trưa, nói áo của ai mà đỏ nhức mắt.

 Áo này chị Ba mặc hôm họ tới. Cổ rộng, ôm sát người, trên ngực áo có in hình một tấm lưng trần. Lúc chị tuôn chiếc áo đẫm mồ hôi qua đầu, chung quanh chị đóng băng. Họ, những con chim bay qua, bù mắt, gió, lúa và những con chim bay qua sáng đó. Nắng sớm rọi xuống nửa trên thân thể chị, tràn trề như mật, viền óng ánh theo những đường cong.

Họ sẽ xấu hổ bỏ đi, kịp cho lúa trổ, mẹ kịp đem tin tốt lành về, không phải mẹ đã kêu cứu lên tận thủ đô rồi sao. Kế hoạch của cha là vậy, không còn gì để chống chọi, chỉ trụi lủi xác thân, đã đến nước này rồi. Cha nói hồi nhỏ, ông chứng kiến những phụ nữ tới đồn cởi áo đòi xác chồng. “Lúc chiến tranh người ta còn mắc cỡ, giờ lẽ nào...”, cha nói.

Chưa chắc, bà nội chép miệng. Rủi làm sao, bà thường đúng. Khi họ qua cơn tê dại bởi hai cô gái tự bóc vỏ dưới nắng, họ vẫn lừ lừ vượt qua ranh đất. Đòng đòng bị nghiến dưới bánh xe xích, máu xanh hòa vào nước chân ruộng. Cái cản trước của xe lầm lì chạm vào em, khối sắt không run rẩy, không xúc động. Nó chỉ rùng mình khi anh Hai lao đến.

Chị Ba bỏ đi sau họ chỉ vài tiếng đồng hồ. Không bao giờ trở về nữa. Vì anh Hai tả tơi trên bộ vạc. Vì lúc trút bỏ quần chị bỗng thả lỏng người đến mức quên mất đang đứng trước cuộc giằng co. Mông hơi lắc, đùi mở ra, khẽ uốn éo trong giai điệu nào đó bên trong chị. Cơ thể chị tuyệt không gợn chút bỡ ngỡ nào với nắng, gió và mắt người. Khoảnh khắc đó, cả nhà biết những năm qua chị lên Mỹ Thơ không phải để học may mà để bọn đàn ông may vào người. 

- Ừ đó.

Chị Ba xác nhận khi đi ngang qua em, ở cửa. Tan nát, bất cần. Ngoái nhìn anh Hai còn thiếu vài mẩu vụn, chị hỏi, sao nhà mình không sống như người ta vậy. Bỏ hết. Sống thôi.

Những người ở lại đâu biết sống bình thường.

 

*

 

Như cha, đứa trẻ được bà hai đào hát gói gởi tàu đò đem về. “Chắc gì con tôi ?”, ông nội thường nói vậy mỗi khi vợ trách ông thương hai thằng nhỏ không đều. Cảnh thường thấy khi ông cha đi ăn giỗ về, hai đứa trẻ chạy ra ôm chân, một đứa được xốc lên công kênh, đứa kia té lăn quay sau cú thẳng chân.

Chưa bao giờ đứa bé làm người cha hài lòng, từ cái mũi quá cao, tóc quá dày, mắt luôn nhìn xuống, bị đòn không khóc, ăn nói lí nhí không ra câu cụt câu què, ho quá nhiều, nước mũi lúc nào cũng tèm lem. Lúc ngủ nó hay lăn xuống sàn, lỡ không ai hay để lượm lên, nó làm mồi cho muỗi đói luôn. Sáng ra ông cha nhìn mẩn đỏ dày như cơm cháy trên người thằng con, nói “cắn mày thì muỗi khỏi cắn trâu, đỡ hết biết”. Chỉ cần nó xuất hiện là khui ra cái túi chứa bao nhiêu bẽ bàng cái quãng tàu đò nuốt trộng cô vợ ông cưng chiều đi mất, điền đất mênh mông chẳng giữ chân được người đàn bà lạc chợ trôi sông.

Chỉ má lớn đôi lúc kéo thằng nhỏ vô lòng, như hồi đón đứa bé ba tháng tuổi ngo ngoe, ngay lập tức cho nó bú bầu sữa căng ướt của mình, bà nói như đinh đóng cột “mặt mũi thằng nhỏ sáng trưng vầy, là do má nó bắt đèn, không phải sao ?”. Ngay từ đầu, má lớn đón thằng nhỏ như khách, sau này cũng vậy. Không đánh đòn, càng không mắng chửi, sai biểu gì. Lúc nào giận lắm, chỉ nói “con người ta, tôi đâu dám”. Những lần thấy anh em mình nằm quắn đít dưới roi tre, thằng nhỏ đứng bên hè khóc rống, nó thấy đau khi không bị đòn chung với họ. Cái cảm giác bị gạt ra rõ ràng hơn, khi má lớn vui miệng huyền thoại hóa những đứa con. Ờ hồi nghén thằng Sang, chỉ thèm ăn lá dừng vách. Còn thằng Quý tới lúc sanh mà cứ trồi ngược lên trên, mụ Tám phải mua mấy cục kẹo chanh để nhử nó chui ra.

Riêng thằng nhỏ được tàu đò quăng lên bờ, không có huyền thoại nào, ngoài chuyện được quấn trong cái khăn, cùng với mấy tã lót, chắc là đói lắm nên mút ngón chân. Người cậu gọi là má ruột, giờ chắc đang ngồi trên ghe hát nào đó, gặm móng tay, chờ rạp hát lên đèn.

Bà má vô ảnh hình nhưng lang thang đất Nhơn Thành, những khi thằng nhỏ nhận được củ khoai, trái ổi từ tay mấy bà già, cùng với cái xoa đầu, “con của đào Tư Phượng đây mà. Má mầy hát ngọt như đường phèn”. Má mầy thuộc làu cả trăm tuồng tích. Má mầy múa kiếm không thấy tay luôn. Má mầy đóng vai võ tướng là hết sẩy.

Hồi Tư Phượng mới tấp vô làm bé điền chủ Nhơn Thành, cả xóm trầm trồ làm sao một con đàn bà sống ở cái xứ đồng bãi này lại lười nhác như mèo, dậy lúc mặt trời lên quá đọt dừa, ăn nhỏ nhẻ và suốt ngày lử đử. Tuồng như mặt trời làm cho cô phát bệnh, mỗi ngày qua là một cơn mộng du. Nằm võng ngó mưa hay đứng dưới vòm bông giấy không có nghĩa là cô đang thức. Nhóm bếp một lần cũng không, nói chi cơm cấy cơm cày.

 

Cô đào chỉ thật sự thức dậy lúc đêm buông. Khi bốn ngọn đèn măng sông được thắp lên giữa nhà lớn, no căng ánh sáng, cô trút bỏ vẻ biếng nhác để cái mầm rạo rực bung nở từ bên trong, biến thành một con người tràn đầy sức sống.

 

Đèn măng sông uống dầu kinh khủng, đó là chưa nói lưới măng sông bên trong – thứ quan trọng nhất của cây đèn – cũng rất đắt tiền. Nhưng cô Tư Phượng được chồng cưng, chồng biết cô chỉ ăn đèn mà sống, nên nhà không đêm nào không sáng. Dân Nhơn Thành đợi chạng vạng, kéo nhau đi coi cô Tư hát. Hồi đầu cô ca diễn một mình, sau có thêm mấy nhỏ trong xóm thay nhau làm tiểu đồng, tì nữ. Như thiêu thân, chạng vạng là cả xóm lao đến nhà cô Tư bởi thứ ánh sáng không thể cưỡng lại nổi của những màn ca diễn xốn xang. “Xóm mình chưa bao giờ sáng giống như vậy”, một người già lim dim nhớ. Cái ánh sáng không phải từ hai đôi đèn, mà còn từ người đàn bà xa lạ, không quá khứ tấp vào xóm nhỏ này, mỗi đêm thắp lại thân phận của những người đàn bà khác. Họ đổ bóng lên nhau, một Lan vùi chôn xác bướm khô với ảo tưởng có thể quên được tình nhân, một Triệu Thị Trinh oai hùng, một Thị Kính ngồi sân chùa dỗ con thiên hạ, một Trưng Trắc vừa vung trống trận vừa khóc chồng. Tiếng hát của bà cực mảnh và cong, nhưng an lòng người nghe bởi cảm giác nó dai không có gì có thể bứt đứt. “Hai nấm mồ song song/ để xuân hạ thu đông/ dẫu mưa nắng dãi dầu/ cùng hứng chịu chung đôi”, chỉ mấy câu kiểu vậy thôi mà những chéo khăn, vai áo của đàn bà Nhơn Thành đã thấm bao nhiêu nước mắt.

- Má mầy mà hát bi thương thì khó ai cầm lòng đậu, họ nói.

Thằng nhỏ cũng từng hy vọng má về đón mình đi, khi ngó theo những chuyến tàu đò qua nhà. Y như đào Tư Phượng những ngày còn làm bà bé chủ điền, cứ mỗi lượt tàu qua là nhìn theo mút bóng.

Và má ruột thằng nhỏ cũng về, năm cậu mười một tuổi. Đang chơi với đám trẻ chăn trâu ngoài gò mả thì có người hớt hải kéo ra bến sông, nói “má mầy kìa”. Bà mặc bộ áo tuồng sặc sỡ, nhưng căng chật vì thân xác bắt đầu trương sình, đầu không còn mũ mão. Nằm hơi nghiêng trên mặt nước, nửa mặt cháy nắng, vành tai bị cá chốt rỉa trụi. Trông bà hơi căng thẳng, như không quen xuất hiện trước đám đông với bộ dạng như vầy, như đang tìm lời nào để nói với con mình, sau hơn chục năm bỏ mặc.

Người ta kể tối hôm trước đào Tư Phượng ám sát trưởng ty cảnh sát. Ba xác người nằm lại trong rạp hát, bà bị bắn ngay trên đường thoát, ngay chân cầu Nước Đen. Hèn gì hồi còn ở Nhơn Thành, trước buổi hát bao giờ bà cũng kể một chuyện nào đó trong pho sử ngàn năm chống ngoại xâm, hèn gì sau đó tụi nhỏ bỏ đi vào rừng cũng bộn. Lúc cái xác rực rỡ vừa nổi phịch lên, ai đó định bơi ra vớt nhưng bà đào đã bỏ đi, trôi rất nhanh qua Vàm Nước Chảy, nhưng tới bến sông nhà chồng thì chậm lại.

Chắc bà đào muốn gặp con, người ta nói. Nhưng thằng nhỏ rúm ró, tìm cách trốn khỏi hàng rào người đứng chật mé sông. “Giàu, kêu má đi !”, dưới nắng trưa bốc khói, họ dồn ép thằng nhỏ. Cậu cắn môi, cố để không bật ra lời, chống chọi lại sức hút của cái xác bà mẹ đang cố kéo cậu rơi xuống nước.

 Nhưng bà đào đã giải thoát cho cậu bằng một cú nổ. Một làn khói hình nấm phụt ra từ cái bụng trương sình của bà, trùm lên cả khúc sông. Mùi hôi thối giải tán đám đông. Khí độc làm những bụi rậm ven sông héo úa.

 

Lúc má lớn đi chợ về, nôn nả chèo xuồng theo, bảo “cổ cũng là người nhà mình, sao để nằm dưới sông vậy được”. Nhưng đào Tư Phượng đã bỏ đi rồi, như hồi nào bà lựa chọn nổi trôi.

Thằng nhỏ, sau trận ói tới mật xanh, cổ họng quặn từng cơn tuôn ra những ảnh hình, những ảo tưởng, thất vọng. Cái còn lại, chỉ còn lòng căm ghét không biết trút vào đâu. Hờ hững với những chuyến tàu, cậu nói sẽ bỏ học, phụ coi sóc trăm ngoài công ruộng trong bữa cơm. Người cha bỏ đũa, cười, nói “ờ phải, con đào hát thì học cũng chẳng tới đâu”. Lời không dễ nghe, nhưng thằng nhỏ mừng húm cha in bóng nó vô mắt, dù là khoảnh khắc.

Cậu nghĩ là mình đã tìm ra cách, để tồn tại trong cái nhà này. Bằng giống lúa mới mà cậu lặn lội qua Xiêm mang về, bằng cách học lái máy cày, làm bù nhìn đuổi chim, cậu nhận được thêm nhiều cái nhìn ấm áp. Đợt lúa bị đốt trên đồng, cậu bất chấp mương xa, gánh nước xuyên qua năm công đất để cứu mớ lúa giống cho mùa sau. Và lúc nán lại chờ tắt ngọn lửa cuối cùng, mắt đỏ ngầu, người rã rời trong tro bụi, má lớn nói “Giàu, đỡ má đứng dậy”.

Không nhờ ruộng đất thì má lớn mãi coi mình là khách. Không có đất đai thì chẳng ai ngó tới mình. Thằng nhỏ nghĩ vậy.

Họ nghĩ đất chỉ là thứ vô tình, một món hàng dễ bán mua như gói mì tôm, ly trà đá.

 

*

 

Hay, như em, sinh ra cùng lúc với một đứa trẻ lên cơn động kinh. Cha không biết nên chạy vô với vợ đang vượt cạn hay ở lại chỗ thằng con đầu lòng man rợ tự đập đầu vô thềm đá, nên hốt cả nắm đũa ăn chụm cho nồi nước đang sôi.

Những người từng chứng kiến cảnh đó, sau này đều nói họ tê dại bởi bất lực, những thứ đang diễn ra đều không thể ngăn lại được, một đứa trẻ sắp ra đời và một đứa trẻ đang dần chết. Rồi tiếng khóc sơ sinh mở toang vách buồng. Không cần tét đít, em khóc ngay khi thò đầu ra. Ngoài kia anh Hai chịu dừng lại, ngoẹo cái đầu rách thiếp đi.

Nghĩ là trùng hợp tình cờ, nhưng người ta bắt đầu nhận ra cơn kinh giựt của thằng nhỏ ngưng khi nghe tiếng khóc trẻ con đòi sữa. “Mẹ véo ngắt con hoài chớ gì, cho khóc, lúc thằng Kỳ lên cơn”, mẹ kể, giọng như khích lệ em hãy tự hào vì nước mắt thời được ẳm ngửa đã cứu người.

Nên em phổng mũi mỗi khi mẹ chạy lại trường tiểu học kêu về, anh Hai sùi bọt mép. Chỉ cần có mặt em, nói hoặc hát bâng quơ, anh lại qua cơn vắng ý thức, đơm nụ cười trên gương mặt dài dại. Mỗi khi có ai tấm tắc, “kiểu này mai mốt lấy chồng con em cũng phải dẫn thằng anh theo”, em sướng.

Nhưng suốt chín mươi ba cây số dài từ trường thi trở về nhà, em thấy mình vô cùng bất hạnh. Gương mặt mãi trẻ thơ của anh, làn da của người ăn chay hơi xanh rờn rờn gân máu, cách anh mút vết thương mỗi khi em bị xước da, hay cái kiểu nghiêm trang tuần hành quanh bờ canh chừng bọn con trai rình rập cho em tắm ao thoải mái. Tất cả những thứ đó, em ghét. Và ghét luôn câu nói của xóm giềng “thằng Kỳ coi em gái nó như má”. Nghe vậy, người ta xúm vô chọc riết thành quen, “Kỳ, má mày đâu ?”

Cho đến khi thấy anh Hai nằm như xơ mướp, trán rách, vài cục bưu gù lên tím thẫm như có những cái sừng đang tìm cách đâm qua lớp xương cứng. Đau đớn, cộng với mấy lần chết ngất làm anh kiệt sức đến nỗi không thể nhoẻn cười. Dính vào hạ bộ mình là nước tiểu, dây trói. Gốc cột bê bết máu, sàn nhà lả tả những chân tóc ứa máu anh tự bứt.

 

Sau này, có lúc ân hận vì con gái bỏ lỡ đợt thi đại học, mẹ nói, phải chi lúc đó chở thằng Kỳ đi bệnh viện. Thì sao ? Qua được lúc đó, nhưng chẳng thay đổi được gì.

Có lúc không làm sao dịu bớt cái ý nghĩ tiền kiếp mình nợ Hai. Ở kiếp nào đó em đã xua chó cắn chết một gã ăn mày. Kiếp nào đó em bỏ anh đi theo làm thiếp cho quan, còn xúi quan  giết quách chồng cũ cho rảnh. Kiếp nào đó em là bà chủ chứa, mua vợ của một nho sinh nghèo, đem bán lại. Cô ta tủi nhục nhảy xuống Lục giang cùng với cái bào thai. Anh chồng hóa điên, lang thang xó chợ gọi vợ ơi tắt giọng. Từng kiếp sôi lên, và những người đàn ông mang gương mặt anh Hai đã bị bọn đàn bà mang gương mặt em đày đọa.

Nhưng mẹ nói chính bà ngoại mới là người vay, không cách chi trả nổi. Lúc anh bốn tháng tuổi, ngoại ghé chơi, nghe đình Phấn Ngọn có đá gà, ngoại gói thằng cháu vơ chiếc chiếu manh bồng đi coi. Đến nơi chỉ còn cái khăn với chiếc chiếu. Thằng nhỏ rớt dọc đường, chắc đau quá điếng đi, lúc khóc được thì ngoại đã bỏ xa. Khi anh Hai lên cơn kinh giựt lần đầu, mẹ đấm ngực nghĩ do cú rơi hôm đó.

Từ giờ tôi với bà không còn má con gì nữa. Mẹ nói, chân đạp mũi ghe bà ngoại ra khỏi bờ vào một bữa trời mưa. Bị gả bán đổi mấy trăm giạ lúa, mẹ chưa dám ngẩng mặt lên với nhà chồng, giờ lại cõng thêm món nợ đứa con đầu lòng bị kinh phong. Quay lưng đi một nước, mẹ không ngoái lại chiếc ghe hàng bông lần nào.

Vài lần bà ngoại đi ngang Nhơn Thành, ghe chạy sát bờ, may có ai bên nhà sui ra trước nhà bắt gặp thì bà hỏi vói lên “cả nhà mạnh giỏi ?”. Có lần nhác thấy má đứng bến sông, bà ngoại lủi ghe vô bụi trâm bầu trốn.

- Biết đâu thằng nhỏ bịnh từ trong bụng mẹ, sao dám chắc do bồng lọt ?

Sau này bà ngoại phân trần, mặt tỉnh như không, như lỗi thuộc về con đường đã làm đứa trẻ tổn thương. Tính bà hời hợt. Như lần neo ghe hàng bông dưới bến, người ta hỏi bà ngoại có mấy đứa con. Bà bấm đốt ngón tay ngờ ngợ, rồi như không chắc bèn hỏi vọng xuống ghe, “Chèo, má đẻ sáu hay bảy đứa ?”

- Chèn, con cái mà dì không nhớ ? Rồi tụi nó đâu ?

- Té sông chết một mớ. Có đứa té lúc mới biết bò, có đứa thì mấy tuổi. Tụi nó ra đầu ghe ngồi ỉa, tàu đò chạy ngang dạt sóng lắc ghe, vậy là ngã ngửa ra.

- Chèn, sao không nhảy xuống vớt nó lên ?

- Có vớt chớ, mà đâu có kịp. Nghe rớt cái tủm, tưởng đâu dừa rụng, chừng day lại thấy đứa nhỏ mất tiêu, mới hay.

Đứa duy nhất sống sót bưng rổ cá chốt từ trong mui ghe bước ra. Sau này bà nội kể, ngay khi nhìn thấy đứa con gái buồn hiu, bà chỉ muốn dắt nó ngay lên bờ, chỉ để nó thoát khỏi con mẹ vô tâm. Má nó đòi đổi con lấy nhiều hơn ba trăm giạ lúa thì nội cũng gật.

Những lần xuôi ghe qua, chắc bà ngoại từng nhìn thấy cảnh hai đứa cháu bà diễu hành bên bờ sông. Hai đi trước, theo sau là con heo Còi, vịt Cộc, và gà Điều. Em khóa đuôi đội hình kỳ dị phòng khi con Cộc tạt bên ao uống nước thì sẽ không bị bỏ rơi. Sau lưng bọn là một vệt dài lếch thếch tiếng chó sủa, ngỗng rống và người trong xóm ứ hự kêu “Đám nhỏ nhà Ba Giàu chớ ai”.

Chỉ trừ những bữa mưa, con Điều không chịu được lạnh, cuộc diễu hành mới không kéo lê cái đuôi đi dài xóm. Hờ hững dần với những cảm thương người ta vãi theo, “không biết con nhỏ còn mắc nợ thằng anh bao lâu nữa, người ta tuổi đó đã gả chồng”. Trả anh hết kiếp này thể nào cũng xong, em nghĩ vậy, khi người bưu tá mang mấy giấy báo vào đại học rao dài đường xóm. Không hỏi tên ai trong số bạn bè được viết trong tờ giấy, em ngạc nhiên bởi sự dửng dưng của mình. Hờ hững như khi ngó những đoàn rước dâu ngang nhà. Cảm thấy hội hè, đám rước thật là xa xỉ. Anh Hai khum những ngón tay chay đỡ mặt trời chiều trên mắt em cho đỡ chói, rồi kêu :

- Má, tui đói.

Thể nào kiếp này cũng trả xong, em nghĩ vậy. Nhưng anh đã lao vào chiếc xe san ủi, và em không cách nào trả nổi.

 

*

 

Bởi vì em gái Hai đang đứng đó, bị họ hiếp đáp mà trên người không gì cả, vải cũng không.

Sau này cứ tự hỏi lúc ấy sao em không ngượng ngùng chi hết. Ừ bứt áo ra là vì phẩn uất khi máu xanh của lúa mang theo mùi đòng đòng ngợp ngụa. Ừ thì chị Ba lôi kéo, khi tháo vải khỏi người gọn ơ. Nhưng sau đó cũng không mắc cỡ chút nào, trước trăm con mắt ngó. Chỉ buồn khó tả, hệt như hôm ngồi trên tàng cây trứng cá ngó anh Tư kéo lê em trên đá chẻ bên hè. Một dải xác thân nặng nề được mắc vào chiếc khăn quàng, và anh Tư di chuyển nó với vài đứa trẻ reo hò. Người lớn không có nhà. Trò chơi chỉ dừng lại khi anh Hai lăn đùng ra đất sùi bọt mép. Bản năng dặt dẹo, Hai luôn biết cách bảo vệ em.

Chẳng buồn nào giống vậy. Hoang vu và trơ trụi ấy. Gương mặt lầm lì của bọn họ, và cả thân hình rờ rỡ của em, hết thảy đều xa xôi, bằng một quãng không với tới.

Sau này nghe kể lúc ấy chắn xe san ủi đã chạm vào ngực, em hơi rùng mình, trở lui một bước. Chắc là lạnh lắm, em không nhớ. Cái cảm giác “lạnh” từng có thật, nhưng biết đâu nghĩ theo thói quen, rằng sắt thép là thứ lạnh vô cùng.

 Rồi tiếng “Má !” thất thanh bắt đầu từ sau lưng, trượt dài đến sát bên sườn em, nó vỡ ra tung tóe.

 

*

 

Họ trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại. Trở lại. Không trở lại.

Bói lá chán rồi, ngó ra vạt đồng lẩy bẩy trong mưa. Bây giờ tháng Bảy hay tháng mười một, mưa ngâu hay mưa cuối mùa ? Càng nghĩ càng tức mình, bí rị như có cái chum nào úp nhốt. Một bữa đố nhau cây kia là cây gì, chỗ mình ngồi lên tên gì, nhận ra từ ngữ đang biến mất khỏi trí nhớ. Cây me. Vách. Cửa. Nhưng cái chỗ đang ngồi ngó mưa đây, gọi là gì ?

Và tên mình. Lâu lắm rồi không ai gọi, quên mất.

- Hai, kêu tên em đi.

- Má !

- Không phải. Tên em không phải má. Hai ráng nhớ đi.

- Má !

- Hai, nhớ không, con vịt xiêm mà Hai đặt tên đó, nó là Cộc. Em cũng vậy, em không phải má, em có tên khác.

- Má !

Một cơn gió độc nào đó thổi qua, mang cơn lạnh buốt lên đỉnh đầu. Bà nội nói không có đất thì mình không là cái gì hết. Nhưng khoảnh khắc này, em nhận ra, không có tên mình không là gì, không là ai, và không còn gì hết.

 Mình có hay không, ma hay người ?

 

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *