VĂN HỌC XANH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG “GÓP PHẦN MANG LẠI SINH LỰC MỚI CHO VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI”
Hội thảo bắn đầu bằng bài giới thiệu tỉnh Bến Tre như một đề tài văn học của ông Trần Ngọc Tam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre. Tiếp theo, từ 27 tham luận đã gửi đến hội thảo, các nhà văn, nhà thơ Lê Chí, Bích Ngân, Hồ Kiên Giang, Trần Quốc Toàn, Trầm Hương, Lê Thanh My, Võ Tấn Cường, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Kim Quyên, Trương Trọng Nghĩa, đăng đàn trình bày ý kiến cá nhân về thành tựu và khiếm khuyết của 45 năm văn học Miên Tây, những kiến nghị từ thực trạng văn học này!
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tổng kết hội thảo nhấn mạng, đội ngũ người viết tại đây có sự phát triển cả về số và chất lượng, nhất là nhìn về phía các cây bút nữ (hiện nay, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có 49 hội viên Hội Nhà văn VN). Đất này 45 năm qua có đóng góp những “giá trị bổ sung” vào nền văn học Việt Nam hiện đại.
VanVN.net sẽ lần lượt giới thiệu các tham luân đã hoặc chưa trình bày tại hội thảo, bắt đầu từ tham luận dưới đây của nhà văn Trần Quốc Toàn, hội viên Hôi VH-NT tỉnh Đồng Tháp, nói tới văn học sinh thái, như một “giá trị bổ sung” của miền văn học này!
Trần Quốc Toàn
VĂN HỌC XANH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
“GÓP PHẦN MANG LẠI SINH LỰC MỚI CHO VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI”
1.Khi viết bản tham luận này, tôi may mắn được đọc luận án thạc sĩ của bà Lê Thị Diệu Hà (tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị hướng dẫn thực hiện). Luận án có tiêu đề "Truyện trạng Ba Phi". Trong luận án, ở bản thống kê sau khi khảo sát 56 truyện trạng Ba Phi tôi thấy, có tới 50 truyện mà đối tượng miêu tả là thiên nhiên quanh bác Ba, quanh chúng ta, những nếp dẻo, lúa nở ngầm, cây mận biết đi, cây bần biết chạy, những voi nhổ mạ, cọp xay lúa, ếch vọng cổ, ong đờn sáu câu...Trong hầu hết những truyện ấy những người bạn cây và con kia sống cùng chúng ta. Thử đặt truyện Ba Phi vào hệ thống truyện cười, truyện trạng Việt Nam, dễ dành nhận ra, nét khu biệt rõ nhất của truyện Ba Phi chính là sự đậm đặc đến bao trùm của mảng hiện thực này. Đậm đặc đến mức có thể coi đây là mảng văn học xanh.
Cội nguồn văn hóa sông Hồng của đất Việt là nơi sinh ra chữ "tiếu lâm" cho văn học dân gian của chúng ta, nhưng chính tại châu thổ Cửu Long mới thật sự có một “rừng cười” theo nghĩa hồn nhiên nhất, xanh nhất của chữ ấy. Đây chính là tiếng cười để con người khiêm nhường và tự tin làm quen, kết ngãi với thiên nhiên. Và nhờ vậy, đây là một tiền đề tốt cho những ai muốn tìm cho hoạt động môi trường trong thời biến đổi khí hậu này, một hình thức tuyên truyền vận động hữu hiệu. Chính bằng đề tài môi trường - một vấn đề sống còn của nhân loại hôm nay, truyện Ba Phi sẽ tham gia tích cực vào cuộc sống hiện đại.
2.Trò chuyên với tôi trong những ngày cuối của đời mình, nhà văn Lê Văn Thảo có lần kể: “Lạ lắm Toàn ạ. Hồi ấy trên R, Hoàng Việt nói với anh, ve rừng cứ kêu là kêu đúng cao độ của nốt “la” y như là thanh mẫu vậy”. Tôi chưa gặp nhà sinh vật âm thanh học nào để hỏi cho kĩ chuyện, thiên nhiên có chuẩn mực âm nhạc như thế không, nhưng tôi vẫn tin vào nhận định của người từng theo 2 cuộc kháng chiến để được nghe “ve rừng kêu liên miên”! Và không chỉ ve rừng là sành nhạc, một nghệ sĩ kháng chiến khác, nhà văn Trang Thế Hy còn nói tới một con mèo rừng, cũng rành sáu câu. Ai đã đọc chắc còn nhớ, trong truyện ngắn “Một nghệ sĩ buồn thích đùa” viết năm 1990 Trang Thế Hy đã chơi âm thanh trên từng trang viết của mình! Theo ông "tiếng đờn kìm là cái đẹp của một dòng nước đục... Càng đục càng gợi buồn " theo ông “Tiếng sấm rền từ xa gợi buồn hơn khi nổ gần”. Rồi tới một đêm trăng trong truyện, Trang Thế Hy cho nổ một phát súng chát chúa để bạn đọc được ngắm nhìn con mèo nghê sĩ “lông vàng có đốm đen rất đẹp" Nó "ngồi ở một chỗ sáng ánh trăng nhìn [người] đờn chứ không núp vào bóng tối rình rập như chồn", những con chồn đã từng bắt trộm gà của những người kháng chiến, vì thế người đờn kia nổ súng nhưng chỉ là bắn dọa. Chỉ dọa con mèo nghệ sĩ ấy thôi, ông vẫn ân hận "Có khi tôi đã thô bạo xua đuổi, không phải một kẻ trộm mà là một thính giả tri âm". Trong quan hệ với thiên nhiên phải chăng đã từng có thời văn học trở nến hiếu thắng, tính chuyện, “xua đuổi” “cai quản” trời đất, trăng sao, con sông, quả núi… bằng những phát triển nóng vội thiếu bền vững và tiếng súng của người đã “ra chỗ khác chơi” – nhà văn Trang Thế Hy, nổ chát chúa để cảnh báo!
3.Xin nói riêng về vùng đề tài Đồng Tháp Mười nơi đang là “vườn văn quốc gia” mà 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang được giao việc bảo tồn và phát triển. Trong văn thơ vùng đất Tháp này những năm chống Mỹ cứu nước, nhà văn Lê Văn Thảo đã chọn một Đêm Tháp Mười để dồn nén vào đấy tất cả quật cường, đau đớn, đằm thắm, hy vọng… của những người Nam Bộ “đi trước về sau” theo đuổi tới cùng cuộc kháng chiến thần thánh. Cho tới phần kết thúc, thiên văn xuôi mang tính sử thi Đêm tháp mười mở ra một bình minh Việt Nam tuyệt đẹp, đẹp như trong cổ tích: “chân trời rạng một màu hồng…Mặt nước phút chốc từ đen thẫm trở nên trong xanh như gương, những gợn sóng bạc như những con rắn tung tăng nhảy múa. Nước trong vắt thấy rõ những bụi rong đung đưa lặng lờ…”. Trong bức tranh phong cảnh được tỉa tót kĩ lưỡng này, cái đẹp Tháp Mươi đã thành cái đẹp Việt Nam. Hơn nhiều vùng văn học khác, văn học Đồng Tháp Mười đã có được không ít những thăng hoa để làng quê hóa thành đất nước, để, chính trị với tên tuổi lớn của một chính khách có thể tự nhiên, sinh động, giản dị trong cuộc đời như loài hoa trời sinh trên một “Cánh đồng hoang”:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Một đặc điểm dễ nhận ra ở văn học Đồng Tháp Mười là uy danh, trách nhiệm văn học của 3 âm tiết Đồng Tháp Mười lớn hơn rất nhiều diện tích địa lí, giới hạn hành chính của địa danh này. Đặc điểm này không phải văn học tỉnh nào, vùng nào cũng có.
Nhà thơ Thanh Thảo đến Đồng Tháp Mười ngay từ thời chiến tranh ác liệt. Là người lính cầm bút ông biết cách gieo thân mình, biết cách “gắn liền với đất” để Đồng Tháp Mười mọc lên những thân cây văn chương:
Đồng Tháp rộng vô cùng
Nhưng ổ bàng mà tôi chui quá chật
Chật đến nỗi người tôi gắn liền với đất
Hệt những cọng bàng từ đất vươn lên
Sau 1975 Xuân Diệu trở lại Đồng Tháp Mười như trở lại với thiên nhiên, được lẫn vào thiên nhiên:
Ôi hồn tôi nở hoa điên điển
Cho đến chân trời , gặp áng mây
Nước ngập dập dồi vàng lấp lánh
Hoa điên điển nở điệp trùng vây
Xuân Diệu tới đây và hứng khơi như đã trở lại được cội nguồn xa xưa nhất, đã tìm thấy thời hồng hoang của loài người khi không chỉ được ngắm hoa, tắm hoa, mà còn được:
Ăn hoa như thể tiên trong truyện
Mát dịu mà thơm vị giá thanh
4.Nhìn lại 45 năm non sông liền một giải, thật vui mừng nhận ra, những cây viết trẻ đồng bằng sông Cửu Long đã kịp bắp nhịp với thế giới, để có được mảng văn học xanh, văn học sinh thái đang là nhu cầu cấp thiết của nhân loại. Mảng văn học ấy đã “GÓP PHẦN MANG LẠI SINH LỰC MỚI CHOI VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI” như tiến sĩ-chuyên gia văn học sinh thái Bùi Thanh Truyện nhận định trong sách “Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ” (NXB Văn Hóa – Văn nghệ 2018) mà ông là chủ biên.
Trên đất này các cây bút đang thời sung mãn trong tuổi lao động nhà văn như rủ nhau tập trung vào đề tài sinh thái.
Trong “Ráng chiều đỏ rực” (ở tập truyện ngắn Con đò và thiếu phụ NXB Quân Đội Nhân Dân 2013) Nguyễn Thị Viết Hà, với một vài điếm xuyết theo lối hiện thực huyền ảo đã để nhân vật Phấn, như là con của sông của biền, đẻ ra từ những xoáy tình vật đẻ của loài cá, “phơi cái bụng trứng” “giữa những đường lượn” của cá đực, người ấy đi như tôm búng, và khi chết thì hóa thành một thứ nhân ngư dị thường hao hao nàng tiên cá “cái đuôi của nó chẻ ra làm hai, một bên quắt lại rúm ró y chang như đôi chân cô Phấn”.
Những trang viết của Võ Diệu Thanh về sinh thái đủ chất liệu để trường đại học Sài Gòn, trong những tháng đầu năm 2019 đã tổ chức để nghiên cứu sinh Đinh Thị Thu Phấn bảo vệ thanh công luận văn thạc sĩ với chủ đề “Tư tưởng sinh thái trong truyện ngắn của Võ Diệu Thanh”! Và mới đây trong tham luận gửi tới hội thảo quốc tế “Đông Á, những vấn đề nghiên cứu và giáo dục ngữ văn” tổ chức tại TP.HCM ngày 3-8-2019 tiến sĩ Bùi Thành Truyền, có nhận xét, Võ Diệu Thanh đã để “ Mại (nhân vật trongTrở lại với người) mất niềm tin ở tha nhân, đã quay sang nuôi chó, bạn bàu cùng nghĩa khuyển. Nhân vật tìm đến với loài vật như truy tầm căn tính tốt đẹp của tự nhiên, nhờ tự nhiên cứu chữa vết thương lòng. Hạ bệ vị thế của con người, đề cao vai trò của những người bạn hai chân, bốn chân trung thành, truyện như một lời cảnh tỉnh về sự cạn kiệt của nhân tính, sự cô đơn của con người hôm nay”.
Nổi bật trong những tên tuổi viết về sinh thái góp phần hình thành mảng văn học xanh của văn chương đồng bằng sông Cửu Long 1975-2020 là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư người vẫn kiên trì bám trụ, cần mẫn, và im lặng sáng tạo… nơi đất Mũi của tổ quốc, dù bút danh đã vượt khuôn thước của rẻo đất hình chữ S. Bây giờ đã không dễ nếu muốn để kể hết những gì Nguyễn Ngọc Tư viết từ cảm hứng sinh thái. Nhưng chỉ với những tác phẩm được bạn đọc trong và ngoài nước đã chấp nhận, truyền bá, phát triển, chỉ với Cánh đồng bất tận rồi Nước như nước mắt, chỉ với Đất và NƯỚC ấy, có thể nói Nguyễn Ngọc Tư đang bằng trang viết của mình, đang cùng bạn viết của mình lên tiếng cảnh tỉnh bạn đọc chúng ta thoát khỏi mơ hồ sinh thái, kẻo mà những phát triển nóng vội sẽ biến những hoạt động sinh lời từ sinh thái như du lịch sinh thái chẳng hạn trở thành “ một hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc” mà theo đó những giá trị văn hóa văn minh của lớp người du lịch thương lưu tự đặt mình lên cao hơn hay “tự ban cho mình quyền giày xéo lên những giá trị bản địa” (Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ – sách đã dẫn - tr 263)! Mong các bạn văn đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục sáng tạo để bằng văn học xanh “GÓP PHẦN MANG LẠI SINH LỰC MỚI CHO VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI” như tiêu đề tham luận đã nêu!
T.Q.T