TA SẼ NHÌN VÀO ĐÂU ĐỂ SÁNG TÁC ?
Không khí của cuộc hội thảo diễn ra nghiêm túc nhưng vẫn cởi mở, nhiều vấn đề được các nhà văn, nhà nghiên cứu xới lên, mổ xẻ, tranh luận và gợi ra nhiều điều mới cần suy nghĩ. Với tư cách là đơn vị đồng chủ trì, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có những ý kiến phát biểu mang tính đề dẫn, gợi mở cho cuộc hội thảo. Vanvn.net xin trích đăng lại ý kiến của nhà văn Nguyễn Bình Phương.
Trân trọng giới thiệu.
Ta sẽ nhìn vào đâu để sáng tác?(*)
Với một số người, lịch sử có thể đơn giản chỉ là lửa đã cháy xong. Nhưng với trí thức, đặc biệt các nghệ sĩ, xem ra lịch sử phức tạp hơn, nó là thì tương lai của hiện tại, và là tương lai của mọi tương lai khác.
Chính vì sự phức tạp ấy mà lịch sử có sức cuốn hút với các nhà văn, và cũng chính vì sự đam mê đầy dũng cảm của các nhà văn mà chúng ta mới có dòng văn học viết về đề tài lịch sử dân tộc.
Trong dòng văn học về lịch sử, nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển, để đời, nhưng cũng không ít tác phẩm rơi vào vô tăm tích. Ngay các tác phẩm được coi là thành công thì chẳng phải đều được tiếp nhận công bằng, hài hòa như nhau. Có tác phẩm được ghi nhận, được dát vàng ngay bằng sự thống nhất thuận chiều của dư luận, cũng có tác phẩm gây ra sự đảo lộn, khiến độc giả phân tán, xé lẻ, và bị gạt đi cả một quãng dài, sau đó mới trở lại ngôi vị giá trị đích thực của mình.
Như vậy có thể thấy: số phận của các tác phẩm văn học ương bướng đôi lúc hao hao số phận các nhân vật lịch sử ương bướng.
Như vậy cũng có thể thấy: sáng tác là đơn độc, chọn đề tài lịch sử để sáng tác còn đơn độc hơn, bởi việc này không chỉ đòi hỏi tài năng, mà còn đòi hỏi cả bản lĩnh người cầm bút.
Khi viết về đề tài lịch sử, nhà văn phải chấp nhận đương đầu với những mặc định thâm căn cố đế của một bộ phận khá đông trong cộng đồng. Có nghĩa nhà văn phải đối diện với hàng loạt những chất vấn từ bên ngoài. Ví dụ: lịch sử trong văn học là phục chế hay sáng tạo? Là sáng tạo thì quyền của nhà văn đến đâu, có giới hạn hay vô hạn? Ví dụ: có nhất thiết phải duy trì quyền bảo lưu bản chất cũng như hình ảnh nguyên bản của lịch sử hay không? Có thì bảo lưu ở mức độ nào cho vừa? Và lời chất vấn ráo riết nhất: văn học triệu hồi lịch sử trở lại để làm gì?
Tôi nghĩ, bản thân mỗi cá nhân, dù vô danh hay hữu danh, xét cho cùng đều bình đẳng nhau trong tư cách là tế bào của lịch sử. Và nếu bắt buộc phải tìm hình hài cho lịch sử thì dứt khoát nó sẽ mang hình hài của con người chúng ta, không thể khác được. Vậy là, đứng trước hình hài lịch sử cụ thể ấy, nhà văn lại phải tự vấn chính bản thân mình, rằng: ta sẽ nhìn vào đâu để sáng tác? Ta nhìn vào mắt lịch sử để viết về sự ưu tư, nhẫn nại hay sự phẫn nộ, cùng quẫn của nó? Nhìn vào trái tim lịch sử để viết về độ rực cháy hay độ băng giá của nó? Ta nhìn vào bàn tay lịch sử để viết về những nâng đỡ nhân ái hay về sự vằm xé bạo tàn? Nhìn vào bước chân của lịch sử để tiên đoán số phận dân tộc hay để lường trước cho thân phận cá nhân chính ta?
Hàng loạt những chất vấn và tự vấn ấy vây bủa mỗi khi nhà văn ngồi vào bàn viết, hiển nhiên chúng tạo ra sức ép rất lớn. May mắn thay, nhà văn không phải đơn độc giải quyết tất cả. Nhà văn có người đồng hành, đó là những nhà nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm của anh ta. Cuộc hội thảo hôm nay do trường Đại học Hồng Đức, và Tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp tổ chức, phần nào chứng minh cho sự đồng hành ấy.
Vì thế, theo suy nghĩ của tôi, muốn đạt được mục đích nâng cao chất lượng “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc”, thì trước hết chúng ta phải cùng nhau giải quyết những vấn đề mà các chất vấn và tự vấn đã đặt ra. Trong quá trình phân tích, mổ xẻ, thảo luận sẽ dẫn tới sự thấu hiểu nhau hơn. Từ thấu hiểu, có thể nhà văn sẽ điều chỉnh sáng tác của mình cho hiệu quả trong việc chinh phục độc giả. Từ thấu hiểu, có thể các nhà nghiên cứu, giảng dạy sẽ thêm cách tiếp cận sát với bản chất của tác phẩm hơn.
Khi người sáng tác và người nghiên cứu, giảng dạy đã đồng thanh tương khí thì dòng văn học viết về đề tài lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ được đặt lên một vị thế khác.
Thực tế cho thấy, mỗi khi hiện tại lúng túng thì lịch sử lại chìa ra một kinh nghiệm trợ giúp. Mỗi khi hiện tại trở nên bạc nhược, nhàm nhạt thì lịch sử cử đại diện của mình tới để khích động hiện tại. Lịch sử không phải lửa đã cháy xong, trái lại, lịch sử luôn có sức lung lạc và thao túng hiện tại. Ý thức được điều ấy cho nên chúng ta mới có mặt tại đây để tìm cách gia tăng sức lan tỏa tích cực của lịch sử vào đời sống xã hội thông qua các tác phẩm văn học.
---------------------
(*). Đầu đề do toà soạn đặt.