Tin tức

22/8
10:38 AM 2016

TIN VĂN NGHỆ KHẮP NƠI

Ra mắt “Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du”

Trong khuôn khổ các hoạt động VHNT chào mừng kỷ niệm 71 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2016), Tối 19-8-2016, tại TP Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình an sinh giáo dục “Ươm mầm trí tuệ đất Hồng Lam” và ra mắt “Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du”

Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.

“Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du” được thành lập với sự giúp sức của các nhà tài trợ, sự góp vốn ban đầu của các sáng lập viên. Đến nay Quỹ đã có hơn 22,5 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đánh giá cao ý nghĩa sự ra đời của Quỹ trong việc góp phần vào sự nghiệp giáo dục của quê hương và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp, ủng hộ để Quỹ ngày càng lớn mạnh. Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao học bổng cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Báo Nhân dân trao học bổng trị giá 400 triệu đồng cho học sinh một số xã vùng biển của 3 huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà.

(Theo vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Các nhà văn Lâm Đồng sinh hoạt chuyên đề và bàn hoạt động sáng tác

Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức sinh hoạt chuyên đề và bàn về các hoạt động sáng tác với sự tham dự của nhà thơ, TS Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo các hội viên đang sinh hoạt tại Chi hội.

Trong nội dung sinh hoạt chuyên đề lần này, các hội viên đã được nghe lãnh đạo Công an tỉnh Lầm Đồng cung cấp nhiều thông tin bổ ích về tình hình hoạt động mạng xã hội, trong đó liên hệ đến thực tiễn sáng tạo VH-NT Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Chuyên đề đã giúp người sáng tạo VHNT có bản lĩnh chính trị nhạy bén và vững vàng hơn trong quá trình phát huy những ứng dụng tiện ích từ hệ thống mạng xã hội. 

Nhà thơ, PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, đã báo cáo trước Chi hội về một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động sáng tác VHNT, như: Ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng về hoạt động VHNT trong tỉnh; thông báo nội dung Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Hội VH-NT Lâm Đồng v.v…

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội luôn quan tâm đến lĩnh vực chính trị - tư tưởng, sáng tạo đúng tôn chỉ mục đích; đội ngũ văn nghệ sĩ đoàn kết, nỗ lực say mê sáng tạo đóng góp đáng kể đến sự nghiệp của đất nước và địa phương; nhiều hội viên tích cực sáng tạo và tham gia công bố tác phẩm qua các cơ quan truyền thông và các cuộc thi trong, ngoài tỉnh. Cũng trong 6 tháng qua, Hội tổ chức được nhiều hoạt động về chuyên môn, như: Tham gia các trại sáng tác trong và ngoài tỉnh; các cuộc thi, cuộc triển lãm; xuất bản đều đặn 6 kỳ tạp chí Lang Biang; giao lưu với các đoàn văn nghệ sĩ các tỉnh, thành...

(Theo báo Lâm Đồng)

Giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu”

Trung tuần tháng Tám vừa qua, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Hội nhà văn Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu”, nhân chuyến hồi hương từ Mỹ về thăm Huế của nhà thơ. Tham dự buổi giao lưu có đông đảo văn nghệ sĩ và bạn bè yêu mến thơ ca của nhà thơ Du Tử Lê. 

Du Tử Lê sinh năm 1942, làm thơ từ năm 1953 và đã có thơ in trên các báo thời đó ở Hà Nội. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Ông đã xuất bản trên 70 tác phẩm, trong đó tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” và tập “Tùy bút chọn lọc” của Du Tử Lê đã xuất bản ở Việt Nam trong 2 năm 2014 và 2015. Từ năm 1981 đến nay, ông có nhiều buổi thuyết trình tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc… Những năm 1990 về sau, thơ ông được một số trường đại học nước ngoài dùng để giảng dạy cho sinh viên. Du Tử Lê là 1 trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ XX có tác phẩm được chọn in trong tuyển tập “Thi ca thế giới từ thượng cổ tới hôm nay” (World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time) do W.W Norton New York ấn hành năm 1998.

Ngoài ra, nhà thơ tài danh này còn vẽ tranh, chỉ riêng năm 2012, ông đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân tại Houston, Seattle, Virginia, Atlanta (Mỹ).

Buổi giao lưu là nơi bạn bè, văn nghệ sĩ gặp lại nhau sau bao năm tháng chia xa. Dịch giả Bửu Ý xúc động nói: “Gặp lại Du Tử Lê là gặp lại bao nhiêu thời gian dồn ứ lại, gặp lại bao nhiêu hình bóng của Lê. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi tưởng chừng như không thể gặp nhau. Du Tử Lê trở về, để chúng tôi và Lê hồi tưởng lại những tháng năm xưa”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đã từ Hà Nội vào Huế để chia sẻ: “Thơ Du Tử Lê mãi mãi trẻ, trẻ từ khi anh mới bắt đầu làm thơ cho đến tận bây giờ. Anh luôn giữ được sự ngạc nhiên trong con người mình, tâm hồn anh không khi nào già đi và anh cứ viết, viết mãi…

Nhà thơ Du Tử Lê cũng đã chia sẻ đôi điều về Huế, nơi ông gặp được người bạn đời tuyệt vời của mình: “Khi tôi trở về, Huế đã có thịt có da, khác với những gì trong tâm khảm của tôi nhưng những quá khứ, những kỷ niềm của tôi vẫn còn đó. Tôi may mắn đã đến với hai Huế trong đời, đó là Huế của tôi trước 1975 và Huế của chúng ta sau 1975”.

Nhà thơ Bửu Nam cũng chia sẻ: “Sự nghiệp thơ ca của Du Tử Lê bắt đầu từ năm 16 tuổi cho đến nay đã 74 tuổi, với 56 năm đi đến tận cùng những nổ lực của thi ca, nổ lực của Du Tử Lê với những triết lý sâu sắc của cuộc đời. Và qua đây cũng mong muốn nhiều nghệ sĩ phương xa trở về với Huế hơn nữa để bạn bè và người yêu văn nghệ có thể giao lưu gặp gỡ và học hỏi với nhau nhiều hơn nữa"

(Theo tapchisonghuong.com.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *