Tin tức

21/9
3:53 PM 2016

TIN VẮN KHẮP NƠI

Phát động sáng tác mỹ thuật đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng

Ngày 20-9-2016, tại Hà Nội, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã công bố phát động sáng tác mỹ thuật về đề tài "Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng" giai đoạn 2016-2020.

Theo Ban Tổ chức, đối tượng tham gia sáng tác mỹ thuật về đề tài LLLVT và chiến tranh cách mạng" là công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên. Nội dung tác phẩm phản ánh truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam, các trận đánh lớn, các chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; phản ánh các hoạt động huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, xây dựng quân đội…

Ngoài ra, tác phẩm dự thi cần phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nêu bật hình ảnh người chiến sĩ hôm nay, hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống vẻ vang của LLVT nhân dân trong các cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc XHCN.

Tác phẩm tham dự được sáng tác trong thời gian từ tháng 10-2014 đến hết tháng 7/2019. Các tác phẩm bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc. Thời gian nhận ảnh chụp tác phẩm từ ngày 1 đến 15-8-2019, tại Bảo tàng LSQS Việt Nam, số 28 A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

(Theo: chinhphu.vn)

Lễ hội đền A Sào là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tối 20-9-2016, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống, đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền A Sào và cắt băng khánh thành khu Phủ Đệ, thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào, xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH; Trần Quốc Vượng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội… đã đến dự lễ.

Khu di tích lịch sử, văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào gắn liền với câu chuyện đã trở thành huyền thoại khi voi chiến của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bị sa lầy ở bến A Sào trên sông Hóa trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (1288). Tại đây, Trần Quốc Tuấn đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông mà thề: “Nếu trận này không thắng, ta thề không về bến sông này”. Sau ngày toàn thắng, bến sông nơi voi trận sa lầy được nhân dân gọi là bến Tượng. Dân làng A Sào lập sinh từ thờ Đức Thánh Trần, dân gian vẫn gọi là A Sào linh miếu. Lời thề bến Tượng đã tạc vào lịch sử, trường tồn cùng thời gian.

Tại buổi lễ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu cắt băng khánh thành khu Phủ Đệ, thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào, xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Quốc Vượng đánh trống khai hội đền A Sào 2016. Buổi lễ kết thúc với chương trình nghệ thuật có chủ đề “A Sào linh ứng” do tập thể nam, nữ diễn viên Đoàn Ca múa, kịch Thái Bình cùng 120 giáo viên phòng GD-ĐT huyện Quỳnh Phụ biểu diễn. Lễ hội đền A Sào diễn ra từ 20 đến 22-9 hằng năm.

(Theo báo Nhân dân điện tử)

Tác giả và nhân vật của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" tái xuất

Nhằm giới thiệu đến bạn đọc hai cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" và “Lời tựa một tình yêu” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cũng như để độc giả hiểu hơn về tác giả và nhân chứng lịch sử được đề cập trong 2 tác phẩm này, vừa qua tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần sách Thái Hà phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ với tác giả và nhân vật của hai cuốn sách này.

"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Sài gòn cũ, trong chiến dịch giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta Mùa Xuân năm 1975. Ngay sau khi được xuất bản lần đầu (tháng 4-2014), tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã gây được tiếng vang và đã đoạt các giải thưởng: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Tại buổi giao lưu cùng độc giả, tác giả Trần Mai Hạnh chia sẻ việc thực hiện cuốn sách dày gần 600 trang này là cả một quá trình dày công sưu tầm tư liệu, nghiên cứu suốt nhiều năm, trong đó, gắn liền với những thăng trầm, biến cố của cuộc đời ông. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này không chỉ mang đến cho bạn đọc những giá trị văn chương, giá trị lịch sử mà còn gửi gắm thông điệp về giá trị nhân văn...

Cũng viết về đề tài chiến tranh, tác phẩm “Lời tựa một tình yêu” ca ngợi lý tưởng cao đẹp và tình yêu thủy chung của tử tù Lê Hồng Tư và người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Châu. Trong những ngày đầu tiên Sài Gòn giải phóng, tác giả Trần Mai Hạnh đã được gặp ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu.

Tác phẩm thể hiện sự cảm phục, ngưỡng mộ trước cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp và mối tình thủy chung trọn vẹn của những người chiến sỹ cách mạng trung kiên. Trải qua những đau thương trong chiến tranh, đến ngày hòa bình, đất nước toàn thắng cùng chung mái nhà, dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng tình yêu thủy chung sắt son của họ vẫn không thay đổi.

Tại buổi giao lưu, ông Lê Hồng Tư - một nhân vật trong cuốn sách "Lời tựa một tình yêu” cho biết: Mỗi người nếu có tình yêu bao dung và cùng nhau chia sẻ, cảm thông thì gia đình sẽ hạnh phúc trọn vẹn dù trong bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào...
(Nguồn: TTXVN)

TUYÊN HÓA tổng hợp

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *