Tin tức

30/9
11:59 PM 2016

TP HỒ CHÍ MINH: 3 NGÀY, 3 SỰ KIỆN VHNT ẤN TƯỢNG

Hội thảo về vai trò của VHNT và văn nghệ sĩ Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định

Sáng 28-9 đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình VHNT thành phố và Liên hiệp các Hội VHNT thành phố tổ chức.

Hội thảo tập hợp hơn 80 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhạc sĩ, biên kịch sân khấu… Các ý kiến đều thống nhất rằng văn học nghệ thuật (VHNT) yêu nước, cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một bộ phận trong dòng chảy của VHNT Việt Nam nhưng đó là một “nhánh” thể hiện sự tập trung, cô đọng nhất khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Đây là dòng VHNT được sinh ra trong áp bức cường quyền của đêm dài nô lệ và đã trưởng thành trong bão lửa của hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Đặc biệt, giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nền VHNT chiến đấu ra đời và hoạt động ngay trên mảnh đất là đầu não của chính quyền tay sai bán nước. Lịch sử vẫn còn ghi dấu về những tác phẩm văn học, ca khúc, vở diễn sân khấu ra đời trong các phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc, Hát cho đồng bào tôi nghe, những cuộc xuống đường của Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ, những bức biếm họa chính trị nảy lửa, những bức ảnh đi vào lịch sử như “Anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường”, “Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu”, “Nụ cười Võ Thị Thắng”… trở thành hành trang tinh thần của cả một thời tranh đấu.

Không chỉ có các nghệ sĩ chiến sĩ chiến đấu trong lòng địch, chiến trường VHNT Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định còn có sự “góp lửa” của các văn nghệ sĩ Quân giải phóng. Đề tài về vùng đất, con người, sự nghiệp chiến đấu nơi đây được các nghệ sĩ tái hiện đầy sinh động, rực sáng trong các trang sách của Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Viễn Phương… trong những ca khúc của Lưu Hữu Phước, Xuân Hồng, Hoàng Việt, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn… hay qua những bức tranh, những điệu múa, lời ca, những thước phim của Phòng hội họa Giải phóng, Đoàn Văn công giải phóng, Điện ảnh Giải phóng…

Ôn lại quá khứ, hướng đến tương lai, hội thảo cũng đưa ra các giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các tác phẩm VHNT yêu nước, cách mạng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Từ đó, xây dựng định hướng, trách nhiệm của văn nghệ sĩ TP hiện nay nhằm xứng đáng với truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng, bảo vệ và phát triển TP Hồ Chí Minh “văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước” (Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị).

(Theo: nhavantphcm.com.vn)

 

Ra mắt “Người tình báo thầm lặng” 

Đây là cuốn sách của tác giả Tống Quang Anh viết về cuộc đời hoạt động của cha mình - ông Tống Văn Trinh, một cán bộ hoạt động tình báo thầm lặng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản, FAHASA chính thức phát hành sáng 30-9 tại TP Hồ Chí Minh

Tống Quang Anh đã dựa vào hồi ký của cha mình và những tài liệu từng được công bố để viết “Người tình báo thầm lặng”. Trong đó, phần truyện chỉ là kỹ thuật thể hiện sao cho mềm mại các sự kiện, hoàn toàn không có hư cấu - như trình bày của tác giả.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, “Người tình báo thầm lặng” có giá trị khác, quý hơn yếu tố trinh thám hấp dẫn thường thấy ở những cuốn tiểu thuyết viết về nhân vật hoạt động tình báo lâu nay, đó là tính chân thực.

Lịch sử của mỗi cá nhân gắn liền với lịch sử của một cộng đồng, dân tộc trong một thời gian nhất định. Vì vậy, những cuốn sách viết về nhân vật dưới dạng hồi ký, truyện ký đều có giá trị về mặt tư liệu và lịch sử. Tác giả Tống Quang Anh cho biết ông viết “Người tình báo thầm lặng” là vì muốn góp phần bổ sung một phần lịch sử đất nước và con người của cả Việt Nam và Lào vốn gắn liền với cuộc đời hoạt động của người cha trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng chưa được ghi chép, đề cập trong sách sử và dễ bị lãng quên. Trong đó có những con người đã hy sinh xương máu, đóng góp thầm lặng nhưng mang ý nghĩa cao cả, giá trị lớn lao.

(Nguồn: TTO)

Khai mạc Liên hoan phim Thái Lan-2016

Tối 30-9, tại cụm rạp CGV Vivo City (Q 7, TP Hồ Chí Minh) Bộ Văn hóa Hoàng gia Thái Lan, Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tại Hà Nội, Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan phim Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh-2016

Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 30-9 đến ngày 2-10. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá nền điện ảnh Thái Lan với khán giả Việt Nam và quốc tế. Qua đó, các đạo diễn, diễn viên và những người làm trong ngành sản xuất phim có cơ hội chia sẻ, trao dổi kinh nghiệm và giới thiệu nhữn tác phẩm của mình.

Ngài Manopchai Vongphakdi - Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam - cho biết: Trong 40 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan không ngừng củng cố và phát triển. Liên hoan phim Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh là hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa, tạo sự thấu hiểu, gắn kết giữa nhân dân hai nước và hỗ trợ cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN; đồng thời đây còn bước khởi đầu tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác giữa 2 nền điện ảnh trong khu vực.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tin tưởng liên hoan lần này sẽ góp phần thúc đẩy, phát triển hơn nữa tình cảm gắn bó, quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước, đồng thời góp phần tăng cường hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thái Lan.
Các bộ phim được giới thiệu tại Liên hoan đa dạng về đề tài từ tình cảm, kinh dị đến phim hoạt hình như: "Look Thung Singature" (Giai điệu trái tim), "That Sounds Good" (Chuyện từ những chuyến đi), "Love H20" (Chuyên gia tình yêu), "F.Heliare," "Echo Planet," "Ladda Land" (Ngôi làng bí ẩn)...

(Theo TTXVN)

TUYÊN HÓA Tổng hợp

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *