MAY NHỜ CÓ THƠ
Ảnh minh họa (Internet)
Trung tướng Phùng Khắc Đăng –Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam kể, hồi ông còn làm Phó Tư lệnh Quân khu I có một lần đến làm việc với Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng. Công việc xong xuôi chị em có nhã ý muốn mời tướng quân ở lại ăn bữa cơm “ rau dưa’’cùng cơ quan hội. Gọi là cơm “ rau dưa” nhưng là cơm khách nên phải có rượu, mà rượu ở Cao Bằng thì thôi rồi! nam nữ gì gì cũng hết mình. Uống bằng bát, uống chéo tay, uống đôi khi không say không về
Là Phó Tư lệnh một quân khu, lại là quân khu sơn cước nhưng cái khoản rượu chè bia bọt đối với ông có phần “yếu kém”. Không biết được tạng ông như thế nên chị em thay nhau chuốc tưóng quân hết bát này đến quai khác. Biết được tửu lượng của mình nên uống với chị nào ông cũng chỉ nhấp môi, bị lộ và bị phạt phải uống chéo tay, uống trăm phần trăm. Không uống được phải hát. Tình thế thật là nguy nan bởi khả năng hát hò với ông cũng không hơn gì chè rượu. Những bài hát mà ông thuộc chỉ là 12 bài do quân đội quy định, bắt buộc mọi quân nhân phải hát . Những bài ấy hát ở chỗ ăn uống thì hat sao được! Tính đi tính lại mãi Phùng tướng quân đành liều xin đọc thơ
Là người con của làng Phùng Xá- quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan lại đã từng là cán bộ làm công tác nghiên cứu KHXH ở một học viện nên ông rất yêu văn chương và có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Ông đã từng làm thơ và cũng đọc cũng thuộc khá nhiều bài, nhưng trong bối cảnh này thì đọc bài nào đây, phải có cái gì là gắn với chị em, gần với đất và người Cao Bằng chứ? Nghĩ một thoáng, sau mấy cái hắng giọng ông đọc luôn mấy câu:
Lên Cao Bằng không sợ dốc
Đèo Giàng, Đèo Gío đã lùi xa
Lên Cao Bằng không sợ đói
Nước trong, gạo trắng sẵn từ lâu
Lên Cao Bằng không sợ ốm
Chợ bày ngải cứu bán thay rau…
Đọc đến đây thì tướng quân quên béng mất câu cuối của bải thơ gốc, ngập ngừng một lúc ông quyết định phóng tác hai câu kết:
Lên Cao Bằng anh rất sợ
Em quên mất anh rồi, tối anh ngủ ở đâu?
Thế là những đợt pháo tay vang lên cùng đó là những trận cười nghiêng ngả…Chị em bắt nhà thơ đọc lại, có chị rút bút ghi lia lịa. Chờ cho vãn tiếng vỗ tay, dứt hẳn tiếng cười Trung tướng mới có mấy lời “ đính chính” rằng đó không phải là thơ của ông mà là thơ của nhà thơ Vương Trọng, và rằng hai câu cuối là do ông quên mất nên tự nghĩ ra, ông nói thêm ông có lời xin lỗi tác giả bài thơ !
Khi được nghe kể lại chuyện này, Phùng tướng quân chỉ cười và bảo:” Cho đến bây giờ tớ vẫn chưa được nhìn thấy văn bản bài thơ. Hôm ấy vô tình trên đường lên thị xã Cao Bằng, lúc xe qua chợ, vượt đèo chú lái xe cứ ngâm nga những vần thơ ấy , tớ thuộc và thế là tương kế tựu kế …” .Để kết thúc câu chuyện xin phép nhà thơ Vương Trọng, tướng quân Phùng Khắc Đăng và bạn đọc được chép nguyên văn bài thơ Lên Cao Bằng của thi sĩ họ Vương:
LÊN CAO BẰNG
Lên Cao Bằng không sợ dốc
Đèo Giàng, Đèo Gío đã lùi sau
Lên Cao Bằng không sợ đói
Nước trong gạo trắng sẵn từ lâu
Lên Cao Bằng không sợ ốm
Chợ bày ngải cứu bán thay rau…
Lên đến Cao Bằng anh chỉ sợ
Em không còn đó biết tìm đâu!