Tin tức

25/9
10:58 PM 2016

VĂN NGHỆ KHẮP NƠI

Vinh danh di sản tư liệu “Mộc bản Trường học Phúc Giang”

Sáng 25-9, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Suzan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ ngưỡng mộ đối với những sáng tạo được lưu giữ trên Mộc bản Trường học Phúc Giang và khẳng định sự độc đáo của di sản thuộc sở hữu của một dòng họ (Nguyễn Huy) duy nhất ở Việt Nam còn được lưu giữ đến ngày nay.Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, việc ghi danh “Mộc bản Trường học Phúc Giang” đã khẳng định thêm truyền thống hiếu học của con người Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Tĩnh, các ban, ngành liên quan và dòng họ Nguyễn Huy trong việc bảo tồn và lập hồ sơ di sản. Tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng hơn nữa việc bảo tồn và quảng bá Mộc bản tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới. Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiện đang giữ các di sản phối hợp với UNESCO để được bảo tồn và vinh danh.
“Mộc bản Trường học Phúc Giang” có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) chế

Tác và gìn giữ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh). Toàn bộ mộc bản được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám, là trường Đại học đầu tiên của nước ta.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, cùng với “Thơ văn, kiến trúc Cung đình Huế”, “Mộc bản Trường học Phúc Giang” được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
(Theo: TTXVN)

Khai mạc cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc-2016

Hơn 800 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên cả nước đã tham gia cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, diễn ra từ ngày 24-9 đến 8-10, tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 3 năm/lần, nhằm tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có trách nhiệm tham gia, góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới.

Cuộc thi là dịp để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi, sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Đây còn là dịp để các đơn vị nghệ thuật đầu tư xây dựng vở diễn mới có chất lượng nội dung và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

Có 27 vở diễn tham dự cuộc thi. Đây là những vở diễn được dàn dựng từ tháng 6-2013 đến nay, chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, không sử dụng kịch bản của nước ngoài.

(Theo: qdnd.vn)

14 tác phẩm được đề nghị Giải thưởng VHNT Phan Ngọc Hiển lần thứ III

 

Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học, nghệ thuật (VHNT) Phan Ngọc Hiển lần thứ III (tỉnh Cà Mau) vừa họp phiên toàn thể để bàn bạc, thảo luận, thẩm định các tác phẩm, công trình đủ điều kiện vào vòng chung khảo, nhằm chọn những tác phẩm, công trình VHNT thật sự xuất sắc về tư tưởng nội dung và hình thức nghệ thuật, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về Cà Mau, tác động tích cực đến đời sống văn hóa, văn nghệ của công chúng trong chiến tranh, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để trao thưởng.

Với tinh thần công tâm, khách quan, các thành viên Hội đồng cân nhắc từng tác phẩm, công trình đã qua vòng sơ tuyển trên cơ sở những quy định cụ thể của Quy chế Giải thưởng. Qua công tác rà soát, đối chiếu từng tác phẩm, công trình đối với các tiêu chí, điều kiện xét tặng giải thưởng, Hội đồng đã không đưa vào xét những tác phẩm vi phạm Quy chế của giải thưởng như địa điểm, nội dung không gắn với tỉnh Cà Mau, chưa được xuất bản thành sách, hoặc giải thưởng chưa đảm bảo pháp lý về không gian. 

Mặt khác, các thành viên Hội đồng Giải thưởng lần này cũng đề nghị việc sửa đổi, bổ sung cho Giải thưởng VHNT Phan Ngọc Hiển lần sau những tiêu chí và điều kiện xét giải phải chú ý đặc thù của từng chuyên ngành văn học, nghệ thuật để có đủ căn cứ và cơ sở pháp lý thẩm định cho phù hợp với thực tế. Bởi các điều kiện và tiêu chí của Quy chế xét tặng giải thưởng lần này còn những hạn chế nhất định về tính pháp lý trên một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật nên quá trình xem xét, thẩm định tác phẩm, công trình của một số chuyên ngành gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định tư tưởng Giải thưởng VHNT Phan Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau lần III và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đã có tác dụng tích cực trong việc quảng bá những hình ảnh tốt đẹp về Cà Mau, nhưng chưa phù hợp với quy định của Quy chế giải thưởng.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng xét tặng Giải thưởng  VHNT Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau lần III đã đề xuất 14 tác phẩm của 06 chuyên ngành đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế giải thưởng để trao giải. Các các tác phẩm được đề nghị trao giải sẽ đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Cà Mau từ ngày 26-9-2016 đến ngày 9-10-2016.

(Theo: hvhnt.camau.gov.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *