VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI: PHÍA TRƯỚC VÀ NHỮNG CUỐN SÁCH TIẾP THEO-PHỎNG VẤN NHÀ VĂN ẤN ĐỘ SALMAN RUSHDIE
Nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie
- Khi phân chia “người kể chuyện” và “nhà văn”, ông muốn thử giải quyết một trong những vấn đề chính - sự tồn tại những trách nhiệm bên ngoài của nhà văn. “Người kể chuyện” khi thể hiện nhu cầu tự nhiên kể câu chuyện của mình, tất nhiên, vi phạm những mong đợi của xã hội.
- Vâng, đây là sự phân chia chính xác và tế nhị, và tất nhiên, tôi không cho rằng nhà văn chịu ơn ai đó. Anh ta không có nghĩa vụ đối với bất kỳ ai, ngoài chính lao động của mình và nhu cầu kể một câu chuyện nào đó. Vâng, có thể nói rằng bên trong nhà văn có một người kể chuyện như một công cụ quan trọng nhất, nhưng không phải duy nhất của anh ta.
Tôi có thể nói thế này: Đại tự sự là một khía cạnh quan trọng của công việc nhà văn, nhưng chỉ là một trong số thôi. Có rất nhiều vấn đề đặt ra trước nhà văn - hình thức, ngôn ngữ, đề tài, biểu tượng, mô-típ chủ đạo, và tất cả những cái đó xâu vào “người kể chuyện”, sử dụng anh ta như một công cụ.
- Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất, ngôn ngữ của ông khác xa với ngôn ngữ của những cuốn sách trước đó của ông - nó giải quyết những nhiệm vụ gì?
- Mỗi cuốn sách sở hữu một giọng điệu riêng, một từ điển cảm xúc và hình tượng riêng. Ví dụ, cuốn Phù thủy xứ Florencia được bổ sung một cách có dụng ý phong cách baroque cho phù hợp với bút pháp của những cuốn sách mà các nhân vật- những con người của một thời đại cụ thể - có thể đọc. Tiểu thuyết Gã hề Shalimar có một giọng điệu khác, buồn rầu và gay gắt hơn, và điều đó cũng lại là để phù hợp với chất liệu. Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm kết hợp phong cách truyện dân gian và truyện giễu nhại, truyện hoang đường, cho đồng điệu với cốt truyện.
- Phải chăng nhân vật cũng là một công cụ như ngôn ngữ và đại tự sự? Đôi khi nhận thấy rất rõ thái độ của ông đối với các nhân vật, những phản ứng cá nhân.
- Tôi nghĩ rằng nếu tác giả không yêu mến một cách chân thành các nhân vật do mình tạo ra, hơn nữa cả “phản diện” lẫn “chính diện”, thì độc giả cũng sẽ thờ ơ với họ. Tôi coi nhân vật như những cá thể sống mà tôi lắng nghe, cố gắng tìm hiểu xem họ cần gì. Tác phẩm ra đời từ sự lắng nghe đặc biệt như vậy, chứ không phải từ sự áp đặt của tác giả. Tôi cố gắng không quá thường xuyên áp đặt.
Các nhân vật này phát triển, trưởng thành và hoàn thiện số phận của mình một cách hữu cơ, chứ không phải trên lý thuyết. Với tư cách nhà văn, tôi không thích lý thuyết hóa. Tôi thích đối mặt với cốt truyện và tiếp tục tiến lên, tuân theo bản năng, chứ không phải sự phân tích.
- Trong các cuốn sách khác, ông tham gia một cách tích cực vào cốt truyện “các vị chúa tể”- các tổng thống, nhà độc tài, nhà tiên tri, có thực và hư cấu. Trong Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm, chính trị hầu như vắng bóng.
- Không nhất thiết tất cả các cuốn tiểu thuyết đều viết về các chính khách nổi tiếng!
Tôi không bao giờ hoài nghi sức mạnh của văn học, mặc dù tôi cố gắng không gán cho nó quá nhiều. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, hiện nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến nghệ thuật tưởng tượng: Cần hình dung rõ rằng bạn đang sống và làm việc trong một không gian hoàn toàn tự do - chỉ như vậy mới có thể bảo vệ được cơ hội trở thành chính mình.
- Cuốn sách Sự ô nhục của ông hiện nay trở nên hết sức cấp thiết, đặc biệt ở nước Nga, nơi nhà nước đang tuyên bố nhiều điều đáng hổ thẹn. Ngôn từ gần như là kẻ thù chính thức của chính quyền.
- Tôi rất tự hào về tiểu thuyết này, và đôi khi tôi cảm thấy rằng cuốn sách ấy, được xuất bản năm 1983, hiện trở nên cấp thiết hơn lúc bấy giờ, khi nó vừa viết xong. Lúc bấy giờ, như tôi hình dung, nó bị che lấp bởi hai cuốn sách gây nhiều ầm ĩ: Những đứa trẻ lúc nửa đêm được xuất bản trước đó - và Những vần thơ của quỷ Satan. Nhưng hiện nay tôi có cảm giác rằng cuốn sách này bắt đầu được đền bù xứng đáng, nó có thêm nhiều độc giả hơn trước, nó bắt đầu được nghiên cứu.
Một nhà nước càng tiến gần chủ nghĩa cực quyền thì càng khao khát mạnh mẽ kiểm soát đại tự sự. Chính vì thế mà các nhà văn, những người muốn giải phóng đại tự sự và phát hiện ra vô số những khả năng của nó, thường xung đột với nhà nước vốn tìm cách thu hẹp phạm vi những khả năng đó và đưa chúng vào vòng kiểm soát. Ngay bây giờ ở Mỹ, chúng tôi đang gặp phải toan tính của nước Nga kiểm soát đại tự sự Mỹ, đây là một điều hoàn toàn mới mẻ và gây lo ngại.
- Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm nhìn vào tương lai rất xa, kể cả để tin tưởng rằng tương lai nói chung đang tồn tại phải không?
- Tôi không biết. “Lịch sử”, Stephen Dedalus nói, “là cơn ác mộng khiến tôi muốn thức giấc”. Ngay bây giờ, đang ngồi ở New York, tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi như vậy khi nghĩ về những gì tổng thống mới của nước Mỹ (Donald Trump- BTV) sẽ mang lại trong những năm sắp tới.
Tôi không muốn mọi người so sánh cuốn tiểu thuyết này với hình thức phi hư cấu. Hiện nay tất cả đều sáng tác phi hư cấu, thậm chí các tác giả viết sách cho thiếu nhi. Chính vì thế tôi muốn hình dung một tương lai nhiều hy vọng hơn đối với chúng ta - nhưng không lạc quan đến mức vô nghĩa. Trước hết, xin lưu ý rằng, phải mất một thiên niên kỷ để xây dựng tương lai này, điều này thường xuyên được nhắc tới trong cuốn sách, vì nó cách chúng ta rất xa. Ngoài ra, ngay cả một tương lai tốt đẹp hơn cũng đầy rẫy những khó khăn.
- Rất thú vị là câu chuyện của Stephen King kể rằng khi viết xong cuốn Nghĩa trang của gia súc thì ông hiểu rằng không cần nữa, ông từ chối công bố cuốn sách đó. Vậy ông có muốn thay đổi điều gì đó, không kể điều gì đó, hay công bố điều gì đó khác hơn không?
- Không, tôi không bao giờ muốn kìm nén hay phớt lờ một điều gì đó trong bản thân mình.
- Ông còn nhớ cảm giác của mình khi vừa viết xong tiểu thuyết Những vần thơ của quỷ Satan?
- Không, điều đó diễn ra đã quá lâu rồi, bây giờ không thể nhớ lại. Tôi không hay ngoảnh lại quá khứ. Tôi nhìn về phía trước, chuẩn bị cuốn sách tiếp theo.
- Với tư cách một độc giả, với ông điều gì không thể tha thứ?
- Chỉ những cuốn sách viết kém.
Trần Hậu-Theo Godliteratury.ru-Nguồn Văn nghệ