HIỆN THÂN CỦA NỀN VĂN HỌC HẬU CHIẾN ĐỨC
Nhà văn Heinrich Boell
Vào ngày cuối cùng của năm 1972, ông đã cảm ơn Thủ tướng Thụy Điển O.Palme vì Palme so sánh cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc nước ta với những hành động tàn bạo của phát xít Đức, đồng thời gợi ý Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức lúc bấy giờ là Willy Brandt nên hành động như vậy. Boell viết:
“Tôi sẽ nhớ ngày 29-12-1972, vì ngày này vợ tôi và tôi gửi điện cho Thủ tướng O. Palme cảm ơn nồng nhiệt thái độ của ông đối với hành động của Mỹ ném bom ở miền Bắc Việt Nam. Thật là quí hóa, nếu Thủ tướng Brandt cũng làm như vậy”.
Nửa tháng sau, ngày 15-01-1973, tại Quảng trường Maresch, trong cuộc mít tinh lớn, nhà văn kịch liệt lên án cuộc chiến tranh đẫm máu của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.
Từ trên tàu bước xuống sân ga, tôi có cảm giác như Boell vừa có mặt ở đây. Vâng, cái sân ga thành phố Koeln đã được nhà văn nhắc đến trong khá nhiều trang sách ấm áp của ông. Từ sân ga này, ở tuổi thành niên, Boell đã ra mặt trận, trên người mặc quân phục Đức, tay cầm súng Đức, tham gia cuộc chiến tranh mà sau này ông coi là “vô nghĩa”, là “thô bỉ”, là “một trò chơi ngu ngốc, hoàn toàn ngu ngốc”. Trên những ngả đường đầy đạn bom và máu lửa của chiến tranh, tuổi thanh niên của Boell đã trôi qua dưới những vùng trời của châu Âu, từ Đức tới Hunggari, từ Rumani đến Le Trepot (thành phố nhỏ ở miền biển phía Bắc nước Pháp), từ Nga đến Mỹ…, khi là người lính bình thường, khi là thợ tiện, thợ mộc, lại có lúc là phiên dịch, trên mình đầy thương tích, phải nằm quân y viện, sau cùng bị bắt làm tù binh. Dù ở phương trời nào, Boell vẫn da diết nhớ về cái sân ga quê hương mà trong truyện Ba ngày trong tháng ba, ông coi chỉ có cái sân ga và phòng đợi ở đó mới thực sự là “hình mẫu của cuộc sống con người”. Ông luôn khát khao ngày trở về. Khát khao đến cháy bỏng. ở quê hương, mẹ ông đã mất trong một trận ném bom; vợ và em gái ông phải đi sơ tán vì nhà tan cửa nát; người thân của ông đói, rét hàng tháng liền, đó là chưa nói rằng, trong chiến tranh, những bài thơ, truyện ngắn, bút ký đầu tay của ông đã bị bom thiêu đốt hết…
Rồi ông cũng trở về. Ông có mặt ở nhà ga Koeln này sau ngày chiến tranh kết thúc. Nhưng không còn là một chàng Heinrich Boell tươi trẻ, khỏe mạnh, mà là một anh lính ốm yếu, gầy còm, sau những năm chiến tranh “nhàm chán trong bùn mà máu”, “bẩn thỉu”, “đầy chấy rận”, “đầy sợ hãi” và “mệt mỏi”. Chỉ sau khi ông trở về ít hôm, một đứa con trai của ông đã chết vì đói và rét. Hai vợ chồng ông đã sống những năm đầy khó khăn, thiếu thốn: Mất việc, ông phải làm trong xưởng mộc của người anh cả, làm gia sư dạy toán và tiếng La tinh, nhưng số tiền thu được không đủ mua bánh mì và than đốt cho qua ngày. Heinrich Boell và mọi người dân thành phố Koeln quên sao được cái mùa đông 1946-1947, trời rét 20 độ âm. Các con của nhà văn đói lả, nằm co ro trong cái thùng chứa than. Ở thành phố này, 70% tòa nhà đã bị tàn phá hoặc hư hại. 20 ngàn người đã chết vì bom đạn chiến tranh. Cho đến tận năm 1949, riêng Koeln có tới 15.000 gái làm tiền, nhiều gấp 10 lần trước chiến tranh! Nước Đức đã bị tàn phá về cơ thể, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong - và theo Boell, sự tàn phá bên trong còn nghiêm trọng hơn. Và cái nạn đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp… diễn ra hàng ngày, thật đáng sợ. Ở nhà ga Koeln, vào những năm đó, Boell đã nhìn thấy các đoàn tàu quốc tế, chỉ những người nước ngoài giầu có, sực nức mùi xà phòng xa xỉ, đắt tiền, mồm phì phèo nửa điếu xì gà, nửa còn lại lấy giày dụi tắt… Giữa lúc đó, những người dân của thành phố quê hương ông và của toàn nước Đức đang trải qua những thử thách nặng nề để giành lấy sự sống, để hy vọng vào ngày mai.
Heinrich Boell, từ mặt trận trở về, không bao lâu sau đã cầm bút viết. Ông viết một cách hối hả. Những truyện ngắn, những tiểu thuyết chủ yếu ra đời ở thành phố này, khơi mạch và kêu gọi hàng loạt tác phẩm ưu tú của ông. Có thể nói, toàn bộ tác phẩm của ông đều mang tính chất tự truyện; ông là nhân chứng của mọi sự kiện thời đại, và vì thế sức mạnh thuyết phục, lôi cuốn càng lớn. Nước Đức, qua 12 năm chiến tranh, dưới sự thống trị của Đức quốc xã, đã trở thành một đống tro tàn. Nền văn học tiến bộ của thế kỷ XX ở Đức cũng vì thế dường như bị cắt đứt. Quả như Boell nói, nền văn học lúc này đang là một nền “văn học đổ nát, suy tàn”, cái chính vì nó không phản ảnh hiện thực một cách trung thực mà nghiêng về tô hồng, bôi son trát phấn cho cái hiện thực trớ trêu, méo mó. Boell nói: “Đó là thứ văn học khép kín”, “nó khác gì con chim bị nhốt trong lồng vàng”.
Chưa bao giờ Boell ham đọc và viết đến thế. Ông đọc Kafka, Hemingway, Thomas, Dostojewski, Bertolt Brecht… và từ sự từng trải qua chiến tranh, ông đã chuyển biến mạnh mẽ về thế giới quan, nhân sinh quan. Ông không còn tư tưởng “thờ ơ”, “đứng ngoài chính trị” như trước nữa; ông nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình - một nhà văn hiện thực, đầy lòng nhân ái; một nhân chứng của thời đại. Ông quan tâm đến “vấn đề Đức”, đến “sức mạnh chính trị của văn học” và cùng với Wolfgang Borscher, Alfred Andersch, những tài năng lỗi lạc, làm nên cốt lõi cho một nền văn học mới ở miền Tây nước Đức. Đó là nền văn hóa kiên quyết chống chiến tranh phát xít, chống chủ nghĩa quân phiệt, hết sức tôn trọng, yêu thương con người, vì tự do, hòa bình, và hạnh phúc của con người. Ông yêu cầu “nền văn học mới phải viết về người thợ làm bánh mặt dính đầy bột mì, về người thợ giặt nhễ nhại mồ hôi trong buồng kín”. Ông tuyên bố: “Tôi hết sức quan tâm đến những con người cần lao; dù họ không là những tác giả, những nghệ sĩ gì cả. Tôi thông cảm và đồng cảm thực sự với họ, chia sẻ cùng họ mọi nỗi niềm, bằng các cuộc trò chuyện, tiếp xúc…và cũng bằng cả một tiểu thuyết hay một thiên bút ký…”.
Cảm nhận sâu sắc điều đó, Heinrich Boell từ Giờ O của nền văn học Đức ở miền Tây cho rằng, giờ đây, “viết cũng là một hình thức tự giải phóng”. Ông viết: “Ngay cả lúc này, cho dù điêu tàn và đổ nát, khó khăn và đói khổ, v.v... hãy giữ cho mình cái cảm giác được tự giải phóng, được tự quyết định”. Cũng từ Giờ O ấy, hàng loạt nhà văn đã xuất hiện với tinh thần triệt để chống phát xít, với tinh thần thực sự dân chủ. Trừ một số người muốn tách văn chương ra ngoài xã hội, hầu hết các nhà văn trẻ ở lứa tuổi từ 20 đến 35 đều nhận thấy sự cần thiết của việc kiên quyết thay đổi xã hội. Họ là các cộng tác viên của những tờ tạp chí nổi tiếng như Sự kết thúc và sự bắt đầu, Những quyển vở Frankfurt…
“Nhóm 47”, với sự tham gia của H.Boell, H.Richter, A.Andersch, đòi hỏi con người phải được tự do tuyệt đối, có quyền tự quyết định về chủ đề sáng tác và nguyện vọng chủ yếu của mình trong văn học.
Giữa một tình hình văn hóa với những khuynh hướng cực kỳ phức tạp trong những năm đầu, đội ngũ các nhà văn dân chủ và hiện thực xuất hiện là cả một sự kiện rất đáng chào mừng, bởi vì, với họ, một dòng sông văn học mới, tích cực vì con người, vì ngày mai tốt đẹp, đã hình thành và phát triển không ngừng trên cánh đồng văn học miền Tây nước Đức.
Trong một thời gian dài, tác phẩm của Boell bị tấn công dữ dội, bị coi là thứ “văn xuôi bốc hơi từ xó bếp”, thứ “văn xuôi đồ cổ”, chỉ đi tìm những chuyện không vui… tác phẩm của ông bán rất chậm. Nhưng rồi, tình hình đổi khác dần. Những người thợ thủ công, những người thất nghiệp, bị sa thải, bần cùng hóa… đã tìm tới và họ tìm thấy nơi ông một trái tim ấm áp, yêu thương, qua những dòng văn không hề cường điệu, nói lớn, thấp thoáng đằng sau trang sách là nụ cười trào phúng, dí dỏm, khôi hài. Họ tìm thấy bóng dáng họ, cuộc đời họ trong những số phận đau thương, vật vã, khắc ngoải. Họ tìm đến nhà văn. Chính vì vậy, tại phòng đợi của nhà ga Koeln, trong nhiều năm liền, thường có những cuộc tọa đàm giữa họ và Boell, vào các ngày thứ Tư hằng tuần. Qua những cuộc tiếp xúc ấy, ai cũng thấy phải tạo dựng lại cuộc sống, trước hết là tạo dựng lại lương tâm. Nước Đức đã được giải phóng. Lương tâm của họ cũng phải được giải phóng. Các tác phẩm của Boell, từ Chuyến xe lửa đúng giờ đến Anh đã ở đâu, Adam, từ Không nói một lời nào cả, Ngôi nhà không có người che chở đến Chín rưỡi, chơi bi-a, Bức thư ngỏ gửi những người Đức đến Danh dự đã mất của Katharina, Tấm ảnh chụp với quý bà… lần lượt ra đời và đã trở thành những người bạn thân thiết của những “con người bé nhỏ”. Năm 1961, tạp chí Tấm gương khẳng định ông là “Nhà văn thành đạt nhất của thời hậu chiến”. Tính đến nay, có tới 50 nước dịch truyện của ông, số lượng in lên tới hàng trăm triệu bản. Năm 1972, nhà văn được tặng Giải thưởng Nobel văn học. Một nhà xuất bản ở Muenchen đánh giá: “Heinrich Boell là hiện thân của nền văn học hậu chiến Đức, và còn hơn cả một nền văn học”.
Đã 40 năm tròn, tôi chưa có dịp trở lại Koeln. Song, tôi vẫn thường nghĩ về thành phố quê hương của nhà văn nay đã thành văn hào Heinrich Boell. Tôi không được chứng kiến cuộc tang lễ với những ngọn cờ rủ ở Koeln, khi ông- người công dân ưu tú nhất của thành phố qua đời năm 1985. Nhưng tôi, ngày một cảm nhận sâu sắc hơn sự nghiệp văn chương của ông. Qua những tác phẩm của ông, tôi được đọc, và qua cái ngày toàn thành phố Koeln long trọng làm lễ chúc mừng ông tròn 60 tuổi, vào năm 1977, tôi hy vọng sẽ lại có dịp đáp tàu về thành phố quê hương ông, đứng trên sân ga ngót 40 năm trời thấp thoáng bóng hình thân thiết ấy, vang vọng tiếng nói đầy tự hào và niềm tin của ông vào cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Nguồn Văn nghệ