TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CẦN CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT, CỤ THỂ
Nhà văn Vũ Đảm
Tham nhũng đang diễn ra ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ Trung ương đến địa phương, trong các cấp, các ngành. Chủ thể tham nhũng là những kẻ có chức có quyền, chức càng cao, quyền càng lớn thì tham những càng nhiều, càng to.
Tham nhũng lớn thường diễn ra ở những dự án, công trình xây dựng mang tính quốc gia hoạc cấp tỉnh, thành phố có giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Số tiền mà bọn chúng tham nhũng được rất lớn. Chính vì tham nhũng mà nhiều dự án, công trình, nhà máy hàng trăm, hàng ngàn tỷ hoàn thành xong thì chỉ một thời gian ngắn đã xuống cấp, bị đắp chiếu để đấy hoặc có hoạt động thì cũng gây nên thua lỗ lớn.
Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cũng là một loại tham những lớn, gây tổn thất to lớn cho ngân sách nhà nước. Những mảnh đất vàng có giá thị trường lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ bị bọn tham nhũng ký duyệt bán, nhượng quyền sử dụng cho các nhà đầu tư với giá ưu đãi, đổi lại chúng sẽ được hưởng vài suất đất hoặc qui ra mỗi m2 bao nhiêu tiền, rồi nhân lên, thu về bất chính hàng triệu, vài chục triệu đôla.
Nhiều dự án mở đường đã bị những kẻ phê duyệt cho người nhà hoặc thuê người đứng tên mua hàng chục lô đất với giá rẻ, đến khi mở đường, những lô đất này nghiễm nhiên từ trong ngõ ra mặt đường với giá cao gấp hàng chục lần giá mua.
Việc Nhà nước có chủ trương cấp giấy quyền sử dụng đất( hay gọi là sổ đỏ) cho người dân là một chủ trương đúng trong việc quản lý đất đai nhưng bọn tham nhũng đã lợi dụng chính sách này để vòi vĩnh, chia chác nhau. Muốn có sổ đỏ phải chạy từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, vài chục tỷ tùy theo giá trị miếng đất. Một miếng đất thổ canh muốn biến thành đất sổ đỏ thì phải chi theo tỷ lệ 50/50, nghĩa là miếng đất này sang nhượng chỉ có giá 500 triệu đồng nhưng khi thành sổ đỏ, trị giá 4 tỷ đồng thì phải chia cho những kẻ tham nhũng 2 tỷ. Có thể nói hàng trăm ngàn tỷ của dân, của Nhà nước đã chảy vào túi bọn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai của cả nước.
Trong lĩnh vực tài chính, tham nhũng cũng hoành hành không kém, muốn được rót tiền cho công trình này, dự án kia thì phải để lại 10-30 %. Muốn được vay vốn cũng phải lại quả lại thì mới được vay, thế cho nên nhiều cán bộ ngân hàng vì tiền đã nhắm mắt cho vay hoặc cấu kết với nhau rút tiền ngân hàng vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, hậu quả là gây thất thoát, thua lỗ hàng chục, hàng trăm ngàn ngàn tỷ đồng cho nhà nước.Việc các cơ quan tố tụng tiến hành truy tố một loạt cán bộ trong ngành ngân hàng, tài chính vừa qua có liên quan đến tham nhũng và gây thất thoát vô cùng lớn là một bài học xương máu cần được rút ra và chặn đứng trong lĩnh vực tài chính- tiền tệ.
Ngoài tham nhũng lớn thì tham nhũng vặt cũng đồng hành ở khắp mọi nơi, khắp các lĩnh vực. Muốn được chứng thực công văn, giấy tờ ở ủy ban xã phường, quận huyện thì phải lót tay cho người ký. Muốn được khám nhanh, mổ nhanh thì phải phong bao cho bác sĩ, thậm chí ngay cả bệnh nhân bị ung thư cũng phải lót tay thì bác sĩ mới phẫu thuật. Muốn được con học trường điểm, trái tuyến phải chạy trường từ cấp mẫu giáo đến PTTH. Muốn không phải thi lại các môn, kể cả môn thể dục ở các trường Đại học, cao đẳng thì phải bồi dưỡng cho thầy cô! Vv…
Ngoài tham nhũng lớn và tham những vặt, chúng ta cũng nên nhận diện thêm một loại tham nhũng nữa đó là tham nhũng chức quyền, gây nguy hại to lớn cho sự tồn vong của đất nước. Nhiều vị quan tham, trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm một loạt cán bộ mà mục đích thật là thu lợi hàng chục, hàng trăm tỷ. Nhiều vị lãnh đạo còn đương chức đã can thiệp ngầm để vợ chồng, con cháu, anh em họ hàng hai bên nội, ngoại được bổ nhiệm với cái vỏ bọc đúng qui trình vào nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, chính quyền, các cơ quan tài chính vv…. Nạn tham nhũng chức quyền sẽ tạo ra một loạt cán bộ mới kém năng lực, kém phẩm chất, chúng tiếp tục vơ vét, tham nhũng để thu hồi số tiền mà mình mua chức và làm giàu bất chính.
Những kẻ tham nhũng thường sử dụng tiền, tài sản tham nhũng được vào việc ăn chơi, hưởng thụ, đánh bạc, bao gái; đưa vợ con đi du lịch ở trong và ngoài nước, cho con đi du học; mua ôtô, xây biệt thự sang trọng; mua nhà mặt phố, mua đất đai ở những vị trí đắt tiền. mua nhà ở nước ngoài; mua vàng, đôla cất giữ, gửi nhà băng nước ngoài.
Đảng và nhà nước ta đã chú trọng đến công tác phòng chống tham nhũng, đã thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng Trung ương, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng và bước đầu đã thu được một số kết quả khả quan nhưng so với thực trạng tham nhũng hiện nay thì số vụ việc tham nhũng bị phát hiện và số tiền thu hồi do tham những còn quá khiêm tốn.
Để công tác phòng chống tham nhũng đi vào thực chất, thu được kết quả thiết thực, đẩy lui được tệ nạn tham nhũng đang gây bức xúc trong nhân dân hiện nay, chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt, củ thể chứ không thể hô hào chung chung:
Thông qua các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Mặt trận tổ quốc Việt Nam ở các cấp từ Trung ương đến địa phương phát động phong trào chống tham nhũng trong toàn dân.
Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, điều tra, đăng tải các vụ việc tiêu cực, tham nhũng vì vậy các báo lớn cần mở chuyên mục: “Phòng chống tham nhũng”. Đồng thời các cơ quan chức năng phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ sự an toàn cho các nhà báo khi tác nghiệp. Lập Website về Phòng chống tham nhũng trực thuộc Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia. Cũng cần có Giải thưởng báo chí về phòng chống tham nhũng do Ủy ban Phòng chống tham nhũng Trung ương hoặc do Mặt trận tổ quốc Việt Nam trao tặng.
Công khai số điện thoại đường dây nóng, Email phòng chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các cơ quan, đoàn thể, xã phường để mọi người đều biết. Bất cứ ai cung cấp thông tin về tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đúng sự thật đều được khen thưởng xứng đáng về vật chất và tinh thần và đảm bảo bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin.
Tiến hành kê khai tài sản, nhất là nhà đất đối với cán bộ trưởng, phó ban từ cấp xã phường trở lên Trung ương và công khai trên một trang Website. Từ đó người dân có thể theo dõi, cung cấp cho cơ quan Phòng chống tham nhũng những ngôi nhà, mảnh đất khác mà kẻ tham nhũng không kê khai hoặc nhờ người khác đứng tên.
Thanh tra, kiểm tra những cán bộ, công chức có dấu hiệu tham những đang có biệt thự, xe hơi sang trọng, có nhà mặt phố đắt tiền; có tài khoản, có con đi du học, mua nhà ở nước ngoài xem nguồn tài chính họ lấy từ đâu? Nếu phát hiện tham nhũng cần truy tố, tịch thu tài sản.
Cán bộ công tác ở cơ quan Phòng chống tham nhũng phải có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, được ưu đãi về tiền lương, nhà ở, khám chữa bệnh.
Xử lý nghiêm minh, công khai tất cả các vụ việc tham nhũng để người dân được biết và để răn đe kẻ khác.
Ngoài xử lý những kẻ tham nhũng thì cần có qui chế, cha mẹ, vợ con, anh em ruột của người tham nhũng không được bổ nhiệm làm cán bộ.
Và biện pháp phòng và chống tham nhũng tốt nhất, hiệu quả nhất cho lâu dài là trọng dụng người có đức có tài, trao cho họ những những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, xã hội, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp Nhà nước vv…