TẾT TRONG THƠ DÂN TỘC THIỂU SỐ
Nghệ thuật Múa Khèn của người Mông (Hà Giang) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: ST
Cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều lễ, tết: tháng giêng có Tết Nguyên đán và hội xuống đồng; tháng hai có hội núi; tháng ba có lễ tảo mộ (thanh minh); tháng tư có lễ và hội hát đình; tháng năm, tháng sáu có lễ cúng thần nông, giết sâu bọ; tháng bảy có lễ rằm tháng bảy (Bươn chiêng xo ất bươn chất líp slí - Tháng giêng ngày mùng một, tháng bảy ngày mười bốn); tháng chín và tháng mười có lễ mừng cơm mới, làm cốm… Mỗi dịp như thế, con người khắp bản mường lại có cơ hội tụ họp với nhau, vui chơi, ca hát… Thơ hiện đại các dân tộc thiểu số có nhiều tác phẩm phản ánh đời sống và tâm thế con người trong mỗi dịp lễ, tết, trong đó tập trung vào hai đề tài chính.
Thứ nhất, niềm vui gắn kết. Tết đến làng/ Eng éc lợn kêu/ Thùm thụp chày giã gạo/ Ơi ới người gọi người/ Khắp cánh đồng râm ran tiếng núi (Mặt hồng cười - Y Phương). Người đọc có thể bắt gặp nhiều niềm vui như thế trong những sáng tác về Tết của các nhà thơ dân tộc thiểu số bởi đó là thời điểm gia đình sum họp, con người hân hoan cùng nhau trong những sinh hoạt cộng đồng nhiều ý nghĩa.
Lò Ngân Sủn miêu tả cái háo hức, rạo rực của đồng bào vùng Việt Bắc khi mùa xuân về: Mùa xuân đến/ Lòng người nở hoa/ Trái tim giã cốm/ Cả làng/ Cả bản/ Già trẻ/ Gái trai/ Người người/ Mới từ đầu đến chân (Mùa xuân đến). Lò Cao Nhum vẽ bức tranh phiên chợ Tết vùng cao bằng những nét vẽ khỏe khoắn, sinh động: Lòng dạ dồn vào phiên chợ Tết/ Cá tôm, gà vịt, gạo trắng ngần/ Mới hay sông núi cùng tụ hội/ Vui buồn gì cũng gặp mùa xuân (Chợ Tết). Cũng viết về phiên chợ Tết, nhưng Ma Phương Tân lại chú tâm khắc họa những mối tình đẹp đẽ được mùa xuân ươm mầm của những đôi trai gái dân tộc yêu nhau đắm say: Chợ Đồn mùa xuân về/ Giọt nắng long lanh đậu trong mắt em/ Thành câu hát…/ Dẫn lối đi về (Chợ Đồn mùa xuân về). Dương Thuấn viết về niềm vui giản dị của những con người chân chất, mộc mạc khi lên rừng hái lá dong làm bánh chưng, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết: Tháng chạp lên rừng hái lá dong/ Mang về gói bánh chưng ngày Tết/ Một mình trong khe cạn em hát (Cháy vì lửa sông sâu). Mai Liễu thấm thía cảm giác hạnh phúc khi được sống trong tình cảm cố kết cộng đồng sau những thăng trầm bươn chải nửa đời người: La đà cả ba ngày Tết/ Chén xuân nồng đượm nghĩa tình/ Cũng may, nửa đời phiêu dạt/ Vui buồn còn bạn/ còn quê… (Tết quê nhà).
Không chỉ miêu tả những sinh hoạt vui chơi, không khí hân hoan của mọi người trong ngày Tết, nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số còn đề cập đến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Theo phong tục người Tày, Tết là dịp để người con rể biểu hiện sự kính trọng, hiếu thảo với gia đình nhà vợ: Đã làm con rể trẻ hay già/ Dù ở gần hay ở xa/ Đến tháng giêng nhớ thăm mẹ vợ/ Người đã sinh thành nuôi lớn vợ ta (Tháng Giêng thăm mẹ vợ - Dương Thuấn); là dịp tỏ lòng thành mời tổ tiên về cùng con cháu cầu mong những điều hạnh phúc sẽ đến trong năm mới: Hãy đốt to lên ngọn lửa/ Cho sáng tỏa khắp sàn nhà/ Mừng các cụ tổ về ăn Tết/ Thắp hương, rót rượu trà ra… (Giao thừa - Dương Thuấn). Tết cũng là dịp để người dân các dân tộc thiểu số khoe các lễ hội mang tính đặc trưng của mình. Lò Ngân Sủn viết rất sinh động và đầy đủ về lễ hội của các dân tộc trên dãy Hoàng Liên Sơn: Người Hà Nhì có khô chà chà/ Người Phù Lá có a thá chim/ Người Mông có gầu tào/ Người Dao có pút tồng/ Người Tày có lồng tồng/ Người Thái có xoè/ Người Giáy có roóng poọc. Những nét văn hóa ấy làm nên những hương sắc riêng trong vẻ đẹp chung về một cuộc đời tươi mới: Làm nên mùa xuân bất diệt/ Làm nên mưa thuận gió hòa/ Làm nên sức khỏe con người/ Làm nên mùa màng tươi tốt/ Làm nên tình yêu đôi lứa/ Làm nên niềm tin lẫn nhau (Hoàng Liên Sơn).
Nguồn: Văn nghệ Quân đội
Thứ hai, nỗi buồn tha hương. Bên cạnh những vần thơ gợi nên không khí vui tươi của ngày Tết, các nhà thơ dân tộc thiểu số còn có những sáng tác gợi về nỗi buồn, nỗi cô đơn, những trăn trở suy tư của những người con dân tộc thiểu số. Đó là nỗi thương cảm về cái nghèo, cái đói vẫn đang đeo đẳng hàng ngày với không ít đồng bào dân tộc. Cái nghèo, cái đói ấy càng trở nên xót xa, cay đắng khi xuân về. Tết với nhiều người là tiếng cười, là niềm vui, nhưng với nhiều người khác lại là dịp để thử thách khả năng sinh tồn của mình. Dựa trên một tình huống có thật trong cuộc sống, Tằng A Tài đã viết nên những câu thơ đau đáu với đời: Con chó gặm miếng thịt chạy quanh bờ ruộng/ Người đàn bà hớt hải đuổi theo/ Những mái nhà tranh eng éc lợn kêu/ Báo hiệu mùa xuân đang đến/ Con chó gặm miếng thịt chạy hổn hển/ Người đàn bà thục mạng đuổi sau/ Sáu đứa con nheo nhóc đứng nhìn nhau/ Bỗng khóc như thể ống gạo cuối cùng trong nồi bốc cháy…/ Người đàn bà và con chó đứng trong màn sương/ Mặt ruộng khô cằn xơ xác rạ/ Gió thai mùa thổi vài cơn chướng giá/ Miếng thịt bảy lạng thâm tái tê… (Miếng thịt sinh tồn). Đó là nỗi ưu tư của người con khi thấy đấng sinh thành mỗi lúc mỗi khác. Bùi Thị Tuyết Mai không khỏi ngậm ngùi vì ý nghĩ mẹ cha lại thêm một tuổi, những ngày vui trên thế gian lại ngắn đi một chút: Mỗi Tết/ Cha tặng cho tôi một phong bao…/ Và có một lần/ Chiếc phong bao buồn rầu kể cho tôi/ Về những sợi tóc mới vừa bạc trên đầu cha/ Mảnh gương lâu nay vẫn trong veo cửa sổ mẹ/ Bỗng hiện lên nhiều nếp nhăn (Cha). Đó là sự ngẫm ngợi, ý thức của con người về cuộc đời, về thân phận, về bổn phận và nghĩa vụ, về cho đi và nhận lại: Xuân nào gọi xuân già/ Khi qua thời chập chững…/ Da hiện dần dấu chim/ Xếp nghĩ càng thêm tuổi/ Xuân không biết dừng lại/ Nếu ta thừa hiến dâng (Đếm tuổi - Lò Cao Nhum).
Tết đến, tâm trạng những người con lưu lạc lại càng đẫm nỗi ưu tư. Ngắm cành đào xuân khoe sắc thắm, nhiều nhà thơ xa quê đến lập nghiệp nơi vùng đất mới nhớ quay quắt cố hương. Trong họ, khát vọng hồi cố trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thơ Mai Liễu luôn thường trực nỗi khắc khoải xa quê hương. Mỗi dịp tết đến xuân về, người người sum họp lại là lúc ông cảm thấy cô đơn và chạnh lòng nhất: Giữa ồn ào thành phố/ Âm thầm mơ giấc quê/ Năm nay hoa muộn nở/ Xuân về chờ ai chăng? (Mơ quê). Phùng Hải Yến bộc lộ những khát khao được gắn bó với quê nhà, nơi có những người thân yêu: Sắp tết rồi!/ Về với núi rừng thôi!/ Làm con sóc con rúc trong lòng mế/ Làm con dúi tìm về với chiếc hang - lòng đất/ Về cọn nước quê mình/ Giọt nước ngọt mềm môi (Vị quê). Xa quê, Triệu Kim Văn cảm thấy mình mắc nợ gia đình, mắc nợ dân tộc Dao yêu thương khi tiếng pháo đêm giao thừa nổ vang: Con không về “chẩy chấu” cho cha/ Để xuất hành sau giao thừa pháo nổ/ Biết rồi mẹ lại mong lại nhớ/ Lại cầu an cho con cháu sang năm… (Con sẽ về). Cũng là một người con xa quê lâu ngày, nhìn thiên hạ vui vẻ đón tết, Y Phương nhớ nhà da diết đến mức phải bật lên thành tiếng: Tết này/ Ở thành phố/ Nhớ tiếng gà (Tiếng gà). Giống như nhiều nhà thơ khi rời quê hương, khắc khoải một khát vọng trở về luôn thường trực trong ông: Trên các bến tàu bến xe/ Tôi thấy/ Những vali/ Những túi/ Những người/ Căng phồng niềm vui/ Về quê ăn Tết/ Tay tôi chạm cành buồn mọng nước/ Bên đường/ Cây cũng chẳng còn ai/ Mà về (Cây ơi về đâu).
Khi nghiên cứu về tương tác cá nhân - không gian (person - place), R.B. Taylor quan niệm về tác động lãnh thổ, sự gắn bó với một nơi, có thể được định nghĩa như những liên hệ tình cảm giữa cá nhân và môi trường trực tiếp của nó, có vai trò trực tiếp trong sự hình thành tính cách con người, trong thái độ của nó đối với thế giới xung quanh. Bằng những sáng tác về dân tộc mình nói chung, về ngày tết nói riêng, các nhà thơ dân tộc thiểu số một mặt đã làm tròn nghĩa vụ với quê hương, một mặt tham góp thêm một tiếng nói vừa tự tin, vừa trách nhiệm trong bản hợp thanh của văn học đương đại với ý thức thường trực về bản sắc dân tộc.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội