Thời sự văn học nghệ thuật

16/2
9:51 PM 2017

KỶ NIỆM NGÀY 17-2-1979 TRANG THƠ VỀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Vanvn.net giới thiệu trang thơ của các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc cách đây 38 năm, gồm các nhà thơ: Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Việt Chiến, Thái Thăng Long...

KỶ NIỆM NGÀY 17-2-1979 TRANG THƠ VỀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC Ở BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

 

ANH NGỌC

CHIẾC CẦU TACANÔ BẮC NGANG DÒNG NƯỚC MẮT


Êmi Tacanô (1)
Ai nỡ trách khi cháu còn quá bé
Chưa hiểu được nỗi gì trong mắt mẹ
Sấm sét và mây đen
Khi nội già nua cúi gập tấm lưng còng
Cõng mãi chiếc gối bông
Giọt nước mắt chảy suốt hai đầu lục địa
Cháu ngơ ngác : có chuyện gì thế nhỉ?
Và cúi tìm hỏi bạn búp bê
Cái mũi đỏ ngô nghê
Khiến cháu bật cười
Êmi Tacanô
Trong buổi sáng hôm nay
Giọt nước mắt của bà và nụ cười của cháu
Đã cứa vào lòng chú
Hai vết thương sâu

Êmi Tacanô
Cháu chưa hiểu được đâu
Buổi sáng ấy trời Lạng Sơn đầy gió
Gió thổi lên từ những ngôi nhà đổ
Gạch ngói nằm trên chiếu trên chăn
Gió thổi qua đầu con búp bê gãy chân
Mình đắp đầy lá rụng
Và gió thổi về trong tiếng súng
130 ly
Bố Tacanô bước đi
Dưới những hàng chàm chảy máu
Thị xã và lòng bố rung lên trong trận bão
Bố đã đi từ Hirôsima đến Lạng Sơn
Với chiếc mũ tai bèo trắng đã sờn
Trên mái đầu trai trẻ
Chỉ vài phút nữa thôi, có thể
Bố sẽ không đi đến được tuổi già
Điều ấy có sao đâu
Nhưng khúc sông Kỳ Cùng này thì bố Tacanô phải đến
Chiếc cầu gãy này thì bố Tacanô phải đến
Cuộn phim nằm trong máy ảnh đã lên phim
Gương mặt tình yêu đã lọt giữa khuôn hình
Cao cả và thiêng liêng cái phút giây bấm máy
Khi bố Tacanô đặt tay vào nút bấm
Thì bọn chúng đặt tay vào cò súng
Hai tiếng nổ vang lên
Dữ dội và dịu êm
Hai tiếng nổ...

Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên
Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại
Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy
Lẫn vào trong nhịp đập trái tim
Như chiếc cầu, bố Tacanô ngã xuống
Và như chiếc cầu, bố lại đứng lên
Nghe trên mình nối những bước chân
Bè bạn đi qua
Đồng đội đi qua
Chiếc cầu Tacanô bắc ngang dòng nước mắt
Êmi Tacanô
Cháu đã đến đây cho chú hiểu một điều
Là dưới vành mũ trắng tai bèo
Đã đi qua một cuộc đời bình dị
Những hạnh phúc đơn sơ
Những buồn vui nhỏ bé
Chiếc gối bà tựa lưng, con búp bê nhỏ cháu cầm
Cũng thân yêu như màu đỏ lá chàm
Chiều Lạng Sơn cháy trên đầu bố

Êmi ơi
Cháu hãy nhìn cho rõ
Qua khói, qua hương
Qua màu đen thăm thẳm những băng tang
Có phải chăng
Mắt bố Tacanô đang cười sau mắt kính?

                      15-3-1979

 

  1. Con gái của nhà báo Nhật Bản Ishao Tacano, người đã hy sinh ở thị xã Lạng Sơn, sáng 8.3.1979, trong cuộc chiến trên biên giới phía Bắc.

 

 

 

HOÀNG NHUẬN CẦM

 

TÔI KHÔNG THỂ MANG VỀ CHO EM



Tôi không thể nào mang về cho em
Trên những đồi biên cương chảy máu
Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu
Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hoà An.

Thương yêu quá! Việt Nam
Lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ
Con đứa lên rừng, đứa lần xuống bể
Ngảy đất trời vỡ trứng Âu Cơ.

Sao thương quá ầu ơ
Lời ru ngủ suốt chân trời góc bể
Tay nào mẹ bồng, tay nào mẹ bế
Bàn tay nào đẫm lệ dỗ Nguyễn Du.

Chưa tay nào dỗ nín được Nguyễn Du
Sao tôi thương mùa thu trăng lu
Đêm sao mai lặng lờ cá đớp
Ngày mặt trời đổ rợp bóng cây.

Tâm hồn tôi màu mây
Quân phục xanh màu lá
Việt Nam! Tôi thương quá
Tôi thương quá! Việt Nam.

Trái tim thêm một tuổi
Đất tôi yêu ngàn ngày
Xin trao tôi khẩu súng
Khi mà chưa xuôi tay
Mẹ lại đưa ra trận
Khu vườn hoa mướp bay...

Việt Nam ôi yêu thương
Chữ vất vả, gian nan người quá thấu
Bao thế hệ trọn đời đi chiến đấu
Bao cuộc đời nhắc đến đã gương soi.
Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi
Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu
Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu
Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi...

 

 

 

NGUYỄN QUANG THIỀU

ĐÊM SÂN GA

 

Đêm sân ga,
Chúng tôi thức chờ tàu lên phía Bắc
Những lá bàng rủ nhau đi trốn rét
Những người dân sơ tán ngủ bên thềm

 

Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm
Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt
Trên sân ga chúng tôi ngồi quanh một người kéo nhị
Một vùng trời chớp đạn rạch sau lưng

 

Chúng tôi ngồi trong đêm rưng rưng
Thương dáng nhị như mẹ ngồi bậc cửa
Bao câu hát khi già mẹ chẳng còn nhớ nữa
Đồng đội ơi cây nhị thay lời

 

Cung dây kéo như thuyền về bến đợi
Dây thấp dây cao, bên lở bên bồi
Chân bước xuống thuyền em ơi...đừng khóc
Đất nước mình Quan họ vẫn chia tay

 

Đất nước mình thương quá đêm nay
Cây nhị đã bao thời ghánh lời ca lưu lạc
Nỗi thương nước chập chờn trong tiếng vạc
Cứ dồn vào bạc trắng cả hai dây

 

Đồng đội ơi lại tiếng nhị đêm nay
Lại Lý ngựa ô đưa người lên biên giới
Kéo nữa đi anh, kéo thay lời người đợi
Trên sân ga đưa tiễn chẳng dùng dằng

 

Chúng tôi sẽ về để nghe nhị dưới trăng
Lời thương nhớ phập phồng sau áo lính
Tay chai cứng để rồi mà lúng túng
Để rồi mà...dây nhị lại se tơ

 

Đồng đội ơi chúng mình còn mắc nợ
Với miền đất đêm nay ta đến đỏ đạn thù
Sau lưng ta đi cây nhị ngồi không ngủ
Cây nhị ngồi xe mãi dây tơ.

 

1981

 

 

NGUYỄN ĐỨC MẬU

MÀU HOA ĐỎ

 

Có người lính

Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính

Mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi

Mây ngàn hóa bóng cây tre

Chiều biên cương trắng trời sương núi

Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Việt Nam ơi ! Việt Nam !

Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con

Việt Nam ơi ! Việt Nam !

Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa

Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn

 

 

TRẦN ĐĂNG KHOA

ĐỈNH NÚI

 

Ta ngự giữa đỉnh trời 
Canh một vùng biên ải 
Cho làn sương mong manh 
Hoá trường thành vững chãi 

Lán buộc vào hoàng hôn 
Ráng vàng cùng đến ở 
Bao nhiêu là núi non 
Ríu rít ngoài cửa sổ 

Những mùa đi thăm thẳm 
Trong mung lung chiều tà 
Biết bao chàng lính trẻ 
Đã thành ông bố già 

Áo lên màu mốc trắng 
Tóc đầm đìa sương bay 
Lời yêu không muốn ngỏ 
Sợ lẫn vào gió mây 

Bỗng ngời ngời chóp núi 
Em xoè ô thăm ta 
Bàng hoàng, xô tung cửa 
Hoá ra vầng trăng xa.

 

 

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

 

HAI NGÀN TAY SÚNG CHỐT TRÊN ĐỒI NÀY

 

Các anh nằm lại Vị Xuyên

Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này

Nén hương đầu gió khói lay

Khói hương chia khắp bia này mộ kia

 

Âm dương hai ngả cách chia

Hai ngàn tay súng đi về tận đâu

Mẹ ơi! Đất nước thương đau

Chúng con nằm lại núi sâu rừng già

 

Hai ngàn trái tim xót xa

Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi

Hai ngàn nỗi nhớ  mồ côi

Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm

 

Các anh nằm lại Vị Xuyên

Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này

Các anh vẫn mãi còn đây

Đội hình đánh giặc bao ngày không quên

 

Thưa mẹ, sớm nay bình yên

Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về…

 

NĂM ẤY, VỊ XUYÊN

 

Năm ấy dọc sông Lô

Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống

Xẻ làm áo quan

 

Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang

Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi

Gió biên thùy tiễn các anh vào đất

 

Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở

Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan

Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì…

 

 

 

THÁI THĂNG LONG

 

NGÀY 17 THÁNG 2 NĂM 1979

 

máu dồng dội tôi nhuộm dỏ rừng chiều

máu của nhân dân tôi thành sông ngày ấy

súng giăc bủa vây , nhà cháy

súng giặc băm nát núi cao...

căm thù dựng bia ở dất

mối thù khắc dá rừng xanh

 

bao nấm mộ sau cuộc chiến tranh

có yên không dồng dội?

 

trái tim mình nhức nhối

tổ quốc bên người ru lời dắng cay...

lịch sử sẽ còn ghi mãi

ngày 17-2-1979

xác giặc chất dầy...

 

16-2-2014

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *