Thời sự văn học nghệ thuật

6/3
8:05 PM 2017

NGÔI NHÀ CỦA CHÚA- TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN XUÂN HÀ

Khách sạn hiện mình giữa những tán thông xù trông thẳng xuống thị trấn, phía trên là cột truyền hình VIBA cao mảnh trên khối bệ đỡ cả triệu năm tuổi. Bên tay phải là bãi đá chông, những người lính tạc lạnh lùng đứng gác. Thoải sang tay trái là thung lũng hoang ẩn giấu câu chuyện chỉ suối rừng mới biết.

                                                                  Minh họa: Phạm Minh Hải

 Đứng ở góc phố nào người ta cũng có thể nhìn thấy ngôi nhà hai tầng, mái dốc, gạch nguyên. Ngôi nhà chưa quá năm phòng mỗi tầng và theo tiêu chuẩn xây dựng thời hiện đại thì không thể gọi đó là một khách sạn. Nhưng người dân vẫn quen nói như vậy và du khách cũng không phàn nàn gì. Dường như ngôi nhà chẳng cũ thêm được nữa so với thời phố núi chưa tên gọi.

Nói thế lại có chiều ưu ái cho công trình còn lại của nền kiến trúc cổ đứng tách biệt với hàng chục biệt thự to nhỏ đủ màu đua chen ngoài mặt phố kẻ một đường ren sặc sỡ trên chiếc váy đơn mộc của mẹ thiên nhiên. Mẹ nhân từ thả lỏng cánh tay cho đàn con đang lớn. Đêm đêm, thị trấn thao thức cùng ánh điện giăng trên vách núi. Con đường cheo leo ầm ừ tiếng động cơ ngay cả khi các loài thú hoang dã nhất đã về hang sâu.

Ở đầu con dốc nơi con đường mệt nhọc dẫn lên là một dãy tiệm sầm uất từ hàng cà phê, shop tóc đến garage ôtô. Sự nồng nhiệt của phố núi là cái bắt tay từ cửa kéo vào. Đi trên phố mà như lạc vào lò rượu, xưởng bia, du khách đành lòng để men say dẫn lối. Bầu trời tròn vồng và mặt đất vuông đua, nơi này chính là một góc vũ trụ cơi dày lên. Bãi cỏ êm làm du khách quên cả tư trang cùng xống áo. Một chiếc giường chung cho những đứa con đi xa về với mẹ.

Thị trấn hồi xuân say mê da thịt của chính mình mà quên cả năm tháng. Người ta chỉ có thể nhận ra thứ ngày trong tuần bằng số lượng ô tô thưa thớt hay chen kín con phố nhỏ. Ai cũng biết chính cuộc sống nhàm chán nơi đô thị mới đem lại sức sống cho phố núi. Thị trấn là tấm gương trái chiều với những gì đang diễn ra trên mặt đất bằng trải rộng xa kia. Khi thành phố mờ sập mưa tuôn thì rừng chiều còn vương nắng; khi dòng sông cuộn đỏ phù sa thì lòng suối đã thu mình róc rách. Thị trấn như người tình dốc lòng chiều yêu nhưng biết né tránh cuồng ghen.

Thị trấn có chỉ số hạnh phúc cao vào bậc nhất. Trong tuổi đời ngót trăm năm của phố núi người ta chưa ghi nhận một vụ đánh ghen nào, nói gì đến li thân, li dị. Có người lập luận rằng thị trấn quá gần mây nên mọi thứ trở nên mỏng manh, yếu đuối không chịu được cảm giác mạnh như thế. Dù có phải chia tay nhau đi nữa thì người phố núi cũng biết thu nước mắt vào trong. Thực ra điều ấy cũng không khó luận: độ cao là chất giải cảm, khi vạn vật thu lại cảm giác đau buồn cũng thắt vào. Không nói ra thì các cuộc chia tay vẫn tạo ra cảm vị riêng của vết thương tình ái. Tiếng lành đồn xa, người ta tò mò đến với thị trấn để chia tay nhau thật. Có người gọi thị trấn là Thiên đường chia biệt.

Liên chậm rãi kéo rèm cửa sổ. Thị trấn hiện ra trong sương sớm. Vạt nắng đầu tiên chia bức tường thành hai miền sáng không rõ ràng. Vùng giao thoa biến hình theo đám mây vờn trên bầu trời. Cô cố gắng gạt đi nỗi bộn rộn nhìn xuống phố mới. “Lại cuối tuần rồi”, cô tự nhủ và nghe tiếng chuông nhà thờ vọng đến. Cô biết buổi lễ thánh đang diễn ra. Cô hướng về phía cây thánh giá trên tháp mái nhà chúa. “Amen”, tiếng kinh cầu vang trong tâm nguyện. Thượng đế nghỉ vào ngày Chủ nhật còn Đức Chúa thì không. Ngài chuyên tâm ban phúc cho đám chăn chiên bơ vơ trong ngày cuối tuần đầy biến cố.

Buổi sáng tinh khôi và tiếng gõ cửa của cô nhân viên lễ tân chăm chỉ hơn nàng ong rừng. Thông điệp khải huyền và nụ cười tươi tắn.
- Chị đã đọc xong chương sách chưa? - Một nửa trong đó là câu chào.
- Chị chỉ chưa đọc lại cả cuốn thôi em ạ. - Cô cũng hồ hởi không kém.

Không ở đâu ngoài phố núi có chuyện người ta cất lời đầu trong ngày bằng xiêm áo nàng thơ. Liên mê đọc sách cùng nắm hạt dẻ đặt trong tầm quơ. Hạt dẻ rang khô, tiểu thuyết cổ điển và con người cô là một khối ba chiều. Cô nâng giữ sách hơn cả những chai rượu trong hầm kho. Một cuốn sách hay đưa cô từ đáy hang lên đỉnh trời. Cô nhập vai nhân vật nhiệt thành đến ấm mềm trang sách. Cô sống với sách về đêm và khi giấc ngủ đến cô cũng không gấp chúng lại để tình tư có cửa vào ra.

  

 
 

Chồng cô là diễn viên nổi danh trong một đoàn kịch lưu diễn mà anh thường nói đùa là nghề rong ca, cái nghề “ăn mòn bát khán giả”, kể từ cơm nương, rượu cần đến cá hồi, tổ yến tuốt tuồn tuột trên rừng dưới biển. Anh bảo cô đa đoan “chung tình” với cả đống người trong màn kịch lần hồi. Đáp lại cô dứ nắm tay miệng đọc một lời thoại của chàng Don Juan đủ “ngọt” để “chết ruồi”. Anh cười, nụ cười không son môi đúng chất men’s và một cuốn sách là món quà không thể thiếu của chàng du sĩ.

Cô nhẹ nhàng rút một cuốn sách anh tặng xếp theo trình tự thời gian. Cô nhắm mắt mở ra đúng trang mình muốn đọc. Cảm nhận hà hơi cho sự kiện đã qua. Sách là thầy, là bạn, là đồng đội, đồng chí, là tuốt tuột những gì tốt đẹp nhất mà người ta viết đề tặng nhau. Sách soi rõ bản diện của bọn cướp đường, đạo chích, cùng quẫn và lười nhác; sách mở toang cánh cửa nhà tù để ánh sáng chiếu vào bản nguyên phi nhân tính và sức chịu nhục hình; sách là mảnh gương phản hiện những kiếp đời đọa đày tận đáy địa ngục u tối. Nhưng sách không bao giờ là thiên đường cả vì thiên đường không có chỗ đứng trên mặt đất gồ ghề này. Cô giáo sinh một thời kịp dừng ý nghĩ khi cô nhân viên lễ tân bước vào.
Cô gái không nói câu chào. Nét khó săn se trong ánh mắt. Chị à, có khách tự đến đòi nhập phòng. Ai nhỉ? Một người đàn bà và… bé trai.

*
*    *

Nhìn bé trai nằm lạnh lẽo trên chiếc đi văng Liên nghĩ đến những đứa trẻ không cha, những đứa con hoang.
Tình ái là món quà của Thượng đế dành cho con người. Ngài chiều chuộng cả cái nhu cầu rất hay nổi loạn trong mỗi cá thể bất kể nam nữ. Tiếc thay con người sử dụng món quà khá hoang phí và sự tùy tiện ấy có lúc làm Ngài thực sự phật ý. Ngài cũng nóng giận. Thay vì một nạn hồng thủy, Ngài nghĩ ra một hình phạt khác. Đó là những cuộc giả tình và những đứa con hoang. Trách nhiệm nuôi dạy bọn trẻ đáng thương ấy đương nhiên thuộc về người đàn bà hư hỏng trước khi cộng đồng phải xúm vào.

Con hoang là hiện thực gắn liền với hè đường, trại trẻ, với sa ngã, trưởng thành, một sản phẩm từ những lỗi lầm kế tiếp. Ngay cả một cộng đồng biết hi sinh tranh đấu, một dân tộc dũng cảm đã qua cuộc chiến thậm chí hàng chục năm, vấn đề con hoang và tương lai của chúng vẫn là chủ đề dè dặt khi bàn luận. Người ta có thể móc hầu bao cho tiền từ thiện nhưng không ai đứng lại mà bàn luận công danh. Xã hội khéo léo bỏ lại đoạn kết về cuộc đời bọn trẻ đáng thương cho những trang viết văn học. Văn học đầy tính nhân đạo sẵn sàng nâng cấp chúng thành những mẫu người lí tưởng, những người lính quả cảm, những phụ nữ đảm đang. Kể cả họ có sa ngã đi chăng nữa thì cái kết câu chuyện không bao giờ là buồn cả. Văn học không bao giờ tàn nhẫn với trẻ thơ như cái hiện thực đáng lên án này.

Victor Hugo có lẽ là nhà văn vĩ đại nhất viết về con trẻ lang thang. Có người theo chủ nghĩa nhân văn vì quá đồng cảm với những nhân vật như Gwynplaine (Thằng Cười) và Quasimodo (Nhà thờ Đức bà) mà lớn tiếng phê phán ông. Họ không biết ông đã phải cấu từ da thịt mình để có những khổ nhân như vậy. Cuộc sống con trẻ trong tiểu thuyết của ông như cây lá trên mảnh đất cằn, phải vượt lên để không tàn úa. Tình yêu và nỗi đau song hành đến mọi bến đỗ. Liên đọc ông mà quên cả với tay quờ túm hạt dẻ. Cô khóc cho chính mình.

Một bầu trời buổi sáng u ám. Cũng phố núi và cánh rừng khi ấy tiến sát hơn vào chỗ cô ngồi bây giờ. Khuôn mặt và nụ cười của vị hiệu trưởng hiện ra cùng lời hứa về một chỗ đứng cho cô sinh viên văn khoa. Dối trá mang khuôn mặt của nhà mô phạm thì còn dối trá hơn nghìn lần kẻ suốt ngày nói dối, một triệu lần kẻ vừa nói thật vừa nói dối. Đương nhiên lúc ấy cô tin ông như tin vào Chúa trên thiên đàng. Ông ta đã làm tốt phận sự đàn ông. Ông cũng chẳng giúp gì cho cô ngoài một sinh linh bé bỏng sớm bị tước đi quyền làm người. Ông đưa cô lên mảnh đất thiên đường để lặp lại cuộc vui của cô gái Fantine cùng lời thề thốt đáng dành cho quỷ.

V. Hugo đã mượn vai cô thợ để gián tiếp vận vào cô giáo sinh ngày ấy. Nhưng ông tiếc vẻ đẹp thánh thiện của cô mà giữ lại mái tóc và hàm răng. Muốn vậy lại ông đành bỏ đi một chi tiết, nhỏ thôi, khả năng thiên bẩm của người phụ nữ! Cô đọc cuốn truyện một lần rồi vĩnh viễn khép lại. Nhưng nỗi đau vô sinh thức cùng cô. Chỉ vậy, với cô miền đất này không bao giờ là thiên đường cả.

Cô bước đi trong sương lạnh và nước mắt cả buổi sáng hôm ấy. Cô biết cái kết của câu chuyện phụ thuộc vào sức chịu đựng của chính mình. Con đường vô định dẫn cô đến vách núi và cây sồi đơn lẻ. Cô đứng đó chênh vênh một khoảng không mờ mịt. Cô đã nhắm mắt lại và giang hai tay ra. “Lạy chúa tôi! Cháu đang làm gì vậy?” - Một bàn tay đặt lên vai cô. “Vâng. Cháu đang muốn về với Chúa đây.” - Cô nói. “Cái đó không đúng ý Chúa đâu.” - Vẫn giọng nhỏ nhẹ như gió bên tai. - Hãy về với bác.

Bản năng sống của cô vùng dậy. Liệu đây có phải là bản thánh ca trong tác phẩm của nhà văn Móricz Zsigmond mà cô mang theo để gối đầu cái chết. Cô chính là Cô gái mồ côi ấy. Giữa bầu trời vừa hé nắng cô nhận ra mái tóc điểm bạc của một người phụ nữ. Chúa nhân từ đã cử bà đến đây chấm dứt cơn ác mộng của cô.
Cô ngước nhìn lên sườn núi theo hướng tay bà chỉ. Thấp thoáng trong làn mây là mái nhọn của ngôi nhà hai tầng

*
*    *

Cuối cùng Liên nhận ra có điều gì rất không bình thường khi cô gái nhìn lên. Đó là ánh mắt của kẻ đi truy tìm nhưng sa vào cảnh bị truy đuổi. Vậy cô tìm ai mà rơi vào tình cảnh bí bách thế này. Vẻ trào hân còn vương lại trong ánh mắt hé ra từ mái tóc che nửa mặt. Cô ta trông khá nét với hàng mi cong. “Anh nhà em nói đã đặt phòng. Anh ấy lên sau.” Giọng cô run lạc. Liên nhận ra bức tượng Đức Mẹ lấp ló sau làn áo mỏng của cô gái. Kẻ khốn khó nói dối thì dễ lộ nhưng rõ là Chúa đã thu xếp cuộc gặp này.

- Em mặc thế mà không lạnh sao? - Cô buột miêng.
- Không đâu. - Cô gái chỉ đáp lại có vậy rồi dành cả ánh mắt cho đứa trẻ.
Nét heo hắt hiện trên khuôn mặt nhìn nghiêng của cô gái trẻ làm cho Liên se lòng. Một làn gió sớm từ phía đồi rừng thổi vào cùng lúc cô gái bật lên một tiếng ho khan, tiếp theo là tiếng nấc của cơn khóc chưa dứt. Cô muốn kìm nén ưu phiền nhưng không thể. Cô gái chạy ra ngoài bậc cửa, từ đó cơn ho vọng vào còn dữ dội hơn. Đứa trẻ trên đi văng khóc theo cùng lúc tiếng chuông nhà thờ gióng giả vọng đến. Sợi dây liên hệ rung mỏng manh làm bối rối những người đứng đó. Khuôn mặt cô gái dịu lại khi thấy đứa bé nằm gọn trên tay Liên. Nó không khóc nữa, hai mắt bắt vào cái nhìn của Liên rồi chúm chím cười mỗi lần cô tắc lưỡi.

- Em bố trí phòng Loft cho khách ở. - Liên quay lại phía cô lễ tân.
- Chị ơi trước đây bà đã dặn là… - Cô nhân viên ậm ừ.
Mấy giây yên lặng chỉ để khẳng định quyết định của Liên là không đổi.
- Chị biết chứ. - Cô nói mắt không nhìn vào đâu cả. - Và nhớ lau lại những tấm hình trên tường, mang theo mấy cây nến nữa.
Cô tự hỏi, phải chăng việc đó cuối cùng cũng đến?

*
*    *

Đó là căn phòng duy nhất trong khu nhà có sự hiện diện rõ ràng của Đức Chúa, ít nhất cũng từ khi ông bà lần lượt đi xa. Căn phòng ở vị trí cao nhất có hai buồng nhỏ, và bức ảnh Đức Mẹ bế Chúa hài đồng đặt trang trọng nơi những đứa trẻ có thể chơi đùa. Lí do có căn phòng biệt lập này không phải do dị tính vốn có trong mỗi bản thể. Đơn giản vì cô muốn thấy ý Chúa luôn hiện hữu. Liên gọi căn phòng là Ngôi nhà của Chúa (Lord’s House).

Tôn giáo đại diện cho quyền lực tâm linh trị vì cuộc sống tinh thần của cư dân. Nó tạo ảnh hưởng to lớn đến khía cạnh vật chất và tinh thần của xã hội, trong đó có thị trấn trên cao này.

Ngày thường, khách nghỉ lại như vậy không nhiều và biệt khu của Chúa trông xa lạ. Nó nhô cao như gác chuông giữa không gian u tịch. Những người có trách nhiệm với các công trình cổ tại thị trấn muốn ngôi nhà được trang trí và sử dụng khác đi. Cô cười theo cái cách của người biết nghe nhưng lại tư duy theo cách của người bảo thủ. Sự sắp xếp của cô nói lên tất cả: bộ tranh Chúa tự kể câu chuyện về cuộc đời của Đức Cứu rỗi; những ấn phẩm mới nhất của giáo xứ xếp trên chiếc giá gỗ; chiếc đàn guitar của chồng cô được treo gần cửa sổ. Dây đàn rung trong xào xạc rừng chiều đầy trắc ẩn.

Một người khách nước ngoài ở lại khách sạn. Không gian huyền ẩn nơi này làm người đàn ông mê thích đến mức ông ở thêm một ngày. Sự đổi ý nghe cũng dễ hiểu: ông là nhà nhân chủng học vừa nghỉ hưu muốn bổ sung thêm một phát kiến về tộc người ở đây. “Này cô… - Ông nói riêng với cô vào buổi tối cuối cùng sau khi xem bộ ảnh gia đình - Có điều này tôi nói không phải. Nôm na như vầy...” “Vâng, bác cứ tự nhiên chỉ bảo.” - Cô đinh ninh nhà khoa học kia sẽ nói về khung cảnh ngôi nhà hay cách bài trí tâm linh. Cô sẵn lòng đón nhận một lời tư vấn. Cũng một điều gì tương tự sau một phút chọn lựa từ ngôn. “Theo ngụ ý của tôi thì không người nào trên ảnh có quan hệ huyết thống với nhau.” “Bác bảo sao?” - Cô nghe như có ong ve gì trong tai. “Cả ba người đàn ông xếp theo thứ tự ông, cha và con như cô giới thiệu hoàn toàn không có quan hệ máu thịt với nhau.”

Lời nói của ông khơi rộng thính giác của cô. Sự cảnh tỉnh chối chát như gạch như gỗ được cô tiếp nhận một cách đầy thận trọng. Mảng hệ lụy gia truyền không rõ nguyên cớ kia là mặc định, là số phận mà cô có hỏi thì cũng chỉ nhận được cái gật đầu.

Một cuốn truyện anh tặng cô nhân mười năm hai người dắt tay nhau lên tượng Chúa. Vẫn câu chuyện của mấy trăm năm trước. “Tuyệt vời!” - Cô bảo anh. Đọc xong cô soi trang sách trước ngọn đèn khuya. Bóng hai người tình, Servetus và Lucia, hiện ra chấp chới như cánh chim bay trong vùng trời u mù của giáo hội. Họ dũng cảm nhưng đơn độc trong cuộc đối đầu với cường quyền. Nhưng họ đã chiến thắng vì họ đã thoát ra; họ thoát ra vì tình yêu. Cô không đấu tranh với ai ngoài số phận. Cô chỉ ước vợ chồng cô có một đứa con.

“Anh có lỗi với em nhiều. - Một ngày anh bảo. - Nhưng làm sao chúng ta không thể cười lên nhỉ.”
Tiếng cười của anh thật ấm. Một nửa sự thật thì không phải là sự thật! Chúa cần cô phải xưng tội. Cô sẽ cúi đầu làm phép, nhưng chưa phải là hôm nay. “Chúng ta sẽ nhận con nuôi.” - Cô cũng cười theo. Căn phòng và đứa trẻ. Phải chăng số phận đã đến hôm nay? Trán cô lạnh mồ hôi.

*
*    *

Cô rút chiếc phong bì mỏng mảnh dưới đáy tủ gỗ. Cô nhìn vào hàng chữ viết nắn nót: Gửi con Hồng Liên đọc riêng. Chúa ơi, mẹ đã đi mấy năm mà tiếng còn lưu lại. Thời gian không làm mờ nét chữ.
Ngôi nhà là một bộ sưu tập kí ức và khoảnh khắc đáng nhớ nhất bằng kĩ thuật ánh sáng. Tấm ảnh cụ cố nội vận đồ trắng, giày tây bên chiếc xe hiệu Citroel trên nền khách sạn vừa hoàn thành chiếm lĩnh vị trí trang trọng nhất. Có lẽ việc miêu tả chất lượng ảnh xác đáng nhất nên dành cho các nhiếp ảnh gia cùng thời, chỉ tiếc là các cụ đã mất cả. Chếch xuống dưới là các bức ảnh biết kể chuyện về dòng tộc. Vẫn không ai khác là những ông chủ gia đình qua mỗi thế hệ, tất cả đều vận đồ tây, thắt ca vát, mắt nhìn thẳng đặt cạnh nhau. Cô nhận ra một thông điệp chung, một mặt bằng chuẩn để bình luận và so sánh. “Cô nên xem kĩ lại trong tàng thư gia đình. Chú ý những chi tiết nhỏ nhất, rời rạc nhất.” - Nhà khoa học chỉ khuyên cô có vậy.

Mọi người đều tàng trữ những tài liệu được cho là cần thiết, quan trọng nhất. Tiếc thay việc đánh giá các tiêu chí này đã mang tính chủ quan, thiếu hệ thống lại rất hay biến đổi theo hoàn cảnh. Rất may, ông bà là những người cẩn thận, cẩn thận hơn mức bình thường. Chiếc phong bì nằm riêng rẽ dưới lớp giấy lót đáy tủ thì ngay đến những kẻ đột nhập cũng chỉ hốt được những thứ đếm được, tiêu được. Nghề của chúng không để đi tìm những bằng chứng lịch sử. Giá chúng biết những tài liệu kia giải mã những bí ẩn đến tiền cũng không mua được.

“Hãy chắp nối lại. Bằng chứng chính là sự nhất quán giữa các chi tiết cũ nát theo thời gian.” - Cô bỗng phác ra một lời khuyên cho chính mình.
Trong chiếc phong bì, chỉ có hai mảnh giấy gấp riêng đã cũ vàng. Liên hồi hộp mở ra. Trên bức đầu tiên là ngày tháng và dòng chữ xiêu ngả như hàng cây trước gió. Bức sau cũng vậy, thậm chí hàng chữ còn mảnh mai hơn. Hai bức thư cách nhau đúng bốn mươi năm và cùng một nội dung. Xin hãy nhận nuôi đứa trẻ này. Cháu sinh giữa mùa Giáng sinh. Lạy Chúa! Cả bố và anh ấy đều sinh trong mùa Giáng sinh.

Cô về phòng đóng cửa nhìn xuống phố núi. Trời đang mưa, tất cả trắng lóa một màu. Một đợt gió quẩn cuốn nước thành vòng xoáy đặt khách sạn vào giữa tâm. Cô thấy vạn vật quay tròn mông lung còn mình vẫn khô ráo. Cô muốn mình cũng giống như vạn vật ngoài kia. Cô mở cánh cửa, nước táp vào ào ạt. Cô nhân viên đứng lên: “Kìa chị…” Cô không quay lại, cứ thế đi ra.

*
*    *

Cô lao vào đọc sách để tìm lối ra cho các số phận khác nhau. Cô rủ rê các nhân vật nổi loạn với cốt kịch, giả như Thằng Cười cứ ở lại kinh thành cùng cô gái mù hay Quasimodo đừng quá dị dạng để có thể yêu được Esmeralda và họ sẽ có con cái thì có làm sao. Ý nghĩ về một dòng tộc vô sinh, những con người ở đâu xuất hiện và ghép vào với nhau như khóm cây cộng sinh không hoa trái đẩy cô sâu vào nỗi khắc khoải. Cô không bao giờ muốn chồng mình phải khổ sở vì thực tế đau buồn rằng dù có nhận con nuôi đi chăng nữa thì họ cũng không thay đổi được gì. Cái bóng của những ông chủ gia đình qua từng thời kì ngả dài theo một đường thẳng bất dịch. Số phận ác nghiệt như đám mây u ám theo từng bước chân thế hệ của gia đình cô.

Không phải riêng Liên mới có ý tưởng thay đổi số phận nhân vật. Văn học đã chứng kiến những tác giả vì quá mệt mỏi với nhân vật của mình đã dìm xuống đáy nước hay xô xuống vực thẳm “đứa con tinh thần” ấy. Nhưng chính đám đông hỗn loạn khó chiều kia mới là yếu tố quyết định số phận tác phẩm. Họ là Thượng đế nơi trần tục. Liên không đọc những tập truyện truyền kì dễ uốn đổi. Cô trông đợi kì công của tạo hóa, một phước lành, một đứa trẻ thay đổi định phận nhà chồng. Hoặc giả, cô sẵn sàng chấp nhận sẽ bỏ lại tất cả để ra đi.

Thời gian là chuỗi vật chất đặc biệt không thể đo đếm nếu không chia thành năm, tháng và các đơn vị nhỏ hơn. Một ngày có hai khoanh tròn trên mặt đồng hồ dành cho kim giờ mà cô cứ lẩn mẩn chi dùng vòng rưỡi thay đổi vận trình cuộc sống riêng tư. Thời gian còn đặc biệt hơn khi người phụ nữ đơn thân ẵm thiên thần của cô ta đến thuê phòng. Đó cũng là một chương Kinh Thánh viết lại. Cô biết rằng ở cuối câu chuyện còn có một nhân vật nữa. Là ai đây?

Cứ hai giờ một lần Liên lại xuống sảnh. Câu chuyện hôm nay sao nhạt nhẽo, gượng gạo. Con đường dẫn lên khách sạn sao vòng vo vắng vẻ. Cô muốn người đàn ông của cô gái xuất hiện để sách truyện và cuộc sống nhập làm một. Mình có thể làm được gì đây khi cái cô kia dám thay Chúa quyết định số phận của gia đình này? Câu hỏi cứ vang trong đầu cô.
Buổi tối ấy dài đến mức cô không chịu được bản thân mình nữa. Cô trở nên nôn nóng, cáu giận vô cớ. Giá có anh ở nhà cô sẽ mượn cái thân thể rắn chắc của người đàn ông tứ tuần kia mà cấu mà véo. Đêm tĩnh mịch đưa vạn vật vào giấc ngủ còn cô ngồi đó canh chừng. Chỉ có chiếc đồng hồ bắt vào vòng tròn thứ nhất của ngày mới.

Cô bước lên chiếc thang gỗ dẫn lên căn phòng. Cô rón rén như đến gần tượng Chúa. Ẩn sâu trong cô là một con người biết an bài và phục tùng số phận. Người đó mở cánh cửa nhân ái để đón phúc nghiệp để lại. Người đó khuyên cô hãy lắng nghe và cô làm theo. Sau cánh cửa có tiếng người đang nói chuyện, một người đàn ông và một người phụ nữ. Thỉnh thoảng họ cười đùa với nhau.

- Mình thật vô lí. - Cô thở phào. - Cuối cùng anh ta cũng đã đến.
Bầu trời rực rỡ dưới vầng thái dương. Liên vén tấm mành để những tia nắng ùa vào. Bên ngoài sóng nước dạt dào và hương vị mặn nồng của biển. Mái vòm nhà thờ bị thủy triều cuốn ra xa tít tắp bỗng hừng lên luồng ánh sáng ngũ sắc. Một giọng nói trầm hùng vang lên từ hướng ấy.

- Maria Liên, hãy nghe. Ta là thiên sứ được Chúa trời phái xuống mang tin lành cho con đây.
Liên choàng lại chiếc khăn. “Amen.” Cô làm dấu, đôi mắt mơ mộng xa xăm.
- Chúa trời bỏ qua những lầm lỗi thơ dại của con. Con vẫn trinh trắng như cô nữ sinh thuở nào.
- Amen, con đội ơn Người!
- Con hãy nhận lấy đứa con của Ngài, cho cả chàng kịch sĩ chồng con nữa. Hãy đưa cánh tay ra phía trước.

Tiếng trẻ khóc. Tiếng khóc thật to vang xuống từ tầng áp mái của khách sạn. Thiên sứ vụt biến nhanh như lúc Ngài xuất hiện nhường chỗ cho cô nhân viên vội vã. Liên nhận ra ảo cảm vừa chấm dứt trò đùa với quy luật tiền định. Ngoài kia buổi sáng nhạt nhòa và con đường đơn độc.
- Họ bỏ đi cả rồi sao? - Cô hỏi u uơ.
- Họ nào chị? Chỉ cô ta thôi. - Cô gái chỉ tay về phía cây sồi chơ vơ bên vách núi.
- Amen! - Liên cất lời.

Cô bình tĩnh đón nhận món quà thiên sứ. Thằng bé khóc to và dõng dạc hơn cô tưởng. Ông chủ tương lai của gia đình. Cô nhận ra tấm “bưu thiếp” gấp tư trên mặt bàn và gạt nó sang bên. Điều viết trong lá thư là định mệnh. “Thôi ngoan con.” - Cô vỗ về. Đúng thật, tiếng khóc bé dần. Đôi mắt thằng bé mở to đến kì lạ.

Im lặng trở lại để cô có thể nghe tiếng người nói từ chiếc điện thoại bỏ quên trên mặt bàn. Một cuộc nói chuyện ghi sẵn giữa người đàn ông và người phụ nữ. “Lỡ em không qua được thì con mình sẽ ra sao?” - Giọng người nữ. “Em sẽ sống… - Giọng người đàn ông ngập ngừng trong máy. - Em sẽ qua được mà. Nghe anh đi. Sao chúng ta không cười lên được nhỉ?”

Cô nhận ra tiếng cười của chồng.
Họ cười và cô cười theo, mới đầu còn khe khẽ, về sau cứ thế mặc lòng để mắt ráo khô. Cô điên rồi sao? Không, Chúa đã dạy rằng nếu ai tát má bên mặt, đưa luôn má bên trái cho họ. Cô nhớ lắm chứ.

Màn hí kịch ngắn ngủi. Cô nhìn lên bức tranh Bữa tiệc li, nhận ra ánh mắt của vị quan tòa anh minh giữa các tông đồ đủ mọi sắc diện. Cô nghĩ đến phiên tòa và lời thoại trong vở kịch của hoàng tử Hamlet đem công diễn để chứng kiến âm mưu tội lỗi bày lộ ra. “Amen, lạy đức Chúa Lời!” - Cô cúi đầu làm dấu.

Cô không phải đợi lâu. Chiếc điện thoại đặt trên bàn rung chuông một đoạn nhạc tình, bản guitar anh dạo mỗi lần về phố núi. Cô chậm rãi bấm máy. Giọng chồng cô bên tai vồn vã, yêu chiều. Một phút mà dài cả trăm năm.
- Thôi anh ạ. - Cô dừng để nghe yên tĩnh. - Màn kịch khép lại rồi anh không thấy sao? 
Tháng 12/2016

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *