TÌM TRONG THÀNH PHỐ
Mỗi người đều có quan niệm riêng của mình về thơ, nhưng cái tôi trong thơ, như Nguyễn Hoa tâm sự, thì người làm thơ nào cũng cần phải có, vì thơ chính là nỗi niềm của mình về những gì mình bắt gặp trên đường đời cho mình cảm xúc để viết, để sẻ chia cùng mọi người. Chẳng có người làm thơ nào cứ khư khư giấu mãi những câu thơ, bài thơ mình chắt ra từ trong tâm trí, một ngày nào đó, gặp người tri âm tri kỷ nào đó, tiếng thơ của mình sẽ trao gửi và rồi sẽ được trưng ra trước bàn dân thiên hạ, vì thế, cái tôi trong thơ vừa nhỏ nhoi khi là của riêng mình, vừa phổng phao khi đã đưa ra công chúng, lúc ấy, từ cái tôi của bản thân trở thành cái tôi chung của nhiều người và luôn có ở mỗi người.
Tập thơ “Thành phố tôi đang sống” là tên một bài thơ tác giả viết tặng người bạn yêu quý: Nhạc sĩ - nhà thơ - hoạ sĩ Nguyễn Trọng Tạo, được Nguyễn Hoa chọn làm tên tập thơ mới xuất bản của mình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tháng 3/2017). Tập thơ 39 bài, Nguyễn Hoa viết ở “thành phố tôi đang sống/ như có sóng/ mỗi lòng người/ bạn ơi/ gian phòng hẹp ngoại thành nhiều muỗi quá/ tôi chỉ còn lòng chân thành không biết sợ/ gặp bạn bè để viết những câu thơ/ bằng đôi mắt mở to/ và lần nữa tôi lại biết đi/ bằng chân mình qua số phận…” vừa cụ thể, vừa trìu tượng, vừa hiện thực, vừa triết lý. Và thế là nhà thơ tìm trong thành phố ấy những trang dòng thuộc về lịch sử, những ký ức thuộc về mình, những danh nhân, bạn bè và đồng đội, những niềm vui và nỗi buồn, những vần thơ và những điều tốt lành của cuộc sống đời thường hiện hữu mỗi ngày bằng chiêm nghiệm của bản thân, bằng sự khắc khoải của trái tim trong ngổn ngang suy nghĩ, Nguyễn Hoa bảo đó là “Bất ngờ”:
Ôi sự bất ngờ
Sự bất ngờ tôi suốt đời thành kính
Nếu không vậy sao con người có thơ
Nếu không vậy
Sao có những con chữ đột nhiên run rẩy…
Sự bất ngờ của Nguyễn Hoa lại chẳng bất ngờ chút nào, ví đó là sự thật hiển nhiên, vì đó là “bất ngờ” có chủ định, vì đó là khởi nguồn của những bài thơ về Tổ quốc, về con người và tình yêu mà tác giả “suốt đời thành kính”. Từ những sự kiện của đất nước, từ những người được tôn vinh đưa tác giả trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc. Đó là lòng tôn kính vị lãnh tụ kính yêu:
Tên Bác đã thành niểm thơ
con vẫn ước làm cơn gió
đến rung quả chuông be bé
thàng ngày ngân giữa xanh trong
(Con ước làm cơn gió nhẹ)
Đọc những câu thơ trên, chúng ta lại nhớ đến câu thơ: “Chuông ôi chuông nhò còn reo nữa?/ Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!” của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Bác ơi!”. Biết bao nhiêu người đã được gần Bác, bên Bác, khi Bác còn làm việc hay đến thăm ngôi nhà sàn “gỗ thường mộc mạc chằng mùi sơn” (Tố Hữu), khi Người đã đi xa, nhưng ít ai để ý tới một điều giản dị mà chỉ riêng Nguyễn Hoa “ước làm cơn gió nhẹ” để ngày ngày “đến rung quả chuông be bé” như thầm nói với Bác nhiều điều về cuộc sống hôm nay đang diễn ra. Từ lòng kính yêu lãnh tụ, tác giả khắc sâu hơn tình yêu nước của mình mà biểu tượng “Là từ lá cờ ấy”, lá cờ Tổ quốc, lá cờ chỉ hướng cho cả dân tộc vùng lên giành độc lập tự do, lá cờ dẫn dắt nhà thơ vượt qua mọi gian lao để tới đích trên con đường đã định:
Tôi cùng con thuyền thơ tôi
đi dưới lá cờ ấy
cánh buồm không rơi, bánh lái không lơi
giữa sóng gió biền khơi
đến đích phía chân trời
(Là từ lá cờ ấy)
Từ rất lâu, có lẽ từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là khi“chiếc lá cài lưng đi qua cuộc chiến tranh” cho đến bây giờ, Nguyễn Hoa đã nhận ra rằng Tổ quốc thiêng liêng bắt đầu từ những điều gấn gũi ngay bên cạnh mình hàng ngày: Hạt thóc, giọt sữa mẹ, mùi đất chiến hào, tiếng trở mình của bạn… “Đây là sự gần gũi tôi thấy được/ những nợ nần hơn cả máu, mồ hôi/ giữa bạn và tôi/ giữa con người với con người/ phải có” để cho tác giả “đứng/ làm thơ/ và hát” về “Tổ quốc - Những điều gần gũi”, chứng tỏ rằng, cho dù đời sống văn nghệ đang bị tác động nhiều chiều nhưng nhà thơ vẫn vững vàng theo hướng đi mình đã chọn: “Và giờ giữa cuộc sống xuôi ngược/ Lòng sáng giữa ngày/ Không còn thơ ngây/ Niềm tin đang trở lại!” (Báo động). Nguyễn Hoa bắt đầu tìm trong thành phố mình đang sống những gì mình tin yêu găn bó. Nhà thơ nhớ về các bậc tiền nhân đã có những đóng góp lớn lao vì đất nước rộng dài hơn bốn ngàn năm “những dòng chữ thành lửa cháy” “nghe bừng lên ánh sáng Bản luận cương”, nhà thơ lần giở trang sử dân tộc nhớ về Nguyễn Trãi ‘người về từ Đông Quan/ Chân giày có/ Mải đi/ Sáu trăm năm đến bây giờ chưa nghỉ”. Thật thú vị khi nhà thơ đương thời Nguyễn Hoa tìm nhà thơ thời cận đại Cao Bá Quát ở thành phố mình đang sống: “Tìm ông/ Những câu thơ nhớ: Bãi cát dài. Bãi cát dài”, “Thơ ông đường dài: Hãy hát vang lên gửi tấm lòng vào mây nước”, để rồi Nguyễn Hoa tiếp tục cuộc hành trình trong thơ của mình “Từ một quả tim lành”, ông đến với thi sĩ - nhạc sĩ Văn Cao: “Mà ở đây, bây giờ/ Tôi nhận ra/ Cái giá/ Đã trả/ Cho những bài thơ: Những con người có thật của chúng ta”, nhà thơ tìm trong “Người Hà Nội” không hẳn là “Tôi cũng người Hà Nội/ Áo lính cỏ tôi cùng bao đồng đội/ Sau lớp các anh Điện Biên/ Về Thủ đô” mà còn là tình đồng chí, tình thơ, tình nhạc “Lằng hồn sông núi” cho ông kết nối với nhà thơ - nhạc sĩ - thi sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi. Trong thành phố “Và Hà Nội sương khói/ Và Hà Nội thơ”, Nguyễn Hoa đã tìm và tìm thấy những người đã về với đất mẹ qua những tác phẩm còn mãi với thời gian. Tạm biệt những thi nhân các thế hệ trước đã đi xa, Nguyễn Hoa đến với những người bạn, những đồng đội một thời đã cùng ông chung chiến hào trận mạc khi nhà thơ đang sống trong thành phố “một thời đạn bom” và giờ đây “một thời hoà bình”. Đó là “nơi bạn và tôi đã bỡ ngỡ một lần/ cầm về bài thơ, bạn gõ bàn phổ nhạc/ Làng quan họ quê tôi” ở “Thành phố tôi đang sống -Tặng Tạo yêu quý”. Đó là “rì rào/ về nỗi khát khao/ Những người đi tới biển” vì “Trong bạn, trong tôi sống/ Những bài thơ/ Tự do giữa Chiến và Hoà” (Những bài thơ - Gửi Thanh Thảo). Đó là : “Bài thơ mới nhất/ Bạn đọc chuyển đi phương Nam/ -Thật khó khăn/ nghề làm thơ quỷ quái!” (Bên bạn - Tặng Nguyễn Thuỵ Kha). Thế đấy, Nguyễn Hoa đã tìm những người bạn thân thiết của mình cùng trang lứa, cùng chí hướng, những người vẫn cùng tác giả làm thơ, viết sách. Với những người bạn ở “nơi xa ngái/ Dù nỗi nhớ chưa cùng nhau gặp lại/ Tình yêu đang biếc xanh lẫn cả bao la”, bởi, “chỉ có: niềm tin về tình yêu con người/ mãi mãi!”, bởi, “và hôm nay tôi nói điều nay/ tình yêu đưa ta đi tới mọi chân trời”. Nguyễn Hoa là người từng trải qua chiến tranh và những nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật “Và tôi/ Không biết bao nhiêu lần bão gió”, hiểu rõ giá trị của tình yêu và niềm tin. Tình yêu và niềm tin cho ta nghị lực vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, “Mất niềm tin và nghi lực là mất tất cả” (Napoleon Bonaparte). Vì thế nên Nguyễn Hoa cùng bạn bè, đông đội “Và tất cả/ khi con người biết giữ gìn/ khi con người biết nhận ra mình” để mà tồn tại, cho dù họ là “Những ngôi sao không bao giờ mọc lại/ Khi đã vĩnh viễn yên nghỉ giữa lòng tôi/ Khi đã vĩnh viến yên nghỉ giữa lòng mọi người/ Với ánh sáng đẹp tuyệt với lần cuối”. Đó là sự tồn tại vĩnh hằng của những người đã hy sinh cho đất nước này được sống và họ là ”Người đồng đội/ Chất đầy những cuộc đời/ Ngổn ngang trang viết” của các nhà thơ, các nhà văn. Nguyễn Hoa tìm đồng đội trong ký ức ở thành phố mình đang sống để “đi dọc những câu thơ/ cho mình, cho Tổ quốc/ bạn yêu ơi”. Vì thế, Nguyễn Hoa yêu thương đến quặn lòng những người đã cùng mình “qua cuộc chiến tranh” từ những điều tưởng như nhỏ nhất nhưng lại ý nghĩa vô cùng “nhờ nó mà tôi sống” trở về với cuộc đời. Đó là sự hồi sinh và sự lìa xa: “Rồi lá lá mọc lên/ rồi lá lá rụng xuống/ rồi sẽ đi qua những điều tự nguyện và không tự nguyện/ nhưng phải thế/ Với bàn tay của bạn tôi có thể đặt lên một chiếc lá xanh/ như tôi đang đặt lên/ trái tim mình”. Đó không chỉ là quy luật của tự nhiên mà còn là tri ân cuộc sống, tri ấn bạn bè và đồng đội. Với người khác có thể đó là điều rất xa, rất xa… nhưng với Nguyễn Hoa lại là điều nhà thơ đã và đang đặt trách nhiệm trong nhịp đập trái tim mình. Ở đó, Nguyễn Hoa tìm những câu thơ của mình, cho mình, cho bạn bè và cho mọi người trong thành phố mình đang sống, vì “thơ như là số phận” của nhà thơ vậy. Ông là người nghĩa tình với mọi người, nhất là với bạn thơ và “nghề làm thơ”. Chả thế mà tập thơ “Thành phố tôi đang sống”, có nhiều bài tác giả tặng cho bạn bè cùng niềm đam mê như mình, có nhiều bài dành cho “nghề làm thơ quỷ quái”: “Trang viết”, “Thơ bắt đầu như thế”, “Với thơ”, “Tôi – con - ve mùa hè”, “Bài hát của mình”… cho thấy Nguyễn Hoa yêu và trân trọng thơ biết nhường nào. Tập thơ có 39 bài thì 25 lần Nguyễn Hoa nhắc đến thơ. Trong bài “Với thơ” Nguyễn Hoa tiết lộ tình yêu thơ đắm đuối của mình:
Trên trang giấy trăng tinh
Hàng ngày tôi tự đóng đinh
Số phận tôi vào số phân em
Bằng những con chữ li ti màu xanh, màu đỏ
cho dù ngày nào đó “Em lại chia tay tôi/… Nhưng tôi vẫn tự đóng đinh số phận tôi/ Vào số phận em/ …mà từ đó cháy bùng ngọn lửa”. Nàng thơ mảnh mai, đỏng đảnh có sức quyến rũ diệu kỳ. Chỉ có nhà thơ, người làm thơ mới hiểu được nguồn cơn. Nơi ấy, thành phố Nguyễn Hoa đang sống đã có ngàn năm văn hiến, đã là thành phố của thơ, của nhạc, của những điều thiêng liêng và những điều giản dị chứa đầy trong ký ức mỗi người: “Vẫn sắc áo ngày thường tôi bỗng lạ/ Vẫn thành phố ngày thường sao mới mẻ” “Và trong thành phố tôi đang sống/ mỗi người như nhiệt kế/ đo sôi động từng giờ”, vì thế, chỉ cần một chút mở lòng là nhà thơ tìm được nguồn cảm hứng để cánh thơ bay lên lan toả, dù “Trang sách tôi gập vào”, nhưng rồi, với thơ “lại phải mở ra” để tiếp tục niềm say của người “đã mang cái nghiệp vào thân”. Nhà thơ ví mình như người ca sĩ ăm ắp rung cảm hát bằng những bài thơ của mình: “có thể tôi hát những bài ca chưa mới/ nhưng tôi hát những bài ca của chính mình”. Đó là niềm tự hào của nhà thơ khi trang viết mỗi ngày lại dày lên những con chữ của thi ca.
Nguyễn Hoa tìm trong thành phố mình đang sống những buồn vui không chỉ của riêng nhà thơ, cho dù cái tôi vẫn ẩn hiện trong từng dòng, từng bài nhưng là cái tôi của cảm xúc được chưng cất từ trái tim chan chứa yêu thương của nhà thơ. Đọc “Thành phố tôi đang sống”, chúng ta cảm nhận cả tập thơ là một tứ thơ lớn trùm lên các tứ thơ nhỏ như thân cây xoè rộng lá cành để những nụ hoa bừng nở khoe sắc, ngát hương dâng đời. Lại có thể ví “Thành phố tôi đang sống” như những trang ký bằng thơ, vì trong đó, chúng ta được gặp bao người, bao cuộc đời, bao sự đời hôm qua, hôm nay và tiên lượng ngày mai trong cõi thơ bằng ngôn từ dung dị của lối nói hàng ngày được sắp đặt theo từng cung bậc cảm hứng, sử dụng phương pháp đảo ngữ, đảo từ và những câu thơ dài ngắn khác nhau tuỳ thuộc vào độ trầm bổng cảm xúc để làm điểm nhấn căng thêm độ níu kéo của thơ, có lẽ đó là dụng ý của tác giả. Thơ Nguyễn Hoa, đọc lướt còn thấy ngập ngừng, nhưng đọc kỹ, ngẫm kỹ mới thấy tính triết luận sâu sắc nhà thơ gửi vào mỗi bài. Nguyễn Hoa bảo rằng: “Tôi không lệ thuộc dài ngắn, mà tôi cốt là những bài đó có hay không và còn lại gì với thời gian”. Nguyễn Hoa là như vậy, chẳng cần điều gì lớn lao, ông chi mong muốn bạn đọc hiểu mình, đến với thơ mình và thơ mình ở lại với thời gian. Ông sống và làm thơ bằng nguồn sáng của chính mình cùng “Lời cuộc sống”.
Nguồn Văn nghệ số 26/2017