NHÀ THƠ HẢI NHƯ: CHUYỆN ĐẠO VÀ ĐỜI
Nhà thơ Hải Như sinh thời và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
Sáng 30.6.2017, chúng tôi vừa tiễn đưa nhà lý luận phê bình văn học Từ Sơn - con trai của nhà lý luận phê bình danh tiếng Hoài Thanh, về nơi an nghỉ cuối cùng ở tuổi 82, thì lại hay tin nhà thơ Hải Như mới vĩnh biệt cõi trần ở tuổi 95. Nếu như Từ Sơn quê Nghệ An thì Hải Như quê Nam Định, gần nửa sau cuộc đời cả hai ông gắn bó và nhắm mắt xuôi tay tại TP.HCM.
Nhà thơ Hải Như tên thật Vũ Như Hải, sinh ngày 28.3.1923 tại làng Bái Dương thuộc huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định; nghĩa là đồng hương cùng huyện với nhà thơ ẩn cư tiền bối Đoàn Văn Cừ. Ông tốt nghiệp bằng Thành chung từ trước Cách mạng tháng Tám, gia nhập quân đội kháng chiến chống Pháp, làm báo Sông Lô thuộc Quân khu X từ năm 1948.
Hải Như đã được cử đi học bồi dưỡng thêm lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc năm 1949. Từ đó, ông gắn liền với công tác báo chí, làm phóng viên, biên tập viên báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của báo Quân Đội Nhân dân), Cứu Quốc, Đại Đoàn Kết và cuối cùng là Phó Tổng biên tập báo Giác Ngộ thuộc Hội Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời với công việc làm báo, Hải Như luôn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca. Ông viết nhiều đề tài, xoay quanh chuyện đạo và đời, tinh tế và thâm thuý, đôi lúc khá hóm hỉnh. Tôi nhớ bài thơ Bỡn một nhà sư, ông nhẹ nhàng:
“Cứ ngỡ
Đường tu phàm tục dứt
Ngờ đâu cõi Phật vẫn... cần danh
Mừng ai hòa thượng vừa lên chức
Nhắc khẽ:
Đừng quên nợ chúng sinh!”
Suy tư từ câu nói nổi tiếng của Tuệ Trung thượng sĩ - nhà Phật học lớn đời Trần: "Phật là Phật - Anh là anh/ Anh không cần thành Phật/ Phật không cần thành anh!..." , nhà thơ Hải Như cảm khái:
“Tuệ Trung đánh thức mọi tâm linh đừng mặc cảm mình bé nhỏ
Phút thăng hoa chào đón mọi con người
Phật trong anh Phật cũng ở trong tôi
Khi trở thành chính mình tất cả đều là Phật
Con người đầy ảo tưởng vô minh
Đánh mất mình quá lâu
Cần khôi phục "chân thân" - đừng để mất
Tuệ Trung không muốn chúng ta hiểu sai đạo Phật - lạc đường”
Tuy nhiên, nhắc tới Hải Như là mọi người nghĩ ngay tới nhà thơ chuyên sáng tác về hình tượng Hồ Chí Minh, dù ông không bao giờ được gặp vị lãnh tụ tối cao. Đó cũng là đề tài lớn xuyên suốt đời thơ của ông. Mà không chỉ thơ, ông còn viết cả một kịch bản văn học có tên Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng. Khác với các nhà thơ Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu, Thu Bồn,… thiên về cái to lớn, cao cả khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như khám phá và hướng cảm xúc của mình vào những điều giản dị gần gũi đời thường của lãnh tụ để từ đó xây dựng cho mình một không gian thẩm mỹ riêng, rút ra những bài học thiết thực đời sống nhân sinh. Chẳng hạn với bài Bữa ăn sáng Bác Hồ, ông viết:
“Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc
Một bát cháo hoa
Một khúc sắn quê nhà
Sướng chưa đều Bác sẻ khổ cùng ta
Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục
Ôi Bác lánh xa mọi xa hoa: đời tục
Mà chúng ta nhiều lúc
Lại... sa vào”
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ghi vào sổ tang viếng nhà thơ Hải Như tại lễ tang ông ngày 01.7.2017 ở TP.HCM
Hoặc bài thơ Người sau không bị khuất của nhà thơ Hải Như mà nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng tỏ ra rất thích thú, ông viết:
“Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp bạn mình”.
“Bác không muốn dẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình một lối đi riêng”
Nhà thơ Hải Như từng tâm sự rằng: “Là nhà thơ đi sâu khám phá đề tài Hồ Chí Minh, tôi đề ra cho mình phương châm không “thần thánh hoá” mà “người hoá” Bác Hồ. Về phía nghiên cứu lịch sử, tôi mong đợi sẽ có những tác giả “giải mã” trung thực vĩ nhân với tất cả những hạn chế, không né tránh”.
Vào năm 1980, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Hải Như đã viết bài thơ Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy:
“Kỷ niệm sinh nhật Người năm ấy
Nếu tôi nhớ không lầm
Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên
Thân tình góp ý:
“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui) Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ.
Bác mệt”
Cũng vậy - khi trao đổi với mọi người Hồ Chí Minh không bao giờ
Tự cho mình đúng hết
Hãy cãi lại Bác Hồ…
(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)
Có lẽ nào các chú lại không
Cho Bác có quyền sai!”
Mỗi nhà thơ có quyền tự do lựa chọn cho mình một con đường riêng. Con đường thơ mà bậc lão thành Hải Như đã đi khá độc đáo, như lời ông mãi vang vọng trong tôi: không “thần thánh hoá” mà “người hoá” lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và từ trong những điều giản dị sẽ sáng lên những điều thiêng liêng cao cả!
Nguồn: NhavanTPHCM