Tác phẩm và dư luận

17/6
9:12 AM 2016

Thơ viết ở Trung Quốc và về Trung Quốc-nhà thơ Trần Nhuận Minh

Khuất Nguyên/ Chê cuộc đời quá đục/ Chọn chỗ nước trong để trẫm mình/Tiếc thay! Con cá Lớn nuốt Ông/Trong bụng cá/ Thức ăn đang thối rữa...

                                                                            Nhà thơ Trần Nhuận Minh (ảnh Internet)

KHUẤT NGUYÊN

Khuất Nguyên (1)

Chê cuộc đời quá đục

Chọn chỗ nước trong để trẫm mình

Tiếc thay!

                      Con cá Lớn nuốt Ông

Trong bụng cá

            Thức ăn đang thối rữa...

 

BAO CÔNG

Không tài năng nào yên ổn ở Quê hương

Trẻ con bây giờ 

             Cũng chẳng còn nói thật

 

Cái trông thấy cũng có khi không thật

 

Bao Công (1) về thăm lại làng mình

Chó vẫn cắn râm ran...

 

Những con lợn

           Nuôi bằng thai nhi nạo

Khi bị chọc tiết

             Khóc như người...

 

 

VẠN LÍ TRƯỜNG THÀNH CA

Phải đến Trường Thành mới là hảo hán a (1)

Hàng chục triệu người tàn

                                           Hàng trăm ngàn người chết

Xác xây vào Thành còn lộ ra xương trắng

Nấm mộ âm u dài hơn vạn dặm

Chắn ngang mặt địa cầu

 

Tưởng còn thấy từng dãy người,                                                 

                                   xếp hàng lên đến tận trời a

Chuyển đá vào mây trắng

Tiếng roi thét ngang đầu

Tiếng ngựa hí cháy những triền dốc đứng

Tiếng đá và người, ào xuống vực

 

              Xương máu muôn dân thành đá vữa a

Vua chúa cất lên kì quan

Tội ác tột cùng đẩy công trình lên tột đỉnh

Bóng Tần Thủy Hoàng lừng lững trong sương lạnh

Cờ xí bay ngút ngát...

 

Hùng vĩ, ngang tàng và bí hiểm a

Từng chặng nối nhau lên cao mãi

Vọng gác ngàn năm khuất trong mây mù

Chim trời đập cánh rồi rơi xuống

Gió cũng bị chặn lại rồi thổi ngược chiều

 

Thiên hạ đệ nhất hùng quan (1) quả là xứng danh a

Sức lực của thánh thần, trí tuệ của ma quỉ

Tranh cao với trời, tranh dài với đất

Rốt cuộc bảo vệ ai?

Muôn dân đau khổ và oán hận...

 

Ta là Công dân nước Việt Nam, đến đây,

                                                           không biết sau những ai,

                                          không biết trước những ai a

Ngửa mặt lên trời mà than rằng:

Bức trường thành bền vững nhất

                                  của mọi quốc gia chính là lòng DÂN

Nếu Tần Thủy Hoàng nghe trước được lời của TA

Thì triều đại ông, không đến nỗi hơn một đời đã mất...

                                                     Vạn Lí Trường Thành  9h 19 - 9 - 1999

 

 

TẶNG BẠN

Văn chương là cái chi đây

Mà đêm thao thức, mà ngày lo toan

Nỗi buồn đi khắp thế gian

Vui xuân, lấy chén rượu làm quê hương...

 

                                                                  Đông Hưng, 1991

                                                      ( Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ IV, 29.3.)

 

BÊN HỒ CÁ DƯỚI CHÂN THÁP

 

 LONG TƯỢNG (1)

 

Chỉ có hai đồng một gói mồi

                      nhưng nhiều người không mua

Họ vung tay như tung mồi cho cá ăn

Một đảo cá bỗng hình thành

                                     và sục sôi chuyển động

Có con giẫy mãi mà không xuống được nước

Có con ngoi mãi mà không nhô được miệng

Cá ơi, chẳng có gì đâu!

Ta bảo thế nhưng cá không còn tâm trí nào để nghe

Chúng chỉ mải đè bẹp nhau để ngoi lên

Trong những cố gắng tuyệt vọng và vô ích

Nước hồ đâu còn trong sạch

Cho những con cá bơi thong dong ở ngoài xa...

 

Ta tựa lưng vào cây muỗm già

Lặng lẽ nhìn trời Thanh Tú Sơn

Trời đã vào thu, xanh đến khôn cùng

Bâng quơ thả xuống một chiếc lá...

                                             Nam Ninh  12- 9 -1999

 

 

 

MÂY TRẮNG

Nếu không có câu thơ

                                 Bạch vân thiên tải không du du (1)

Thì mây trắng trên trời Trung Hoa,

                                                      không trắng đến nỗi thế

Tôi đi hàng ngàn cây số đến xứ sở Người

Để chỉ nhìn làn mây trắng này thôi

 

Làn mây trắng một lần, bay qua lầu Hoàng Hạc,

                                                bay qua hồn Thôi Hiệu

Vĩnh viễn trẻ và buồn, sống trên trời xanh

Khát vọng Tự Do và nỗi cô đơn thăm thẳm

Thấm vào tôi từ tuổi trong lành

 

 

Hạc Vàng có bay về cũng chả còn chỗ đậu

Nhà nhọn mọc như măng, trên bãi cỏ non xưa

Nơi Thôi Hiệu đề thơ, chỉ còn là chỗ thu tiền                                                                   

                                                       của khách du lịch

Mây có trắng hết mình thì người đời cũng vẫn thờ ơ...

 

 

Sau một ngàn hai trăm năm, Thôi Hiệu                                                                   

                                          làm sao hình dung được

Có một nhà thơ từ tận cùng phương Nam,                                                 

                       đến ngắm làn mây bay qua thơ Ông                                              

                                     mà thương cảm bàng hoàng

Và thức suốt đêm trong thu lạnh

Nghe tiếng tàu ầm ầm lao qua sóng                                                                                       

                                                    Trường Giang...

                                                                           Bắc Kinh  18 - 9 - 1999

 

 

 

LÃO XÁ

Ông vốn là người mềm yếu, sẵn sàng đổ tội chết

                             cho bất cứ ai, miễn là cứu được mình

Nhưng rồi Ông có cứu được Ông đâu

Ông tự trẫm xuống đáy hồ Thái Bình (1)                                                          

                                                       trong nỗi khiếp đảm

Lũ trẻ con từng lấy thắt lưng da có móc sắt 

                                                          quất vào mặt Ông

Giờ lôi xác Ông lên phơi nắng

 

Văn chương lỗi lạc một thời

Bể dâu đến thế thì thôi còn gì!...

 

          Chúng đốt Tường Lạc Đà của Ông

Nhưng nó mãi mãi vẫn là một trong những kiệt tác

Nhân dân Trung Hoa nhờ những kiệt tác ấy mà bất tử

Tôi cũng vì những áng văn ấy mà đến đây

Bao người cũng đến như tôi, bằng đường bộ,                                

                                                 đường thủy, đường bay

 

May sao còn có những ngày

Nắm xương mỏng, dưới đất dày, bình yên…

 

Ông đón tôi nơi chiếu nghỉ cầu thang

Bên phải là Quán Trà, bên trái là Sân Khấu (1)

Trong kính trắng, mắt Ông cười hiền hậu

Như đất nước Ông chưa từng đứng bên bờ hủy diệt

Như Ông chưa từng có cái chết

 

Nào ai hiểu được lòng Ông

Cái giây phút chót khuất trong cõi đời

 

Ngoài kia, Quảng trường Thiên An Môn,                                                  

                                       đèn màu chiếu lên lưng trời

Dưới Cống Long Tu bao nhiêu nước trôi

Đường tàu điện ngầm, người đi chen nhau,                                                                   

                                                       một thời qua mau

Trên gương mặt ai dần phai nỗi đau

Nghĩ gì hôm nay, nói gì mai sau...

 

Nhạc bay từ Đại Tửu Lâu

Tôi đi, mái tóc ẩm màu trăng khuya...

                                                             Bắc Kinh  18 - 9 - 1999

 

                                NGUYỄN DU

Đến đâu con cũng gặp Người

Xin dâng chén rượu giữa trời Trung Hoa

Hạc Vàng một bóng Lầu xa

Hồ Nam úa ráng chiều tà hanh heo

Tiệc to thường ở nơi nghèo

Đồng ngô khô xác, mái lều gió lay

Người xưa đi sứ qua đây (1)

Bùn lưng bụng ngựa, sông đầy thuyền trôi

Cỏ cây, thành lũy khác rồi

Hoàng Hà đã cạn, thơ Người vẫn sâu

Thời nào thì cũng như nhau

Nỗi buồn li biệt, nỗi đau dối lừa

Tiền Đường sầm sập đêm mưa

Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (2)2

Nghiệp Thành còn tiếng quạ kêu (3)

Lâm Tri bến cũ, cầu treo rực đèn

Sắc tài chi để trời ghen

Người đâu phải nước đánh phèn cho trong

Cõi đời đâu cũng long đong

Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên

Bời bời những cuộc đỏ đen

Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang1...

 

Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn

Bốn bề mây trắng thu vàng lá rơi

Bâng khuâng con lại thấy Người

Vái Người, con đứng ngang trời Trung Hoa

     Cố Cung  21 - 9 - 1999

 

 

                 NĂM KHÚC HÁT
               BÊN BỜ TRƯỜNG GIANG

1

Lá phong buồn ven sông

Khẽ rơi một giọt vàng

Bồng bềnh đốm lửa chài ngàn tuổi

Trôi trong mây lang thang

Chợt nghe vang vọng

Tiếng chuông chùa Hàn San

Chạm vào hồn ta, gió thu nay hay gió thu xưa

Ta hát khúc Một, ô hô, tình dây dưa...

 

2

Xích Bích ở đâu?

Đã im tiếng sóng

Lửa trận tàn rồi

Tào Tháo, Chu Du thành bụi cả

Chỉ nỗi đau muôn dân là còn đến nay thôi

Trường Giang cuồn cuộn trôi,                                             

                                   đưa máu và nước mắt ra biển

Đừng hỏi vì sao biển mặn đến bây giờ

Ta hát khúc Hai, ô hô, trời sắp mưa...

 

 

 

3

Ta ngưỡng mộ cúi chào những đền thờ                                  

                          thấp thoáng đỏ trong vòm xanh cổ thụ

Lưu Bang, Hạng Vũ, Dực Đức, Quan Công...

Tên các anh hùng dài như núi

Những mảnh thành vỡ cô đơn, cao vời vợi

Những tấm biển chỉ chiến trường xưa,                                                                                     

                                             giết mấy chục vạn người

Có lắm anh hùng, đất nước bình yên là một điều vĩ đại

Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn

                                      bình yên còn vĩ đại hơn nhiều!

Ta hát khúc Ba, ô hô, lời phiêu diêu...

 

4

    Mặc ai yêu ta, mặc ai ghét ta

Vắt câu thơ Đường ngang vai, đi khắp nước Trung Hoa

Ối chao hồ rộng! Ối chao núi cao!

Xin đừng bao giờ nổi lên binh đao

 

Những người yêu nhau, mặt mũi sáng trưng

Những người ghét nhau, mặt mũi tím bầm

Làm xấu mặt mình đâu phải điều hay

Ta hát khúc Bốn, ô hô, niềm vui say...

 

 

5

Đường cao tốc, mở

                       Đường thủy, mở

                                          Đường bay, mở...

Trung Hoa xoè hàng ra khắp năm châu

Người như sông

                      Tiền như nước

                                     Biệt thự như rừng

Tàu vũ trụ lên Trăng

Du khách bốn phương ríu rít trăm giọng nói...

Trường Giang hỡi! Ta mong mọi quốc gia                                           

                                    bước lên những đỉnh cao mới

Bằng những bậc thang không có máu người!

Ta hát khúc Năm, ô hô, đời xanh tươi...

                                              Thượng Hải - Nam Kinh  17 - 9 - 1999

 

 

 

 

 

XEM TRANH TỐNG VẼ
CHIẾN TRẬN TRẦN ĐÀO

Vầng trăng dịu dàng dát vàng biển máu

Bãi cát đỏ ngổn ngang sáu vạn xác đầm đìa (1)

Hỡi vầng trăng

Em soi sáng phía nào

                              Trong cuộc huyết chiến kìa?

                                                                  Bắc Kinh  20 - 9 – 1999

 

            TẶNG NGƯỜI XA

Cái ngày Trung Quốc vàng son

Mẹ em chưa lớn, em còn chưa sinh

Ôi chao, váy áo mong manh

Em đi qua Tử Cấm Thành như không

Một mai em sẽ lấy chồng

Bao nhiêu má phấn môi hồng cũng rơi...

 

Bây giờ Trung Quốc xanh tươi

Đèn lồng treo đỏ dưới trời Trung Thu

Gặp em là sự chẳng ngờ

Anh về biết đến bao giờ mới sang...

                             Bắc Kinh  24 - 9 - 1999

 

 

 

 

 

 

 

                                         Nguồn: BỐN MÙA, Tuyển thơ TRẦN NHUẬN MINH

                                                                       Nxb Văn học ( in lần 2) Hà Nội, 2011

                                          TRẦN NHUẬN MINH - THI CA TINH TUYỂN TẬP

                                                                                                    ( Bản tiếng Trung )

                                        Nxb Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc,

                                                                                                             Bắc Kinh, 2014

 

 

 

(1) Người Trung Hoa xưa, nổi tiếng về sự trong sạch

(1) Người Trung Hoa xưa, nổi tiếng về sự chính trực

(1) Từ một ý thơ của Mao Trạch Đông

(1) Dòng chữ đề ở lầu cổng Vạn Lí Trường Thành

(1) Một cảnh trong công viên Thanh Tú Sơn thành phố

    Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

(1) Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi (dịch), một câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu (701-754)

(1) Hồ ở đường Tân Nhai, ngoại ô phía bắc thủ đô Bắc Kinh

(1) Tượng bán thân nhà văn Lão Xá (1899-1966) tác giả tiểu thuyết Tường Lạc Đà và vở kịch nói Cống Long Tu. Theo một nguồn tư liệu, ông được xét tặng giải Nobel Văn chương 1968. Biết ông đã tự tử trong Cách  mạng Văn hoá ngày 26-8-1966, giải đã trao cho nhà văn Châu Á kế tiếp ông là Kawabata, Nhật Bản

(1) Năm 1813-1814,  Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc

(2) Thuý Kiều (trong Truyện Kiều) trẫm mình ở sông Tiền Đường

(3) Nghiệp Thành: Nơi đóng đô của Tào Tháo, thời Tam Quốc

(1) Bãi trận Trần Đào ở phía đông thành Hàm Dương, lính nhà Đường  bị giết 4 vạn người, quân nổi loạn An Lộc Sơn bị giết non 2 vạn người

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *