Tác phẩm chọn lọc

2/4
9:18 PM 2020

ĐẮNG NGỌT HÀNH TRÌNH XÁC LẬP BẢN NGÃ

(Đọc "Đắng ngọt đàn bà" của Nguyễn Thị Lê Na. Nxb Hội Nhà văn, HN, 2020)

HOÀNG THỤY ANH

Bàn về sáng tác của phái đẹp, các nhà phê bình nữ quyền cho rằng, điểm khác biệt về sinh lý, cảm xúc cùng với diễn ngôn phái tính hình thành hành văn nữ, lối viết nữ. Viết về nữ giới, trong cái nhìn nữ, giọng văn của phái đẹp bao giờ cũng chân thực, quặn thắt. Họ viết như viết cho nỗi niềm chính mình. Họ vừa chia sẻ, cảm thông với các nhân vật nữ vừa cùng đối thoại, tranh biện với nam giới về giá trị sống. Sự song trùng cảm xúc này là thế mạnh và nét biệt khác của họ so với các cây bút nam giới. Nguyễn Thị Lê Na là một cây bút thể hiện rất rõ ý thức phái tính và sắc thái nữ quyền trong các sáng tác của mình. Từ “Bến mê”(1) đến “Đắng ngọt đàn bà”(2), giọng văn của chị vẫn ấm nồng, mềm mại với những đề tài về tình yêu, cuộc sống gia đình, thân phận người phụ nữ. Những người phụ nữ trong truyện của chị rất bản lĩnh, tự tin và kiêu hãnh. Họ tự hào với phận nữ mà tạo hóa đã ban. Họ sắp xếp cuộc đời mình theo cách họ nghĩ. Họ mong muốn được yêu thương, được tận hưởng hạnh phúc đời thường, được làm vợ, làm mẹ, làm bà và được đối xử công bằng. Ở hoàn cảnh nào, các nhân vật nữ trong truyện của chị đều khát khao bộc lộ bản ngã giới. Kể cả những cảm xúc, mâu thuẫn thầm kín, khó nói đều được chị lẩy lên và gọi tên. Nếu bản ngã nữ giới “Bến mê” dung dị, đằm thắm thì “Đắng ngọt đàn bà” mang một tâm thế khác, da diết hơn, cuộn xiết hơn. Tâm lý giằng co giữa đắng cay và ngọt ngào, tình yêu và dục vọng, cá nhân và bổn phận, nhu mì và táo bạo,... của các nhân vật nữ được chị khám phá, lý giải thật tinh tế, sâu sắc nhưng không kém phần quyết liệt, dứt khoát.

Hôn nhân là phương tiện, là căn cước đảm bảo thiên tính nữ. Thông qua hôn nhân, người phụ nữ thể hiện quyền lực mềm và chức năng sinh đẻ, nội trợ của mình. Vì vậy, không gian gia đình được xem là không gian để người phụ nữ tự nguyện thực hiện chức năng “nuôi dưỡng” và “canh giữ”. Nếu không thực hiện được thiên chức làm mẹ, làm vợ, họ phải tự kiếm tìm giải pháp nhằm duy trì, đảm bảo cuộc sống gia đình. Hành trình kiếm tìm hạnh phúc đích thực và tình mẫu tử của các nhân vật nữ trong “Đắng ngọt đàn bà” chưa khi nào ngưng nghỉ. Họ không hề so đo, tính toán thiệt hơn. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi hoàn cảnh, nhưng trong họ, lòng vị tha, bao dung, nhân hậu luôn dạt dào. Tuy nhiên, dường như càng khao khát, nỗ lực, vươn tới bến bờ niềm vui và hạnh phúc, họ càng bị vòng xoáy cuộc đời quấy đảo, vùi dập. Sinh, Vy, Kim, Lụa, Thư,... là bóng dáng của mẫu phụ nữ như thế. Phận số bẽ bàng, ngang trái cứ bủa vây, riết bám cuộc đời họ.  Sinh trong truyện ngắn cùng tên – Sinh, đã dùng quyền lực mềm giữ lửa hạnh phúc gia đình. Sinh lấy Lâm gần 10 năm nhưng không có con. Sinh không sinh nở được nghĩa là cô chưa hoàn chỉnh thiên tính nữ của mình. Ý thức được vai trò đặc biệt này, Sinh chọn Thắm làm người sinh hộ, hi vọng đứa con sẽ là cầu nối, là sợi dây gắn kết giữa cô với người chồng của mình. Chiến thuật quyền lực mềm của Sinh không được Lâm thấu cảm, trân trọng, khiến cô vô tình trở thành người hứng chịu mọi nỗi khổ đau. Cô buộc hi sinh bản thân mình vì Lâm, cho Lâm có cuộc sống trọn vẹn với Thắm. Đứng ở góc độ này, liệu bi kịch của Sinh có phải hoàn toàn do Lâm tạo ra? Hạnh phúc của phụ nữ thường gắn liền với tình yêu - gia đình - con cái. Họ làm mọi thứ để bảo vệ ba giềng mối ấy, dẫu phải đổi biết bao nước mắt và đớn đau. Ở đây, bản năng làm mẹ cũng như khát vọng một hạnh phúc trọn vẹn với Lâm trong Sinh quá lớn khiến cô không thể nào thoả thuận với cuộc sống đơn điệu, bằng phẳng. Cô ráo riết, táo bạo, chủ động xây dựng tổ ấm gia đình theo cách mình chọn lựa. Quyết định nhờ người sinh hộ của Sinh đã góp phần đưa Sinh đến với muôn vàn bấp bênh. Buồn khổ cũng vì Sinh. Tan vỡ cũng vì Sinh. Nhưng Sinh không trách móc hay hận thù, bởi, trong đắng cay, đớn đau, ít ra cô được là chính mình, thể hiện đúng bản năng, tâm lý đàn bà của mình. Kim trong "Nước mắt đàn ông" lại khác. Nguyễn Thị Lê Na đặt Kim giữa hai mối quan hệ: với Liêu (ngoại gia đình) và với Vũ (trong gia đình). Kim không có tình cảm với Liêu, nhưng hoàn cảnh trớ trêu và sự lọc lừa, đểu giả của Liêu đã đẩy Kim rơi vào bi kịch. Đối với người phụ nữ, một khi tình dục không bắt nguồn từ sự hoà điệu mà bị cưỡng đoạt thì bao giờ cũng để lại những cú sốc về mặt tâm lý. Họ phải sống trong cảnh đớn đau, lo lắng, ê chề. Kim rơi vào tình huống này. Cô tổn thương cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn. Cô mang theo nỗi ám ảnh bị chiếm dụng khi sống bên Vũ. Xây dựng nhân vật Kim bị mắc kẹt giữa vùng bão tố, bất an, Nguyễn Thị Lê Na đã gửi gắm được nhiều vấn đề. Giá trị thân thể, trinh tiết vẫn được người phụ nữ tự xem là tiêu chí đánh giá nhân cách của mình. Càng ý thức về giá trị bản thân, trách nhiệm với gia đình, người phụ nữ càng mặc cảm có lỗi. Đó là phẩm giá cao quý mà bất kì người phụ nữ nào cũng quyết gìn giữ. Sống trong hoàn cảnh này, họ luôn chờ đợi sự minh oan, sự cảm thông, cởi mở hơn từ phía người chồng. Do đó, lòng thủy chung, bổn phận và trách nhiệm của người phụ nữ cần phải được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ. Họ “đâu phải thánh thần, cũng chỉ là người trần mắt thịt đàn bà. Ham được sống, yêu chồng tha thiết, yêu cả khi nghĩ mình đã thành ma” (Một ngày vừa chớm thu). Mọi sự quy chụp, hẹp hòi sẽ tạo áp lực và vĩnh viễn đánh mất tiếng nói của người phụ nữ.

Phụ nữ hiện đại quan tâm đến vẻ đẹp hình thể. Vì vẻ đẹp hình thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khoái cảm tình dục. Song đôi vẻ đẹp hình thể và đời sống tình dục như là sự khiêu khích, hạ bệ quan niệm phụ nữ yếu đuối, thụ động. Những nhà văn như Võ Thị Hảo, Y Ban, Phạm Thị Hoài, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,… khi xây dựng nhân vật nữ thường chú ý đến hai điểm: quyến rũ hình thể và bản năng tình dục. Đối với họ, mô tả vẻ đẹp thân thể tự nhiên của người phụ nữ như làn da, khuôn mặt, mái tóc, bộ ngực, gáy, cổ,… không chỉ được xem như là phương tiện cân bằng giới mà còn biểu thị những xúc cảm của tâm hồn. Truyện của Nguyễn Thị Lê Na chú ý nhiều đến ngôn ngữ thân thể. Ngôn ngữ thân thể là một trong những thủ pháp nghệ thuật giúp chị khẳng định bản lĩnh, vẻ đẹp, sự quyến rũ từ dung nhan đến tâm hồn của người đàn bà, đồng thời thể hiện bút văn riêng của mình. Người phụ nữ trong truyện của chị toát lên vẻ đẹp chân chất, tròn trặn, mặn mòi của vùng biển miền Trung với: bờ vai tròn lẳn, mái tóc thơm mùi hương sả bồ kết, đôi bắp đùi trắng mọng, ngực nở mông nở, bờ vai tròn và hai cánh tay trần trắng nuột, đôi vú trên vầng ngực căng mẩy, da trắng nõn, người đầy đặn, săn chắc, làn da nông quê, làn da nâu,… Chị thường miêu tả, gắn kết vẻ đẹp của các nhân vật nữ trong vẻ đẹp hương đồng gió nội nhằm khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tự nhiên, dung dị của các nhân vật nữ: Sinh ra và lớn lên trên làng đồi, nhưng trước mặt là dòng sông và bên kia mênh mông đồng chiêm trũng, Vy như bông hoa súng ngậm sương, tươi tắn đầy sức sống. Vy có mái tóc mượt mà búi tròn, để lộ cái cổ gáy trắng ngần mịn mát; và ở bến Thùy, nơi có gốc cây cừa già cao lớn, một nửa choãi ra giữa mặt sông, vườn địa đàng của hai người, anh thường xõa bung búi tóc che kín bờ vai tròn lẳn của Vy, vuốt ve nâng niu như báu vật, bảo khi xa Vy, nhất là lúc hoàng hôn buông xuống, anh nhớ da diết mái tóc thơm mùi hương sả bồ kết...” (Đắng ngọt đàn bà). Chị lấy những sống động, hấp dẫn của ngôn ngữ thân thể biểu thị sự chủ động, tự tin trong chăn gối của các nhân vật nữ: Người chị như hòn than. Chín lịm. Tay chị run rẩy lần cởi váy xống. Lần đầu tiên trong đời, chị tự cởi váy xống. Chị ngắm cơ thể chắc lẳn gái một con của mình dưới ánh đèn hồng. Người nổi da gà trên từng mi li mét, nơi môi Phong lướt nhẹ theo tin nhắn. Tay chị vô tình lướt theo, trên mỗi đầu dây thần kinh” (Cơn bão). Nhân vật nữ của chị đã nhận thức được sức mạnh của vẻ đẹp hình thể, biết cách gìn giữ, làm chủ giá trị ấy. Khi người đàn bà thứ hai trong Vy sựng lại, biến đổi, chuyển hóa mọi cảm xúc, đó là lúc Vy vượt qua được cám dỗ của sắc dục: Có thứ gì đó như một dòng nước lạnh buốt chảy dọc sống lưng, len lỏi trong từng tế bào. Cơ hồ có một câu hỏi về một điều hệ trọng thoảng qua trong đầu Vy. Sững lại. Mọi cử chỉ vuốt ve cho cuộc ân ái chững lại ngoài ý muốn của Vy. Vy im lặng xua đuổi, tự trấn an mình, cố chiều người đàn ông xưa của mình một lần nhưng bất lực. Tất cả không như Vy nghĩ, người đàn bà khác trong cô bỗng nhiên bừng tỉnh. Tấm thân nồng nẫy chợt rùng mình, co rúm lại, đờ đẫn, lạnh băng...” (Đắng ngọt đàn bà). Hành vi điều tiết ngôn ngữ thân thể của Vy đã khẳng định chủ quyền thân thể và ý thức về bản ngã đàn bà. Sự khước từ, chối bỏ đụng chạm thân xác người đàn ông không phải chồng mình của Vy đồng nghĩa với việc Vy đã chiến thắng bản thân, chiến thắng con người sắc dục. Đây là một trong những đoạn văn cho thấy khả năng mô tả, phân tích, mổ xẻ diễn biến tâm lý nhân vật nữ hết sức hấp dẫn, sâu sắc và ý nhị của Nguyễn Thị Lê Na. Chị chọn lựa góc độ bản năng, lúc người phụ nữ dễ sa ngã nhất để thể hiện những giằng xé tâm lý: giữa lý trí và tình cảm, giữa tình yêu và tình dục, giữa ánh sáng và bóng tối. Các nhân vật nữ của chị vừa tự tin, chủ động bày tỏ tình cảm, vừa lý trí, tỉnh táo, không để bản thân rơi vào cạm bẫy tình dục. Trong khoảnh khắc nóng bỏng ấy, con người luân lý đã chiến thắng con người sắc dục. Cho nên, việc họ kiếm tìm nhu cầu “ngoài chồng ngoài vợ” rồi từ chối nhu cầu ấy, như là hành động tuyên chiến, khiêu khích, thách thức các giá trị mà xã hội đã chụp lên cuộc đời họ từ xưa đến nay. Họ biết sống cho mình, vì mình nhưng quyết không rời xa trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ với gia đình.

Tình dục là bản năng tự nhiên của con người, thể hiện những ham muốn thoả mãn khoái cảm; là phương tiện sinh tồn, duy trì nòi giống. Trong sự điều tiết của văn hoá, tình dục góp phần tạo dựng nền móng vững chắc, đảm bảo chất lượng đời sống hôn nhân. Vì vậy, nhu cầu tình dục là một nhu cầu cơ bản, không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Nhu cầu tình dục của các nhân vật nữ trong “Đắng ngọt đàn bà” được Nguyễn Thị Lê Na nhìn nhận ở góc độ bản năng tự nhiên, nhằm giải tỏa, thỏa mãn sinh lý, đả phá các quy tắc chuẩn mực cổ hủ. Nhưng chị không đẩy nhân vật nữ của mình đi sâu vào những hành vi tình dục ngoài luồng, mà chị chọn điểm dừng ngay khi nhân vật nữ tự dò xét chính mình. Những cảm xúc "tình dục ngẫu hứng" được chị đẩy lên đến đỉnh điểm rồi dùng sự điều tiết của văn hoá để kìm nén. Hay nói cách khác, nhân vật nữ của chị chỉ mới cảm nhận sự hấp dẫn tình dục chứ chưa tiến sâu vào đam mê khoái lạc của tình dục. Chị rất khéo léo khi dùng phút giây nhục cảm gián tiếp thể hiện ý thức quyền lực mềm của người phụ nữ trong việc gìn giữ tổ ấm. Nếu trượt ra khỏi rào cản văn hoá, theo chị, người phụ nữ sẽ đánh mất nhiều thứ.

Đời sống tình dục vợ chồng được chị khai thác ở khía cạnh song trùng khoái cảm. Xếp chồng khoái cảm nhục thể (trong mộng mị) với người tình lên khoái cảm nhục thể (đang diễn ra) với người chồng. Cơn hoang tưởng này là chìa khoá giúp người đọc thấu hiểu những nghịch lý đang diễn ra mà ngay cả người vợ cũng không thể giải thích được. Nó đưa đến những cảm xúc mới trong quan hệ tình dục nhưng cũng đẩy người phụ nữ rơi vào bi kịch nội tâm và những mặc cảm tội lỗi. Trong truyện “Cơn bão”, chị là kiểu nhân vật ngoại tình trong tư tưởng. Chị không ngoại tình như kiểu của Vy trong “Đắng ngọt đàn bà”. Chị yêu Phong nhưng chị chưa một lần gần gũi Phong. Cơ hội để chị và Phong “có nhau một đêm” cũng không thực hiện được. Chị dồn hết khoái lạc tình dục với Phong bằng thân xác Phan, chồng chị. Trong cơn hoang tưởng tình dục với Phan, chị cảm nhận được những hưng phấn tột cùng với Phong. Tâm bão mà chị giăng ra hết sức trái khoáy, khó giãi bày. Không ai hoan nghênh người bạn đời ngoại tình trong tư tưởng. Trường hợp của chị, cần một lý giải, một sự đồng cảm khác. Kiểu ngoại tình trong tư tưởng của chị có thể xem như là liều thuốc để chị giải toả, cân bằng cảm xúc của mình và cân bằng cuộc sống hôn nhân. Bởi sau đó, chị đã cảm thấy hối hận, xấu hổ và tự điều chỉnh mình, dành mọi yêu thương bù đắp cho chồng cho con.

Nhà văn thông qua đối thoại nội tâm khám phá chiều sâu tâm hồn của nhân vật. Đối thoại nội tâm được xem là trạng thái tự “phân rã bản thân”, tự ý thức của nhân vật. Nhân vật phân thân, soi mình vào tấm gương. Tấm gương phản chiếu hai cái tôi: cái tôi ý thức và cái tôi bản ngã. Đặt mình trong đối thoại này, nhân vật tự ý thức về chính mình. “Tấm gương là ẩn dụ cho ý thức về bản thân. Bằng việc đứng trước gương lòng, tôi trở thành chính mình”(3). Người phụ nữ trong truyện Nguyễn Thị Lê Na đều có điểm chung: nhiệt thành trong tình yêu, mong muốn được sống đúng với bản năng và khao khát dâng hiến cho người mình yêu. Những giây phút trượt ra ngoài đường ray gia đình thường được chị biểu đạt bằng diễn ngôn tự vấn. Dòng ý thức này trườn lên dòng ý thức khác, nhân vật nữ như dốc cạn lòng mình ra mà giãi bày. Ở truyện “Cơn bão”, trong chị có hai người đàn bà dùng dằng, tranh biện: người đàn bà đức hạnh và người đàn bà suồng thả. Cả hai người đàn bà đều đòi chị ly hôn với Phan. Người đàn bà thứ nhất cho rằng, những cảm xúc “đồng sàng dị mộng”, “hồn Trương Ba da Hàng Thịt” với Phong như thế là xấu xa, là không thể chấp nhận, là dối trá. Người đàn bà thứ hai cho rằng, Phan tự đưa cu Bi đi xét nghiệm AND là việc làm thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu tin tưởng với chị. Vy trong “Đắng ngọt đàn bà” đã tạo cho mình cơ hội gặp Phong theo tiếng gọi “tình cũ không rủ cũng đến”. Nhưng sự “nhạy cảm”, “rạch ròi” của người đàn bà đức hạnh cùng với tình yêu thương con trẻ của một người mẹ trong Vy đã cứu Vy thoát khỏi giây phút nổi nênh của trái tim. Mận trong “Cầu vồng sau mưa” cũng là kiểu nhân vật tự ý thức. Mận có thể giành lại Huân từ tay Phương, vì ngọn lửa tình yêu giữa chị và Huân chưa bao giờ tắt. Phương có tiền tài, sắc đẹp cùng hai đứa con nhưng Phương không thể có tình yêu như Huân luôn dành cho chị. Người đàn bà khác trong chị liên tục chất vấn: “Lẽ nào chị trở thành kẻ phá hoại cuộc sống không tình yêu nhưng yên ổn của người phụ nữ kia? Lẽ nào chị nỡ cướp đi bố của hai đứa trẻ vô tội? Lẽ nào chị phải nhặt nhạnh lại những tháng ngày hạnh phúc của người đàn bà khác để rơi rớt?”. Cái tôi đạo đức và cái tôi phi đạo đức trong chị, Vy, Mận,...  thường tranh biện, phản bác lẫn nhau. Cái tôi đạo đức thông qua cái tôi phi đạo đức mà khẳng định vai trò, trách nhiệm và bổn phận. Cái tôi phi đạo đức ẩn đằng sau cái tôi đạo đức mà bày tỏ ham muốn ban sơ nhất, bản năng nguyên thủy nhất. Cái tôi đạo đức xuất phát từ sự chủ động có ý thức, còn cái tôi phi đạo đức nảy sinh từ vô thức, khu vực chìm của bản năng. Mà ham muốn tình dục thuộc phần vô thức, là cái lõi của vô thức, là bản năng có sẵn trong mỗi con người, cho nên, những hấp dẫn tình dục bao giờ cũng đến một cách tự nhiên. Như cách Vy đến với Phong vì những khúc mắc tình cảm mười lăm năm chưa được bày tỏ (Đắng ngọt đàn bà); chị đến với Phong để kiếm tìm nguồn sống mới lạ mà tình yêu, hôn nhân giữa chị và Phan không có, tất cả chỉ “như một sự mặc định”,...

Viết về đời sống tình dục không lạ trong đời sống văn chương hiện nay. Nhưng, viết để tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn và riêng khác lại là vấn đề chẳng dễ dàng chút nào. Nguyễn Thị Lê Na không cày xới khoái lạc tình dục ngoài luồng. Sự kề cận, tiếp xúc giữa nữ giới và nam giới chỉ dừng ở màn dạo đầu. Hành động và điểm dừng tình dục của các nhân vật nữ đã thể hiện quan niệm thẩm mỹ của chị. Chông chênh, giằng co trong tâm thế giữa bên này là bổn phận, trách nhiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình giữa bên kia là tiếng gọi của bản năng, nhưng cuối cùng, khoảnh khắc thăng hoa bản năng của những người phụ nữ vẫn bị trì níu bởi thành trì khắt khe từ phía gia đình. Cách khai thác quan hệ tình dục theo lối này, cho thấy Nguyễn Thị Lê Na không hề cổ suý cho hành động bỏ chồng bỏ con đi tìm tình mới của người phụ nữ. Việc họ ngoại tình trong tâm tưởng hay nếm cảm giác của khúc dạo đầu cần phải nhìn ở góc độ nhân văn, phải thấy được những dồn nén ẩn ức mà họ đang gánh chịu. Cái phút giây ngoại vi mong manh của cái ấy dù đã bị cái tôi và cái siêu tôi kìm kẹp nhưng đó cũng là lúc họ được sống tận cùng với những sôi nổi của cõi lòng. Cái phút giây ngoại vi ấy cũng là sợi dây níu thắt giúp người phụ nữ nhân thêm tình yêu vợ chồng và ý thức gìn giữ mái ấm gia đình.

Từ “Bến mê” cho đến “Đắng ngọt đàn bà”, nhân vật chính hầu hết đều là những người phụ nữ. Trong 11 truyện ở “Đắng ngọt đàn bà”, chỉ có hai truyện nhân vật chính là nam giới. Đó là “Nước mắt đàn ông”“Lụa”. Nhìn ở góc độ nam giới, nhưng mục đích của chị lại gián tiếp phản ánh những rối ren, phức tạp trong tâm hồn của người phụ nữ. Chị đặt người phụ nữ trong sự sóng đôi với người đàn ông. Nhân vật nữ của chị không tìm cách gây hấn với đàn ông. Đàn ông trong truyện của chị cũng có người lo toan cho gia đình cũng có người lao vào những cuộc tình mới. Có người vì vợ vì con như Vũ trong “Nước mắt đàn ông”, chung thủy như “tôi” trong “Lụa”, giàu tình yêu thương như Hồ Thoong trong “Vùng rừng sáng”, Hồ Ruôn trong “Mùa cà phê hoa trắng”,... Có người lén lút ngoại tình như Văn trong “Đắng ngọt đàn bà”, người chồng mang kính cận trong “Trong khoang tàu chật”, Nguyên trong “Một ngày chớm thu”,... Có người dối lừa như Duy trong “Mùa cà phê hoa trắng”,... Cái khác mà chị muốn nhấn mạnh đó là bản lĩnh của người phụ nữ trước cám dỗ tình dục so với người đàn ông. Lâm biết sự có mặt của Thắm chỉ giúp vợ chồng anh có đứa con sau hơn mười năm mòn mõi, nhưng anh đã không kìm nén được mình trước vẻ đẹp căng mẩy của Thắm. Để rồi, Lâm vất bỏ tình nghĩa vợ chồng (Sinh). Văn sống hai mặt với Vy. Một mặt bày tỏ mọi quan tâm với Vy, nhưng mặt khác lại kín kẽ ngoại tình với Thúy. Các nhân vật như Vy, Mận, chị,... cật vấn chính mình, tìm kiếm chính mình thông qua những giây phút nông nổi nhưng họ luôn khẳng định bản thể nữ tính, mạnh mẽ, quyết đoán và rạch ròi phân định đúng sai chứ không dối lừa, phụ bạc như đàn ông.

Mỗi nhân vật nữ là một phận số. Những cuộc nổi loạn của cái tôi bản thể, sự đả phá luân lý khắc nghiệt vẫn chưa đủ sức để các nhân vật trong “Đắng ngọt đàn bà” thoát ra khỏi bi kịch mà phận nữ đã giăng mắc. Nỗi bất hạnh, thiệt thòi vẫn đeo bám họ. Tuy nhiên, việc để các nhân vật nữ của mình tự do thỏa thuận cuộc đời theo cách họ nghĩ, họ hành động như thế đã thể hiện cái nhìn đầy nhân ái và không kém phần táo bạo trong lối viết của Nguyễn Thị Lê Na.

Với “Đắng ngọt đàn bà”, Nguyễn Thị Lê Na đã khẳng định được diễn ngôn phái tính của riêng mình. Tiếng nói mà chị gửi gắm trong truyện xuất phát từ tiếng nói đồng cảm đồng giới nên những trang văn luôn có sự cuốn hút, hấp dẫn và chân thực. Trong hành trình ráo riết tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, bản ngã, dù còn lắm chông gai, nhọc nhằn, nhưng những người phụ nữ trong truyện của chị luôn khẳng định tâm thế công khai, tự tin, thẳng thắn và dứt khoát. Khai thác tầng sâu bản thể nữ từ góc nhìn nữ giới và nam giới là một nỗ lực của chị khi xác lập vị thế cũng như nội tại tự thân người phụ nữ.

---------------

(1). Nguyễn Thị Lê Na, Bến mê, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2007.

(2). Nguyễn Thị Lê Na, Đắng ngọt đàn bà, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.

(3). Kim Sang Bong (Đào Vũ Vũ dịch), Ý niệm về tính chủ thể liên đối, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017, tr.189)

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *