TRỐN CHẠY KHỎI MÌNH- TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN PHẠM NGỌC CHIỂU
TRỐN CHẠY KHỎI MÌNH- TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN PHẠM NGỌC CHIỂU
Cô gái ấy tên là Phương, Nguyễn Thị Hồng Phương. Lúc Phương nằm xuống bên tôi và tức tưởi choàng ôm lấy tôi mà tôi thì sợ sệt nhắm nghiền mắt lại, là lúc tôi đang cố hình dung lại cô. Nhớ rồi. Một cô gái khoẻ mạnh, trắng trẻo, khuôn mặt có nét gì hao hao khuôn mặt Đức mẹ Ma-ri-a trong nhà thờ đạo.
Cả buổi sáng ấy, cho đến khi bước vào văn phòng đồng chí Đội trưởng, tôi không làm được việc gì.
Hôm đó, cũng như mọi ngày, sau khi anh em ăn sáng xong, tôi tập hợp đại đội điểm danh quân số, nhắc lại nhiệm vụ của các tiểu đội rồi cho đơn vị lên tuyến. Phút chốc, doanh trại vắng teo, tôi lững thững bước một về phòng mình, ngồi ôm đầu. Ôm đầu, mà chẳng dám nhắm mắt lại. Vì hai mi mắt mới chỉ khép hờ thì chuyện đêm trước lại hiện ra. Không, tôi sẽ kể. Tôi đã chôn chặt trong lòng những gì xảy ra trong đếm ấy suốt 17 năm trời nay rồi. Có nhiều lý do khiến tôi cất giấu kín đáo đến vậy. Một phần do hoàn cảnh. Như tôi đã nói, chuyện xảy ra cách đây đã 17 năm, nghĩa là nó xảy ra vào mùa hè năm 1967. Vào thời điểm đó, những chuyện thuộc loại này chưa thể nói ra được. Với môi trường Thanh niên xung phong, có thể nói thẳng rằng: Cấm! Nhưng bây giờ, bây giờ đã là năm 1983. Thời điểm khác rồi. Những gì chúng ta buộc phải nghiêm ngặt ngày ấy thì bây giờ không còn cần thiết nữa. Song xin thú thật, cái lý do “vì hoàn cảnh” không phải là lý do chính. Cái chính là, những gì xảy ra trong đêm ấy đã thành một kỷ niệm vừa thiêng liêng vừa đau buồn của đời tôi. Do vậy mà, suốt 17 năm qua tôi ấp iu, tôi giấu kín nó. Sự đời có những chuyện như vậy đấy. Người ta không chỉ nâng niu ấp ủ một niềm vui, một hạnh phúc, người ta còn giấu trong lòng một nỗi đau...
Xin quay về cái đêm mùa hè năm 1967 của đời tôi.
Lúc đó là 11 giờ đêm. Một cách chính xác thì kém ba phút nữa mới đúng 11 giờ. Tôi nhớ rõ lắm. Khi tôi choàng tỉnh và giật mình trước một sự thật lạ lùng đang đến với mình, tôi đã nhìn nhanh vào đồng hồ, và ánh dạ quang chỉ rõ cái thời khắc ấy.
Mười một giờ kém 3 phút tôi choàng tỉnh. Đó là một sự nhớ giấc đã thành lệ của tôi. Hoàn toàn không phải do một sự đánh động nào. Chỉ riêng chuyện ấy cũng khiến tôi nhớ mãi, và càng ngẫm càng thương. Nếu tôi không nhớ giấc choàng tỉnh, thì cô ấy sẽ cứ âm thầm ngồi như thế, ngồi trong buốt giá đêm rừng cho đến sát trước lúc cả đại đội dậy tập thể dục mới quay về lán tiểu đội mình, chứ không đánh động để tôi thức đậy đâu.
Việc đầu tiên, theo thói quen, tôi quờ tay tắt đài. Hồi ấy, mỗi đại đội Thanh niên xung phong được trên cấp cho một cái Ô-ri-on-ton của Hung để chúng tôi theo dõi tin tức, và phần nào giúp chúng tôi đỡ buồn tẻ. Sống giữa rừng sâu, chiếc đài là sợi dây giúp chúng tôi liên hệ với thế giới bên ngoài, làm cho chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc với các ca sĩ và các đoàn văn công. Vì mỗi đại đội chỉ có một chiếc Ô-ri-on-ton nên nó được để ở văn phòng đại đội, cụ thể là phòng tôi. Phải nói rằng cái Ô-ri-on-ton làm cho quan hệ giữa tôi và anh chị em trong đơn vị nhanh gần gũi hơn. Thông thường, buổi tối, phòng tôi chật ních. Anh chị em từ các lán kéo đến để nghe đài và trò chuyện. Bao giờ cũng vậy, phải hết buổi phát thanh Quân đội mọi người mới về lán mình, ngủ. Lúc ấy, căn phòng chỉ còn một mình tôi. Tôi rũ giường chiếu, nằm đắp chăn ngang ngực, theo dõi bản tin cuối cùng trong ngày, và chợp mắt lúc nào không biết. Đêm nào cũng như đêm nào, cứ quãng sát trước 11 giờ, tôi choàng tỉnh để tắt đài. Bấy giờ tôi mới chính thức ngủ.
Nhưng cái choàng tỉnh đêm ấy, cái thói quen quờ tay tắt đài đêm ấy đã khiến tôi giật nảy mình. Tôi vừa quờ tay ra thì... tay tôi chạm ngay phải một người con gái...
- Ai, ai ngồi đây?
Tôi hỏi liền hai câu, giọng khá xẵng. Cái phản xạ bản năng trước một việc quá bất ngờ, lại là sự bất ngờ rất đáng ngại khiến tôi bật hỏi như vậy, và chống vội tay xuống giường toan ngồi lên. Nhưng, từ trong đêm tối, từ ngay cạnh giường tôi, một bàn tay người ấy đã ấn tôi nằm lại, và giọng cô ta run, nhỏ như nói thầm:
- Dạ, em...
- Em nào? Ơ hay, sao giờ này mà đồng chí...
- Bây giờ là 11 giờ đêm rồi, em biết. Nhưng...
Cái tiếng “nhưng” ngập ngừng, kéo theo sự im lặng. Chỉ còn những hơi thở. Nhịp không bình thường. Và một tiếng thở dài nghe đến nao lòng.
Thú thật là tôi hoang mang. Sao lại có chuyện thế này? Cô này là ai, là ai mà dạn đến nước này? Giữa đêm khuya khoắt dám một mình lần đến ngồi đây? Có thể nói cô ta bạo đến lạ lùng nữa. Bàn tay cô ta vẫn chặn lên ngực tôi, chặn nhẹ thôi nhưng tỏ ra kiên quyết lắm. Rằng anh hãy nằm yên, đừng có giãy, đừng có vùng dậy làm gì. Đã hai lần tôi thử cựa để ngồi lên, thì cả hai lần bàn tay cô giữ tôi nằm lại. Nói cho đúng, với sức tôi, đâu chịu để cái bàn tay con gái đó chặn ngang ngực đến phải nằm yên? Nhưng vì, tôi đang hoang mang trước sự thật trớ trêu: tại sao cô ấy lại có mặt trong phòng tôi vào lúc đó, lúc cả đơn vị đều đã tắt đèn đi ngủ, và có mặt với cách thức lạ lùng như vậy, nên tôi đã nằm tự hỏi, quên cả cái việc vùng ngồi lên kia thôi. Quả tôi chưa nhận ra cô gái là ai, ở tiểu đội nào của đơn vị mình. Là đại đội trưởng thật, nhưng đơn vị quá mới, tôi chưa quen, chưa nhớ hết chiến sĩ toàn đại đội. Nói chi quen hơi bén tiếng để có thể từ xa cũng nhận ngay được người đó là ai? Nên tôi lại bực dọc gặng:
- Nhưng cô là ai mới được chứ? Và ngồi đây có việc gì, để làm gì? Cô có biết rằng...
- Anh đừng nói to thế. Em có làm gì đến nỗi anh phải giận dữ đâu, sao anh cứ dồn hỏi, cứ định quát lên? Hay vì anh là đại đội trưởng, quát quen rồi, xẵng với mọi người quen rồi, anh không nói cho nhẹ nhàng được?
Cô hờn dỗi, đay nghiến. Nhưng tôi còn tâm trí nào để ý chuyện đó nữa. Sự hoang mang khiến tôi bấn loạn đến không biết phải làm gì để gỡ ra khỏi tình cảnh éo le này. Đuổi, chắc là cô ấy không đi rồi, còn làm toáng lên thì... ai nỡ làm thế? Và dù có làm ra thế chăng nữa, chưa chắc mọi người đã tin anh cơ mà. Đầu tôi nóng bừng bừng những câu hỏi mà chẳng câu hỏi nào tôi tìm cho ra câu trả lời.
- Anh nhận ra em là ai rồi chứ? Sao anh im lặng, không trả lời? Hay anh mệt? Có phải anh bị mệt? Kìa, trả lời em đi, có đúng anh bị mệt không?
Giọng cô lo lắng. Và tôi thì thành kẻ bị dồn hỏi. Nhưng cũng đã đến lúc tôi trấn tĩnh được. Tôi thấy, trước hết phải chấm dứt cái tình thế rất khó xử kẻ nằm người ngồi bên nhau trong đêm tối này đi, rồi tính gì mới tính.
- Anh định làm gì vậy? Đừng, đừng nên thế anh ạ, đốt đèn làm gì? Diêm em đang cầm đây, cần, em đốt. Hình như anh còn định nói to lên đánh động cho mọi người cùng biết nữa phải không? Để làm gì? Phải anh sợ bị tai tiếng, anh mất uy tín? Anh đừng lo, có gì anh cứ nói tại em, do em. Em chịu hết. Em chịu được. Miễn là...
Lạ lùng, và có cái gì nghe đến tội nữa. Song thú thật cái lo cái ngại cứ choán lấy tâm trí tôi. Tôi quên chưa nói điều này: tôi đâu có ở một mình? Gần hôm xảy ra sự việc tôi đang kể, để đỡ buồn và tiện theo dõi khối lượng hàng ngày trên hiện trường, tôi đã bảo cậu Thống kê lên ở cùng. Đó là cậu tôi chỉ mới quen từ bữa thành lập đơn vị, một tay rất ít nói, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Mấy ngày cùng ăn cùng ở mà hai thằng chưa có hề chuyện trò tâm sự với nhau một lúc nào. Đã có đêm, anh chị em về cả rồi, tôi pha ấm chè thật đặc, bóc bao thuốc lá, định cùng cậu ấy hàn huyên để hai thằng hiểu nhau. Nhưng cậu ấy lảng. Uống xong chén chè, châm điều thuốc tôi đưa, cậu ấy về ngay giường mình giở chăn, rũ chiếu. Cái đêm xảy chuyện tôi đang kể cũng thế. Nhác thấy anh chị em kéo đến chơi đông, cậu ta lỉnh ngay xuống lán con trai, ở miết đến lúc đó chưa về. Không đốt đèn lên, bất chợt cậu ấy lù lù hiện giữa cửa phòng, ăn nói làm sao, thanh minh sao cho được? Hừ, rõ ràng nhé, đại đội trưởng nằm bên một cô gái trong đêm tối, chả có đèn đóm gì. Điều lệ Thanh niên xung phong quy định sao nào? Có trời thanh minh nổi cho anh, hiểu chưa?
Tôi rùng mình trước lý lẽ tôi vừa chợt nghĩ ra. Thế là tôi cựa, định vùng thoát khỏi lời buộc tội oan trái ấy. Vậy mà cô ta đoán biết được, đắn ngay tôi bằng hàng loạt câu trói thắt như vậy. Tôi đành lại nằm yên.
Căn phòng tĩnh lặng hẳn lại. Chỉ còn những hơi thở dồn nén và tiếng những đốt tay kêu khẽ của cô ấy.
Em ngồi đã... hai tiếng rồi... Người em đã... Sao đêm nay trời lạnh vậ...y.
Đúng là đến tiếng nói run run đó, tôi mới nhận ra tiếng gió đang xiết ù ù ngoài vách liếp. Người tôi tự nhiên cũng ớn lạnh. Và thế là, như cái máy, tôi nằm xích vào phía vách liếp, mắt nhắm nghiền lại, đầu nóng ran. Như chỉ chờ có thế, cô gái nằm ngay xuống bên tôi. Bất ngờ, cô ôm choàng lấy tôi, nức lên:
- Anh!... em yêu anh... từ ba tháng nay rồi... anh có biết đâu...
*
* *
Cô gái ấy tên là Phương, Nguyễn Thị Hồng Phương.
Lúc Phương nằm xuống bên tôi và tức tưởi choàng ôm lấy tôi mà tôi thì sợ sệt nhắm nghiền mắt lại, là lúc tôi đang cố hình dung lại cô. Nhớ rồi. Một cô gái khoẻ mạnh, trắng trẻo, khuôn mặt có nét gì hao hao khuôn mặt Đức mẹ Ma-ri-a trong nhà thờ đạo. Đôi mắt thì hơi lạ, một đôi mắt to, có cái nhìn vừa ngỡ ngàng vừa bạo dạn. Lần đầu tiên Phương xuất hiện trước mắt tôi như vậy trong buổi hoàng hôn cách đây đã ba tháng, trước lúc đơn vị tôi lên đường. Thế thôi, chịu không nhớ thêm được gì nữa về cô. Không, nhất định phải có gì nữa chứ. Tôi căn vặn mình, cố lục lọi trí nhớ lần nữa. À, đúng rồi, trước lúc lên đường, lúc mình phát lệnh cho đoàn xe xuất phát, đúng là có cái gì nữa đấy. Tại sao Phương cố ý nấn ná, chờ xem mình trèo lên xe nào Phương mới lên theo? Có đúng là... Mà thôi, bỏ qua chuyện này, đừng có suy diễn vớ vẩn. Biết đâu, đó chỉ là sự tình cờ, vì một lý do khách quan nào đấy. Vậy, ba tháng qua, mình đã biết những gì về Phương? Không, ngoài cái nhận xét đó là một A phó ít nói, siêng năng và một cái nhìn hơi lạ, đúng là mình chả biết gì hơn. Có nghe phong thanh đâu như hồi ở nhà, Phương có gặp chuyên éo le gì đó, nhưng mình không để tâm hỏi nên cũng chả biết đó là chuyện gì. Kể cũng là một thiếu sót của người lãnh đạo. Những chuyện như thế, đúng ra anh phải biết, nên biết để còn nắm vững tư tưởng từng người trong đơn vị, giúp anh chị em phấn đấu. Cũng tại mình lắm việc quá, toàn những việc mình chưa làm bao giờ...
Làm đại đội trưởng một đại đội Thanh niên xung phong có giống như làm một Bí thư Đoàn xã đâu. Trăm thứ viêc phải để mắt vào, kể cả chuyện bếp núc. Nội một chuyện lo sao cho hơn trăm con người có chỗ ăn chỗ ở, có nề nếp sinh hoạt quy củ, đã đủ mệt. Vậy mà đó mới chỉ là việc phụ thôi. Việc chính vẫn là ngoài tuyến đường kia. Bọn Mỹ rình rập suốt đêm ngày, lúc nào chúng cũng có thể vãi bom vãi đạn xuống, mà tuyến đường thì phải mở bằng được. Anh chị em chẳng ai hèn, chả ai nhút nhát, hoặc có chăng cũng chỉ là số rất ít, không đáng kể. Vì nếu hèn nhát họ đã chẳng xung phong đến đây. Nhưng vấn đề là mở đường như thế nào, tổ chức giữ đường ra sao, và làm thế nào giữ được an toàn cho đơn vị? Cái ấy mới là chính yếu và chính mối lo nghĩ ấy choán hết các suy nghĩ của tôi. Đã mấy lần tôi ghi vào sổ công tác những dòng rất đậm, rằng: “Phải để tâm tìm hiểu để biết rõ hoàn cảnh từng anh chị em”, nhưng đã làm được việc ấy đâu. Vậy mà sao lại có chuyện lạ lùng đang ở ngay cạnh mình thế này?
Thế đấy, trong khi Phương nằm rấm rứt khóc thì tôi nhắm mắt cố nhớ để cắt nghĩa cái sự việc đang đến với tôi, cho đến lúc tiếng khóc của Phương dịu đi, và Phương kể nông nỗi đời cô cho tôi nghe. Tôi nghe, mà sờ sững cả người. Trời ơi, thì ra người con gái đang nằm cạnh tôi, khóc ướt đẫm vai áo tôi, tay vẫn ôm choàng lấy người tôi đây là cô gái đã bị ép lấy chồng từ khí cô chưa đầy 16 tuổi, và chồng cô, ngày cưới chỉ là một thằng bé chăn trâu hãy còn thò lò mũi, kém cô những bốn tuổi đầu. Không, đâu phải Phương lấy chồng, cô đến ở nhà người là để bố mẹ Phương được trừ nợ thôi. Nhà cô nghèo quá, bố mẹ cô ăn nợ nhà ông Chánh trương nhiều quá rồi, không trả được. Ông ta không cần cái số tiền số thóc đã cho bố mẹ cô vay, ông ta chỉ cần thêm người làm, để nhà ông thêm nhiều tiền nhiều thóc. Làm Chánh trương đấy nhưng ông thực tế lắm, ông không thích con dâu giỏi đi lễ, đi hát, mà cốt sao giỏi sự lam làm. Những cái ông cần, con mắt tinh đời của ông nhận ngay ra rằng: Phương có cả. Thế là ông gợi ý, nhờ người đánh tiếng cho bố mẹ Phương. Thương con, nhưng món nợ to quá và khó mà trả được, bố mẹ Phương đành phải bằng lòng, dù Phương nhất mực không đồng ý. Cuối cùng, lại chính vì thương bố mẹ, cô gái Phương 16 tuổi đành cắp nón áo về ở nhà người. Cô lặng lẽ sống cái thân phận con ở suốt năm năm trời trong cái lệ luật của nhà thờ, và vòng nhẫn oan nghiệt của cha xứ khuôn khoanh số phận cuộc đời cô. Cho đến khi nghe được lời kêu gọi của các tuyến đường ra trận, Phương mới vùng thoát, bung phá cái số phận oan nghiệt kia.
Tôi nằm lặng đi, và cứ tự hỏi: Sao lại có sự tồn tại một làng quê như thế, một họ đạo như thế giữa miền Bắc, sau hơn mười năm xây dựng cuộc sống mới? Và lòng tôi trĩu xuống. Chao ôi, cuộc dời Phương như thế, thì ra cái oan trái của Phương mà tôi đã nghe phong thanh là thế, nhưng rồi bỏ qua đi, để đến tận bây giờ tôi mới biết! Bận ư? Hay tại tôi vô tình, tôi sống quá ư đơn giản, tôi chỉ thấy cái trách nhiệm của tôi trong công việc mở đường? Và, từ lúc giật mình tỉnh giấc thấy Phương ngồi bên cạnh, tôi chỉ quẩn quanh lo sợ cho riêng tôi một cách thật ích kỷ và vô lý. Đúng là có một thoáng, tôi đã nghĩ đến việc nói to lên, quát to lên để mọi người biết, để tôi thoát được cho riêng tôi, giữ được cho riêng tôi. Tình thương cộng với sự ân hận bốc nóng lên mặt, tôi chả còn nghĩ ngợi gì nữa, tung chăn ra trùm kín lấy người Phương, ghì riết lấy cô. Phương lả đi trong vòng tay cứng cáp của tôi.
Đúng lúc ấy, cánh cửa phòng bật mở, ánh đèn ba pin của cậu Thống kê rọi thẳng vào giường tôi...
*
* *
Mười giờ sáng, tôi mới ra đến văn phòng Ban chỉ huy Đội Thanh niên xung phong, đứng xế trước căn phòng của đồng chí Đội trưởng. Khó vậy đấy, suốt mấy giờ ngồi ôm đầu suy nghĩ, đã quyết rằng phải ra với người đồng chí già ấy để báo cáo lại tất cả, vậy mà giờ sắp ngồi trước mặt ông, lại vẫn còn lấn cấn. Tai bỗng nghe vẳng một lời khuyên chí tình lắm: Này, xem lại đi, có cần phải “Lạy ông tôi ở bụi này” không? Để làm gì nào? Có khi chuốc vạ đấy! Tôi phải hút gần hết ba điếu thuốc lá mới tự căn vặn mình được một câu: Thôi đi, đừng có suy diễn vớ vẩn! Cái tội sờ sờ ra đấy, điều lệnh Thanh niên xung phong anh nắm chắc rồi, anh vẫn nói với mọi người phải nghiêm chỉnh thực hiện, tại sao anh dám nằm cả đêm với một cô gái không phải là vợ anh? Mà cái ấy nó thuộc về đạo đức, thuộc về phẩm chất!
Tôi vất mẩu thuốc thứ ba, bước vào phòng đồng chí Đội trưởng già.
Ông đang ngồi chăm chắm trước sơ đồ toàn tuyến. Trông thấy tôi, ông ngừng ngay việc, vui vẻ hỏi:
- Có việc gì thế cậu?
- Báo cáo thủ trưởng...
Tôi tháo chiếc xà cột đựng tài liệu của đại đội ra khỏi vai đặt lên bàn, đẩy nhẹ sang phía ông:
- Trước khi báo cáo, tôi xin gửi lại bác chiếc xà cột này. Xin bác cầm hộ tôi đã.
Ông già tròn mắt:
- Chuyện gì thế này? Định bày trò gì thế ông tướng? Nên nhớ là tôi đang mắc việc dàn quân ra tuyến đấy nhé.
- Vâng, báo cáo bác, tôi không có ý định đùa bác đâu. Giờ này lẽ ra tôi phải có mặt trên tuyến để xem xét, đôn đốc công việc. Tôi đã bỏ tuyến ra đây với bác là có việc không thể đừng. Đề nghị bác nghe tôi nói.
Người Đội trưởng già chắc đã linh cảm thấy một việc gì hệ trọng trong những lời tôi sắp nói, nên ông “ờ... ờ” giơ tay ra hiệu bảo tôi khoan hãy trình bày, lặng lẽ pha một ấm chè mới, móc túi lấy ra một hộp thuốc lá đầy. Châm xong điếu thuốc, đẩy cho tôi chén nước, bấy giờ ông mới nghiêm trang:
- Nào, bắt đầu đi!
Tôi đã kể cho ông già nghe tất cả.
Người đồng chí già im lặng nghe tôi nói, không hề ngắt lời tôi. Nghe xong, ông trầm ngâm hút thuốc rất lâu, nước không uống, không nói năng gì, cặp mắt cứ nhiu nhíu, nhiu nhíu. Tôi phấp phỏng dõi từng cử chỉ của ông già khu 4. Tính khí người đồng chí già tôi đã thuộc lắm, dầu rằng khi lập đơn vị tôi mới biết ông. Ông năng nổ, rất có năng lực lãnh đạo kinh tế, nhất là trong việc chỉ huy làm cầu đường. Chẳng thế mà ông đang giữ chức Phó chủ nhiệm một công ty thi công cơ giới trực thuộc Bộ, người ta phải điều ông sang lãnh đạo 500 quân Thanh niên xung phong chúng tôi. Có quyết định điều động đó, ngoài khả năng làm kinh tế giỏi, ông còn là người hiểu biết và rất thông cảm với lớp trẻ. Nhưng đó cũng là một ông già tính khí thẳng băng đến mức nóng nảy. Tất cả những cái đó khiến tôi, sau khi suy nghĩ, quyết định ra gặp ông, chứ không phải ai khác, để kể cho ông nghe tất cả mọi chuyện đã xảy ra đêm trước. Với ai tôi có thể giấu, chứ với ông, tôi thấy không nên. Tôi cũng đã lường trước rằng, nghe xong, có thể ông bùng cơn thịnh nộ, và ông kỷ luật tôi. Nhưng tôi quyết rồi, chẳng có sao hết. Tôi hãy còn trẻ lắm, tôi sẽ làm lại được tất cả. Chứ cái chuyện kia... giấu mãi trong lòng, tôi không chịu được. Trót mắc sai lầm rồi, không dám báo cáo thật với lãnh đạo, với Đảng, là mắc thêm một sai lầm thứ hai. Mà tôi, từ lúc biết nghĩ đến giờ chứ chưa nói từ ngày tôi được gia nhập Đảng, tôi rất ghét cái sự nói dối, và tôi chưa hề một lần nói dối. Giờ thì mình đã nói thật tất cả với ông già rồi, lòng thấy nhẹ nhõm rồi, còn là tùy ở ông già thôi. Nói vậy, bụng bảo dạ vậy, nhưng tôi vẫn cứ phấp phỏng trông ông. Không sợ kỷ luật, nhưng quả là tôi rất sợ ông mắng mỏ. Tôi vốn được ông yêu mến, điều đó không chỉ tôi mà tất cả mọi người trong đơn vị đều biết. “Hừ, trước nay tôi vẫn tin yêu anh, tôi vẫn nghĩ rằng anh khá, hóa ra anh chính là một anh chàng như thế hử? Tôi không thể tưởng tượng được rằng anh lại có thể sống buông thả, đổ đốn đến vậy. Giờ thì anh bảo tôi phải xử lý anh thế nào cho phải đây?”. Tôi hình dung những lời ông sẽ nói với tôi, nói với tất cả sự buồn bực, sự đau lòng. Và nếu quả như thế, chẳng biết tôi sẽ ăn nói với ông sao, trả lời ông thế nào. Thà rằng ông quát um lên, rồi cảnh cáo, rồi phê bình, rồi cách chức tôi, như thế tôi lại không sợ, tôi có thể thở phào để làm lại cuộc đời tôi từ đầu. Đằng này không, không quát, cũng chả mắng. Ông cứ ngồi lặng phắc rít thuốc làm cho tôi càng ngại.
- Này, - cuối cùng, vất mẩu thuốc thứ hai, người Đội trưởng già mới nói với tôi - mình hỏi cậu một điều, rồi mình sẽ quyết. Không, cái chuyện ngoài cậu và cô bé đó, bây giờ thêm mình, và còn cả tay Thống kê của cậu biết chuyện đêm qua, không thành vấn đề. Bốn người, chứ bốn mươi người, thậm chí đến bốn trăm anh chị em trong đơn vị này biết, chả có sao hết. Vấn đề là ở chỗ này: hỏi thật cậu, thế cậu có yêu cô bé đó không?
Yêu? Tôi yêu Phương? Không, tôi chỉ thấy thương Phương. Thương lắm, chứ yêu... Tôi không chê gì Phương cả. Phương khoẻ mạnh, siêng năng, nói thật là không đẹp lắm, nhưng coi được. Và một điều hiển nhiên là Phương rất yêu tôi. Cái ấy không phải do tôi đoán, tôi linh cảm nữa, mà Phương đã nói thật với tôi rồi. Còn chuyện Phương đã có một đời chồng? Ồ, chuyện vớ vẩn, phong kiến! Anh yêu, anh lấy vợ, là anh chọn một người bạn trăm năm của đời anh, chứ phải đâu anh chọn để cốt lấy... Vả nữa, trong chuyện này, Phương đâu đã được làm người vợ? Cô chịu cảnh sống của một con ở kia mà? Đó là chuyện đáng thương của Phương, sao lại đi lấy đó để anh cân nhắc, tính toán? Vị kỷ quá, và hèn lắm. Một người con trai đứng đắn không ai nhỏ nhen thế. Với Phương, cứ nghĩ đến cô là lòng tôi lại nhói đau, mềm lại. Cả đêm nằm bên Phương, ôm cô trong vòng tay, lúc tâm thần đã tĩnh lại, nhìn Phương tin cậy ngủ ngon, tôi thấy mình như đang ôm ru đứa em gái cho nó được yên giấc. Nhưng bây giờ, trước câu hỏi nghiêm trang kia, tôi phải nghĩ đến chuyện đó, và tôi phải trả lời, trả lời cho thật lòng mình. Thì... Phương tốt lắm, đáng yêu lắm. Nhưng...
- Thế nào, trả lời đi chứ, cậu có yêu cô ấy không?
- Bác ạ, thú thật là... trả lời câu hỏi của bác... không dễ...
- Có gì mà khó với dễ? Cậu đến tuổi yêu đương và lập gia đình rồi còn gì. Yêu hay không yêu mà lại không biết?
- Là vì...
- Có nghĩa là cậu không yêu cô ấy chứ gì?
- Không phải thế, mà là...
- Sao?
- Hoàn cảnh hiện tại, bác biết đấy, đơn vị ta là đơn vị Thanh niên xung phong. Và tôi là... một đại đội trưởng...
- Hiểu rồi. Nhưng nếu tôi cho phép?
- Không nên thế bác ạ. Tôi đã vậy, còn anh em khác thì sao? Rồi thì... rối loạn lên chứ chả đơn giản đâu, bác ạ...
- Hừm! Thôi được rồi...
Ông già có vẻ bực. Tôi và ông cùng im lặng khá lâu trong khói thuốc lá. Sau cùng, ông bảo tôi:
- Được rồi, bây giờ thế này: cậu khoác xà cột của cậu vào đi, rồi về hiện trường với anh em. Hãy làm tốt những công việc tôi đã giao cho cậu, không có được trễ nải, nghe chưa? Tôi sẽ gặp cô bé ấy. Nếu cần, gặp cả cậu Thống kê kia nữa. Mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Miệng nói thế, nhưng mắt ông cứ nhìn xuống mặt bàn chứ không nhìn tôi.
- Báo cáo bác...
Tôi ngập ngừng đề nghị ông một điều cuối cùng. Tôi đã tính kỹ, tôi và Phương cần phải giãn cách ra, có thế mới ổn được.
- Cậu định đề nghị gì?
- Nếu có thể được, xin bác tìm cách…
- Chuyển cô ấy đi đơn vị khác? Có phải cậu định đề nghị tôi như thế không?
- Vâng. Để tránh chuyện...
- Chuyện gì? - ông quắc mắt, gằn giọng hỏi tôi - Sao lại còn có thể xảy ra chuyện gì được nữa, một khi cậu không yêu người ta? Này, tôi nói trước, tôi cấm! Lơ mơ lần này là không có xong với tôi đâu. Thôi về đi!
Tôi sửng sốt trước sự tức giận của người đồng chí già, vội cầm lấy xà cột, buồn bã đứng lên. Có lẽ thấy được điều ấy nên lúc tôi sắp bước đi, ông nói nhỏ:
- Thôi được, cứ yên tâm làm tốt nhiệm vụ của cậu đi. Nguyện vọng của cậu... mình sẽ lưu ý... Phải tính sao để cô bé... nó khỏi tội...
Bước ra khỏi cửa rồi, tôi còn nghe tiếng thở dài của ông.
Những ngày sau đấy, tôi cứ phải cố tránh mặt Phương, tránh cặp mắt mở to lúc nào cũng nhìn đuổi theo tôi...
Ông già đã làm đúng như tôi đề nghị, như tôi mong muốn. Nửa tháng sau, ông gửi cho tôi tờ Quyết định cử Phương cùng một số người nữa ngược ra Bắc, học một trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài Hà Nội, hay gần Hà Nội gì đó.
Nhận được tờ Quyết định, tôi rất mừng, nhắn gọi ngay Phương từ hiện trường về gặp tôi. Tôi vẫn nhớ nét mặt Phương lúc hiện ra trước ngưỡng cửa. Sau tiếng reo nho nhỏ: “Anh!”, cô bước như nhào vào với tôi, mặt tươi như hoa, mắt cười, miệng cười. Tôi mỉm cười trao cho cô tờ Quyết định ấy, cùng với lời chúc mừng. Tôi đinh ninh là Phương sẽ mừng lắm. Cái đó dễ hiểu rồi. Đang lúc chiến tranh ác liệt thế, có phải ai cũng có được sự quan tâm ấy đâu? Nhưng tôi lầm. Đọc lướt tờ Quyết định, mặt Phương chững lại, ngơ ngác. Rồi cô thảng thốt nhìn tôi. Và giọng cô run lên:
- Anh nói đi, có phải anh bày ra chuyện này không? Đúng không?
Tôi bối rối trước phản ứng bất ngờ đó. Thì Phương đay nghiến, giọng nghẹn lại:
- Thì ra anh là người thế này? Thế mà tôi... Trời, thế ra tôi nhầm! Không, anh nhầm, chính anh nhầm, đại đội trưởng ạ. Anh tưởng tôi đến đây, tôi đi Thanh niên xung phong, tôi đến với anh, là tôi cốt giành cho được tờ Quyết định này ư? Sao anh nhầm nhọt thế? Anh nói đi, anh cố kiếm cho tôi tờ giấy này là vì cái gì vậy, vì - cái - gì - vậy???
- Kìa Phương...
- Anh hèn lắm, hèn lắm! Tôi không ngờ anh hèn mạt đến mức này!
Phương ngoắt đi, vụt chạy ra khỏi phòng tôi. Tờ Quyết định cô ném lại bay chéo vào mặt tôi như một nhát dao.
Một tuần sau, Phương vẫn khoác ba lô lên đường. Cô lần lượt đi chào chia tay tất cả, chỉ trừ tôi.
Hai ngày sau, lúc đang chúi đầu vào sơ đồ phân tuyến của đại đội thì tôi nhận được bức điện từ Thanh Hóa đánh vào. Chính người đội trưởng già đi bộ từ văn phòng Ban chỉ huy Đội vào trao nó cho tôi. Ông trao, rồi lẳng lặng bỏ đi, chẳng nói với tôi một câu nào, để mình tôi đứng trong giông bão!
Phương đã trúng bom ở đoạn Hàm Rồng!
Nếu không có cậu Thống kê, chẳng biết rồi tôi có vượt qua được những ngày dữ dội đó không. Chỉ cậu ấy biết tôi ốm nặng, đã lẳng lặng thuốc thang, cơm cháo cho tôi, không hé ra cho một ai biết. Tôi vượt lên được, tôi thành tôi hôm nay chính vì những ngày đó tôi có cậu ấy, tôi biết sợ sự lẳng lặng của cậu ấy và người đồng chí già yêu quí của tôi...
*
Tôi ngồi mãi với cái dư vị cay đắng của câu chuyện bạn tôi vừa kể. Bao năm xa cách, đi qua cả cuộc chiến tranh mới găp lại nhau, tôi không ngờ bạn tôi lại có một niềm riêng cay đắng đến vậy. Một nỗi niềm do chính anh gây nên. Giờ tôi mới hiểu vì sao anh bạn Phó Chủ nhiệm một Công ty cầu đường có tiếng của tôi, nay ngoài 40 rồi, vẫn chưa lập gia đình!
Hòa Bình 30-31/7/1983