Tác phẩm chọn lọc

5/4
10:26 AM 2020

LƯƠNG DUY CƯỜNG VỚI “CHO DÂN MỘT PHẦN MIẾNG BÁNH”

PHONG NHA

Cây viết bình luận nổi tiếng của báo Lao Động - nhà báo Lê Thanh Phong - đã đưa ra nhận xét rằng “Ngẫm sâu những chuyện không thể gió thoảng, mây bay” khi viết về tác phẩm "Cho dân một phần miếng bánh" của nhà báo Lương Duy Cường ở TP Hồ Chí Minh. Ấn phẩm do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn vừa phát hành tháng 3-2020.

"Cho dân một phần miếng bánh" là tựa của một trong 99 tác phẩm bình luận thời sự được chính tác giả tuyển đưa vào ấn phẩm này. Tác giả đã nhân sự kiện Thủ tướng lập quốc của Singapore - ông Lý Quang Diệu - qua đời vào ngày 23-2-2015, để dẫn lời ông với câu nói bất hủ về việc thu hút nhân tài cho đất nước: “Hãy trao cho họ cơ hội tốt nhất để tự hoàn thiện, tận dụng năng lực bản thân. Nếu giăng lưới đủ rộng để bao quát toàn bộ dân số, chúng ta sẽ càng có nhiều cơ hội tìm thấy những nhân tài hàng đầu”.

Bình luận về chi tiết này, nhà báo Trần Thanh Bình viết trên báo Thanh Niên ngày 28-3-2020: “Lời truyền lại ấy cho lớp hậu bối của một nhân vật tầm cỡ được đánh giá là “huyền thoại của châu Á trong thế kỷ XX và XXI” (lời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama), có lẽ đã khiến anh suy nghĩ nhiều, bởi cái định - đề tâm - huyết “trao cho mỗi công dân một phần miếng bánh” chưa bao giờ là thừa với bất cứ quốc gia nào. Vì với cung cách đối xử như thế, mỗi người dân sẽ có ý thức cộng đồng trách nhiệm, và họ sẽ tận hiến đời mình với cái chung của xã hội!”.

99 tác phẩm là 99 sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian 12 năm, từ 2005 đến 2017, được Lương Duy Cường đặc biệt chú ý và đưa ra bình luận trong phạm vi 500 - 700 chữ.

Đó là chuyện tranh cãi quyết liệt khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế có dấu hiệu “bật đèn xanh” cho một dự án xây dựng khách sạn trên vùng đất thiêng liêng của đồi Vọng Cảnh (TP Huế) cho dù có nhiều ý kiến phản ứng (Huế ơi! Mần chi lạ rứa? trang 7); đó là chuyện ngành giáo dục phải làm một lúc 3 cuốn sách để đính chính cho hệ thống sách giáo khoa của các cấp học phổ thông từ lớp 1 đến 11 mà không thấy nói gì về những hệ lụy nhãn tiền do việc biên soạn và xuất bản cẩu thả sách giáo khoa mà biết bao học sinh đã và vẫn tiếp tục phải dùng (Không có chi? - trang 15).

 Tình trạng nhiều công chức lợi dụng cương vị công tác để bằng mọi cách luồn lách, vun vén cho “sân sau” tác oai tác quái, cũng được tác giả đề cập. Theo đó, những “sân sau” này chẳng phải là mảnh sân nho nhỏ đầy ánh trăng sao mà tâm hồn lãng mạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa từng xao xuyến. Ngược lại, nó đầy ma lực, thậm chí đốn ngã cả những người đang đứng trên mặt trận chống tham nhũng, như trường hợp của ông Trần Văn Xê, Giám đốc Sở Tư pháp, ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Bình Thuận (Sân sau - trang 29). Lương Duy Cường kết luận: “Dù dưới hình thức nào, tất cả cũng đều là biến tướng của tham nhũng”.

Năm 2012, một sự kiện chấn động dư luận cả nước: Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng khởi tố về tội “Giết người” đối với Đoàn Văn Vươn (TP Hải Phòng) và 2 em trai cùng một người cháu ruột; vợ và em dâu của Vươn cũng bị khởi tố tội “Chống người thi hành công vụ”. Lương Duy Cường phân tích rõ các khía cạnh pháp lý và lý luận để thấy “Những người như ông Vươn lẽ ra phải nhận được sự tôn vinh. Và nếu có một kịch bản theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhất thì kịch bản đó phải bắt đầu từ việc chính quyền ở đây, với đầy đủ ban ngành đoàn thể, chí ít cũng đến công khai cảm ơn gia đình anh Vươn đã có công lao vô bờ bến đối với sự nghiệp nông thôn mới ở quê nhà; rồi thì chính quyền huyện này phải hỏi gia đình anh Vươn khó khăn gì nếu muốn duy trì và thu lợi cao nhất từ mô hình này để xã, huyện, ngân hàng… bằng mọi khả năng của mình để hỗ trợ phát triển. Bởi dân giàu thì nước mạnh; bởi anh Vươn có thu nhập thì địa phương thu được thuế… Mà nếu chỉ làm đơn giản như vậy thôi thì anh Vươn cũng khó để bỗng dưng tự biến mình thành kẻ giết người chứ chưa nói gì đến việc cả một gia đình 5-7 người vì anh, vì phải bảo vệ anh mà rơi vào vòng lao lý”.

 Rồi tác giả kết luận: “Đất nước đang cần huy động nguồn lực từ dân để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực từ dân không chỉ là tiền bạc mà còn phải tính đến cả mồ hôi và nước mắt”.

  Là một trong những cây viết được vinh danh trong việc viết báo minh oan cho phạm nhân Huỳnh Văn Nén trong vụ án oan xuyên thế kỷ, xảy ra ở tỉnh Bình Thuận những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Lương Duy Cường dành nhiều bài viết trong ấn phẩm này, phản biện lại những sai phạm của cơ quan tố tụng đã đẩy người lương thiện vào vòng lao lý oan trái suốt nhiều năm. Rồi anh kết luận: "Chưa ai dám dũng cảm hay chí ít là lương tâm làm người tự vấn để lên tiếng nhận trách nhiệm về mình. Nhưng trong một nhà nước đang hướng tới sự vận hành theo pháp quyền thì những gì liên quan đến quyền con người chắc chắn không thể là chuyện “gió thoảng mây bay” (Truy tận gốc rễ - trang 139).

      Nhà báo Lê Thanh Phong nhận xét: “Bình luận là vậy, chỉ một câu thật hay, một tứ thật đắt là đủ. Đủ để nói lên quan điểm trước một sự kiện mà không cần phải nhiều lời. Đủ để cho bạn đọc có cảm xúc, gợi lên suy nghĩ, nhận định, đánh giá về một sự kiện”.

Lương Duy Cường sinh ở một làng quê dọc sông Gianh của tỉnh Quảng Bình, học Đại học Tổng hợp Văn ở Huế vào những năm 1982-1986. Thời sinh viên, khi tham gia trong ban văn xuôi của Câu lạc bộ sáng tác trẻ Thành đoàn Huế, do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phụ trách, anh đã có tác phẩm văn học đầu tay được giới thiệu trên tạp chí Sông Hương. Ra trường, anh vào Nam gắn bó với nghiệp làm báo.

Mãi đến năm 1996, Lương Duy Cường mới có tập phóng sự - bút ký đầu tay “Cực Nam Trung Bộ đi và viết”, in chung với cố nhà văn Trần Duy Lý  (NXB Lao Động). Đây là những ghi chép anh gom nhặt qua những ngày lăn lộn với vùng đất và con người Cực Nam Trung Bộ. Năm 2015, anh cho ra đời tiếp tập phóng sự - bút ký “Chân Linh Kỳ Bí” (NXB Thanh Niên), chủ yếu viết về mảnh đất phương Nam “đi trước về sau”, đầy nắng gió nhưng sâu đậm nghĩa tình. Cuối năm 2015, NXB Thanh Niên tiếp tục xuất bản ấn phẩm “Viết Điều Tra” của anh - một ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực phóng sự - điều tra, dành cho các nhà báo trẻ.

Dù số lượng ấn phẩm được xuất bản chưa nhiều nhưng sự tâm huyết và trách nhiệm với lao động chữ nghĩa là rất rõ ở Lương Duy Cường.

Nhà báo Dương Văn Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao Động, viết về Lương Duy Cường trong số báo Người Lao Động xuất bản ngày 18-7-2015: “Dở - hay chưa nói, phải khen rằng Lương Duy Cường hăng say với chữ nghĩa. Chữ nghĩa, với Lương Duy Cường, là cánh đồng bất tận; là nơi anh cày xới miệt mài như một phu chữ chỉ để thể hiện khao khát bản thể: yêu thương, quý trọng người tốt; suy tư trước nhân tình thế thái và đau đáu một lòng với quê nhà, dù nơi ấy (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - nơi có động Chân Linh kỳ bí) đã tiễn anh đi xa từ rất lâu”./.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *