MẤY CẢM NHẬN VỀ TRƯỜNG CA “TIẾNG VỌNG NƠI CỬA SÔNG”
TS MAI THANH
Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” (NXB Hội Nhà văn-2019) là thi phẩm mới của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, sau 12 ấn phẩm của chị đã ra mắt bạn đọc, trong đó có những tập thơ đã được giải thưởng thơ như: “Cộng ta vào thế giới”, “Vắt vẻo nằm ngang lưng ngựa”, “Quán quân Slam”…
“Tiến vọng nơi cửa sông” kể về cuộc lập nghiệp quai đê lấn biển nuôi vịt và tôm của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng-Hải Phòng vào những thập niên cuối của thế kỷ trước sang thập niên đầu của thế kỷ nay. Ai quan tâm theo dõi báo chí đều biết rất rõ thông tin về người nông dân này. Đó là chàng trai quê biển Tiên Lãng- Hải Phòng Đoàn Văn Vươn với ý chí quyết tâm và hành động thông minh, gặp biết bao gian nan, thử thách đến cả nỗi đau mất đứa con gái yêu qúy của mình để biến vùng cửa sông Văn Úc thành bãi vịt, vụng tôm.
Tưởng thế là cuộc đời an vui, hạnh phúc mãi mãi đến với gia đình anh, nào ngờ, lệnh thu hồi đất từ kẻ có quyền ban ra khiến một cuộc phản ứng nảy lửa của con người bị giật đi bát cơm trên miệng, hậu quả là Vươn phải ngồi tù gần bốn năm trời. Tai qua nạn khỏi, ra khỏi tù, Vươn trở về làm lại cuộc đời. Cửa sông Văn Úc lại rộn rã tiếng vịt kêu và tí tách tiếng tôm búng nước như bài ca quấn quyện giữa con người và thiên nhiền vùng Yên Lãng-Hải Phòng…
Ý tưởng-nội dung ấy gọi mời văn chương vào cuộc. Người ta khích lệ văn xuôi, riêng Phạm Thị Phương Thảo được gọi mời từ chính mình bằng thi ca. Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” là tiếng vọng nghệ thuật thi ca từ lời mời gọi đó của nữ sĩ. Và tác giả đã thể hiện ý tưởng-nội dung nêu trên trong “Tiếng vọng nơi cửa sông” như thế nào?
Dưới đây là những điểm nghệ thuật được phân tích qua tập trường ca:
Hình tượng là xác thể của bài thơ được xây dựng qua con người, con vật hoặc sự việc để biểu đạt ý tưởng bài thơ. Hàn Mặc Tử qua hình tượng sông và trăng để biểu đạt ý tưởng lãng mạn nơi dòng sông bên bờ Vỹ Dạ: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?”.
Tố Hữu qua con ong, con cá, con chim biểu thị tinh thần tập thể: “Con ong làm mật yêu hoa/Con cá bơi yêu nước con chim ca yêu trời…”
Hình tượng chủ đạo trong “Tiếng vọng nơi cửa sông” là chàng Vươn với những nét đẹp theo ý nghĩa thi ca:
Sinh ra và lớn lên tóc ấm sực mùi bùn
Thông minh và chịu khó
Nơi tình yêu và khát vọng
Mơ vươn tới những chân trời…
Con người ấy nhận thức đúng đắn và hành động tích cực, nhận rõ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là mục tiêu hết sức quan trong trong thời đại 4.0, đồng thời,biết yêu thương và căm giận, chấp nhận đối diện với khắc nghiệt vũ trụ và nhận rõ về năng lực bản thân. Với bãi biển đầy cát, anh cũng chỉ là một hạt cát, nhưng đó là hạt cát “ lấp lánh mặt trời”:
Vẻ đẹp mênh mang của đầm lầy, của cỏ dại, của những dòng chảy và sự bao la đến vô hạn vô cùng của vũ trụ:
Chàng thấy mình nhỏ nhoi
như hạt cát trước đại dương
Soi vào dòng sông sẽ thấy gương mặt mình
Soi vào lòng biển sẽ thấy cả thế gian?
Soi trong hạt cát nhỏ nhoi thấy lấp lánh mặt trời.
Là hạt cát nhỏ nhoi đấy, nhưng lấp lánh mặt trời! Thật là chí lý, sa mạc là mênh mông cát, nhưng sa mạc lại được tạo nên bởi những hạt cát nhỏ li ti. Cái vĩ đại của mỗi thành viên trong cộng đồng là vậy đó!
Sẽ là thiếu, nếu không nói đến yếu tố tâm linh trong hình tượng Vươn. Là người theo đạo Thiên Chúa, Vươn coi lời Chúa dạy như là những dẫn dụ cho cuộc đời mình! Nữ thi sĩ nắm bắt điều này để hoàn thiện hình tượng Vươn trong thi phẩm của mình.
Bên cạnh Vươn, vợ chàng cũng được nữ thi sĩ xây dưng nên hình tượng tuyệt đep. Đó là người đàn bà dịu dàng và nhẫn nại, xinh đẹp và khỏe khoắn, và nhất là, rất bản bản lĩnh:
Đêm thăm thẳm giấu đi tiếng thở dài trên tóc
Giấu vào mắt đêm
Những giọt lệ triền miên của đàn bà…
Cách thể hiện trong tập trường ca gồm các lối cảm.Trước hết là cảm kể. Đơn giản, trường ca là một chuyện kể về người nông dân lập nghiệp Đoàn Văn Vươn với bao chi tiết đầy vơi, chìm nổi nhưng nghệ thuật ở đây là nhà thơ không đứng ngoài nhân vật và sự việc để kể lể như kiểu thống kê việc làm của nhân vật, mà hòa mình cùng nhân vật, nhuốm mình trong chi tiết chuyện, bởi vậy mà có sức lôi cuốn, thu hút người đọc một cách lạ thường. Không gọi tên thật của nhân vật mà nữ thi sĩ dùng các đại từ “chàng”, “nàng”. Kể về con tôm, mà như kể về con người – khi lột xác để trưởng thành, khi giao hoan trong mùa sinh nở…
Lối cảm tả cũng thật tuyệt vời, đó là quang cảnh miền cửa sông Văn Úc:
Dòng sông xanh
và những con kênh đẹp như tranh vẽ
Giữa đôi bờ dừa xanh soi bóng
Mọi dòng sông đều đổ về biển lớn
Có được những câu thơ cảm tả tuyệt vời như vậy, trước hết là do rung động thi nhân trước thiên nhiên tuyệt vời với biển trời sông nước, thêm nữa là con mắt hội họa của nhà thơ, mà tôi đã không qúa lời gọi chị là nữ họa sĩ:
Nắng, gió, phù sa, mênh mang cát mặn
Đầm bãi tốt tươi, cỏ hoang lút chân người…
Do sở hữu tri thức khá sâu rộng về triết lý vũ trụ và nhân sinh, nữ thi sĩ có lối cảm luận trong trường ca của mình, được thể hiện, có khi là suy ngẫm của nhân vật: “Chàng tự hiểu/Tự do là khát vọng của con người/Sự sinh sôi nảy nở luôn đi cùng sự hủy diệt/Hòa bình luôn đi cạnh chiến tranh/Cái tốt luôn đi cùng cái xấu/Cái thiện luôn đi cùng cái ác/Và cuộc đời này sẽ luôn là hai mạt của những sự đối lập.
Có khi là phát biểu của chính tác giả như là những tuyên ngôn:
Công lý là nền tảng cho xã hội
Công lý đã thức tỉnh con người
Công lý sẽ mang đến cho họ niềm tin không khuất phục…
Ngôn từ là nghệ thuật khá đặc sắc trong trường ca của Phạm Thị Phương Thảo. Trước hết, đó là cách dùng từ hoặc cụm từ điệp, nhằm bộc lộ ý tưởng một cách đa chiều và triệt để.
Những từ hoặc cụm từ điệp, có khi là danh từ:
Những loài hoa vì mùa màng mà nở
Những loài hoa vì đầm lầy mà tươi thắm
Những loài hoa vì đất đai mà bám rễ
Những loài hoa…
Có khi là động từ:
Soi vào dòng sông sẽ thấy gương mặt mình
Soi vào lòng biển sẽ thấy cả thế gian
Soi vào hạt cát nhỏ nhoi thấy lấp lánh mặt trời…
Và có khi là tính từ:
Tóc lóng lánh bùn
Lóng lánh nắng gió
Lóng lánh cá tôm
Và lóng lánh mặt trời.
Phạm Thị Phương Thảo sử dụng kể cả sáng tạo ngôn từ thật tài tình. Đơn cử vài trường hợp sau đây:
Cùng ngắm đàn cá nổi lên
như đám sao đang ngáp nắng
Cá đớp mồi như đang ngáp nắng: Thi từ “ngáp nắng” hầu như ta chưa gặp, quả là một sáng tạo thi ca! Rồi nữa,“phù sa” trong thơ Phạm Thị Phương Thảo được sử dụng rất đa dạng: Có khi là một khúc ca – “Nhịp điệu phù sa tràn lên màu mỡ/Khúc hát phù sa tràn trề châu thổ”. Có khi là những yếu tố trên cơ thể người đàn bà:
Sóng sánh phù sa trên da thịt nàng
Long lanh phù sa trong mắt nàng
Mênh mang phù sa trên tóc nàng
Mỡ màu phù sa trong thân thể nàng
Và phù sa còn là một đóa hoa:
Tình yêu bừng nở đóa phù sa!
Không thể không đề cập đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và thời đại trong trường ca. Đề tài về nông dân, bản thân nó chứa đựng yếu tố dân tộc, bởi Việt Nam là dân cư lúa nước, thời đai là những gì mà Vươn nghĩ và làm,- phải làm lớn, chứ không làm như những ngư dân “đánh cả vặt” ven bờ! Về diễn đạt, nữ thi sĩ sử dụng những thành ngữ dân tộc như “dã tràng xe cát…”, kể đến những cây cỏ dân dã như xuyến chi, thảo hương…
Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” thuộc thể thơ văn xuôi - một thể thơ tự do mở rộng. Với thể thơ này, nữ thi sĩ thể hiện trong cốt cách thi ca một cách thoải thoái và triệt để ý tưởng-nội dung mà mình theo đuổi! Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” là một thi phẩm độc đáo tràn đầy tình yêu người nông dân – những người làm ra bát cơm, đĩa thịt trong bữa ăn hằng ngày của chúng ta - với nội dung-ý tưởng lựa chọn thật chuẩn đạt với lòng nhân hậu- vị tha của một cây bút nữ.