NHÌN THẲNG VÀO THỰC TRẠNG VĂN NGHỆ PHỤC VỤ THIẾU NHI
Khi ấy bên cạnh các ấn phẩm dành riêng cho thiếu nhi xuất bản định kỳ, thì các báo, xuân thu nhị kỳ còn có trang văn nghệ dành cho các em nhân dịp 1/6 và Tết Trung thu. Trong các trang văn nghệ của số Tết Âm lịch bao giờ cũng có trang dành cho thiếu nhi. Không biết từ bao giờ các chuyên trang ấy đồng loạt biến mất trên các báo. Chỉ còn báo Văn nghệ (Hội nhà Văn Việt Nam) vẫn kiên trì có trang dành cho thiếu nhi, nhưng vẫn không thật sự định kỳ và cũng không gây được tiếng vang như trước.
Trẻ em bây giờ nếu có đọc sách thì đọc truyện, thơ của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Phạm Hổ, Hà Ân, Văn Biển… là các tác giả đã từng cầm bút cách nay bốn, năm chục năm. Các tác giả bây giờ viết cho thiếu nhi vừa thưa thớt mà tác phẩm cũng ít đọng lại trong tâm trí các em. Các Nhà xuất bản Kim Đồng, Xuất bản Trẻ… vẫn trung thành, đều đặn in sách cho các em. Nhưng các đầu sách được đón đọc hầu hết vẫn là tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn nổi tiếng nước ngoài và truyện tranh của Nhật Bản, của một số họa sĩ Việt Nam. Không ít trẻ em Việt Nam đã mất thói quen đọc sách, chỉ còn đọc truyện tranh. Điều này không biết nên vui hay nên buồn.
Các nhà hát quen thuộc như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội… mỗi năm lại dựng một vài tiết mục dành cho các em nhân dịp 1/6 và Tết Trung thu. Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát duy nhất của cả nước, như tên gọi, dành để phục vụ tuổi trẻ, nhưng những năm gần đây chủ yếu phục vụ thanh niên, hơn là phục vụ thiếu nhi. Khi các tiết mục Đời cười các loại ra đời (và rất ăn khách) từ một vài chục năm trước đây, thì cũng là lúc Nhà hát Tuổi trẻ phải bươn chải trong cơ chế thị trường, phần nghệ thuật dành cho các em có bị chểnh mảng cũng là điều tất nhiên. Thế hệ vàng chuyên hát cho các em của Nhà hát Tuổi trẻ bây giờ cũng vào tuổi 40-50 rồi, mà lực lượng thay thế thì vẫn còn quá mỏng!
Các Nhà hát Múa rối Việt Nam, Múa rối Thăng Long… không còn được các em đón đợi vồ vập như xưa, một phần vì các nhà hát này không có nhiều tiền để dựng nhiều tác phẩm phục vụ thiếu nhi (mà món ăn ngon nhưng cứ ăn đi ăn lại mãi cũng chán!), một phần vì nhà hát đã chuyển sang phục vụ người lớn - mà lại là người lớn ngoại quốc (như Nhà hát Múa rối Thăng Long). Cả Hà Nội có một rạp chiếu bóng Kim Đồng dành cho thiếu nhi, nhưng lâu nay cứ hoạt động như “áo gấm đi đêm”. Nghe nói để tồn tại có dạo rạp phải tổ chức cả biểu diễn nghệ thuật và cả tổ chức sự kiện nữa! Chỉ còn nghệ thuật xiếc (đặc biệt là xiếc thú) vẫn là “món ăn” được các em đặc biệt ưa thích. Nhưng chỉ được dịp hè, còn vào năm học thì xiếc vẫn ế, vì người lớn không còn thích xem xiếc như xưa nữa. Vả lại một tiếc mục xiếc dàn dựng rất tốn kém, công phu, mà vé dành cho các em cũng không thể cao quá. Do vậy Liên đoàn Xiếc cũng không thể luôn luôn “đổi món” cho các em được. Mà xiếc cũng chỉ đến được với trẻ em ở các thành phố. Ở vùng sâu, vùng xa… được xem xiếc với các em vẫn là một mơ ước xa vời vợi…
Như vậy có thể thấy nghệ thuật dành cho các em vừa thiếu, vừa yếu. Mà nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ của các em ngày càng cao, ngày càng phong phú, phức tạp. Quan hệ cung - cầu trong nghệ thuật dành cho các em ngày càng xa nhau. Không được đáp ứng bởi các cơ quan, tổ chức chính thống, các em vào mạng, chơi game… và nhiều trò chơi vô bổ, nguy hiểm khác. Đây là điều trăn trở, đau lòng không chỉ với từng gia đình mà cả toàn xã hội. Cũng không thể trách được các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Đối tượng phục vụ chính của họ là người lớn, vẫn đang quay lưng với họ, họ đang phải chật vật để tồn tại và kiếm sống, một năm họ dàn dựng phục vụ thiếu nhi một hai tiết mục là tốt lắm rồi. Các đơn vị nghệ thuật chuyên phục vụ thiếu nhi là hết sức khó (cũng như các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi phải hết sức có tài - do vậy nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng hiếm!), mà thu hồi vốn lại hết sức nan giải, vì không thể bán vé quá cao cho các em. Do vậy đời sống của những người làm nghệ thuật phục vụ thiếu nhi còn gặp nhiều khó khăn, vì thế không thu hút được các tài năng trẻ. Đội ngũ này ngày càng “già hóa” mà lực lượng thay thế thì chưa thấy. Cái vòng luẩn quẩn này, các đơn vị nghệ thuật chưa biết bao giờ mới gỡ ra được và gỡ bằng cách nào!
Có thể nói thực trạng nghệ thuật dành cho thiếu nhi không mấy tươi sáng - thậm chí có những lĩnh vực còn đáng báo động. Vì tương lai của thế hệ trẻ, vì tương lai của đất nước, nhất định chúng ta phải tìm cách tháo gỡ. Trước hết phải có chiến lược tổng thể về nghệ thuật của thiếu nhi, cho thiếu nhi, để từ đó nhận rõ những mặt mạnh, mặt yếu để bổ khuyết, phát huy. Thứ hai phải tài trợ, phải giúp đỡ (cả về vật chất và tinh thần) cho những người, những đơn vị nghệ thuật phục vụ thiếu nhi. Đối với nghệ thuật phục vụ thiếu nhi (và nghệ thuật nói chung), không thể đề cao lợi nhuận đã đành, mà cũng không thể chấp nhận quan niệm “tính đúng tính đủ” khi các em sử dụng dịch vụ nghệ thuật (theo cách nói của những người lãnh đạo ngành y tế và giáo dục). Ở đây, hơn bất cứ ở đâu khái niệm phục vụ, phúc lợi công cộng phải được đề cao (mà người cung cấp phúc lợi xã hội không ai khác là nhà nước). Phải có chính sách căn cơ, lâu dài để những người dành cả tài năng, trí tuệ và tâm huyết phục vụ thiếu nhi có thể sống được bằng nghề. Xã hội đòi hỏi những người làm nghệ thuật phục vụ thiếu nhi phải có tài năng, tâm huyết thì cũng phải tạo điều kiện để họ nuôi dưỡng, phát triển tài năng. Tài năng, năng khiếu nghệ thuật là của hiếm (tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật phục vụ thiếu nhi lại càng hiếm hơn), do vậy phải biết trân trọng, bồi dưỡng. Đặc biệt ngày nay nhu cầu, đòi hỏi hưởng thụ nghệ thuật của các em ngày càng phong phú, đa dạng thì việc đầu tư, đáp ứng ngày càng phải công phu hơn, chu đáo hơn. Hiện chúng ta đang tập trung quá nhiều nhân tài, vật lực (tuy vẫn chưa đủ và chưa đạt yêu cầu) để xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ người lớn, nhưng các chương trình dành cho các em còn quá hiếm hoi. Cần quyết liệt xóa bỏ bất cập này.
Nguồn Văn nghệ số 22/2020