THƠ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH CỦA VƯƠNG CƯỜNG
Nhà thơ Vương Cường sinh năm 1949 tại làng Đông Bích, huỵện Đô Lương – Nghệ An. Ông là Kỹ sư xây dựng, Tiến sĩ kinh tế, nguyên cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vương Cường thuộc thế hệ “Lính sinh viên” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trực tiếp tham gia chiến dịch bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ông làm thơ từ thủa thiếu niên và viết nhiều thể loại khác, đã xuất bản 4 tập thơ và một số tập tản văn, nghiên cứu lý luận chính trị… Mảng đề tài về chiến tranh và người lính chiếm một khối lượng khá lớn trong thơ Vương Cường. Ông ít quan tâm đến thi pháp, giọng điệu… nhưng thơ ông không mòn cũ, dễ dãi. Đọc thơ Vương Cường, có cảm giác như ông không “cố gắng” khi làm thơ, bởi ý và tứ của mỗi bài thơ hòa nhập với cảm xúc hết sức tự nhiên.
Nhà thơ MAI NAM THẮNG chọn và giới thiệu!
KHI TÔI CẦM TAY EM
Tôi lấy lửa giữa hừng đông
ngọn tre khum khum quét tiếng chích choè
sau đỉnh núi
mặt trời thức dậy
Tôi lấy lửa trong tiếng gà gáy
qua kẽ hở phên con lươn
tôi lấy lửa từ nùi rơm
của bà hàng xóm
Tôi lấy lửa giữa chiều đông
rét rụng ngón chân
mẹ lội bùn xuống cấy
Tôi lấy lửa từ cây đuốc sống đang chạy
từ cầu vồng đồng đội vắt qua thép gai
Tôi lấy lửa từ trong lặng im
bao diêm đặt trên bàn
bật lửa nằm trong túi áo
Ấy là khi tôi cầm tay em
tôi cầm ngọn lửa...
1972 - 1980
KHI ẤY MẶT TRỜI CHƯA LÊN
Chỉ có pháo bắn thật gần
mới được cười thoải mái
bom nổ loạt thật dài
mới hát hết một câu
Pháo sáng vãi đúng đầu
mới nhìn rõ mặt nhau
mới nhìn rõ những cái đầu
mọc lên từ cát
giống một vườn cây ươm
Chỉ có dứt hẳn tiếng pháo, tiếng bom
mới nghe tiếng gào
của dòng sông chảy xiết
tiếng quẫy nước
phải rất tinh mới nghe thấy được
trong chớp lửa nhập nhòe
chúng tôi vượt sông
Chỉ có ánh sáng vừa lên
mới trông rõ giải sao trong khói bom
không đứng yên
mang tâm hồn chiến sỹ
mới trông rõ dòng sông Đồng Nai lấp loáng
chảy ngang
và đội hình chúng tôi vượt qua
hàng dọc
thành một dấu cộng
mặt trời khi ấy chưa lên
Mặt trời sẽ lên thôi
chúng tôi đẩy mặt trời lên
để nhìn rõ Sài Gòn phía trước
để viên đạn bay đi khỏi lạc
bầy chim xòe quạt đón mặt trời
Sài Gòn ơi!
hồi hộp kia rồi
qua họng súng
bồn chồn trên sóng nước
mặt trời khi ấy
vẫn chưa lên...
CƠN GIÔNG
Thiếu phụ ôm đứa con nhỏ
chạy vào nhà tôi
Hoàng hôn trốn vào cơn giông vật vã
tôi ghép lại những mảnh vỡ
Những câu thơ lăn trên gò má
thiếu phụ nhìn tôi
một khu rừng cháy
Hốt hoảng bế con
chạy ngược cơn mưa
mưa xoá đi
kỷ niệm đang chạy
Nhưng
những khu rừng cháy
những bãi bom
những câu thơ bị thương
lấp lánh
lăn
lăn
cơn giông không xoá được...
TÔI MƠ
Hồn khói bay bay
cõi vô vi
tôi thức
Thành cổ ơi
mỗi ngày tôi mất một trăm năm mươi người bạn
tám mốt tầng
tháp lửa và hoa
Giờ bạn cỏ non hát về tương lai
giờ bạn thông ru bảo tàng lòng đất
Tôi mơ làm chó đá
đứng canh chừng lãng quên…
CÕNG BẠN ĐI CHƠI
Nằm dưới đáy sông Thạch Hãn
úp mặt vào bùn
mày nhìn thấy gì đâu
đôi chân đứt lìa mấy đoạn
mày có đi được đâu
Đêm đêm trăng mất bóng hiên nhà
gió dật đùng đùng mê dại
cái miệng mày bê bết máu
tao có ngủ được đâu
Thức cõng mày đi mấy vòng cho đã
mày hăm hở đến nhà người yêu
gặp bà già nhăn nheo, tóc bạc
trong đáy mắt có vài vết sẹo
vết sẹo nước mắt bào không khô
Mày xăm xăm chạy ùa tìm mẹ
cả bố mẹ mày đã ra gò mả
hai nắm đất lặng im
hai nắm đất một thời biết khóc
đêm đêm thả nước mắt vào mưa
thả buồn vào gió
thả mong chờ vào hư vô
Mày loạng choạng vào bàn thờ thắp hương
lại gặp mình ngồi cười sau nải chuối
Thôi mày về đi
cái thằng hai mươi tuổi
tao thương mày
mày chẳng biết thương tao...
NGƯỜI CHẾT HAI LẦN
CHƯA TRỌN CUỘC ĐI
Giờ anh không thắp được nén hương
trên nấm mộ của mình
như bốn mươi hai năm về trước
Lính vận tải mang xác anh về
một chân cụt tận gốc
đồng đội mang vùi xuống đất
không quan tài
không vải lượm
không cần cành lá che mặt
không cần mảnh sắt tây lương khô han rỉ
khắc mộ chí
không cần đắp đất vồng lên
dán cỏ
không sơ đồ
không giỗ chạp
mộ chân
coi như không mộ
Đồng đội cõng anh ra thăm
anh thắp một nắm hương
rải một ôm hoa dại
anh vái trời
anh vái đất
anh khóc
trách phần cơ thể không chờ nhau
biết cuộc tiễn đưa mấy người có được
anh tiễn đưa chân mình
Giờ người thân lượm anh bằng vải đỏ
mặt đánh phấn
cùng nằm bên anh
là đôi nạng gỗ
mấy tấm huân chương
một nắm đất
một mảnh trời xanh
một góc thành Quảng Trị
tiễn anh
gió đưa bài ca một thuở
tiễn anh
nắng đưa nét vàng hắt hiu một thuở
tiễn anh
có những người lính già mắt đục
Ai được chết hai lần?
ai được khóc khi mình đã chết?
ai được chạy trong đời một chân?
ai đã đi là đi sau hết?
ai tưởng đến lượt mình
lại hóa ra không?
Thôi từ giã một đời đi sau
cuộc tìm kiếm lại mới bắt đầu
người chết hai lần
cuộc đi chưa trọn...
THĂM ĐỒNG ĐỘI CŨ
Đường làng hai bên giờ đã phố
tôi nhảy xe ôm đến trước một túp lều
Nếu không có cặp mắt
thuở Cùa sót lại
tôi làm sao, nhận được bạn tôi?
cụ già ngồi kia hát dỗ
hai cụ già con ú ớ cười
Mọi ngôn ngữ đến đây đều bất lực
tôi khóc hay cười trước bạn tôi...