Tác phẩm chọn lọc

7/4
12:45 PM 2020

AI BẢO VIẾT CHỮ ĐẸP-TRUYỆN NGẮN TRẦN CHIẾN

“Tính về tộc Bùi Hữu chúng ta thì chi trưởng đã đưa được tám con em đi xuất khẩu lao động, chi ba một tiểu đội ra phố chạy xe ôm hoặc bế con thiên hạ, chi út hèn nhất đành ở nhà vật đất lên trồng cây này nuôi con nọ. Những cái đấy là thành tích báo cáo lên Tổ ngày giỗ của từng chi, đồng thời biểu dương ra hàng xóm cùng các chi khác”.

                                                                   Ai bảo viết chữ đẹp- Truyện ngắn Trần Chiến

 

- Phần đóng vào quỹ gia tộc để cúng Tằng tổ, Cao tổ, bà Cô tổ là mười ba triệu rưỡi, để giỗ cụ khai sinh ra chi chúng ta tức ông nội của tôi với các chú là hai mốt triệu bao gồm cả đàn bà không tính trẻ con dưới sáu tuổi, vị chi còn…

Giọng ông Chung trưởng chi đều đều, tẻ ngắt khiến Ban buồn ngủ, nhưng không thể không theo dõi. Ban là con út, bố đi công tác “thêm nếm” ra hai chị em, mọi người ban đầu không công nhận mãi sau mới cho vào chính thức nhưng gia phả ghi là “cành” nhỏ, không ghi tên mẹ. Dăm năm nay ngoài giỗ bố Ban được đem vợ con về giỗ tổ họ tổ chi dĩ nhiên có đóng góp. Mặc cảm “con thêm” khiến anh không hùng hồn khi tụ tập, một bề nhũn nhặn chỉ đâu đánh đấy không sai bảo thời chẳng vẫy tai. Mà công tác văn thư của Ban cũng cần tính ấy, khiêm nhường, cẩn thận, ghi biên bản họp cơ quan làm dịu đi những ý kiến phản đối sếp quyết liệt quá mức cần thiết, đóng dấu đừng nhầm tên trưởng với phó, phân biệt rõ phòng - ban, “huân chương” khác “huy chương” càng không thể “huân huy chương” tùy tiện. Anh viết chữ đẹp, trăm dòng như một, nên kỳ cuộc tổng kết thi đua hay được trên mượn lên viết bằng khen giấy khen, bao giờ cũng tăm tắp đều và chính xác. Nết thế nên người được tin cậy, có điều không đủ xấc xược để làm thủ lĩnh, cũng thiếu hẳn ma mãnh đâm sau đánh lén, đành phận nín nhịn chấp hành các quyết định của người.

Đời ta phẳng lặng, tẻ nhạt, lần này được ban lãnh đạo chi nhì tộc Bùi Hữu thôn Bùm mời họp, cũng có thể tính là một sự kiện, Ban lơ mơ. Mời nhưng thật ra là “gọi”, chắc các bác sai bảo gì đấy, mình sẽ cố gắng. Cơn buồn ngủ rụi đi khi ông trưởng chi chuyển sang “vấn đề chiến lược”:

“… Tổng đúc kết lại, thì mỗi họ trong làng đều có mũi nhọn của mình để vươn lên. Họ Đào làm quan ăn ngập mặt, họ Phan buôn bán lớn cậy nhà to trần lợp pơ mu đều chỉ mới giầu chứ chưa sang. Những họ nuôi tằm bán cá giống đi xa phá rừng đóng tủ xây nhà không đáng kể ra”.

“Tính về tộc Bùi Hữu chúng ta thì chi trưởng đã đưa được tám con em đi xuất khẩu lao động, chi ba một tiểu đội ra phố chạy xe ôm hoặc bế con thiên hạ, chi út hèn nhất đành ở nhà vật đất lên trồng cây này nuôi con nọ. Những cái đấy là thành tích báo cáo lên Tổ ngày giỗ của từng chi, đồng thời biểu dương ra hàng xóm cùng các chi khác”.

“Thế thì mũi nhọn của chi nhì là gì, ta phải tìm ra kẻo thua người. Tôi đồ rằng ta là chi hiếu học. Từ năm trung cấp, hai cử nhân của vai tôi với các chú, nay phát triển khai lên tám chín cử nhân vai các con, ngày càng đông đúc ở hàng cháu. Chúng ta đã có quỹ khuyến học, hàng năm thưởng cho đứa mang giấy khen về, nhưng cứ chỉ là tằng tằng vậy. Thi đua ngoài chân đế rộng phong trào đông vui phải có đỉnh điểm mới được, như cụ Tổ họ suýt đỗ tú tài thời Nguyễn ý. Nên tôi có ý này…”

Đang say sưa thì bị phá. Thằng con Bùi Hữu Trụ tốt nghiệp khoa Hát chèo của đại học Xây dựng Tây Nguyên đang ăn bám chạy ra bô bô “Vâng vâng thành tích học giỏi cả mười hai năm phổ thông xong giành bằng đại học hạng ưu rồi tiến nhanh tiến vững chắc đến thất nghiệp như con thì chi nhì mình vô đình địch ạ thế bố cho con năm chục điện thoại hết tiền rồi”. Như một phản xạ không điều khiển được, ông Chung móc túi tắp lự rồi tiếp tục ngay: “Tôi triển khai tiếp nhá. Câu “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” phải xem lại. Nghìn cử nhân có danh giá bằng một giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải “phiu” gì gì không. Chưa ngóng đến đoạn ấy. Không nóng vội đốt cháy giai đoạn được. Ta phải bắt đầu từ dưới lên, cử lấy một người giành chân thạc sĩ sau đó tiện thì tiến thủ lên nữa. Lãnh đạo chi nhì đã họp, quyết định trao trách nhiệm này cho chú…”

Ngón chỏ chĩa thẳng vào Ban, kèm sáu cặp mắt nghiêm khắc, chứa chan. Dù vậy anh đủ dũng khí để phân trần mình văn dốt vũ dát mươi năm nữa là hưu và đi học không phải chuyện chơi vất lắm và… Cuộc phản kháng sớm ngủm khi cả ban lãnh đạo chi vào cuộc.

Rằng chú hằng viết bằng khen tức là chữ tốt rồi. Chữ tốt nhất làng vô địch huyện là đương nhiên có nhất nước không còn phải xem nhưng cứ thế tự hào hẵng. Còn nửa “văn hay” - là học giỏi, thì có tự trên trời rơi xuống đầu ai đâu. Đừng tự ty thế, cả chi sẽ cùng học với chú cụ thể nói sau.

Rằng xã hội ta là xã hội học tập ra đường gặp cử nhân lên huyện thạc sĩ va nhau đôm đốp tỷ lệ bằng cấp cao nhì thế giới. Mới đây trên quyết tâm đào tạo ba mươi chín nghìn tiến sĩ trong mười lăm năm tới chú không xung vào đội ngũ ưu tú ấy chả hóa ra phụ niềm tự hào chung a.

“Thế nhưng mà cao học trước hết phải có chứng chỉ tiếng Anh mý lỵ…”, Ban trình bày. Thì lại rằng tiếng anh tiếng em chứ tiếng Dim ba bu ê chi nhấc tay cái là lo được cho chú. Càng cãi anh càng rơi vào khốn đốn, đành láu cá để xem ý ở nhà thế nào em là nhất vợ nhì giời đấy ạ. Ai ngờ lúc về chưa hở ra Nguyệt đã ngỏn ngoẻn em đang định bàn anh làm quả thạc sĩ sẽ nhiều chỗ quan hệ con Phương thằng Bảo sau này dễ xin việc.

Vừa tứ bề thọ địch lại bị cả vú lấp miệng em ngay, đầu hàng chứ còn thế nào.

                                                    #

Cuộc tiến công vào tri thức thật ra không khủng khiếp quá. Có nhiều việc làm Ban luôn nghĩ đến câu “Cả chi sẽ thi cùng chú” của bác trưởng. Đầu tiên là đề tài, GSTS (1) Z., người chọn đích danh anh để hướng dẫn bảo “Đi tắt đón đầu - phương pháp vạn năng và tối ưu” chưa ai làm, còn bí hiểm tất nhiên khó phản biện dễ bảo vệ. “Nhưng em nhìn vào như bức vách”, Ban gãi đầu nói vậy thì giáo sư “Yên tâm yên tâm chuyện học thuật không phải lo miễn cậu có mặt ở lớp và bàn nhậu và phòng karaoke lúc cần thiết”. Cơ quan không khuyến khích, tức thị không tạo điều kiện cho người không làm chuyên môn học thêm, làm thế nào “phú lỉnh” được. Không ngờ là hôm tập hợp lớp, Ban va phải Vấn, phó văn phòng, đôi bên cố tránh nhau mà không được. Vấn thật thà “Chánh văn phòng sắp hưu, tôi  phòng ngừa sếp chọn người thay có bằng cấp. Như đi buôn có vốn ấy mà. Còn ông đóng dấu với viết bằng khen thì dự làm gì?”. Ban à uôm không hở ra mình bị chi cành và vợ đẩy ra làm anh hùng, và mừng có thằng cùng ăn cắp giờ làm công.

Lớp có nhiều thành phần. Mới ra trường chưa có việc, “cốc” tiền phụ huynh một nắng hai sương ở quê làm phát thạc sĩ. Thạc sĩ về Gió xong vẫn thất nghiệp bèn làm tiếp về Nắng. Đời sẵn nắng gió tha hồ nghiên cứu. Nhiều nhất là công chức, anh ngấp nghé ghế sắp trống chị thèm bổ nhiệm, giáo viên mót chân giám hiệu, đến lắm lý do để chăm học. Lại một tay làm viện nghiên cứu hẳn hoi, dự lớp vì phải con trưởng phòng thằng viện phó chuyên môn dốt quá. Trả thù kiểu trí thức thế thì thậm ngu.

Khóa học dài năm rưỡi, chẻ nhỏ thành hai chục chứng chỉ do các GSTS phụ trách. Đám “gà sống thiến sót” này nghĩ ra những môn học đến là bí hiểm: “ Biến không thành có, có ít thành nhiều, nhiều quá thì hô biến”, “Nhớ lại những điều chưa từng trải qua”. Một ông tu học Niu Di Lần đưa đề tài “Chim cánh cụt xích đạo, giống và khác linh cẩu Nam Cực”. Tên gọi đánh đố thế chứ vượt qua rất chi nhẹ nhõm: điểm danh trên lớp có người ới hộ, đi thi phải có mặt nhưng bài làm nguệch ngoạc hay để trắng đều đạt yêu cầu, tất nhiên đừng mong xuất sắc. Ban thậm chí không biết mặt nhiều thầy, quên phắt lịch học, chỉ thi thoảng dự những gặp mặt khai mạc với liên hoan tổng kết môn. Việc đóng tiền chung cho cán bộ lớp “đi thầy”, thăm hỏi cô ngày Phụ nữ, thầy và cô ngày Nhà giáo đã có “Liên Xô” lo cả. Họ ta à quên chi ta vĩ đại thật. Ở cơ quan, rất thi thoảng mới giáp mặt, Ban và Vấn trao nhau từng nửa nụ cười.

Nhưng gì thì gì, quả thạc sĩ không phải cứt chó. Vẫn phải bỏ cho nó thời gian, công sức, càng gần ngày ăn quả càng vất và tốn kém. Cố mà leo chứ còn gì, kẻo phụ lòng gia tộc đã chấp nhận giọt máu rơi nay lại gửi gắm cả niềm tự hào. Phòng riêng của Ban, nay gọi “thư viện” chễm chệ khẩu hiệu “Sống phải có mơ ước”, bên ngoài Nguyệt đi rất rón rén. Gạo nếp, đậu xanh, trứng gà tươi, quả hái trong vườn ngon và đảm bảo sạch tiếp tế thường xuyên từ quê, ngoài tiền chi “đong” từ các đinh (giờ tính cả đàn bà) góp vào cho ông thạc sĩ chào đời. Có lần Nguyệt hấp sâm cho chồng thức khuya, uống vào ngủ thế nào, phải đâm vào vợ mới đành, nên sáng ra bị bác trưởng – lên kiểm tra và ngủ lại – phê bình không biết dành sức cho chồng. Mà cái củ hàn tính mạnh này là bác ý đưa lên chứ, Nguyệt oan mà không thể cãi, còn phải giữ hòa khí cho sự nghiệp chung.

Thỉnh thoảng tin dưới Bùm lên. Dưới sự tỏa sáng của tấm gương mang tên Bùi Hữu Ban, phong trào hiếu học dấy lên ầm ầm, bằng tiếng Anh hẳn hoi. Làng quê đô thị hóa lấp lóa biển hiệu “Lòng lợn tiết canh made in Bùm Bùm”, “Thịt cầy 7 món since 1998”, “Kẹo dồi youth by 1965 hot line 09…”, sáng ra gặp nhau nhất loạt “hồ lế hao ả  íu”. Nhưng sự học đâu phải túm tóc mà cao nhanh được, phải đi trước, có bài bản, nên chi nhì Bùi Hữu tự tin chả phải kiễng với theo ai. Nghịch ngược là thằng Trụ nhà bác trưởng, ai đời đã cử nhân cứ hãnh diện “Cháu giờ làm chắc chân nông dân, vụ cà rồi thu ba chục triệu khao đội bóng chuyền thôn bữa thịt chó”. Lần sau đắc ý: “Cháu vay vốn ngân hàng vật đất lên trồng phật thủ, cái giống tưởng khó tính ai ngờ hợp đất làng mình, cũng nhờ anh bên đại học nông nghiệp xui”, tiện thể tặng ít tiền. “Để chú làm chuột bạch thí nghiệm ạ”, nói rất hỗn mà bà thím làm ra điếc.

Nhưng câu “Hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”, cũng của Trụ, thì ông chú nhè ra mãi nó cứ chui vào lại. Việc học, dù cả họ xúm vào, vẫn ngốn bộn thời giờ. Có chỗ nhờ viết bằng khen, phải cày vào đêm để ngày theo lớp trưởng lễ thầy. Vắng mặt liên tục ở cơ quan nên các khoản thưởng bị cắt, còn trần xì lương chả nhẽ cũng báo cáo để chi phải bồi đắp. Ban mắc tật đãng trí bác học nói chuyện đầu óc để trên mây, ngáp kinh niên và mặt mũi xanh rờn. Nguyệt bớt rón rén hơn vì chi cắn vào thu, hai con bị cắt hẳn suất học thêm, loại khỏi lớp đào tạo Thần đồng. Muôn ngàn nỗi khó tính đếm càng không thể kể ra đề họ hàng hiếu học thông cảm bù trì cho.

Các học phần lẽo đẽo kết thúc kéo theo sự khốn nạn của cuộc viết luận văn. Chín mươi ba trang, dù chữ đều người khác, không thể như nhìn vào bức vách. Vào một ngày đẹp trời, GSTS Z. ném tập luận văn vào mặt nghiên cứu sinh, té tát “Anh tưởng trình bầy đẹp thì có thể lắp tay lên mặt đưa mũi xuống đít á đừng nghĩ cao học mà ngu quá được cắt dán đến là trắng trợn ăn cắp cả trang còn chả thèm đảo đoạn nào câu nào”. Ban tím mặt mà không thể cãi, cái thằng chi ta thuê viết vừa ngu vừa lười tệ quá. Chuyện ở nhà, là ba trăm bằng khen sai toét phải viết lại và đền phí tổn. Đang xây xẩm thì bác trưởng dưới quê lên, trông thấy quyển luận văn dầy dặn đẹp đẽ liền khen và “Xong cuộc này chú tiện thể làm luôn cái tiến sĩ cho đẹp mặt chi mới cả phấn đấu chân phó văn phòng để con cháu được nhờ mới cả… ”.

Chưa giao xong nhiệm vụ thì “huỵch” phát, đầu chú Ban cắm xuống đất như gà mổ thóc.

Ba tháng sau, các tân thạc sĩ liên hoan mừng khóa học thành công rực rỡ “chỉ có một người rớt có lý do khách quan”. Tất cả cám ơn công đào tạo của GTTS, đặc biệt là cán bộ lớp đã kết nối trò với thầy cô cực kỳ hanh thông suốt. Sang tuần rượu thứ bẩy, Vấn, mới lên chánh văn phòng, líu lưỡi cảm ơn “nốt” các nhà sáng lập internet cùng công nghệ cóp – pết (2) vĩ đại đã góp phần làm nên đội ngũ trí thức mới. Nói vui thôi mà vài người tỉnh hẳn rượu mới lạ.

Cùng ngày, Ban trở về quê ở tư thế nằm, trong com lê ca vát tề chỉnh hai má hồng ngoài áo gỗ bốn dài hai vắn. Trời nắng rốc người, đoàn đưa tiễn chậm rãi, trang trọng tiến ra nghĩa trang. Dân Bùm theo rất đông, tò mò nhìn vòng hoa đi đầu mang dòng chữ “Chi nhì tộc Bùi Hữu kính viếng tiến sĩ Bùi Hữu Ban”.

 

(1) Giáo sư tiến sĩ

(2) Chỉ sự “cắt dán” khi làm luận văn

TTCT 26/8/2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *