Tác phẩm chọn lọc

20/5
10:11 PM 2020

TRONG TẤM GƯƠNG THỂ LOẠI

(Đọc Truyện ngắn Việt Nam đương đạiDiễn trình và động hướng,

 chuyên luận của Lê Hương Thủy, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019)

BÙI VIỆT THẮNG

          VAI TRÒ THỂ LOẠI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC

M. Bakhtin thuyết phục chúng ta khi coi thể loại là “nhân vật chính trong tấn kịch văn học”, tất nhiên thể loại mà ông nói tới và quan tâm nhất ở đây là tiểu thuyết vốn được xem là “sinh ngữ” của một nền văn học trưởng thành và phát triển. Những năm qua sự quan tâm thể loại đang là một động hướng nghiên cứu tiến trình văn học khả thi. Nhiều công trình chuyên biệt về truyện ngắn được dư luận đánh giá cao như Tìm hiểu truyện ngắn (1987) của Trần Thanh Địch, Bình luận truyện ngắn (1999) và Truyện ngắn - Những vần đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (2000) của Bùi Việt Thắng, Những vấn đề thi pháp của truyện (2000) của Nguyễn Thái Hòa, Thời gian nghệ thuật trong cấu trúc văn bản tự sự [qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975-1995], ( 2003) của Lê Thị Tuyết Hạnh, Truyện ngắn - Lý luận, tác giả, tác phẩm (2005) của Lê Huy Bắc, Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi - Chân dung (Phan Cự Đệ chủ biên, 2007), Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh (2010) của Đào Ngọc Chương, Sáng tác truyện ngắn (2014) của Văn Giá, Truyện ngắn Việt Nam hiện đại (2018) của Đinh Trí Dũng và Bùi Việt Thắng,… Những tưởng khó có thể giải trình gì thêm về thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại. Nhưng Lê Hương Thủy vẫn mạnh dạn mở lối và nẻo lối tác giả tiếp cận truyện ngắn chủ yếu chú trọng quan sát “động hướng” của thể loại (nương theo không gian văn học đương đại, theo sự thực hành đổi mới lối viết, theo loại hình nhân vật, theo động hình ngôn ngữ,  theo truyện ngắn nữ,…). Rất đúng khi nói: “Văn xuôi chính là mặt tiền của văn chương hậu chiến Việt Nam sau 1975”. Truyện ngắn đương đại đã góp phần không nhỏ tạo nên cái “mặt tiền” ấy.

Chuyên luận của Lê Hương Thủy triển khai trong năm phần cân đối: Truyện ngắn Việt Nam đương đại trong bước chuyển của đời sống xã hội và văn học/ Ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật và những thực hành đổi mới lối viết/Kết cấu truyện ngắn và các loại hình nhân vật/ Những động hình ngôn ngữ và cách thiết tạo điểm nhìn trần thuật/Truyện ngắn nữ việt Nam đương đại, những nhận diện ban đầu.

 TRUYỆN NGẮN TRONG KHÔNG GIAN VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI

Nghiên cứu truyện ngắn trong tương quan với không gian văn học đương đại, theo cách của Lê Hương Thủy, là tuân theo phương pháp đồng đại, nghĩa là chú ý tới những vấn đề đồng thời then chốt và mới mẻ sau:1/ “Nhà văn Việt Nam đương đại - những tương tác” (nhà văn và những chuyển đổi ý thức nghệ thuật trong không gian của đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội; hiện thực, nhà văn và tác phẩm; nhà văn, tác phẩm và người đọc); 2/ “Văn học việt Nam: Từ không gian mạng đến khai thác thị trường xuất bản tác phẩm” (không gian mạng và những đặc thù của hình thức sáng tác và công bố tác phẩm; từ không gian mạng đến việc khai thác thị trường xuất bản và tiêu thụ tác phẩm; con đường từ mạng ra giấy và vấn đề thị hiếu người đọc); 3/Một vài phương diện của văn học đại chúng; 4/Những chặng đường của truyện ngắn Việt Nam đương đại (1975-1985, 1986-2000, đầu thế kỷ XXI); 5/ Truyện ngắn Việt Nam đương đại - tiếp cận từ những hiện tượng (Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư).

Nhưng chú tâm nghiên cứu “động hướng” của truyện ngắn Việt Nam đương đại trong công trình của Lê Hương Thủy, theo tôi, tập trung rõ hơn cả trong phần II (Ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật và những thực hành đổi mới lối viết) và phần IV (Những động hình ngôn ngữ và cách thiết tạo điểm nhìn trần thuật). Rõ ràng công trình của Lê Hương Thủy không nghiêng về nghiên cứu lịch sử thể loại truyện ngắn (vì đi theo hướng này thì tác giả khó vượt qua những người đi trước đã rất dày công và có thành tựu). Truyện ngắn phát triển trong không gian văn học đương đại tất yếu bị/được chi phối bởi đổi mới tư duy nghệ thuật - đó là sự đổi mới quan niệm về văn học và về thể loại, đổi mới phương thức biểu hiện và nguyên tắc trò chơi. Cách lý giải của tác giả về tính chất bình thường của đời sống hòa bình và tinh thần dân chủ trong ý thức xã hội nhờ công cuộc Đổi mới (từ 1986) dẫn đến những quan niệm khác (chưa hẳn là mới) về văn học là bước đầu thuyết phục, vì “xã hội nào văn học ấy”. Nhưng phần biện luận về “nguyên tắc trò chơi”, xét một cách nghiêm túc thì chưa thật thấu đáo. Viện dẫn Phạm Thị Hoài và luận điểm “Một trò chơi vô tăm tích” làm cơ sở dù chỉ là tham khảo, cũng là việc cần suy xét, cân nhắc cẩn trọng (vì nếu văn chương chỉ là một “trò chơi vô tăm tích” thì đó là văn chương của thiểu số ai đó chứ không phải của nhân dân).

Nghiên cứu “động hướng” của truyện ngắn Việt Nam đương đại, trong công trình của Lê Hương Thủy, chúng tôi chú ý đến phần viết (mục 2, phần II): “Truyện ngắn Việt Nam đương đại nhìn từ sự tương tác thể loại”. Sự giao tương giữa truyện ngắn và thơ (truyện Nguyễn Huy Thiệp), truyện ngắn và tiểu thuyết (Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư), truyện ngắn và kịch (Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh), truyện ngắn có yếu tố nhật ký, thư từ (Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban),... Nói cách khác, lằn ranh thể loại bị nhòe mờ, không có biên giới hay khung khổ nhất thành bất biến. Nguyên nhân chính là tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có văn chương, đang ở trong một thế giới phẳng, mở. Tuy nhiên, nếu phần này được khảo kỹ hơn, viết sâu hơn sẽ đem lại những luận giải mới mẻ và thú vị không chỉ với giới học thuật mà cả với các nhà văn sáng tác truyện ngắn.

         VĂN CHƯƠNG/ TRUYỆN NGẮN MANG GƯƠNG MẶT NỮ

Phần V “Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, những nhận diện ban đầu” là một điểm sáng của chuyên luận không phải vì tác giả công trình là nữ nên chúng tôi coi đây là một phần viết tâm huyết, gợi mở nhiều suy nghĩ về văn chương. Thực tiễn sáng tác cho phép chúng ta lạc quan nói đến một “nền văn chương mang gương mặt nữ”. Theo thống kê của Ban Nhà văn nữ, hiện có hơn 200 hội viên nữ trên tổng số hơn 1200 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2015, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành bộ sách Phái đẹp, cuộc đời & cây bút (3 tập, hơn 2000 trang). Tất nhiên trong sáng tạo nghệ thuật số lượng không quan trọng, nó chỉ tuân thủ quy tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Vấn đề là đóng góp của nhà văn nữ vào sự phát triển của văn học nước nhà thời hiện đại/đương đại. Chúng ta chứng kiến một đội hình nhà văn nữ hùng hậu chuyên viết văn xuôi xuất hiện sau 1975 từ Đoàn Lê, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Thu Trang, Trần Thùy Mai, Phạm Thị Minh Thư, Ngô Thị Kim Cúc, Phạm Thị Hoài, Lý Lan, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Minh Dậu, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Trầm Hương, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Trần Thanh Hà, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Như Bình, Tống Ngọc Hân,...

Tất nhiên, chúng tôi hiểu tác giả chưa có điều kiện tiếp cận văn xuôi nữ một cách toàn diện, triệt để nên chỉ khiêm tốn mới là “những nhận diện ban đầu”. Trước khi tiếp cận gần với truyện ngắn ba cây bút nữ tiêu biểu (Lê Minh Khuê, Y Ban, Đỗ Bích Thúy), tác giả chuyên luận đã phân tích khái quát “Về sáng tác của các cây bút nữ và một khuynh hướng của văn xuôi Việt Nam đương đại” - đó là “văn học nữ” hay “văn học nữ tính” (ảnh hưởng của tinh thần nữ quyền trong đời sống xã hội từ góc nhìn văn hóa). Theo tác giả thì khuynh hướng văn học này có tính quốc tế (rõ nhất khi chúng ta nhìn sang văn học Trung Quốc đương đại). Gắn sáng tác của nhà văn nữ với khuynh hướng văn học thời đại là một phương pháp “mở”, từ đó nhận diện được “tư duy hướng nội” là đặc điểm viết của phái tính nhà văn (kiểu như Dạ Ngân viết Con chó và vụ ly hôn, Lê Minh Khuê viết Chuyện bếp núc, Nguyễn thị Thu Huệ viết Hậu thiên đường,...).

Có người cho rằng nếu chỉ dừng lại ba tên tuổi Lê Minh Khuê, Y Ban, Đỗ Bích Thúy thì (mục 4, phần V) “Một số gương mặt và chiều kích truyện ngắn nữ” liệu đã đầy đặn?  Tác giả đã rào đón: “Các tác giả tiếp cận dưới đây không mang tính trường hợp đại diện mà trong nỗ lực để tiếp cận với một vài khía cạnh trong sáng tác của các cây bút nữ trên tinh thần tìm hiểu truyện ngắn Việt Nam đương đại mà truyện ngắn nữ là một phương diện/đối tượng đáng chú ý”. Ba tác giả này đã được giới nghiên cứu/lý luận/phê bình khảo sát tương đối kỹ. Liệu Lê Hương Thủy có gì vượt ra khỏi “phên giậu” của những người đi trước? Đọc kỹ sẽ thấy có, theo tôi. Ví dụ tác giả quan tâm tới những “xung đột bên trong của con người, sự giằng xé giữa bản năng và bổn phận, giữa những đòi hỏi tâm sinh lý và sự “kiềm thúc” của đạo lý luân thường”, “thường khai thác những khía cạnh rất đời thường” trong truyện ngắn Y Ban. Viết về Đỗ Bích Thúy, tác giả đã chú ý tới mảng “ký ức văn hóa” trong truyện ngắn của nhà văn quê ở miền núi cao Hà Giang, theo tác giả chuyên luận: “Dễ nhận thấy trong truyện ngắn Đỗ Bích Thúy luôn đậm đặc không gian văn hóa vùng Tây Bắc”. Hai nhận xét về Y Ban và Đỗ Bích Thúy đặt canh nhau chứng tỏ độ tinh tường của Lê Hương Thủy khi cố gắng chỉ ra cái “tạng” văn của mỗi người từ góc nhìn văn hóa (rộng hơn văn bản).

NỖ LỰC HÀI HÒA LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

Ở độ tuổi tác giả có thể gọi là bắt đầu chín trong nghiên cứu/ lý luận/ phê bình. Quan sát lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy có hai khuynh hướng: Một say mê lý thuyết, đặc biệt lý thuyết “nhập cảng” (Hậu hiện đại, chẳng hạn). Nên xảy ra tình trạng “ăn tươi nuốt sống”, không hấp thu được cái hay của tinh hoa, đôi khi lại vận dụng cái đã bị thải loại của thế giới. Hai, có thực tiễn nhưng không vững vàng về lý thuyết nên dễ rơi vào “khảo” thuần túy. Cả hai khuynh hướng này tựu trung đều hạn chế hiệu quả của công việc.

Lê Hương Thủy, theo chúng tôi, đã “biết mình biết người” khi thao tác nghiên cứu. Trước hết, tác giả ý tứ tránh luận bàn nhiều về thể loại tên phương diện lý thuyết (vì các tác giả trong và ngoài nước đã bàn nhiều). Trong bản chất, truyện ngắn không có hệ lý thuyết riêng, nó dựa vào lý thuyết tiểu thuyết (nên có cách hiểu truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết). Ưu điểm của công trình là bám sát (có thể nói là “bấu chặt”) vào thực tiễn nhưng không lơ là lý thuyết. Là người bỏ nhiều công sức nghiên cứu truyện ngắn dân tộc, chúng tôi biết được tác giả công trình đã kỳ công đọc truyện ngắn đương đại nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng đến mức nào. Ở đây chỉ cần “sáo”, hay “xảo”, lập tức tác giả bị lật tẩy, nếu không đọc đến nơi đến chốn truyện ngắn đang rầm rộ sinh sôi nẩy trên báo chí, sách vở, mạng. Người ta thường nghĩ, các “viện sỹ” hay kinh viện, xa rời thực tế, thuần lý thuyết. Làm việc ở Phòng Văn học đương đại (Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), nhưng tác giả, như chúng tôi biết, đã nỗ lực sống với văn chương cùng thời. Vì thế mà những trang viết của chuyên luận có cái hơi thở phập phồng của đời sống văn chương vốn lúc nào cũng sôi động, phong phú, phức tạp nhưng đầy sự mê dụ, mời gọi với những người yêu nghề văn như tác giả Lê Hương Thủy./.

(Nguồn: Báo văn nghệ số 20-2020)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *