CON CHÚ CON BÁC-TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN TRẦN CHIẾN
Cô Tươi “nữ nhân” thờ bên nhà chồng. Định thắp hương thì ông Lãm “hượm uống nước đã”, giọng trầm trọng.
Hết tuần chè đầu chưa thấy gì, Dư đã nhấp nhổm thì ông Lãm lên tiếng: “Vậy chứ, chú về làm gì?”. “Em về quê mà. Em chả đã gọi báo bác rồi thôi”, Dư định dài dòng rồi im phắc.
- Mười ba năm nay chú mới về, là làm sao? Cô ấy đâu, quên hay chê quê chồng rồi? Bọn trẻ nhà chú còn biết gì đến cội rễ không hử hử?
Rụng xuống bao nhiêu là nỗi, chả biết nên cởi bỏ từ đâu, đâm thượt cái mặt ra.
*
Dòng Lê Đình của Dư ra thiên hạ rất chìm. Học hành tầm tầm, không khoa bảng đâm chả ai phẩm hàm đeo thẻ bài ngà. Nhưng ở thôn Lê Xá oách ra gì, cụ tổ có tên trên bia Tiền hiền khai canh ngoài đình, thời vua gì trước ông Bảo Đại cỗ đám luôn ngồi chiếu trên. Cụ chánh hội Lê Đình Bột đẻ ra ông lý Mật, các con ông Mật là Triển, Vọng, Tươi, Tỉnh. Lãm con ông Triển, Dư con ông Vọng, đôi con chú con bác ruột cách nhau gần mười tuổi. Bác Triển sinh đúng kỳ triều Nguyễn mở khoa thi hội cuối cùng, lớn theo tiểu học Pháp Việt, đang nhắm chân thư ký con con thì năm Ất Dậu ập đến. Chết đói chết khát đầy đường, cách mạng về, bác tham gia Liên Việt xã, lúc Tây quay lại các ông Việt Minh bảo có ít tiếng Pháp ra làm lý trưởng còn giúp kháng chiến. Quán triệt, chấp hành rồi phải qua những đận rất khốn nạn. Chuyện này giờ chỉ còn là đồn thổi: du kích đã tung lựu đạn trừng trị tên lý Triển nhưng không nổ. Nửa địch nửa ta, tên bác bị “quên” trong cuốn sử đảng bộ xã soạn sau hòa bình. Gia đình chả cất mặt lên được, tức mình cho thoát ly hết. Bác mất sau đình chiến ít tháng, nhưng “nợ nần” còn dằng dai…
- Em nhớ mà. Tang bác gái, bố em hờ người nhà đi cả chị ở lại chịu đựng đấu tố cải cách, những tội mà anh tôi không hề mắc. Ruộng vườn là của cả gia tộc đội chụp hết về dòng trưởng, đôn lên địa chủ. Sửa sai lâu rồi mới khóc được câu ấy.
Ông Dư nhắc lại, ra điều mình không quên để khỏi nghe những điều đã biết. Không ngờ ông Lãm rẽ ngả khác: “Thế chú biết sao tôi đã xong trung cấp kế toán, đi làm sở Y tế còn quay về quê không? Là bác gái bảo thoát ly hết thì ai trông coi cái gốc. “Mẹ không sống được bao lâu nữa, ruộng vào hợp tác không trông mong nên chả phải lo. Nhưng các cụ nằm ngoài đồng sạt lở phải đắp, nhỡ cái hạt cây rơi xuống, mọc rễ đâm thủng áo nhà loạn lên ngay. Gian thờ ngày rằm ngày một không nguội lạnh được. Năm mười cái giỗ dán trên cột nhà vợ chồng mày phải lo. Ngành trưởng là phải thế, chim chóc bay đâu còn có chỗ quay về”. Chứ tôi còn công tác thì dù trình độ thấp vẫn lên dần dần, về hưu có lương ba triệu chả phải bạc mặt khi có ai mời đám giỗ”.
“Năm hợp tác quy hoạch ruộng đất, thằng Ty chủ nhiệm phổ biến bốc tất cả mả về nghĩa trang để ruộng quang máy cày chạy thẳng một lèo, tôi ôm chân các cụ ngủ nông hội quy cản trở đường lên chủ nghĩa xã hội. Thằng Ty đầu tầu gương mẫu dọn của nhà nó trước, dẫm phải đinh ván thôi uốn ván rung giường lên viện tỉnh không cứu được. Thế có phải là quả báo?”.
“Vườn nhà rộng, nó định lấy làm vườn trẻ thôn. Tôi bảo đây là hương hỏa, cả chi trông vào, những ổi mít bán đem làm giỗ các cụ, chứ trông vào góp giỗ thì ngành trưởng không đi kêu gọi được. Quá bằng xin. Trưởng thôn bảo phải vì tương lai con em chúng ta chứ tôi mắng cho hương hỏa ngành anh rộng sao không vì con em trước. Nó thù cho, chuyên bắt tôi đi đắp đê với thủy lợi hai linh hai, thịt con lợn chia chỉ bạc nhạc. Tôi kệ. Giữ được cái các cụ để lại là tâm tôi yên ổn”.
Nội tộc cũng phải trị nhau, như ông chú phá quá bằng giặc: “Tôi trồng vườn xoan hơn chục năm hạ xuống, bỏ ao ngâm ba năm thì đưa lên trải lại mái nhà. Thằng Đáp đòi lấy chục cây “vì trồng vườn hương hỏa”. Tôi bảo đây là che lại cho các cụ khỏi ướt, chú lấy thì bằng trèo lên mái ỉa xuống. Nó cậy rượu tục tằn lắm bảo giỗ đéo sang nữa, đi đường chào chả đáp. Nhưng tôi vẫn đon đả, giỗ sang mời thì có vắng buổi nào đâu còn chê không có giò như cỗ nhà Mại rồi lấy phần cho con. Người thân đấy vai trên đấy nhưng đẻ muộn, tôi lấy tuổi tác ra đè phải chịu chứ. Nhưng mà tức, nói ra làng nước nghe chả ra sao, nuốt vào trong người đau âm ỉ. Giỗ chạp, người đi xa về… tôi bù trì cho tròn, khỏi áy náy, nhiều đêm thức tính toán ai biết đấy là đâu”.
“Câu này thừa nhưng phải nói… Không có ông Triển ông Vọng lấy đâu ra chú với tôi. Trên nữa là ông lý Mật, cụ chánh Bột và bao cụ nữa, hễ đứt một mắt nào thì hậu sinh không phải là chúng ta, rồi ta lại thờ người khác. Máu mủ nó lớn lao chỗ ấy, đâu phải chỉ là cái họ Lê Đình để khai lý lịch. Mỗi khi con cháu họ khác mang tiền về dựng từ đường là tôi tủi thân, mình mình gánh gánh lo đứt họ tộc ai biết đấy là đâu. Nhưng còn mừng là chưa có cành nào giở quẻ ly khai hay chòi lên nhánh trên, cái này tính vào công chú đã lập gia phả”.
Dư im thít chả thanh minh được câu nào. Những nỗi niềm, u uất chả tưởng tượng nổi hiện lên dồn dập, người tỉnh về vận vào mình thì không biết thoát ra đường nào. Nhất là “kết đoạn” bao giờ cũng “Ngành trưởng nó thế!”, như lời tuyên án nện xuống kẻ vô tâm, gọi nặng lời là “bạc tình” cũng được.
May “tòa” kết thúc bất ngờ như lúc khai phiên. Ông trưởng nhìn mái đầu chú em cứ chúi xuống, dịu giọng “Ờ muối nhiều hơn tiêu rồi đấy nhỉ”. Bà Lãm dọn mâm đon đả “Trộm vía trông chú thảnh thơi rồi, lần trước về có tý bủng beo”, ra ý dàn hòa rồi hỏi thăm sức khỏe thím với cháu Cương. Thấy Dư chằm chằm vào đĩa cá rán, mấy củ lạc và chai rượu nút lá chuối, bà thanh minh: “Tôi đã nhốt con gà nhưng anh chú bảo hượm gọi thế chứ chắc gì đã về”. Làm “người tỉnh” lúng búng: “Em về là về quê, có anh chị nhà cửa mình, cũng chả biết thế nào là hợp. Thì nghỉ hưu còn vài nơi mời cộng tác, phải thu xếp chứ có nhận sổ rồi chạy một mạch về được đâu. Đi làm như đang trên con tầu hùng hục, phải hạ cánh từ từ kẻo sốc rồi đột quỵ như khối ông ạ”.
“Dào ơi… Phểnh dái, chả hơn a”, ông Lãm “cắt nhịp”, ra vườn vạch quần “tưới” đám lá lốt tốt như rừng. Dư nhìn ra sân chợt nhoáng nhoàng. Ông nội lý Mật đã bước từ ban thờ xuống, chỉ thiếu bộ râu cằm lưa thưa nhưng giữ nguyên tật gãi gãi bên ngực trái, đang ngật ngưỡng nhét chim vào quần. Mắt liền nhòa đi, có dễ mình bạc bẽo với quê thật, gọi là “nhạt” chắc đúng hơn.
2.
Bữa rượu ngon, anh em đà đận những củ tỷ, đâm đêm khát nước. Tiếng ngáy ông Lãm, tiếng côn trùng ri ri hòa thành âm hưởng rất lạ vẫy Dư ra sân. Lâu mới biết trên đầu mình còn có bầu trời. Ngày ấy, bà nội ôm cháu, chỉ lên trên cao bảo bánh đa rắc vừng đấy, thế Dư có yêu ông bà mới cha mẹ không, ừ yêu như yêu bánh đa vừng cũng được. Bà chưa còng, lúc nào cũng có mùi trầu vỏ…
Dư rời quê năm lên chín, đi như chạy khỏi làng. Ông Vọng mang vợ con lên tuốt Yên Bái rừng xanh nước độc để khỏi bị tróc nã lý lịch, ít lâu lộn về Hà Nội với thành phần trung nông. Ở nhờ ở đậu rất khổ, gánh nước thuê cho cả xóm, nhưng Dư vào được đại học, lại nương vào cơ ngơi bên vợ. Lên đến quản đốc thì được phân nhà, bắt đầu đời tự lập, chả giầu có nhưng đủ nuôi con ăn học. Phận nhàng nhàng chả ước muốn diệu vợi, ông chỉ mong con được hai chữ “ổn định”, cao vọng quá ngã có ngày.
Làng Lê Xá đối với Dư là gốc, nhưng chỉ lưu lại những hình ảnh ảm đạm, nhiều sợ hãi, không được tươi tỉnh như cái đồng rừng cả nhà tấp vào. Về thủ đô, ban đầu Dư đều đặn đáo quê, góp giỗ hàng năm, dần dần thưa thớt, mang tiền “đóng cả cục” chứ không đúng các kỳ cuộc nữa. Thưa nên phai dần, nhiều lúc về phải động viên lý trí, cố gắng chứ chả nhớ nhung đến cuồng dại. Vợ Dư là người hàng phố, “theo duy vật”, máu hướng về thân tộc bên chồng rất loãng. Bố mẹ ra là thế.
Con gái là con người ta, không tính. Con trai thuộc thế hệ “một vợ hai con ba lầu bốn bánh” mới là đủ. Cương ra trường đi làm vài năm, ông bố nửa đùa nửa thật “Anh lấy vợ sớm thì tôi đỡ đần được”. Đáp rằng “Đời cao rộng lắm buộc chân vội làm gì bố ơi. Con kinh cái mong ước đứa trẻ ra đời để nó chống gậy cho mình lắm”. “Câu” được suất du học trên mạng, “thoát ly” sang trời Âu vừa học vừa làm ba năm, khi trở về “viên” thạc sĩ nghĩ ngợi rất lạ, gọi là “khác biệt”. Khác biệt ấy có trở thành mâu thuẫn, hơn nữa, xung đột – hay không thì giời biết. Bản thân ông, trong cuộc chung đụng mới với con cũng thấy mình đầy mâu thuẫn, chả quyết được một bề như bác Lãm ở quê.
Như lúc hỏi nó “Có định làm tiếp tiến sĩ không?”. Thì “Con đang nghĩ. Tiến sĩ không phải là cái danh, làm nhà khoa học cứ phải đăm chiêu lắm”, rồi bai mồm chê ông nọ có bằng rồi, bằng thật không rởm nhưng có đọc sách nữa đâu. Cương lơ đi khi bố mẹ chìa tay xin cho một chỗ làm – thường là “chân nhà nước”, cậy cục tìm lấy, không bằng lòng lại chuyển. Và hay đi phượt, chọn một cô trong đám ấy, lấy nhau xong lập tức thuê nhà ở riêng. Bố mẹ xót mỗi tháng vứt đi tiền triệu mà nhà còn rộng, thì “chúng con sinh hoạt lung tung lắm, như muốn ngủ muộn mà các cụ cứ chờ cơm ấy”. Thế thôi đành chịu.
Lần dằng co nhất là khi Cương mua căn hộ chung cư, gần các cụ để còn chạy đi chạy về. Thật ít đồ đạc. Trống toang. Trải nệm xuống sàn chứ không nằm giường. Nhất là không có bàn thờ. Bảo đóng cái giá trên cao đơn giản cũng được, ông bà có chỗ đi về thì nó khịa “Thế đáng bố phải về quê mới gặp được ông bà chứ, lập bàn thờ ngoài này chả nhẽ ngày giỗ ông bà chạy hai ba chỗ?”. “Nhưng đạo gốc của người Việt mình là thờ cúng ông bà tổ tiên”. “Chúng con không tin ạ, cứ phải lập bàn thờ mới là đúng nó vờ vĩnh hình thức lắm”. Đến đây Dư chịu, lành tính chả muốn ép con. Phần khác, đây mới là cái chính, vợ chồng Cương sống rất ổn, chăm nom bố mẹ, công việc chỉn chu, sắm ô tô thì nhập một hội chuyên đi xa vừa rong chơi vừa đỡ đần chỗ khó. “Khối người mong được vậy”, Dư “tự diễn biến” khi nhìn cảnh nhà khác ngồi đứng trên tiền mà coi như mất con. Nó không trưởng thành như mình sắp đặt nhưng đúng là con mình, nghĩ thế nên an tâm.
- Ai cũng có quê con ạ. Nhưng bố không cần con xác định về quê. Cứ coi như chuyến du lịch cho nó nhẹ nhõm.
Dư bảo thế, lần này. Con trai ngần ngừ định đi, lại “nhớ ra”: “Con đi chỗ khác chả sao, về quê mình vướng lắm. Bị ông nhóc tỳ bắt gọi “bác”, ăn cỗ cứ bị gắp lại dậy mày sung sướng đừng quên quê hương”. Nghe gặng mãi bó buộc hai hôm thôi đây còn là mặt mũi của bố, Cương ra điều ăn nhời. Thì đúng hôm đi nó báo bản Nà Bó trên Yên Bái ngày xưa bố với ông bà nội từng nương náu bị lũ quét, “con chở chăn áo mì chính nước mắm lên cứu trợ”. “Cái này người ta gọi là “công đức nơi nao cầu ao chả bắc” đấy”. Nghe câu “dân gian” Cương phì cười “Bố giả vờ người quê không thạo đâu. Với lại bố vẫn bảo Nà Bó là quê hương thứ hai cơ mà”.
Lý do “cháu nó không về” thế chính đáng quá, nhưng Dư không thể hở ra với ông Lãm, càng giải thích càng nặng lỗi cho mà xem. Những ý nghĩ trong đầu chả ra đứng chả ra nằm, cứ xiên xẹo, vừa dựa dẫm vừa thúc ép nhau. Xa quê rồi nhạt, dần dần ly quê là quá trình chầm chậm mà không thể tránh. Con người ta không có quê, gốc rễ lưng chừng giời thì ra thế nào? Những điều không thể sắp xếp cứ ngổn ngang trong lòng con người tự cho mình là “thị dân non”. Dư chiều ý bác trưởng, thắp hương mộ các cụ, gặp và không gặp những ai ai, không cãi một ly leo. Rồi bỗng nghe câu “Lắm lúc đi đường làng tôi chả biết mình đang ở đâu”, của ông Lãm, mà chả biết là mừng hay tủi.
3.
“Chú lâu không về quên tính ông ấy rồi. Chỉ thích nói chả nghe ai, già càng thế. Mà lâu có ai nghe mà được nói”, bà Lãm phân trần khi Dư chỉ gắp gọi là, không dưng bị “đàn áp” túi bụi chắc tức lên rồi.
- Thế chị cãi không?
- Hơi đâu. Việc mình mình cứ làm chứ. Bố tướng. Nhất khoảnh lắm. Mới lại bắt đầu điếc, nói dai mà lại chả vào mạch. Với lại, bà ngập ngừng, từ ngày trên lấy đất làm dự án rồi được đền bù, mấy nhà có người đi xa tắp chả héo lánh tự dưng chạy về đòi phần loạn hết cả lên. Rồi anh em mất nhau, bố con chả nhìn mặt. Đận nghèo ấm êm hơn chú ạ.
- Thì em có đòi của nả đâu. Vẫn biết công lao anh với cả chị giữ căn cơ cho gia đình chứ, hy sinh nhiều chứ. Nhưng vừa về đã được mớ mắng thôi em chả tức nữa.
Bà Lãm mồm tủm tỉm mà mắt tít lên: “Buồn cười lắm, luôn miệng khoe con cháu trong chi hiếu thuận, đi đâu biết gửi của về tu bổ gốc rễ chứ không như ai ai. Sang nhất là dòng chú, chú được thăng “vụ phó gì đấy tôi chả quan tâm”, cháu Cương đã tiến sĩ khoa học “cứ phải đi nước ngoài họp vất lắm”.
Ô thế ra bác trưởng ta… Vui thật đấy. Nhưng lại nghĩ con trai không cùng về quê còn là tốt, cái bệnh cãi đến cùng của nó toang toàng thân thích có khi, mình chằng vá thế nào. Rồi mình, đi làm ủ mưu sau về điền viên, hồi mới hưu hăm hở lắm nhưng vì “vài việc phải làm tiếp” mà hóa may. Bác Lãm tốt thật, có công lớn lắm nhưng sống cùng khéo mình ra thằng bé tập đi. Đối với người trong chi ngành, tất nhiên đều dưới vai, bác ấy bù trì, chu cấp, sẵn sàng xù lên để bảo vệ. Nhưng mà định đoạt hết. Đứa trẻ còn trong bụng đã được (hay “bị” chẳng biết) sắp xếp đống trách nhiệm, bất di bất dịch cả đời. Nhìn Năng, em ruột ông Lãm thì rõ. Hai chị em dâu phải chung đụng khó tránh xô bát xô đĩa, Năng muốn làm nhà đằng sau, mở lối đi riêng. Không vậy được, cơ ngơi tan hoang cái “thế” các cụ đã vẽ, ông Lãm lấy quyền huynh thế phụ định đoạt. Rồi ra Năng mang vợ con vào Tây Nguyên trồng cà phê, giầu ngùn ngụt, thuê cả chục người làm nhưng giỗ chạp về quê một phép theo “lệ anh”.
Rõ nhất là Phúc, vào vai đích tôn cụ lý Triển, tức thị chắt trưởng cụ lý Mật. “Phải làm nhà nước mới tiến bộ”, ông Lãm “quy hoạch” chắc nịch, cho con đi bộ đội ngay khi vừa hết phổ thông. Mãn khóa tân binh, đang đóng chốt trên biên giới, Phúc được về học sĩ quan biên phòng, ra trường lon thiếu úy chưa kịp bạc đã chuyển ngành về xí nghiệp cơ khí tỉnh, không có chuyên môn mà vào ngay chân bí thư đoàn. Xếp sắp chuẩn thế là ông bố phải nhiều quan hệ thần thế lắm, và biếu xén ra gì. Phúc công tác tốt, đứng đắn lại năng nổ nhưng nền nếp bắt đầu xô. Cô gái anh ưng không hợp tuổi, “cho nghỉ” luôn. Cô sau gò má cao quá. Phúc giả bộ chán, kỳ thực rút vào bí mật với cô trên tỉnh đâu xinh lắm mà nhà tử tế. Nhưng phải ông bố cao tay bắt thóp “bố nó bất mãn thế nào đấy đâm đì đẹt, chưa bị kỉ luật là may”. Giọt máu họ Lê đang tượng hình trong bụng người yêu phải bỏ, Phúc còn không được tiếp tục sự nghiệp người nhà nước. “Mày đích tôn phải về. Ra ngoài học thói người khéo ta mất con mà cơ ngơi các cụ để lại không ai trông nom. Dòng Lê Đình này quyết không có đứa không nghe lời!”, sứ mạng rành mạch thế không còn đường cãi. Phúc được bố nhắm cho cô gái cùng ngõ, bảo tướng vượng phu ích tử. Nhài rất mắn, đẻ luôn ba năm đôi. Tay bí thư đoàn hằng hô gió gọi mưa thúc giục thanh niên sống khỏe mạnh hiện đại thế là hết cựa. Trong nhà có “ông từ” đi lại lừ đừ, nói năng như hội viên Người cao tuổi, mà mới ngoài bốn mươi. “Anh ấy mặt như táo bón kinh niên”, thằng Cương nhận xét phũ, nhưng làm Dư thương cháu. “Ngành trưởng nó thế!”.
Sau Phúc là hai “hĩm”, ông Lãm xử đúng lệ “nữ nhân ngoại tộc”, về nhà chồng là hết, không mong được chia tý tài sản nào đâu. Dựng lại gian thờ, tô câu đối hoành phi, sắm quả chuông nhỏ, lên bức cuốn thư bao nhiêu tốn kém, mà bà Lãm muốn cho con gái đẻ chục trứng gà phải giấu chồng. Lại sang Lộc, con trai út, bao nhiêu khôn ngoan quyết đoán lấy hết phần anh. Lộc được sổng ra tỉnh, làm chân vật tư bệnh viện đa khoa, máy móc sắm về cứ đội giá lên mà thanh toán. Ăn lắm thì phải biết chia, “cà lảm” gãy răng ra, Lộc hiểu khuôn phép này, khuân tiền về nhà “trồng cây đức”, đoạn sau ra hẳn ngoài mở công ty vẫn hiếu kính đầy đủ. Thế nên ông Lãm luôn được rung đùi hài lòng ban thờ chi Lê Đình hoành tráng lệ hơn chi trên Lê Đức, chỉ kém có nhà thờ của cả họ Lê ở Lê Xá.
Dư ngẫm những đoạn này cứ dở khóc dở cười, mặt mũi đần thối. Thì bà Lãm “giót” câu độc ác nữa: “Lê Hữu, cái chi thối thây ấy, có thằng ranh được tiến sĩ, ăn khao ba ngày linh đình. Thằng Cương đã thạc sĩ lại chả về, hóa anh chú áo gấm đi đêm à. Không khoe cháu được thì thậm bí ỉa, cứ nhiếc thằng kia tiến sĩ giấy, mỗi đêm đền phủ bên Văn Xương đốt cả đống”.
4.
Hồi thằng Cương ra đời, Dư nhờ bà Chiểu, gọi là chị, họ bên mẹ lên chăm. Bà Chiểu người bé tẹo, chồng chết sớm không con đâm bện hơi thằng cháu, lắm khi cho nó ăn thêm rất “không khoa học” như phương pháp của vợ Dư. Cương lớn rồi, bà lang thang ẵm cháu vài thiên hạ nữa thì về làng, mùa hội bên Vân Xương đi ăn mày đủ sống nửa năm, nửa còn lại chả biết giật vá thế nào. Giờ Cương “phương trưởng”, Dư sắp phần quà sang thắp hương, gọi là tạ ơn bác đã bế ẵm. Muốn thế nhưng bác trưởng lại ngăn: “Sang đấy mà không vào ông Đĩnh ông Phác bà Sản không được. Toàn vai trên, chú đi rồi tôi bị trách. Mà nhà đã sang cho thằng cháu, bàn thờ còn chả có ảnh, thôi đi!”.
Bần thần ra ngõ, dù đã khác xưa rất nhiều vẫn đủ để nhận ra rặng duối gốc sung, nơi cậu bé Dư trèo lên cành chìa ra ùm xuống ao Tượng. Gốc sung không còn, mặt nước bên kia cắm tấm bảng “Có bán diệu đt 098… Cấm đàn bà có tháng!”. Thấy một đám léo nhéo các bà và trẻ con, ông a vào bắt chuyện, cũng phải dài dòng khai báo một hồi ra vai trên vai dưới rồi mới mạnh miệng hỏi han. Câu đầu tiên “Tôi chả thấy những cây rơm đâu, xưa cứ qua cổng nhà thế nào cũng gặp cây rơm với nồi hông nước giải, thì các bác đun bằng gì?”, chả ngờ lại ra lũ chuyện.
“Còn ai cấy đâu mà giữ rơm. Làm ruộng giờ không có lãi, công cấy hai trăm rưởi mới lên ba trăm nuôi cơm trưa mà thợ còn đòi uống Bò húc. Đun bếp ga hết rồi. Cày bừa đều máy, Tầu nó có thuốc diệt cỏ tài lắm cây lúa không chết đâm chả phải gập lưng. Tiếng là làng thuần nông nhưng bò chả cần nuôi, không phải trữ rơm nữa”.
“Rau trong vườn cá dưới ao, có giỗ thịt con gà, ông bảo còn cần gì nhiều. Gạo người tháng mươi cân bảo con nó bớt tiêu chút cho là đủ. Ông xem mấy nhà còn thanh niên đâu. Đi tiệt. Chúng tôi lo chết không ai khênh đây. Đám ma từ nhà ra đồng có xe đòn, còn đoạn đến tha ma phải khênh, thuê cũng tốn kém ạ. Chưa kể mượn người khóc, kèn trống, không để nguội lạnh được”.
“Chỉ náo nức dịp tết. Quần bò rách tóc nhuộm mắt xanh môi trầm ngứa mắt ạ. Lại chen tiếng Anh ngứa cả tai. Nhưng không đi thế cha chú lấy đâu đóng đồng đình đồng họ. Xưa có những giáp cùng ngõ cùng tuổi hay cùng đẻ con trai, giờ chúng nó có giáp xe ôm giáp cầm đồ, họp giáp tắc xi thì chật ngõ ô tô”.
Các bà háo hức phô, Dư chăm chú hóng, gật gù thế ạ nông thôn giờ khác thật. Đang râm ran thì ông Lãm hớt hải ra, cầm hai cái bánh cốm bảo chú nó có chút quà cho các bà. Câu tiếp theo còn dở, Dư bị kéo về nhà “trao đổi”: “Chú gặp ai nói gì dễ bị đưa chuyện rồi thị phi thôi hai bánh ấy là đủ rồi kệ các bà chia nhau giờ chú muốn đi đâu bảo tôi đi cùng”.
Chút riêng tư, vậy là không còn, không thể rồi. May mình còn biết chào từ đầu ngõ. Đợi tắt nắng, ra đồng tìm xem còn mất gì, giá không bị bác trưởng vừa bảo vệ vừa uốn nắn thì thích. Các cụ chờ suất “lên nóc tủ” sớm quá, chả bù ngoài phố thị hưu trí vẫn chạy theo quả ten nít và chát xình ầm ỹ ngoài sàn nhẩy.
5.
Xã Vân Ổ có mấy thôn, Vân Xương nhộn nhịp nhất. Mươi dự án chen nhau, nông dân chả còn mấy ruộng nhưng thành ngồi trên đống tiền đền bù. Ông bảo nông sáng ra đánh bát phở, ngậm tăm bận com lê Tầu đôi trăm ka cầm hèo thăm đồng. Mấy chục tỷ từ đất được dành lại, chùa cũ phá đi, cái mới lên mới hoành tráng lệ chứ. Đồ thờ sáng choang, đi mấy bước vấp hòm công đức ghi cả chữ tây. Đêm đêm mặt Phật bập bùng trong ánh đuốc lên đồng, vàng mã tiến sĩ giấy voi ngựa giấy cháy cả chục triệu. Kể ai sáng suốt thật, dựng chùa thu ùn tiền, cõi tâm linh thế là yểm hộ cho bản tự và chính quyền xã, huyện. Và dân thu được tiền đèn nhang, bán hàng ăn, ngủ trọ…, kể ra ối thứ rất mỏi mồm.
Nhưng Dư không thích sang bên ấy, khi ông Lãm hỏi có thích xem bộ mặt đổi mới của xã không. Chỉ là tìm những kỉ niệm, dù nhiều cái đã mất, những gì còn chả giống xửa xưa. Lê Xá đến là nhiều nhà đóng cửa, chắc giỗ tết mới về. Đất chưa phải cục vàng nên ao chuôm không bị lấp như bên Vân Xương, giời mưa vẫn có chỗ thoát. Ruộng cấy thưa thớt, mấy chú máy cầy rú rít quần đảo. Đầu bờ sặc sỡ vỏ thuốc trừ sâu diệt cỏ, chân không dẫm vào ăn đòn có thì. Đồng màu ngô trổ cờ, đỗ lạc xanh rì. Dư giở máy ảnh chụp, lầu bầu vì đầu đao trong khuôn hình chằng sợi dây điện. Nhưng ao cấy cần có cô sồn sồn mắt lá răm đùi trắng quá thể. Dầu thế nào thì Lê Xá còn nhiều nét xưa tinh khôi, rất đẹp. “Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, cái ông nhà thơ gì thương tiếc đanh đá lên thế, chứ “em nó” vẫn quê mùa trinh khiết cái đấy ạ. Còn, là nhờ cái nghèo.
Đình, chùa thôn Lê Xá cạnh nhau, nhỏ nhoi núp bóng nhãn, quéo. Mái xô nhiều, một đầu nóc xệ, nhưng hình chạm trên kẻ bẩy, thượng lương tinh tế một cách chất phác. Đẹp nhất là cửa võng, mây vờn nhè nhẹ, cánh chim động đậy níu con mắt. Đang ngày một, mấy vãi già ngoài hiên vồn vã mời hai ông vào thụ lộc. Là chị em tôi sóc vọng chỉ góp chục nghìn cúng cả Thành hoàng lẫn Chư Phật, lễ xong ngả ra đơn giản nhưng là đình của làng mình, cần gì to tát như bên kia. Tượng cũ chùa xiêu nhưng nghe tiếng chuông nó trong, trong là trong cũng chả biết thế nào ạ. Xôi trắng các vãi ăn ngay, còn phần tám khoanh giò gói về cho thằng cháu đấy mẹ nó cứ dựa dẫm vứt sang. Những chuyện chả đầu cuối không “mục đích yêu cầu” cứ rù rì chủm chỉm mà Dư thấy mình đắm chìm vào. Đang khi thì có tiếng rền vọng sang, vượt qua cánh đồng, đè rạp ngọn tre tán bàng với cả những ổi mít sung cậy bên này.
“Bên kia, là bên Vân Xương có đình chùa mới ạ. Từ ngày lên chập cheng cả đêm chả biết là lễ Thánh hay Phật nhưng tiền công đức hứng vài bao tải dứa. Chính quyền xã nghiêng cả về bên ấy, vừa làm hội thảo bảo đình chùa Vân Xương mới là cổ kính đề nghị công nhận di tích quốc gia. Thực hư thế nào không biết nhưng tôi lớn lên đã nghe là bên này có trước, họ Đào thôn Lê Xá còn có cả ông tiến sĩ ghi tên trên bia Văn Miếu Hà Nội”.
“Sư Đàm Mừng bên Vân Xương dạt về chùa này. Tranh thế nào với sư mới, trẻ tuổi, da trắng môi đỏ mà bằng cấp cao, được sở Nội vụ giới thiệu với xã ủng hộ nữa. Xa hoa á đi xe biển xanh uống rượu tây á tôi đã được gặp đâu. Nhưng thầy Mừng không tị, bảo Phật độ cho ngôi Lê Xá bé mọn là đã đủ, bên kia những Đại hồng chung Đại hùng bửu điện với Đại đồng cổ cứ to tát mãi lên liệu còn đoái xuống sinh linh cát bụi...”.
Những câu không đầu không cuối chợt hiện ra chợt biến mất mãi không hết, lũ lượt như đàn kiến chạy mưa. “Các bà nói toàn chuyện đàn bà yên để tôi hỏi ông Hà Nội điều quan trọng”, ông Khoáng trong ban bảo vệ di tích lên tiếng. “Đình ta vài chục năm lại trùng tu, vào hội nào cũng tắm tượng quét tước, chữ nghĩa đem dịch hết biên lại cả, đến mươi năm trước mới phát hiện tấm bảng “giấu” rất kỹ sau bức hoành trên kia. Bé tẹo nhưng sơn khắc công phu, ghi ba chữ Nho chả biết nghĩa. Chúng tôi đã chép lại gửi mấy ông Hán Nôm, đều bảo triện lệ gì đó nhưng các cụ viết tháu đánh đố quá không đọc được. Thầy Mừng nhờ nơi nơi chả kết quả gì. Vậy ông chụp ảnh hỏi hộ chuyên gia trên Hà Nội nghĩa là nghĩa thế nào”.
“Việc này can hệ ạ”, ông Khoáng mỗi lúc mỗi trầm trọng. “Đình ta dựng mấy trăm năm nay rồi Lê hay Nguyễn chả biết, sợ nhất là ai đặt “ông” ấy lên bao giờ không hay. Tốt lành không sao, nhỡ bị yểm hay là sấm truyền, đoán định mai kia sảy chuyện gì đó thì biết tránh đi đâu. Rồi ra mình hay đời con cháu mình phải kiếp làm thuê cho quân Vân Xương chẳng hạn, đấy nghĩ vậy đâm cả lo, để chẳng an tâm mà dỡ bỏ không dám”.
Dư ngửa cổ lên nóc đình, bức hoành che tấm bảng kia nằm gần thượng lương, phải thanh niên bắc thang lên mới được, nên hẹn hôm sau ra. Rồi bỏ tiền to vào hòm công đức, thắp hương, trầm ngâm đứng, ra về bần thần với ông Lãm “Em thấy có gì đâu mà các cụ cứ lo…”. Bên kia tự dưng bâng quơ “Từ ngày điện đóm sáng lòa tôi không sợ ma nữa”.
Ban đêm có sấm sớm, mưa rửa đền đổ ào ào. Dư mơ gặp chị Bính mắt lấp lánh, ngượng ngùng che cặp đùi sáng bóng, tỉnh dậy thấy giữa hai chân cứng ngắc. Đồng quê phồn thực, rượu dái dê thụi liên tục làm anh già mất nết, buồn cười quá. Rồi nhớ trận mưa nảo nào to chưa từng thấy, cậu bé Dư chạy ra sân bắt cá rô rạch ngược. Trên ban thờ các cụ chánh Đường lý Mật cùng tưng nấy bà vợ nhìn cháu nô, cười chẩy nước mắt.
6.
Quê hương dù vãn người nhưng khoản ăn uống rất tưng bừng. Làm nhà ít nhất ba đận nhờn mép: xuống móng, lên tầng một và cất nóc. Cưới hỏi tang ma không kể, những ông bà già chả còn răng con cháu làm nên sinh lễ nghĩa mừng thọ năm sáu bẩy tám chục có thể tám nhăm chín mươi nữa, bận áo đỏ nhận chúc tụng ngửi hương khói rất tổn thọ. Ngành trưởng càng tốn, “bên dưới” cứ “ủy nhiệm đại diện”, phải cầm vài chục, giờ là tiền trăm sang góp. Không trả nợ miệng mang nhục, có tháng đi đôi chục bữa, ông Lãm may có thằng Lộc “rót” cho, chứ nhà khác bị khinh.
Trưa nay “có chú nó về”, ông Lãm từ chối được hai đám, mời mấy chỗ gần gũi sang. “Cơm dưa muối gọi là”, ông giết con ngan ba cân rưỡi, tự tay đánh tiết canh, pha chặt. Dư phe phẩy cái quạt, nhìn ngấn mỡ dầy ự bám trên bát canh đã thấy ngán. Miếng thịt to tướng, nước mắm công nghiệp đựng chai nhựa thơm lừng, giả tạo như nước hoa ca ve. Mà chả có rau sống ngoài đĩa bí xào lòng, tức là quê ta vẫn chưa biết dùng gia vị, “trình” ăn uống vẫn chỉ đến “no” chứ chưa “ngon” được. Bèn kệ ruồi xơi trước, chạy ra vườn, sang cả hàng xóm hái cả lố đinh lăng, húng, kinh giới, mùi tầu, mơ lông rửa ào đổ đống ra mâm. Thế mới đỡ ngán. Và hài lòng với đĩa muối chanh ớt đâm tiết luộc. Không điểm thêm những thức vớ vỉn này vào cõng thế nào được thịt rượu.
Ông Lĩnh đến đầu tiên. Tròn trĩnh, hiền lành như củ khoai giống dưới gầm giường, vừa gặp đã “khai” từng lên phố ở chung cư. “Con nó có điều kiện nhưng vắng cả ngày. Tôi bắt thang máy, thấy con bé nhơ nhỡ hỏi han thì bị nhắc nhỡ bố mẹ nó bảo “quấy rối”. Lão xe máy hỏi đường xong “cảm ơn” sõng sượt đáng phải thêm “ông” hay “bác” chứ nói vậy ra cảm ơn cái cột đèn à. Đấy cứ thế tôi chán về ôm ảnh bà ấy vậy”, mấy câu rồi chả mở lời nữa. Dư chả nhớ dây rễ thế nào, cứ nhìn đầu lúng búng “bác” với “em”, phải đến lượt ông Tốn sang mới biết mình xưng hô thế là chuẩn, tuy có chút chóng mặt nghe “kỵ nội chú với kỵ nội ông Lĩnh là anh em con dì con già”. Ông Tốn cũng vai anh, to xương, sắc sảo, để tóc dài nghệ sĩ, nói hết phần người khác. Phô hồi chiến tranh làm tuyên văn trung đoàn tuyền đôn đốc bích báo, ca hát nhiều nên giờ có vốn sáng tác thơ ca. Thôn Vân Xương dựng đình to chùa nhớn, nhiều nhà ăn theo lập điện phủ “chi nhánh”, những là nơi Đức Thành hoàng Ngài gặp bà ăn xin thực chất là Thần trời, nơi Ngài phù phép cây gậy thành đạo binh đánh giặc, phá giặc xong thời hóa chỗ ấy nọ. Nhu cầu viết “thánh tích” bằng thơ lục bát rất lớn, để in ra tờ rơi phát con nhang đệ tử hằng từ tâm công đức.
“Tôi về có thượng sĩ “i nốc” rất khó, giờ nhờ du lịch tâm linh mà sống được. Tài mình chả bằng ông Tố Hữu nhưng cũng làm được diễn ca, năm trăm câu kể công lao, đức độ Ngài và cha mẹ sinh thành, thủ nhang giả nhuận bút hai triệu. Đêm hôm thức viết mệt nhưng có cái vui sáng tạo, quần chúng biết đến mình chú ạ”. Ông Tốn kể rồi đọc khổ thơ kể Ngài ra đời đất trời sực nức hương thơm cây ưu đàm nở hoa nhà vua mới hỏi đêm qua mơ thấy phương Nam có ngôi sao sa là điềm gì. Ông Lĩnh ù lỳ không biết thưởng thức đâm Dư cứ phải “Vầng vầng chữ này hay bác ạ cả chữ ấy nữa”. May ông Lãm hiện lên “Gặp nhau tình cảm dạt dào xin đừng mang dép và thơ vào nhà thôi không đợi ông Đáp nữa khéo còn chưa xong bữa cháo lòng sáng”.
Tuần đầu xong thì Đáp sang, có mùi rượu thật, nhầu như thằng gác chợ mà khệnh khạng ông kễnh. Dư nghĩ “ngữ này Chí Phèo gọi bằng anh” nhưng phải đứng dậy “Chú ạ”. Đáp con bà Rân em ông lý Mật, kém Dư gần mười tuổi, tính tình chả ra ông chả ra thằng, ông Lãm chả ưa nhưng dây chút máu nên cứ mời. Với lại bà Rân đi lấy chồng vẫn quấn nhà đẻ, coi các cháu Triển Vọng Tươi Tỉnh như bạn bè. Với cả con ngan ba cân rưỡi… Đáp không đáp câu chào, cau có cà khịa với ông Lĩnh “Còn ba năm thủy lợi phí chưa nộp đấy”; quá bằng đấm bị bông, ông Lĩnh chỉ cười hiền như bụt mọc. Ông Tốn đang máu thơ ca bị cắt cáu kỉnh, ông Lãm thì khét tiếng gia trưởng. Đâm chĩa vào Dư “A cũng biết đường về quê kia đấy… Cụ đồ Đăng thời Lê ra kinh mở trường bao nhiêu học trò làm quan khét tiếng vẫn đề sau lưng ghế “Phú quý quy cố hương” có biết không? Các anh ở tỉnh chỉ cậy…”. Chợt im phắc khi ông Lãm nạt khẽ “Chú sang muộn tôi chưa hỏi đấy”. Ông Tốn bồi thêm “Hồi chú làm chân bảo nông với thủy lợi còn nợ mấy trăm chưa nộp quỹ, quy ra thóc giờ thành bao tiền nhỉ?”.
- Nói làm gì chuyện ấy. Tôi sạch rồi. Giờ sang Vân Xương giúp nhà đền tiếp khách, sắp chỗ, nhận lễ, thay quần áo cho cậu trước mỗi giá đồng, cũng phải thế nào cụ thủ nhang mới cậy vậy chứ.
- Tôi chả biết, ông Lãm vẫn còn tức, đem lễ cho chú sắp khéo giao trứng cho ác.
- Mẹ nó chứ vợ con đéo ra gì, Đáp bỗng nổi xung, dằn chén. Sáng nay bảo đưa tiền đi cháo lòng tiết canh nó bảo tiền đền bù dự án lấy đất ông phá hết xây nhà vào đâu. Cứt chó, cả đời ngô khoai rồi giờ ngửi thấy mùi đã muốn nôn, bữa rượu nó còn tiếc. Tôi chịu là chịu thế nào, cứ ra quán ghi sổ cuối tháng nó phải giả. Ông giời ác. Thôn mình đất mênh mông chỉ cho mỗi dự án, tiền đền bù toen hoẻn, chả bù bên Vân Xương trồng lên mấy doanh nghiệp, đền phủ chập cheng suối đêm giá đất thăng vù vù.
- Thế sao hồi dự án về chú bảo nông dân quyết không rời ruộng đất, đền bù rẻ vậy bằng cướp không? – “Bụt mọc” Lĩnh bỗng dưng mở mồm – Đấu mạnh lắm cơ mà. Còn bảo chính quyền bênh doanh nghiệp ác hơn đế quốc phong kiến…
- Ông biết cái đít. Không nói nữa!
Nhưng chỉ được lát, lại gây sự với Dư: “Nãy giờ toàn ngậm miệng là sao. Không thích gọi thằng này là “chú” phỏng. Tao nói cho mày nhá, đứng về đằng ngoại tao chỉ là chú, nhưng chồng sau của chị dâu ông nội tao lại là bác cụ chánh Đường đẻ ra ông Mật kia, cho nên mày gọi tao bằng “ông” mới phải. Đừng cậy lắm chữ vẽ gia phả xằng xiên, rồi cả cái làng này thành họ nhà tôm đội cứt lên đầu tuốt”.
- Tôi chỉ lập gia phả từ đời ông nội trở xuống, lên đến cụ chánh Đường thì biết gì đâu mà ghi mà chú mắng…
Dư đang còn ấp úng, thì ông Lãm phả đống khói thuốc lào vào mặt Đáp: “Cả cái làng Lê Xá, bao nhiêu làng xã ở nước Việt Nam này chỗ nào không con ông lấy dì tôi con tôi lấy bác ông hả. Đều ra họ nhà tôm hết à? Ông đang ăn cỗ nhà ngoại mà đòi tính họ tận chồng sau của chị dâu ông nội ông thì bước! Muốn lên ông lên cụ kỵ cà la oách thì về họ bên ấy mà ăn nhá. Lậy vợ bữa sáng nó không cho còn làm càn”. Dư hốt hoảng định ngăn, nhìn sang ông Lĩnh ông Tốn thấy rất điềm nhiên. Lạ, là Đáp chịu một phép, từ tốn ăn không uống.
Bữa rượu lại “đi” ngay ngắn chả lảo đảo. “Dư sang chơi nhá, đừng khinh chú thím quê mùa”, Đáp còn dặn vậy lúc ra về. Cũng chả ai tức mình hay lấy làm lạ vì xảy chuyện.
7.
“Tổ quốc con sông bắt nguồn từ những nơi đâu, từ bức tranh trong quyển sách đầu tiên, từ người bạn nhà bên trung thành và tốt bụng…”. Hồi tiếng Nga còn thịnh, Dư tự dịch được lời một bài hát như thế. Và cứ lẩm nhẩm những bé mọn thân thuộc ấy đối với mình là gì, gốc sung ao Tượng, bản Tày trên Yên Bái, lưng đồi bắc máng vầu dẫn nước về nhà, hay thằng Cường trên phố đã cho cậu biết thế nào là quyển họa báo. Khi ta uống nước nhiều nơi, ký ức cứ chồng lên nhau, chả sắc nét như ai ai có quê cụ thể, chỉ “cái làng này” thôi.
Đêm nay, làng Lê Xá hiện lên mỗi chị Bính. Hòa bình vài năm, Dư gần mười tuổi, trong làng lâu lâu khuyết đi một đàn ông, do “xỏ nhầm giầy” thời thằng Tây. Anh Bính bé tẹo, chả biết có phải sinh thiếu tháng, trước lúc đi trại cải tạo sang nhờ bà Vọng trông nom vợ “còn dại”. Trông cái gì mà trông, chị Bính mười sáu tuổi lấy chồng, đang gọn ghẽ ra đít lồng bàn, mặt tròn như cái đĩa, mũi tẹt lại hin hin, nghe câu chuyện nhạt cũng lấy làm ngạc nhiên được. Chị suốt ngày tha thủi bên này khêu rá ốc, nhặt mớ rau, nhổ tóc sâu non cho bà Vọng, lúc lội dưới ao lên để nước ròng ròng xuống bắp chân trắng nhễ nhại. Cũng vào hợp tác ra đồng chấm công, nhập đoàn biểu tình đả đảo Mỹ Diệm không chịu hiệp thương thống nhất đất nước, chị lại không có phần cá lúc làng tát ao Tượng, chỉ được mót những thòng đong cân cấn mài mại. Bính không rầu rĩ nhưng ít lời, bà Vọng cũng “ngậm hột thị”, mà cứ ngồi với nhau cả buổi. Dư chơi quanh quẩn chốc chốc nghe chị “vầng vầng sợ quá thế kía á”, chả biết chuyện cái gì.
“Chị Bính một mình sợ ma, con chịu khó sang ngủ vài đêm bên ấy”, bà Vọng bảo con trai. Dư vâng lời, tối học bài xong mang cặp sang ngõ bên, sáng ra ăn cùng chị rồi đến trường luôn. Cậu bé lạ nhà cứ lật ngang lật ngửa, chị ngồi cạnh quạt cho, nửa đêm gọi “kẻo dấm đài ra”. Sáng rõ chị đánh thức bảo ăn cơm nguội rồi đến trường. “Thằng này được sờ tí mà đéo biết đường”, Dư chả hiểu sao anh Tụng nói thế, chỗ đầu ngõ.
Đêm thứ ba nhớ hơi mẹ, Dư sang phản chị, đang liên thuyên quay đáo thì ngước mắt lên “Em cứ sờ hột táo mới ngủ được, là tí mẹ ấy”. Chị yên lặng, một lúc thở cái thượt. “Nhớ thì đặt vào đây”, đoạn cởi bớt khuy áo. Ánh trăng xiên qua cửa sổ soi chỗ ấy rất trắng, ấn mềm mềm mà bỏ tay ra lại phồng lên, không khô, nhẽo như của mẹ. Mân mê một lúc “hột táo” thành “quả sung” cưng cứng, mồ hôi vã ra đầm đìa. “Còn tay nào nữa mà quạt”, chị bỗng lập cập, “Thích thì bú đi chị cho đấy”. “Chị nóng thế sốt à?”, thằng bé có chút hoảng hốt ngồi dậy “để em quạt cho”, chả thấy nói năng gì, thở nhọc như con trâu cày ruộng sâu.
Ngày sau Bính sang nhà, tỉ tê gì chả biết, bà Vọng bảo con tối không cần sang nữa. Rồi công cuộc “người cày có ruộng” ào ạt lên, một mảnh địa chủ tháo chạy lên Yên Bái. Dư dậy thì không tắm tồng ngồng nữa, lấy vợ biết vợ, lại biết thêm đàn bà nữa, nhưng không thể quên mùi chua chua ngầy ngậy, mảng mồ hôi đẫm hốc nách, tiếng thở dốc trong đêm trăng ấy. Người đàn ông từng trải hiểu đấy là cơn khát tình, người ta có thể tru lên như loài mèo cái trên nóc nhà. Mấy nghìn mấy trăm năm làng quê luôn có biến, đàn ông đi tiệt vợ ở nhà thèm hơi, tối đổ thóc vào cối giã, hết thóc vẫn rừng rực phải ra ao ngâm, những đêm đêm đằng đẵng nhỉ. Sử sách, văn chương rồi giờ có phim ảnh toàn ghi chiến công oai hùng, sao không có chỗ cho mùi chị.
Bính à Bính ơi em không muốn gặp lại đâu, nhỡ thấy một vãi già mắt viền vải tây héo như quả táo nẫu phơi ba nắng. Giờ mới biết phải sang ngày ấy vì có ông xã đội cứ nhất định “trả thù” chồng chị theo Tây đánh Ta. Đoạn ở làng ra thế nào không biết, có người bảo anh Bính hết cải tạo về mang vợ đi chả sủi tăm. Lại câu khác, chùa gì trong Ninh Bình có sư nữ rất giống chị.
8.
Điện Hà Nội, hỏi ở quê làm gì, chỉ đi ra đi vào thì về thôi chứ. Uống nhiều đau gan không ai trông đâu những này nọ chả biết có gì hay nhỉ. Ơ hay cái “giống” vợ, chồng bên cạnh thì coi bằng cái giẻ lau, đi một tẹo đã réo về rõ ra chó già giữ xương. Bèn cùng ông Lãm sang Đáp, một dịp tha thẩn, lần mần, vặn vẹo củ tỷ. Chú mời lại, không trả nợ miệng bữa hôm qua hóa “hóc xương”. Mà quê ta, chả phải trưởng thôn chủ tịch bí thư gì vẫn tháng “họp” mươi lăm lần, đứa tỉnh về không dự thành khinh nhau ngay.
Đáp ở rìa làng, qua cánh đồng là phủ Vân Xương nguy nga, đêm đêm gió cõng về tiếng trống phách lên đồng, lúc thổi mạnh nghe được cả điệu chầu văn. Đáp tiếp khách nhã nhặn ra gì, không lấy vai trên ra đàn áp nữa. Ngôi nhà đã lên tầng ba, có lẽ bề thế nhất làng nhưng lại chả cửa giả, tường chỗ đã trát chỗ còn lộ gạch. Giường chiếu ẩm xì, khai nồng, tủ gương để vỏ chai rượu Tây. Thấy Dư tò mò ngắm bức ảnh vợ chồng trẻ mặc đồ cưới đứng bên ô tô lộng lẫy thì giải thích: “Là tiền đền bù dự án một phần, còn đâu của chúng nó hết. Con giai lên rừng khai thác lâm sản, vợ công tác bên Đài Loan. Đợt đầu chạy trăm triệu đi hai năm về xây được có ngần này, bèn chạy bẩy chục triệu đi một năm nữa để hoàn thiện. Chú thím ở nhà trông con chúng nó và trông luôn cái nhà này”. Nhìn cô dâu ngồn ngộn trong ảnh, Dư thấy mình khá ám muội. Thì vợ Đáp bưng mâm qua phang câu chua loét: “Sĩ diện! Nhà chủ bên Đài chỉ trồng rau nhưng theo lối công nghiệp, bộn tiền chứ chả như nông dân mình. Vợ đột quỵ nằm như cái đụn, chồng thuê người trông nom qua công ty môi giới lao động, nói thẳng con bé đi bưng bô rửa đít thôi. Còn thằng chồng đang lâm tặc đấy ạ”. Vậy là “chiến tranh” với vợ vẫn căng thẳng. Nhưng Đáp tỏ “công phu hàm dưỡng” cao, lơ đi như không, giục vào mâm kẻo nguội.
Cỗ vẫn từng nấy mặt, nhưng thịt chó chứ không ngan nữa. Vừa rượu thịt mấy hôm liền, ai nấy đều oải, gắp gọi là chuyện cũng ỉu. Lúc định về thì mưa xầm xập. Ông Lĩnh lại đóng vai Bụt mọc, ông Lãm chốc chốc “cầm canh” một câu giữa hai loạt thuốc lào. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”, Dư sốt ruột, đang nghĩ câu này thì chuyện góc mâm lọt sang, Đáp cật vấn ông Tốn sao lại bảo bên Vân Xương mới là đình chùa chính với cả phủ chính. Đáp lại oang oang át tiếng giời trút nước: “Đức Thành hoàng đành là sinh ở Lê Xá mình, giúp vua đánh giặc rồi hóa bên Vân Xương thật. Nhưng đâu chính đâu phụ là ở mình chứ. Đấy là lời đại đức trụ trì bên kia chứ chả phải của tôi. Thày Minh Thiện học đông học tây bằng cấp cao quan hệ rộng, tổ chức hẳn cái hội thảo khoa học. Giới nghiên cứu trên tỉnh với thủ đô nhất trí bên Vân Xương mới là chính. Chính là chính là nhiều hòm công đức tiền thiên hạ đổ vào bộn chứ còn là thế nào. Đấy tu hành giờ phải nghĩ ngợi hiện đại thế chứ chả như sư bà chùa mình, khư khư cái tượng thâm xì xì”.
- Nói vậy nay mai Lê Xá mình tiến kịp Vân Xương, cũng thay đình chùa phủ hiện đại thì ông lại làm diễn ca kể bên này mới là “chính” á?
Ông “Bụt mọc” bỗng cắc cớ đáo để. Ông Tốn điềm nhiên: “Dào, cứ thầy Minh Thiện đi đâu tôi theo đấy. Nếu hội thảo lại, các học giả bảo bên ta “chính” hơn, tôi lại sáng tác tiếp diễn ca theo thế ấy.”. Ngừng một tẹo liền thì thào: “Thầy tính xa lắm. Quy hoạch cả. Sẽ làm bên mình tòa mới, kết hợp tôn giáo với du lịch, đáp ứng nhu cầu vừa hành hương về cõi thanh cao vừa được ăn chơi của thiên hạ. Đình đền chùa miếu cũ đập hết, tòa mới xây có khi còn hoành tráng hơn “chính” ấy chứ. Còn tiền đâu á? Thầy sẽ làm chủ đầu tư chính, tất nhiên người khác đứng tên, lấy bên Vân Xương đắp vào, rồi doanh nghiệp với các nhà hảo tâm quây lại còn đông hơn quân Nguyên. Thầy bảo kín với tôi văn hóa tỉnh huyện với những ông ấy bà nọ đang ghế cao đều sẽ góp tiền vào như cổ đông. Cứ mỡ nó rán nó, chuỗi dự án du lịch tâm linh nuôi nhau “in ra tiền”, các vị cũng được hưởng làm gì chả thông qua. Nói thế này cho vuông, tôi may mắn được hầu thầy, thấy tầm nhìn hoành tráng mình cũng sáng láng ra. Đình chùa điện phủ mới lên sẽ thay đổi bộ mặt làng ta. Lê Xá lịch sự kịp Vân Xương, hiện đại truyền thống sánh vai nhịp nhàng. Hàng triệu người đổ đến đem lại công ăn việc làm cho vạn người”. Đoạn kết “tâm sự” của ông Tốn đang có mầu xã luận bỗng “cụ tỷ”: “Như chú Đáp, con dâu sang xứ Đài hầu con vợ có đảm bảo không bị thằng chồng nó tí toáy không. Khu tâm linh lên thì chả phải đi đâu sất, phải không nào”.
- Nãy anh bảo ông Tốn “Thầy Minh Thiện của ông khéo làm Thành hoàng thay Ngài đương ngồi trong hậu cung ấy chứ”, là nói diễu đấy chứ? Anh vẫn bảo vệ đình chùa thôn, bảo bé nhỏ, củ mỉ nhưng đúng là của mình mà…
Dư hỏi lúc về qua ao Tượng. Ông Lãm thở thườn thượt, chả ra trả lời: “Ma quỷ được nhẩy múa nghĩ mình là Thánh. Hồi tôi làm đảng ủy, hội đồng nhân dân xã, ban bảo vệ di tích… còn chả giữ được, nữa là giờ chỉ còn chân hội Người cao tuổi “ăn chơi chờ chết”. Giờ chả nghĩ nữa, đâu đâu siêu vẹo mình cứ giữ cho ngay cái cột nhà mình”.
Nỗi buồn khiến mắt ông âm u, bất lực. Ra khỏi nhà, sang hàng xóm, giỗ chạt hiếu hỷ đâu đâu không thể thoát những nông nỗi này. May ở tỉnh bao nhiêu vui thú khác mình không phải “thăm thẳm” như bác Lãm, có thế thật.
9.
Liên tù tỳ cỗ bàn, thấy rượu thịt phát sợ, mà họ mạc chi phái ngõ xóm ta cứ mời nhau mãi được, bấy nhiêu câu nói không chán. Bao chân tình, chất phác đến nhiêu khê, những nhiệt tình nóng rẫy, quan tâm quá hóa thành tò mò khiến Dư bí bức. Người tỉnh quen thói độc lập, có khoảng cách cá nhân, giờ như bị cái màng mỏng manh, tưởng vô hình mà dai dẳng chằng thít. Không cựa được. Cứ bị gắp hùi hụi hoặc “cạch cái đi anh”, không muốn ăn ra làm khách, tệ hơn là chê cỗ quê chứ gì. Nhâm nhi chén nước, người bên cạnh vỗ đen đét vào vai “có phải không chú”, gật vội cho yên. Mấy buổi chiều Dư ra đồng muốn một mình với ngọn gió bờ mương thế nào ông Lãm cũng “săn” được, chỉ sợ không biết đằng về hay vào nhà ai nghe câu bố láo bố toét. Đang sờ sờ ở quê mà cứ thấy xa xôi, lý do thì muôn ngàn, có khi rất vớ vẩn mà khiến ta ngại ngần. Truyền thống, tập tục, tình thân tộc quý giá thật, nhưng bị đè ép thế này thì thở thế nào được. Chả trách có câu “còn choa choa cứ thủ đô choa ngồi”, người Nghệ mạnh máu đồng hương đặt ra.
Khốn nỗi, không có ngần nấy chân tình chan nhiêu khê thì mình thành đứt gốc. Dư thấy mình như đứng giữa hai dòng chẩy nghịch ngược và thật mạnh, bên bác Lãm bên thằng Cương, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Có cái gì đó rách toang. Nhiều thứ chồng chất lên nhau đâm nhòe nhoẹt, ngổn ngang, chả còn sắc nét rất khó lựa chọn. Đêm mới là tự do, tha hồ “vầy vò” chị Bính trong quá khứ và ùm ũm từ cành sung xuống ao Tượng. Tự do hay bị ấm áp chằng thít thì cũng đến lúc về với vợ “muôn năm vũ như cẫn”.
Ông Lãm không cho cãi, bắt mang theo nửa buồng chuối, rượu, lạc, đỗ xanh. Quà quê chối là phải tội. Dư nhấp nhổm vì giờ xe, ông pha ấm chè bảo có câu quan trọng. “Tôi tính là thằng Cương nhà chú sẽ thay chân trưởng họ. Ngành thứ không quan trọng. Nó thạc sĩ, đây đó rồi tức là các cụ chọn nó. Chứ thằng Phúc lành quá không gánh được mà thằng Lộc lại láu cá ham kiếm tiền”. Dư quá bất ngờ nói phứa để em bàn với cháu.
Xe ôm đã pành pành, lại một đại sự nữa: “Anh chả còn mấy năm. Bao giờ đến lượt, cô chú về đây nằm, khoảnh chi mình trong nghĩa trang còn rộng chân tay tha hồ dang. Đào sâu chôn chặt trống kèn khóc lóc lăn đường nó mới ấm, chả hơn đám tỉnh thành thiêu đốt đau đớn, nhạt mà lạnh”. Câu trả lời vẫn thế. Đi nửa đường mới ngớ ra chưa chụp ảnh ba chữ đánh đố trên nóc đình.
10/2019
Nông thôn ngày nay – Dân Việt 29/2/2020