HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM TÌNH YÊU
Vốn nghề nghiệp và trường nhìn bao quát, Kiều Bích Hậu đã kiến tạo nhân vật mình trong nhiều môi trường khác nhau, nhiều không gian khác nhau. Từ những vùng trung du cho đến biển cả, hay ngược về đồng bằng hoặc đến một xứ sở xa xôi thì người nữ trong sáng tác của chị thấm đẫm tinh thần nữ quyền. Một người nữ bản lĩnh vượt qua những khó khăn thử thách một tính cách tự tin, một tinh thần quyết đoán hay nhân vật chịu nhiều bi kịch trong hành trình tìm về chính mình. Tất cả, đều vận động thú vị trên trang văn của Kiều Bích Hậu. Mỗi nhân vật, chị hình thành nhiều tính cách, nhiều quan điểm khác nhau, nhưng điểm chung của họ chính là những người nữ có thể sống hết mình vì chữ yêu.
Nói đến tình yêu là nói hương vị không thể nào vắng bóng trong cuộc sống con người. Tình yêu sẽ làm cuộc sống thêm ý nghĩa, cuộc đời ngập tràn hạnh phúc, vì con người được yêu và chạm đến ngưỡng cửa tình yêu. Không nằm ngoài quy luật cảm xúc, Kiều Bích Hậu đã kiến tạo con đường cho nhân vật mình đi tìm kiếm tình yêu, con đường ấy cũng là phương tiện để người nữ tìm về bản thể chính mình. Nằm trong mạch cảm xúc chung của nhiều tác giả nữ khi nói về quy luật tình yêu như: Yêu tha thiết, mãnh liệt, yêu có thể vượt qua tất cả những trở ngại để tìm về đúng tiếng nói đồng điệu của hai trái tim. Ngoài những giai điệu chung thì Kiều Bích Hậu nồng nhiệt, cháy bỏng hơn nữa đó chính là nhân vật nữ có thể chết vì yêu.
Chữ yêu ngoài việc đến với con người theo cảm xúc tự nhiên, nó còn tịnh tiến ở con đường khác đó chính là quan niệm trong tình yêu. Mỗi thời đại con người sẽ có những quan niệm tình yêu khác nhau. Nếu tình yêu được sống trong thời trung đại thì nó được nuôi dưỡng hệ hình tư duy của triết học phương Đông như: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo... hay từ triết học phương Tây như phân tâm học, hiện sinh, xã hội học... Người phụ nữ khi yêu luôn trong tâm thế bị động, họ không có quyền lựa chọn hôn nhân cho chính mình. Bởi hệ quy chiếu đã in sâu trong tư tưởng của người phụ nữ trong xã hội xưa là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Yêu hay không thì hôn nhân của họ vẫn là sự sắp đặt của “bề trên”, hạnh phúc trong tình yêu của họ không phải do mình quyết định mà là do số phận an bài. Chữ yêu của người nữ thật đáng thương, nó được kiểm soát bởi thế lực phát ngôn nam quyền, một bóng đêm vô hình ngàn năm ngự trị. Quan niệm tình yêu của người phụ nữ xưa được quy về nhiều tiêu chí khác nhau: “Chữ trinh đáng giá nghìn vàng”, chồng chết thì thủ tiết thờ chồng, hoặc chết theo người mình yêu. Tất cả những điều đó, người đọc có thể thấy rõ được chữ yêu trong xã hội phong kiến.
Mỗi thời đại khoác lên vai con người những quan niệm khác nhau, bởi nó được sinh thành từ văn hóa, xã hội hay lịch sử. Bối cảnh xã hội hiện đại, con người tất bật trước guồng quay cuộc sống, tình yêu cũng vội vàng, nhanh chóng, đến thật nhanh và đi cũng vội vã. Nhưng đối với Kiều Bích Hậu, tình yêu là cao cả, thiêng liêng, người phụ nữ đau khổ thật nhiều nhưng cũng yêu thương thật nhiều, yêu đến tận cùng sự sống. Chính vì thế, chị vẫn cho nhân vật mình trở về tình yêu bằng con đường vừa mang tính hiện đại đồng thời cũng phảng phất nét đẹp truyền thống trong tình yêu.
Nhân vật người nữ trong truyện ngắn mang cho mình nét đằm thắm tình trong tình yêu, An – cô gái mới lớn Mẫu đơn đỏ khao khát yêu thương bằng cái hồn nhiên trong sáng của mình, vượt qua nghịch cảnh làm con dâu cho gia đình giàu có, nàng vẫn cho trái tim mình không lạc nhịp để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc tình yêu. Không có tình yêu cùng người chồng theo hủ tục tảo hôn, An luôn đợi chờ những khoảnh khắc được nhìn thấy người con trai tật nguyền nhà bà Cống, được nhìn, được nghe, được gặp ánh mắt đầy trìu mến của cậu Văn là An quên đi mọi cực khổ, ưu buồn trong cuộc sống. Trái tim An luôn thổn thức, đợi chờ, dù hôm nay hay những ngày bị cấm đoán thì nhịp đập con tim An luôn hướng về một phía, nơi đó có người đợi chờ An. Thủy trong Hun hút Ngườm Ngao hay Thủy trong Lòng biển cũng là nhân vật sống tận cùng những gì mình có thể. Bằng trái tim vẫy gọi, Thủy không thể đánh mất anh chàng người Tày trong chuyến đi thực tế vùng trung du, sau nhiều năm cố gắng lãng quên, Thủy không thể sống trong cảm giác lừa dối chính bản thân mình, nàng tìm đến Thắng, tự nguyện hiến dâng và chết trong trong vòng tay của người mình yêu. Thông thường cái chết vì tình yêu là cái chết mà dư luận cho rằng chính sự yêu đuối, ủy mị cả tinh thần và thể xác thì mới tìm đến sự hủy duyệt bản thân mình, đối với xã hội hiện đại thì sự quyên sinh đó là điều không thể chấp nhận. Nhưng với Kiều Bích Hậu phụ nữ có những sức mạnh diệu kì, và chính chúng ta là người khám phá ra bản thể của mình và đi đến tận cùng của bản thể. Yêu, chính là phương tiện để đi đến tận cùng cái khao khát, bất chấp của người nữ để tìm đến tình yêu. Cuộc chiến nội tâm của người phụ nữ là bất tận, đấu tranh chính mình và mâu thuẫn chính mình. Cuộc sống vốn đầy màu sắc, đủ cung bậc, tâm hồn người phụ nữ luôn vận động và không ngừng trưởng thành qua từng ngày, họ luôn ý thức giá trị sống của mình. Phụ nữ xứng đáng yêu và được yêu. Tìm đến cái chết để bất tử với tình yêu là câu chuyện không phải mới, một mô túyp mà người đọc vẫn thường thấy trong văn chương trung đại. Vũ Nương tìm đến cái chết để bảo vệ chữ tiết hạnh cho cuộc đời của mình, hay Kiều là minh chứng tìm đến cái chết để giữ vẹn chữ yêu. Có nhiều cái chết trong tình yêu, có thể là tiêu cực hoặc tích cực. Cái chết của Vũ Nương là cái chết bức tử, vì không được cất lên tiếng nói đòi lại quyền công bằng trong xã hội, nên cái chết là phương tiện duy nhất để bảo vệ chính mình, còn Kiều tìm đến cái chết là để minh chứng tình yêu đối với Kim Trọng, còn rất nhiều câu chuyện tình trong văn chương trung đại tìm về cái chết như một tuyên ngôn cho tình yêu.
Người nữ trong truyện ngắn Kiều Bích Hậu lựa chọn cái chết là hành trình duy nhất để tìm về, để mãi mãi bên người mình yêu, đây không phải là quan niệm tiêu cực vì trái tim người phụ nữ luôn chan chứa tình yêu. Do đó hạnh phúc thật nhiều và đau khổ cũng thật nhiều. Nếu cân lên lượng đau khổ và lượng yêu thì dường như đau khổ sẽ nặng hơn. Có những người phụ nữ quen với sự đau khổ, họ biết rằng càng yêu thì càng đau khổ, nhưng không sống hết với tình yêu thì cuộc sống không còn ý nghĩa, nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng là nhà thơ nữ đi tìm tận cùng vực thẳm chữ yêu “Em trở về đúng nghĩa trái tim em; Biết khao khát những điều anh mơ ước; Biết xúc động qua nhiều nhận thức; Biết yêu anh và biết được anh yêu” (Tự hát – Xuân Quỳnh). Cái chết vì tình yêu là cái chết cay đắng, đau đớn, nhưng nó lại xứng đáng với nhiều người phụ nữ. Thà như vậy còn hơn trôi hết tất cả cuộc đời mà chẳng được phút nào say đắm quên trời đất, quên bản thân vì yêu. Nhân vật người nữ mà Kiều Bích Hậu kiến tạo là những người luôn sống cho mình từng giây, từng phút trong tình yêu. Họ tìm đến cái chết như một phương tiện để hồi sinh sự sống mới. Khi yêu, họ trọn vẹn là mình, cho dù họ phải trả giá, một cái giá rất đắt đỏ là cái chết. Chết nhưng họ ôm trọn vẹn những giây hạnh phút vào lòng, chết không còn là mặt trái của vấn đề, mà chết là điều hạnh phúc. Ngoài ra cái chết trong những câu chuyện mà tác giả tạo nên là cái chết tâm trí, sự toại nguyện, thì lúc đó người phụ nữ mới được sinh ra ở tầng cao hơn, trưởng thành hơn. Người phụ nữ dám chết cũng là những người phụ nữ dám sống, những người dám đương đầu với những khó khăn để đi tìm sự tự do, sự giải thoát. Tất cả những điều đó mà người đọc sẽ tìm thấy được qua các tập truyện ngắn của Kiều Bích Hậu một cái chết mạnh mẽ, chân thành. Đó là hành trình nhân vật trên con đường tìm kiếm tình yêu.
Từ truyện ngắn đoạt giải Đợi đò cho đến truyện Smart wife, hầu hết nhân vật nữ đều xuất hiện nhiều tâm thế khác nhau, những người phụ nữ đa dạng từ thân phận cho đến tính cách, sống và làm việc nhiều không gian khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là tất cả đều mạnh mẽ kiên cường vượt qua mỗi biến cố trong cuộc sống. Họ chủ động định hướng cuộc đời của mình. Không bi lụy trước số phận, người nữ sẵn sàng tìm lại chính mình, khẳng định nhân vị đàn bà trong gia đình và ngoài xã hội.
Các tập truyện ngắn viết về người phụ nữ đều mang những gam màu đặc biệt, họ được khắc họa qua những ngôn từ “đỏng đảnh cảm xúc” của Kiều Bích Hậu. Mỗi nhân vật là thông điệp nhân văn trong cuộc sống. Cảm xúc của Thu trong Bạn đời là một minh chứng, Thu là type phụ nữ phóng túng, dù cho anh chàng Đức tận tụy, nghiêm chỉnh, một lòng một dạ với Thu, muốn cưới cô làm vợ thì Thu vẫn cứ đỏng đảnh, thờ ơ. Cô đơn không phải là điều đáng sợ của người phụ nữ trong xã hội ngày nay, mà điều quan trọng người đọc có thể nhìn thấy một Kiều Bích Hậu muốn cho nhân vật mình đi đến tận cùng của sự tự do. Con người trước xã hội thời hội nhập (khi áp lực công việc tối đa nên người ta hay vùng vẫy chống trả, khi sự dấn thân và lựa chọn của mỗi cá nhân là rộng rãi và tự do, khi con người trở nên phức tạp hơn bao giờ hết trong một thế giới vừa phẳng vừa ảo).
Các truyện ngắn: Bạn đời, Chọn chồng, Chị hãy là của riêng anh, Cúc trắng, Người đàn bà ẩn mình thầm khóc, Smart wife - Vợ ảo... ta sẽ thấy được rõ hơn những “miền cảm xúc mờ ảo” của cuộc sống và con người thời hiện đại. Ở nơi đó, người phụ nữ ở vai trò mới, họ không phải là phương tiện hay phương thức sáng tạo của cánh đàn ông, mà họ có quyền lựa chọn cuộc sống và hôn nhân theo tiêu chuẩn điều kiện của riêng mình. Đó mới là người phụ nữ hạnh phúc.
Người phụ nữ - một nửa thế giới còn lại, họ không phải tồn tại và có mặt trên trái đất này bằng sự sống sinh học mà phụ nữ có những thế mạnh riêng của họ, nhân vật trong truyện Kiều Bích Hậu là người phụ nữ đi đến tận cùng khám phá ra bản thể của mình để sống một cách trọn vẹn. Cảm xúc, suy nghĩ, trái tim của người phụ nữ như những cung đàn réo rắt nỉ non, một bức tranh đa dạng đủ sắc màu.Vì vậy, cảm hứng về người phụ nữ là nguồn cảm hứng vô tận vì đối với chị người phụ nữ luôn nâng tầm giá trị sống của mình, sống cuộc đời chính mình và cất lên tiếng nói chính mình. Tiếng nói của người phụ nữ luôn thiết tha, rạo rực, mạnh mẽ quyết đoán trong tác phẩm của Kiều Bích Hậu.
Tóm lại, ý thức nữ quyền trong sáng tác của Kiều Bích Hậu thể hiện qua rất nhiều nội dung. Từ việc khẳng định nhân vị của người phụ nữ trong cuộc sống cho đến việc đi tìm lại chính bản thể của mình là những nội dung mà chúng ta sẽ thấy rõ qua từng tập truyện ngắn của chị. Có rất nhiều quan niệm mà chị thể hiện trong quá trình sáng tác của mình về hình tượng người phụ nữ. Họ đẹp từ hình thể cho đến tâm hồn, đẹp từ tính cách cho đến hành động. Thậm chí, họ có thể hy sinh bản thân mình vì chữ “yêu”. Chính vì thế, Kiều Bích Hậu xứng đáng là cây bút nữ góp tiếng nói của mình trong dòng văn học mang âm hưởng nữ quyền đương đại.
Nguồn Văn nghệ số 21/2020