Tác phẩm chọn lọc

22/1
3:20 PM 2021

“BẾN LẠ” ĐẶNG ĐÌNH HƯNG

Nhân kỉ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ, hoạ sĩ Đặng Đình Hưng (1990-2020), NXB Hội Nhà Văn xuất bản cuốn sách Đặng Đình Hưng - một bến lạ. Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, trên 20 tác phẩm hội hoạ, và những bài bình luận về thơ và kí ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình (Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý…).

 

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn (trái) chơi một bản nhạc tưởng nhớ cha mình - nhà thơ Đặng Đình Hưng. Ảnh: PV

Tối 20/1/2021, tại Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace đã diễn ra buổi toạ đàm ra mắt sách Đặng Đình Hưng - một bến lạ.

Đặng Đình Hưng (1924-1990) là nhà thơ, hoạ sĩ và nhạc sĩ, nổi tiếng do sáng tạo khác lạ, độc đáo về thi pháp thơ và mĩ thuật, nhất là qua các di cảo được phổ biến sau khi tác giả qua đời. Bến lạ được xuất bản lần đầu sau khi nhà thơ đã qua đời, năm 1991.

Ngay khi mở đầu buổi toạ đàm, nhà thơ Hoàng Hưng đã khẳng định, tiếp xúc với thơ Đặng Đình Hưng không phải dễ, vì sự mới lạ. Ông chủ trương lối thơ theo dòng chữ. Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh, mỗi cách nói đều có sự lấp lánh. Lại lắm khi lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi tưởng hơn là một ý tưởng. Và trong dòng tâm thức triền miên thỉnh thoảng nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thương.

 

Nhìn lại bối cảnh Đặng Đình Hưng sáng tác, có thể thấy ông làm thơ sau Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, thời “hậu Nhân văn giai phẩm”. Ông cô đơn và đi tìm ngôn ngữ riêng của mình, thành tựu thơ ca vì vậy mà xuất hiện. Thơ ông độc đáo ở khía cạnh ông là nhạc sĩ, vậy nên dễ dàng đi đến ngôn ngữ đích thực của thơ. Thơ ông quan trọng ở nhịp điệu, và ông đưa nhịp điệu vào thơ một cách tự nhiên. Kết cấu tác phẩm của Đặng Đình Hưng chịu chi phối bởi âm nhạc. Các tác phẩm như Ô, Bến lạ đều có kết cấu theo hình thức âm nhạc. Ô (hay có chỗ ghi là Cửa ô) giống như một bản nhạc, một hồi kí về thơ. Bến lạ giống bản giao hưởng, có nhiều bè, nhiều chủ đề vừa song song vừa xoắn luyến vào nhau. Ô mai giống tiểu thuyết bằng thơ, cũng giống vở nhạc kịch.

Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý nhận định: Đặng Đình Hưng là người khám phá, chinh phục các không gian. Bến lạ là biểu tưởng nghệ thuật của không gian tâm linh, tinh thần, vượt thoát khỏi không gian xã hội tẻ nhạt, buồn chán, lặp lại. Trong Ô mai là không gian sáng tạo được thể hiện bằng các thể nghiệm và những khát khao. Ông là người khám phá và chinh phục những không gian mới. Trong khi những người viết cùng thời như Lê Đạt, Trần Dần thiên về lí trí, Hoàng Cầm quá trực cảm, Đặng Đình Hưng dung hoà hai yếu tố đó và vị trí của ông là không thể thay thế trong tứ trụ thơ ca thời ấy.

Là người có nhiều tiếp xúc với Đặng Đình Hưng, nhà thơ Dương Tường chia sẻ: Khó biết Đặng Đình Hưng viết Bến lạ vào thời gian chính xác nào. Bến lạ có thể được viết ở Chúc Sơn. Ông có thói quen gắn mình và trò chuyện với đồ vật, sự vật xung quanh. Bến lạ mà không lạ, đó là khát vọng và cũng là huyễn tưởng, là thèm muốn vật chất nhục cảm mà cũng là chán chường, là khuất phục mà cũng là thách thức định mệnh, là tâm linh mà cũng là phàm tục đời thường, là hồi cố tuổi thơ mà cũng là phóng chiếu vị lai, là chạy trốn cũng là trở về mình…

 

Vâng, tôi chán Bến Lạ/ Tôi già rồi/ Tôi không làm jì được quyển lịch. Những câu thơ độc thoại nội tâm ấy đã dẫn Đặng Đình Hưng đi suốt niềm cô độc của mình và nó cũng đưa ông đến chân trời sáng tạo mới của thi ca.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: Cuốn sách là sự trở lại của Đặng Đình Hưng. Trong phong trào đổi mới thơ ca ở Việt Nam, thơ Đặng Đình Hưng xuất hiện đã đẩy sự ngạc nhiên lên cao trào. Đó là thứ thơ trọng âm và chữ, chứ không chỉ nội dung. Sau hơn 30 năm, Bến lạ lại được in cùng với tranh của ông, cho chúng ta khám phá lại, khám phá tiếp về ông và những người như ông. Đó là những người âm thầm đổi mới thơ, cải cách thơ trong thời điểm dễ bị quy chụp là chạy theo hình thức và câu chữ, không chú ý đến nội dung.

Trong buổi toạ đàm Đặng Đình Hưng - một bến lạ, với một không gian lớn như L’Espace mà không còn một chỗ trống, rất nhiều người phải đứng suốt hơn hai tiếng đồng hồ nhưng điều đó không khiến ai bận lòng. Từ những người xấp xỉ lứa tuổi Đặng Đình Hưng hay những người trẻ còn đang trên ghế nhà trường phổ thông đều dành trọn vẹn tâm trí mình để lắng nghe những cảm nhận về thơ Đặng Đình Hưng.

 

Nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Thuý Hạnh cho rằng: Thơ Đặng Đình Hưng khó nắm bắt, gợi nhớ phong cách sống có phần trầm lắng và bí ẩn của tác giả. Thơ ông có tính chất hướng nội tận cùng, cơ chế tạo chữ phức tạp, mỗi bài thơ như một cuộc cách mạng về tâm trí, luôn có một cảm quan lưỡng phân hiện diện. Trạng thái cô độc, bứt khỏi thực tại, tiếp xúc với không gian bên ngoài, sự khác biệt giữa tính riêng tư và tính công cộng, giữa tiểu sử và lịch sử... đều được thể hiện qua thơ ông. Thi pháp thơ Đặng Đình Hưng là thơ thể nghiệm, đề cao sự phá cách trong kĩ thuật tạo chữ, đổi mới ngôn từ. Ông luôn tìm cách cưỡng lại thói quen biểu đạt đã cũ mòn. Cuộc đời ông để lại cho chúng ta một bài học về cách sống, cống hiến, sáng tạo cho nghệ thuật.

Cũng trong buổi toạ đàm này, công chúng đã được gặp gỡ nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, người châu Á đầu tiên giành được giải Nhất cuộc thi Piano Chopin quốc tế ở Ba Lan năm1980, và được nghe những câu chuyện cảm động mà nghệ sĩ kể về cha mình, chính là nhà thơ Đặng Đình Hưng. Nghệ sĩ khẳng định: “Trong rất nhiều lựa chọn, tôi chọn làm người con ngoan của bố”. Bản nhạc mà Đặng Thái Sơn dành tặng cho người cha kính yêu của mình đã khiến cả khán phòng lặng đi…

 

Cùng trong dịp này, những bức tranh của Đặng Đình Hưng đã được trưng bày. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm, chia sẻ: Tranh của Đặng Đình Hưng nhiều những dấu chấm, nhiều những vạch đứt hoặc liền, những chữ cái, O, A, dấu mũ mà ông gọi là những “Hình ban đầu”. Tức là những kí tự cơ bản, tự nhiên, ấu thơ, nó vừa là nó mà lại là một nó khác. Đó là một kiểu hội họa kí hiệu. Một kí hiệu đủ ngầm hiểu cho một câu chuyện, một trạng thái. Hoặc ngược lại cả một câu chuyện gói vào một kí hiệu.

Thơ của ông cũng vậy, nhiều Alfa, nhiều Beta, nhiều YZ, nhiều những con số. Tôi ghé Bến lạ một chiều không Alfa / Nơi tôi đứng / Một cái đĩa Mê ta. Đặng Đình Hưng chỉ dùng một số ký tự, ký hiệu, vạch, chấm, vuông, tròn nào đó. Ông chỉ sử dụng vài ba mầu, thường là cỏ úa, nâu đất, vàng rơm, trắng ngà gạo nếp… cho tất cả các tác phẩm của mình.

TÙNG PHƯƠNG

NGUỒN: VNQĐ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *