DƯỚI ĐÈN LẶNG ĐỌC THƠ NGƯỜI TRÍ TRI
Mọi giá trị đạo đức xã hội thời Kháng chiến bắt buộc phải chuyển mình cho phù hợp với thời kỳ kiến thiết xây dựng. Hầu như cả xã hội thiếu và đói; Nhưng nghiêm trọng hơn, các quan hệ lấy nền tảng là lòng tin bị nghiêng ngả, thậm chí đổi chiều.
Và đấy là lúc mà các giá trị tinh thần và chuẩn mực chính đính của thời kháng chiến kiến quốc đã qua cần phải đổi mới.
Thuộc “Thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai” Thời chống Mỹ cứu nước, Bằng Việt đồng hành cùng nhân dân trong giai đoạn “Tự cứu lấy mình”. Hơn ai hết, anh hiểu rõ quá trình nhận thức lại đầy cam go nhưng cần thiết, trước hết với chính mình, sau nữa là trách nhiệm của nhà thơ, một người trí thức. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” là câu thuộc nằm lòng của bất cứ người trí thức Á Đông nào.
Là người hiểu rõ biện chứng pháp, anh biết chỉ có thực tế mới là câu trả lời, là thước đo cho mọi luận lý. Những sinh động muôn sắc màu của xã hội mới qua 10 năm sau 30 năm 2 cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ đòi hỏi người trong cuộc phải dũng cảm mổ xẻ để biết cắt bỏ cái không hợp lý, để mà tồn tại.
Tập hợp những sáng tác 30 năm từ 1986 đến 2016, lựa chọn khoảng một phần ba trong đó, Nhà thơ Bằng Việt có tập sách này. Đây là tâm huyết, là trí lực, là sức lực mà anh muốn, bằng thơ, chia sẻ cùng nhân dân, cùng đất nước, bước chuyển của Thời kỳ Đổi mới.
Tập thơ chia làm 5 phần: Phần I - bắt chợp từ tâm trạng; Phần II - Những ấn tượng không ranh giới; Phần III - Sợi chỉ nối về quá khứ ;Phần IV- Muôn mặt chuyện đời; Phần V- khoảnh khắc trải nghiệm.
Phần 1 gồm nhiều bài thơ ngắn và bột phát, chỉ cần nói lên 1 khoảnh khắc cảm xúc, một ý nghĩ bắt chợp, là có ý muốn đưa thơ trở lại “cái gốc” bản thể tự nhiên và bột phát của nó, như khởi thủy thơ là thế, không quá tính toán, lập trình, nhồi nhét tư tưởng “ dạy đời” vào.
phần 2, nhà thơ muốn thực hiện qua xúc cảm cái luận điểm mới rộ lên gần đây: đó là nhân loại đang trở về một mái nhà chung, thế giới đang trở thành một“thế giới phẳng” (sau thời chiến tranh lạnh và thế giới chia làm 2 phe), nên mọi suy nghĩ, ấn tượng là đều đứng trên tinh thần một “công dân của thế giới” mà nói, chứ không lệ thuộc vào phe phái, ranh giới chính trị hay địa lý nào.
Còn phần 3 là nói tới mối quan hệ hữu cơ với quá khứ, truyền thống trong đời sống tình cảm của 1 con người hôm nay, mà “không có gì đã qua lại có thể vô cớ mất đi cả”- như ý nghĩ của nhà thơ Anh W.Đôn hay nhà thơ Nga Ônga Becgôn.
Phần 4 là điểm xuyết qua cái “cõi nhân gian bé tí” này mà cũng chứa không biết bao nhiêu là khốn khó và nghịch cảnh, mà một người có chút lòng trân trọng và cảm thông với đời không thể nhắm mắt làm ngơ!
Còn phần 5 để cuối, vì nó là những khoảnh khắc trải nghiệm và nhận thức,tất nhiên có niềm vui khi nhận ra chân giá trị một cái gì đó, nhưng có cả niềm đau khi phát hiện ra những điều thật bi đát hoặc bất khả kháng trong đời. Mà con người sẽ lớn lên, trưởng thành để “nên người”, chính là nhờ những phút trải nghiệm như thế… Có các nhận thức qua biến đổi khí hậu, qua tai họa thiên nhiên, qua cái sống và cái chết, qua tình yêu, qua cả sự thay đổi chính trị…, nhưng “nặng căn” hơn lại chính là do con người, và là do mình tự gây tai họa cho mình!
Tập thơ gồm 96 bài, thể thơ tự do là chủ yếu, chỉ có dăm bài lục bát, một ít là thơ 5 chữ, 4 chữ. Tư tưởng nhất quán vẫn là định hướng trữ tình Đổi mới.
Những bài thơ mà anh sáng tác lúc này không còn vang âm điệu sử thi nữa, mà là tự sự trữ tình muôn mặt. Chia sẻ nỗi niềm chung riêng, nghĩ suy đa chiều và tận cùng , bởi anh biết thời đạn bom đã thuộc về lịch sử. Qua đoạn tâm sự:“Em bảo anh: Anh hãy biết nhìn em/Giữa những ngày này rung động nhất!/Hoa tím mùa hè lại ngát bên kia/Hoa tím thế - sau suốt thời Kháng chiến!/Những mất mát lắng dần vào kỷ niệm/Buổi chiều chim kêu rất lâu.../Ngỡ như không khác gì đâu:/Tiếng líu ríu trẻ con sau vạn ngày đánh Mỹ,/Nốt ruồi nhỏ bên môi em vẫn thế,/Mà một thời giông bão đã đi qua…” (Bài”RUNG ĐỘNG BUỔI CHIỀU”).Vậy thơ cũng không thể chỉ tụng ca như thời ấy.Với lại tuy chiến tranh qua đi, nhưng cuộc chiến chống đói nghèo và vươn vai đứng dậy cũng khốc liệt không kém. LẠI NGHĨ VỀ THƠ là một bài thơ thẳng thắn: “Thơ có còn tri kỷ nữa hay chăng?/Đời đột biến mà thơ đi quá chậm,/Đời hết sức thẳng thừng. Thơ vòng vèo, lẩn thẩn…/Đời trả giá hết mình, thơ khi nhớ khi quên!/…/Hát suốt bao năm qua điệu tâm hồn đã cũ,”.
Tư tưởng phải hướng tới hiện thực. “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Ngoài kia đời đã động, gió đã nổi, phải “liệu mà sống chứ”!
Hay “Những câu thơ có thể là gì?/Là một cơn mơ/Thúc dục con tàu rời
bến,/Là một cơn đau/ Trước mọi thứ trong đời bất cập,/Là cơn thịnh nộ/Khi trái
đất còn ngang ngửa, bất công…/Hay cũng có thể chẳng là gì cả/Chỉ vo tròn, ru
ngủ thế thôi!” ( CÓ THỂ…).
Thời này có nhiều người làm thơ lục bát, thường để giãi bày trực ngôn.
Bằng Việt cũng có làm thơ thể loại này. Nhưng những câu chữ niêm luật vần điệu
đã bị xô đẩy bởi thực tiễn sống động, khiến nhà thơ phải tìm một thể loại để câu chữ được tung hoành. Bằng Việt vốn mạnh về chất trí tuệ trữ tình, dù anh không làm thơ văn xuôi, nhưng chất chuyện văn xuôi nhuần nhuyễn trong anh để tạo hứng cho ý, cho tình. Gặp được rung động, cảm xúc thơ thành tứ thành câu. Chỉ có thơ tự do mới ôm được ý nghĩ tư tưởng để chuyển tải cảm hứng ấy. Giống như các sáng tác thời kỳ trước, thời kỳ này thơ anh vẫn rất mạnh về tứ, về vần.
Đấy là nói về thơ. Còn về sự, về việc? có những khắc họa khá rõ, chẳng hạn, khi nói về một lớp người lúc mà THỜI ĐÃ KHÁC RỒI: “Thần thánh có còn đâu?/Anh đừng cao giọng nữa!/Đóng bộ rưng rưng, đau đáu… mà chi?/…/Cái lý thực của Đời – bao dung mà khe khắt,/Anh không đổi khác ư? Thời đã khác rồi!”.
Khi thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý thì đừng kinh viện giáo điều nữa.
Trong khi trên thực tế thì như SÀI GÒN 92:“.../Các khách sạn sơn-quét xong, lại trả về tên cũ,/Sách luyện tiếng Anh bày la liệt vỉa hè,/Phấp phỏng, người người đang dấn bước sang trang/Chờ hội nhập thời phồn vinh mở cửa!”
Đặc biệt, sự chuyển gam màu từ cái to tát sang cái bình thường là rất rõ.
Ta hãy xem bài thơ THƠ TÌNH VIẾT MUỘN: “Em là chân lý của đời thường mạnh mẽ/Nét môi chẳng còn cong vì trải đắng cay rồi,/Em là vẻ đẹp của đời thường vĩnh cửu,/Là những gì quên mất ở trong tôi!...”
(chuyển từ cái cao cả sang cái bình thường cứ như không).
Năm 90, 91 tình hình thế giới xoay chuyển thần tốc, nhất là Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Bao suy lý, bao diễn tiến đặt ra. Có một cái nhìn: “Thôi hãy khoan ngậm ngùi/Những gì chưa dễ có!/Thôi hãy khoan ruồng bỏ/Những gì chưa dễ qua!/Thôi hãy khoan xót xa/Những gì chưa dễ mất!/Thôi hãy khoan vùi dập/Những gì chưa dễ quên!... “(THÔI HÃY KHOAN...) là tỉnh táo và bình tĩnh nhưng cũng sâu xa.
Đấy là thế giới, còn nước ta thì sao. Ta hãy xem bài thơ SỰ TẠM BỢ : “Cái bàn gỗ tạp, cái ghế long chân,/Ý nghĩ và việc làm - đều vá víu .../Chỗ ở cứ khất lần tạm bợ,/Chúng ta tưởng thời thanh xuân chỉ mới bắt đầu…/Nhưng thời gian cứ trôi/Thời gian thẳng thừng dễ sợ.../Cái tạm bợ đã thành một đời/Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu!”.
Thơ Bằng Việt thời kỳ này chuộng chân thật. Gần như mỗi bài thơ là những cảm hứng xuất phát từ sự thực. Và chỉ có thể dùng thể thơ tự do mới chuyển tải được câu chuyện. Giai đoại trước ở anh là trí tuệ trữ tình nên giọng thơ có tính khái quát cao, thơ thường dài để mà suy lý. Bây giờ thơ anh cũng vẫn thể tự do nhưng mà thường ngắn.Mỗi bài thơ không bao trọn, mà chỉ là một trong muôn mặt của người, của sự, của việc. Như bài GIỌNG HÁT HAY – 87: “Tất cả mọi người háo hức nhìn lên/Đôi mắt em óng ánh màu nhũ giả,/Đôi mắt cười thăm thẳm quá/Giọng hát tuổi 20, mà giằng giật xé lòng!/…/Tất cả ùa quanh, cổ vũ, chúc mừng em./Em chỉ cắn môi, mệt mỏi, dịu dàng:/- Đã chắc gì em được vào biên chế!” .
Vào làm việc ở các cơ quan Nhà nước để có “Sổ gạo, đồng lương, tem phiếu,...” dù gạo chỉ 13 cân, lương đi chợ cầm hơi, nhưng còn hơn bao người chả có chế độ gì. Hát hay, như vậy đâu chỉ vì nghệ thuật.
Hay MAXCƠVA, TUYẾT ĐẦU MÙA: “Mười hai năm, bao chuyện đã quên đi,/Hai cuộc chiến tranh, trăm nghìn thử thách, /Bao háo hức ngây thơ bây giờ đã hết/Chỉ còn đó niềm tin sâu thẳm: Cuộc đời!/…/ Mười hai năm…Maxcơva,/Tầm vóc cuộc đời đã vượt xa nếp cũ,/…/Lớp người cũ già đi trong hồn trai mới lớn,/Mọi suy tưởng vỡ ra, càng không hề yên ổn/Gặp màu tuyết nguyên lành, lại khiến quá nôn nao…”.
Đây là thời kỳ Cải tổ (Perextoika) và Công khai (Glanotxchi) đang diễn ra ở Liên Xô để mấy năm sau còn có sự thay đổi đến 360 độ. Đến Thủ đô của Cách mạng tháng Mười với “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” ngày ấy cùng những háo hức ngây thơ, giờ mọi suy tưởng vỡ ra, tưởng chỉ còn tan vỡ. Chính cái màu tuyết tinh khôi, cái thiên nhiên trong ngần đã giữ lại niềm tin sâu thẳm vào cây đời, và “cây đời mãi mãi xanh tươi”!
Thời trẻ, tác giả học Luật ở Ki ép. Chàng sinh viên ấy làm những bài thơ đầu tiên ở đây. Đấy là sự mở đầu cho thời “Bếp lửa”. Nay sang thời khác rồi. Đã xuất hiện một thế hệ sau kế tiếp mình rồi mà nỗi buồn trước đây của cô bạn gái Ukraina, và lớp con cháu mình giờ ở Việt Nam buồn cũng như nhau.
Đấy là bài UKRAINA, 50 NĂM SAU: “Thời đó tôi từng ở Odessa” /Câu thơ Pushkin thuở trẻ đầy khí thế,/Còn tôi, lại cũng từng ở đó/Thời Liên Xô chưa xé lẻ như bây giờ!/ Ngày ấy ở Việt Nam đang chiến tranh/Tôi không hiểu sao em lại buồn, lại chán,/Chỉ cứ ngỡ em quá thừa mơ mộng/Quá đầy đủ rồi nên mới hóa vẩn vơ…/ Năm mươi năm sau, sống ở Việt Nam/Lứa con em tôi, còn đầy đủ hơn Ukraina ngày ấy,/Nhưng bọn chúng, cũng lại rất bất ngờ, than thở/Về rất nhiều điều vô nghĩa ở trên đời!/Ukraina giờ lại chiến tranh/Những cô bạn tôi xưa – đã thành dân tỵ nạn!/Tôi không nỡ khuyên con em tôi điều gì,/Cũng không có cách nào cứu nổi những cô bạn cũ…/Chỉ ghìm chặt nỗi buồn, còn chua chát hơn 50 năm trước,/Vừa thương cảm Ukraina, vừa thảng thốt giật mình!”
Thấm thía nỗi buồn lặp lại, tưởng kiếp người là phải vậy thôi. Thời kỳ này, có vui, Có buồn. Thường có những anh cơ hội phất lên tạo thành lớp trưởng giả mới. Đa số dân mình vẫn nghèo. Đầy rẫy chuyện ra đấy. Và trong văn chương, trong thơ cũng thật đầy rẫy chuyện. Vậy nên có cái buồn lớn, có cái buồn nhỏ.
Nhưng ở Bằng Việt, cái buồn không đẩy người sang trạng thái tiêu cực, mà là cuộc chia sẻ tự mình: BUỒN... “Có nỗi buồn bay qua lỗ kim/Có nỗi buồn lướt trên miệng vực!/Có nỗi buồn không hiểu được người/Có nỗi buồn tìm ra mình không được!/Buồn quá, dù sẵn cầm đàn/Gẩy mãi tai trâu, nỗi buồn càng lớn!/“Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay …”/Đâu phải riêng mình Nguyễn Du thấm thía!”. (Tôi gọi cái buồn này là Cái buồn tự ý thức, tự mình cộng cảm).
Đó là chuyện thời kỳ đầu Đổi Mới. Thường nhân loại vượt qua bi kịch bằng hài kịch. Cười ra nước mắt, biết thế, chẳng lẽ khóc hoài.
Trong một bài thơ khác, “cái buồn tự ý thức” còn quyết liệt hơn. Một thày tu chán cảnh quét chùa đóng oản xin học võ, học triết: “Tới lúc anh kêu lên: “Thày ơi, mắt con như kiếm sắc,/Đủ bóc mẽ thẳng tưng mọi sự vật trên đời,/Nào giáo lý, kinh cầu.., mọi “tô tem” trong bộ tộc /Thày cho con xé toang màn u tối ra thôi!” Thì Thày: “…Ái ngại bảo thày tu: “Tai vạ đến nơi rồi!/Con chọc đui mắt đi, trả giá cho Cái Biết,/Thành người hát sẩm mù, qua hết kiếp rong chơi!...” – (CỔ TÍCH VỀ NGƯỜI THẤU THỊ).
Chuyện mà đến thế làm sao không buồn?
Sang Thế kỷ Hai mốt, lại có những vấn đề của thời kỳ mới. Thơ lại có vấn đề của thơ. Trong bài THƠ CÒN GÌ HÔM NAY? “Còn có gì to tát để tuyên ngôn?/Thơ lặng lẽ lui dần vào giải trí…/…/Thơ thời đại hậu sinh - vừa sặc sỡ vừa buồn,/Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc,/Nhiều đòi hỏi, mà chả cần trách nhiệm,/Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn!” (đã khác những năm 80 nhiều lắm!). (Tôi tương đồng với ý của bài thơ này, vì khi mỹ học chìa lưng với thơ, thì xuất hiện hỗn tạp. Khi cái thực tầm thường tràn vào thì cái chân bị ngụy biện. Khi lấy mình làm trung tâm thì tính thiện lùi xa).
Nhất là ở bài NGƯỜI CỦA THẾ KỶ TRƯỚC: “Vẫn nói, vẫn cười, vẫn ăn, vẫn uống,/Vẫn cao ngạo, tự tin, điềm tĩnh,/Nhưng trên gương mặt Anh - đã có gì khuất lấp,/Anh – người của thế kỷ khác rồi!/Thế kỷ dữ dằn, hào hùng, có đi và có đến,/Anh xuống cùng một bến với bao người tâm huyết,/Anh đi theo đến cùng - chuyến tàu có mọi người đi,/Anh vinh quang cùng mọi người, trả giá cùng mọi người,/Anh đầy khôn ngoan, đầy so đo, đầy tránh né,/Anh sống đến hôm nay - dương dương tự đắc,/Nhưng than ôi,/Anh vẫn là người của thế kỷ khác rồi!/Nhưng có ích gì đâu /Khi trên khuôn mặt anh đã in vết thẫm màu:/Dấu ấn cũ càng của thế kỷ vừa khép lại!”
Trong bài thơ ĐỆ NHẤT TỔ PHÁI TRÚC GIẢNG THIỀN, bằng nhiều diện mạo khi trả lời các câu hỏi của đệ tử kệ kinh, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đều nói “Chấp theo lối cũ là không đúng!”. Lối cũ có thể là tư duy, là tinh thần, là vật chất, là hoạt động thực tiễn. Lối cũ còn là chủ nghĩa kinh nghiệm, là kinh viện. Minh triết thì được, khuôn phép chấp theo thì hãy coi chừng. Là không đúng khác với là không. Không đúng có thể vẫn có chấp đấy. Nếu nói là không hóa ra lại phủ định chính mình. Thừa hay thiếu một chữ cũng làm câu thơ khác nghĩa. Cuộc cáchmạng 4.0 đúng là phải đặt vấn đề như vậy. Vì kỹ thuật số và không gian số nó ly lượng lắm. Công nghệ không dừng lại ở lối cũ đâu. Những tháng ngày chống Đại dịch Covir 19 càng phải là như vậy. Con vi rut tưởng chỉ tồn tại trong kính hiển vi điện tử ở phòng thí nghiệm mà làm lao đao cả thế giới, buộc nhân loại phải thay đổi cách nhìn. Thơ kiệm lời không có nghĩa là không tải nhiều nội dung trong đó.
Bây giờ NGÀY ĐÃ ĐỨNG TRƯA: “…/Đã đứng rồi ư? Sao ngày ngắn vậy/Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi!/Đã chín rồi ư? Sao đời ngắn vậy/Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi!/Yên tĩnh thế, khiến lòng run rẩy mãi/Phút giây thiêng thức tỉnh lại bao điều:/Nhìn thấu suốt nhỏ nhen và vĩ đại /Càng bình tâm rõi tới đích mình theo!”.
Giữa những chao đảo mà tâm thế vững vàng, không chuyển hóa diễn tiến, nhưng cũng không bảo thủ cứng nhắc, thật khiến ta trân trọng biết bao.
Tôi vẫn nghĩ rằng, từ xưa tới nay, những ngả rẽ, những ngõ cụt, thậm chí là đường hầm tưởng như không lối thoát. Qua bài thơ Thực Ra, nhà thơ lại đưa ra một tâm thế cao hơn, xa hơn. Ngay cả cái không lối thoát cũng đặt ta vào một cách đặt vấn đề mới, ở vị trí khắc nghiệt hơn, nhưng là vượt qua cái cũ.
bài THỰC RA... “Thực ra, cuộc đời vẫn dành một lối đi/Dù thoạt nhìn vô cùng rối rắm!/Thực ra, cuộc đời vẫn hé ra khoảng lặng/Dù mải mê biết mấy bộn bề!/Thực ra, cuộc đời ưa hút về chân không/Dù qua hết đến muôn trùng khát vọng!”.
Thơ Bằng Việt chặng đường này cập nhật ở cách đặt vấn đề và tiếp cận thực tế. Nhưng thực tế vào thơ anh không xô bồ, mà phải có tâm trạng, có mỹ hứng. Ngay cả trí tuệ thời kỳ này cũng không cân đo so sánh nữa, mà là suy tưởng ngậm ngùi, nhiều khi là vượt qua chính mình, để mà sẻ san, để mà cộng cảm.
30 năm là một quãng đường dài. Một thế hệ đã sống và trưởng thành, đưa nước ta bước vào sân chơi thế giới. Thơ Việt Nam bây giờ cũng bước vào sân thơ khu vực và thế giới. Các nhà thơ Việt Nam, trong đó có Bằng Việt, bằng trí tuệ và lao động của mình, đã kiên trì sáng tác để thơ không những đồng hành đóng góp cho cuộc kiến tạo vĩ đại của dân tộc, mà còn Trí Tri đến những mai sau. Tự nghĩ đến một niềm tin nhân văn còn mãi…
Hà Nội,Xuân Bính Tuất 2020.