NOBEL VĂN HỌC VÀ VĂN HỌC NHÌN TỪ GIẢI 2020
Louise Gluck và cựu Tổng thống Mỹ Obama
Việc bỏ phiếu có thể quay nhiều vòng. Đã có năm, dân mạng giành “thắng lợi”. Nghĩa là đa số trong họ bỏ phiếu cho cây bút được Viện hàn lâm Thụy Điển tôn vinh vào đầu tháng 10. Những cuộc chơi đó phần lớn là những cuộc “đánh bạc”. “Đầu sỏ” của thế giới mạng Nobel là trang Ladbrokes ở Vương quốc Anh. Có năm, viện sỹ hàn lâm Thụy Điển cũng nhập cuộc. Năm nào cũng vậy, mùa cá cược Nobel cũng là mùa văn chương thế giới được thượng phong đặc biệt. Với đủ giọng điệu, khiến giới nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp phải ngả mũ chào tôn kính. Thông thường là những lời bộc trực, tha thiết và trân trọng. Nhưng không hiếm những lời dí dỏm, vui đùa mà ý nhị. Đấy ví như của nhà phê bình Mỹ Alex Stephard. Năm nay, ông vẫn hồ hởi với trò chơi đoán người đoạt giải. Cư dân mạng thích thú vô cùng với lời của ông về nữ thi sỹ đồng hương Louise Gluck vừa được trao Nobel văn học, rằng “Tại nhiều tương tác trên mạng, Louise Gluck là cây bút khiến dân tình ít cáu kỉnh hơn cả”. Nhân tiện, xin nhắc lại: mùa thu hàng năm, các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền văn học toàn cầu được Viện hàn lâm Thụy Điển mới đề cử cho Nobel văn học. Tháng hai và tháng ba năm sau, Viện chọn lựa để đến tháng tư, giữ lại 15 tới 20 trong chừng 350 cây bút được đề nghị. Viện, với 18 viện sỹ, thảo luận kỹ để chốt lại vào cuối tháng năm, 5 đề cử. Từ đây, các viện sỹ đọc tác phẩm của 5 nhà văn này. Thường qua tiếng Anh, và đôi khi bằng tiếng Thụy Điển. Nhiều cuộc trao đổi chung được tổ chức trong toàn Viện. Đầu tháng 10, bỏ phiếu kín và sau đó, tổ chức công bố giải. Quá trình trao đổi và bỏ phiếu được giữ kín 50 năm. Dù vậy, đây đó trong 700 địa chỉ nhận thư mời đề cử, thế nào cũng có vị để lộ danh tính một số cây bút được đưa lên. Nhờ vậy, công chúng mới tha hồ “trăm hoa đua nở” về văn học toàn cầu. Nhiều gương mặt tỏa sáng trên các diễn đàn (đen đỏ). Đó ví như mùa Nobel “bổ khuyết” 2018, Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt được khen ngợi hết lời là gắn bó sâu nặng với quê cha đất tổ. Và đứng lại trong ba cây bút chung kết của giải Nobel khá lạ ấy.
Năm nay, cuộc “tỉ thí” kém hẳn về lượng người thi đấu và về mức căng thẳng. Ấy là do Viện hàn lâm Thụy Điển chưa hoàn hồn sau vụ bê bối từ cuối năm 2017. Những đề cử “nhẵn mặt” vẫn được xướng lên trên nhiều trang cá cược: Nguyi wa Thong’o, Adonis, Joyce Carol, Thomas Pynchon, Haruki Murakami, Ko Un, Margaret Atwoot, Anne Carson… Bất ngờ “lọt vào tầm ngắm” Nobel văn học 2020 là Stephen King, “trùm” hình sự Mỹ, loại hình tưởng xa lạ với Nobel văn học, và Michel Houellebecq, cây bút Pháp sừng sỏ. Bất ngờ và thót tim là hai nhà văn nữ. Một của Pháp gốc Rwanda, Scholastique Mukasonga, tiếng tăm vang dội toàn cầu với tác phẩm nhói lòng về nạn diệt chủng năm 1994 ở quê nhà. Hai của Thổ Nhĩ Kỳ, Asli Erdogan, từng bị tù tội và khủng bố nặng nề, tưởng không viết được nữa; nhưng vừa công bố Kinh tưởng niệm một thành phố thất thủ, tác phẩm được chào đón như một kiệt tác sừng sững… Trong cuộc bình tuyển của công chúng độc giả thế giới năm nay, không tác giả nào thực sự nổi bật. Thế nên, ngày 8/10 vừa rồi, khi Louise Gluck, sinh năm 1943, được đội “Vương miện Nobel văn học 2020”, sự xôn xao hầu như không có và sự đồng thuận lại cao bất ngờ. Hoá ra từ lâu, nữ thi sỹ kiêm giáo sư Hoa Kỳ đã rất thân thuộc trong vũ trụ Anh ngữ. Thơ bà không chỉ được đọc rộng rãi, mà còn được nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng việc nghiên cứu được mở sang cả các thế giới ngôn ngữ khác, như Pháp ngữ. Có những công trình nghiên cứu bề thế chỉ dành riêng cho một hoặc hai bài thơ của bà. Đây là chuyện hiếm có trong văn chương hôm nay. Sau tập thơ đầu tay năm 1968, Cốt tử là được sinh ra (tạm dịch: Firstborn), bà cho ra mắt 11 tập nữa. Vài năm lại làm một tuyển tập. Các tuyển tập này vô hình trung là những điểm nhấn hay đúc kết một vài chủ đề. Hầu hết, chúng mang lại cho bà những giải thưởng danh giá. Nổi bật là giải Pulitzer 1993 cho tuyển tập Cây diên vỹ hoang, 1992. Và bây giờ là giải Nobel. Như vậy, bà nhận Nobel văn học thứ 113, là người phụ nữ thứ 16 được đi vào “Ngôi đền văn học linh thiêng nhất”, mà chắc hẳn nhà sáng tạo ngôn từ nào trên hành tinh cũng thầm mơ ước bước qua ngưỡng cửa. Nobel dành cho bà xóa bớt mặc cảm rằng đã khá lâu, Nobel văn học xao lãng thơ, xao lãng một nền văn học đáng nể như văn học Mỹ, xao lãng phái đẹp… Bà hẳn là thi sỹ được tặng nhiều giải thưởng thơ nhất toàn cầu. Và có lẽ Hoa Kỳ là nước trao nhiều giải thưởng thơ nhất thế giới. Một khác lạ của văn hóa Mỹ, các sinh hoạt thơ, như nói chuyện, đọc thơ, bình luận trao đổi thơ… diễn ra sôi nổi, người tham dự đông đảo, và được đưa lên các kênh truyền thông lớn, như youtube chẳng hạn. Chuyện đó tưởng chừng khó tin, ở xứ sở thường bị chê là quá thực dụng!...
Môi trường thơ ấy khác nào mảng chìm rộng lớn hơn nhiều phần nổi của những tảng băng đời sống. Không chỉ ở Mỹ. Môi trường đó tạo nên tiếng thơ của Louise Gluck, mãnh liệt hiếm thấy và ám ảnh khác thường. Tiếng thơ ấy thuộc số những tiếng thơ trong trẻo nhất và hoàn chỉnh nhất, của nước Mỹ và của thế giới hôm nay. Nó là sự hài hòa ý nhị giữa đề tài và tư tưởng, giữa nghệ thuật và cảm xúc, giữa cá biệt và phổ quát. Dường như mọi chuyện lớn nhỏ của cuộc sống đều “ánh xạ” vào thơ bà. Tổn thương, mất mát, bất hạnh, vỡ mộng, chán chường… trong tình yêu, trong quan hệ gia đình xã hội, trong sứ mệnh làm người… đều được đề cập chân thực và mới lạ, sáng tỏ và rung động. Ba vấn đề lớn hiện lên bức xúc trong thơ bà: sự cô đơn, thất vọng làm người và cái tôi hấp hối. Bề nổi là vậy. Nhưng bề sâu mới là cơ bản. Ấy là con người không bó tay trước thất bại hoặc lỗi lầm, nghiêm khắc khắc phục thiếu sót và nhược điểm, nhất quyết giữ gìn nhân phẩm, xây dựng một xã hội ngày thêm lành mạnh, ngày thêm đáng sống. Với điều kiện tiên quyết là tự tin, sáng suốt, dũng cảm, ngoan cường. Những phẩm chất này phải có ngay từ tuổi thơ, trong các ràng buộc anh em cha mẹ con cái trong gia đình. Không vô tình, tên các tập thơ của bà ngụ ý những bộ phận của bề sâu vừa nói: Cốt tử là được sinh ra, 1968; Mảnh vườn, 1976; Chiến thắng của Achille, 1976; Cây diên vỹ hoang, 1992; Vùng đồng cỏ, 1996; Một cuộc đời thôn dã, 2013; Đêm thủy chung và đức hạnh, 2014… Thơ Louise Gluck phát lộ giá trị hiền minh nền tảng của mọi sinh linh cổ, kim, đông, tây: đó là ứng xử hợp tình hợp lý của tổ tiên chúng ta từ thời khai thiên lập địa, hay cái gốc nông dân vạm vỡ không bao giờ cùn mòn hoặc vị vấy bẩn. Nét riêng này khiến cho thơ bà hiện ra oai vệ như một vị chủ, chứ không như kẻ “ăn theo” thúc thủ. Với bà, trần gian thực chất là thơ, thơ chính là hệ thần kinh bất khả xâm phạm của cõi đời. Bà được trao Nobel văn chương, là bởi “Với vẻ đẹp kiêu hùng, tiếng thơ của bà khẳng định rằng ở đâu trên thế giới này, sự hiện hữu của mỗi cá nhân đều đẹp đẽ và đáng trân quý như nhau”. Nhận định đó của Viện hàn lâm Thụy Điển thật đáng tâm phục khẩu phục. Quả vậy, trong thời buổi chủ nghĩa thực dụng buộc con người thiên về dung tục và tàn bạo, tiếng thơ Louise Gluck gióng lên hồi chuông báo động: Cõi người đáng sống lắm, Con Người đáng quý lắm, xin hãy hồi tâm!
Nobel văn chương của Louise Gluck được đồng thanh tán thưởng bao nhiêu, thì giải năm ngoái của Peter Handke, cây bút người Áo, bị chỉ trích bấy nhiêu. Xin cùng nhớ lại. Cuối năm 2017, trong cao trào MeToo, Jean – Claude Arnault, nhà văn hóa người Pháp, chồng một nữ viện sỹ hàn lâm Thụy Điển, bị 18 phụ nữ tố cáo lạm dụng tình dục. Từ đó, nhiều chuyện vỡ lở: ông ta lợi dụng vị thế của vợ, đã thao túng Viện hàn lâm Thụy Điển nhiều năm ròng. Đó ví như Viện trợ cấp cho ông ta nhiều khoản, núp bóng hoạt động văn hóa. Hoặc ông ta bán cho dân cá độ Nobel nhiều thông tin xét giải… Thế là uy tín bao đời (liêm chính, ngay thẳng, minh bạch) tức tính chính danh của Viện phút chốc sụp đổ. Nữ viện sỹ vợ của Arnault từ chức, nữ thư ký thường trực làm theo, rồi sáu viện sỹ nữa, Viện (18 thành viên) chỉ còn 10 người. Viện tê liệt. Nobel văn học 2018 đành tạm hoãn. Tức thì, hơn 100 người Thụy Điển (chủ hiệu sách, nhà xuất bản, thư viện, nghệ sỹ…) lập một viện hàn lâm mới, xét giải Nobel văn chương 2018, gọi là “Nobel văn chương bổ khuyết”. Lần đầu tiên trong lịch sử Nobel, công chúng toàn cầu được đề nghị giới thiệu ứng viên qua mạng, tuyển lựa sơ bộ. Cuối cùng, chốt lại ba người, trong đó có Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt. Đầu tháng 10/2018, viện hàn lâm mới bầu chọn Maryse Condé, cây bút nữ Pháp da màu, và ngày 10/12 năm đó lễ trao giải được tổ chức xúc động, tiền thưởng bằng 1/10 giải thông thường, do công chúng góp tặng. Ngay sau đó, viện hàn lâm Thụy Điển mới tự giải thể. Ý tưởng đổi mới Nobel văn học của viện đó - để độc giả rộng rãi tham gia bình chọn - không ai nói tới nữa. Năm nay, Maryse Condé được dân cá cược đưa lên tốp đỉnh. Viện hàn lâm Thụy Điển lần hồi bầu bổ sung đủ 18 thành viên. Đồng thời có 5 thành viên hoạt động độc lập. Năm 2019, lần thứ hai trong lịch sử Nobel văn học, hai giải (2018 và 2019) được công bố đồng thời. Giải 2018 cho Olga Tokarczuk, Ba Lan, thì ổn. Nhưng giải cho Peter Handke, thì bị phản đối. Hai viện sỹ độc lập của viện hàn lâm Thụy Điển tuyên bố rút lui mãi mãi. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra, một số nguyên thủ quốc gia, như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, phẫn nộ: “Trao Nobel cho kẻ ủng hộ tội diệt chủng ở Bosnie – Herzenovine là tôn vinh những vi phạm nhân quyền”.
Một cuộc tranh luận suốt từ mùa Nobel 2019, có ý “gỡ bí” cho Viện hàn lâm Thụy Điển, cũng chẳng mang tới cái gì mới. Câu hỏi tranh luận: Nhà văn có quyền tồi tệ trong đời tư không? Nhiều tật xấu, cư xử đểu cáng… của một số đại văn hào như Charles Dickenz của Anh được đưa ra, để nhấn mạnh rằng giá trị của nhà văn chỉ cần được cân đo đong đếm ở giá trị của tác phẩm. Như thường lệ, Viện hàn lâm Thụy Điển không rút lại giải đã trao cho cây bút Áo bị kết tội đồng lõa với kẻ chống lại nhân loại với bằng chứng rõ ràng. Giải năm nay chứng tỏ Viện vẫn trung thành với chủ trương của Nobel: khen thưởng những nhà văn có tác phẩm mang lý tưởng hùng mạnh. Như thế nghĩa là nhà văn phải dấn thân thực sự, tác phẩm phải có giá trị tích cực. Vì không dấn thân, nhiều ông khổng lồ đã bị bỏ qua: L.Tolstoi, E.Zola, M.Proust, J.Joyce, P.Roth (qua đời 2018, Hoa Kỳ)… Vì chất văn ngồn ngộn trong các công trình và thuyết trình, không ít người không phải nhà văn chuyên nghiệp đã được Nobel công kênh ngoạn mục. Đấy chả hạn nhà sử học Đức T.Mommsen, giải 1902, nhà triết học Pháp H.Berson, giải 1917, nhà bác học Anh B.Russell, giải 1950, thủ tướng Anh W.Churchill, giải 1953, ca sỹ Mỹ B.Dylan, giải 2016. Dù không dễ đạt tới, tiêu chuẩn nghệ sỹ ngôn từ như A.Nobel, người sáng lập giải, tâm niệm, quả là rất chuẩn. Hơn mọi công dân, nhà văn cần năng nổ trong hoạt động xã hội, vì tiến bộ của cộng đồng. A.Camus, Nobel văn học 1957, là một minh chứng cảm động. Sách của ông vẫn được đọc vào hàng kỷ lục. Hoạt động đường phố nồng nhiệt của ông cho tư tưởng hòa giải và hòa hợp sắc tộc và chính kiến vẫn được nhắc nhở bất tận và thiết tha…
Nguồn Văn nghệ số 42/2020