HIỆN TƯỢNG TRUYỆN NGẮN TIỂU THUYẾT HÓA TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Trong khi thực tiễn đời sống thể loại truyện ngắn đang ngày một trở nên sinh động thì vấn đề lý thuyết thể loại truyện ngắn lại không ngừng được tra vấn, bổ sung, thậm chí là đối thoại tranh biện với những lý thuyết truyện ngắn tưởng đã ổn định trước đây. Những phát biểu về truyện ngắn không ngừng ra đời nhưng lại không đễ đưa ra được một định nghĩa cho phép khái quát hết đặc điểm của các tác phẩm.
Điều này một mặt thuộc về bản chất của truyện ngắn với tính chất là thể loại chưa “hoàn bị”. Mặt khác, còn tùy thuộc vào sự đổi mới tư duy nghệ thuật, quan niệm về thể loại của chủ thể sáng tạo. Một phương diện cần phải nói tới là tính “lưỡng thê” của thể loại, về sự “gần gũi” giữa truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vấn đề thể loại và ranh giới thể loại truyện ngắn qua việc khảo sát hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong văn học Việt Nam đương đại. Bài viết từ chỗ xác định đặc trưng và lằn ranh của truyện ngắn trong tương quan với tiểu thuyết, sẽ khảo sát hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong văn học Việt Nam đương đại, qua đó trả lời câu hỏi truyện ngắn tiểu thuyết hóa là bản chất hay thuộc về ý thức làm “xô lệch thể loại” của chủ thể sáng tạo.
1.Truyện ngắn và tiểu thuyết – đặc trưng và lằn ranh thể loại
Đã có những quan điểm không tách bạch trên phương diện lý thuyết thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, bởi cùng thuộc phương thức tự sự, truyện ngắn và tiểu thuyết vốn có nhiều điểm tương đồng. Thực tế là có không ít tác phẩm khó có thể có được một tên gọi chính xác là truyện ngắn, truyện vừa hay truyện dài, bởi, tiêu chí về độ dài của một truyện ngắn không phải là con số cố định. Cũng lại có quan điểm cho rằng không có hình thức truyện vừa mà chỉ có truyện ngắn và truyện dài căn cứ trên tiêu chí truyện ngắn một tình huống và truyện ngắn nhiều tình huống. Cùng thuộc loại hình tự sự, giữa truyện ngắn và tiểu thuyết có những đặc điểm giao thoa. Trong nhiều định nghĩa về thể loại truyện ngắn, các nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác đã đặt truyện ngắn trong tương quan với tiểu thuyết. Có thể thấy, bên cạnh những quan niệm coi truyện ngắn là một thể loại độc lập với những tiêu chí rõ ràng thì cũng có những cách thức so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết để tìm ra đặc trưng của truyện ngắn. Cũng lại có những quan niệm coi truyện ngắn là “một loại tiểu thuyết rất ngắn”, truyện ngắn nằm trong phạm trù của truyện kể, truyện ngắn gần với tiểu thuyết, nghĩa là lấy tiểu thuyết làm điểm quy chiếu.
Dung lượng (độ ngắn, dài của tác phẩm) được xem là dấu hiệu định dạng, tuy nhiên thực tế sáng tác và nghiên cứu thể loại từ trước đến nay cho thấy không dễ tìm được định nghĩa thống nhất về thể loại truyện ngắn. Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng: “do năng lực ôm chứa của truyện ngắn ngày càng tỏ ra vô tận nên thể tài này trong những năm gần đây đã mang một tầm vóc lớn lao về tư tưởng và nghệ thật rất đáng nể trọng. Và đó là nguyên nhân khiến cho những định nghĩa về nó trong các sách giáo khoa kinh điển đã trở nên bất cập (1). Một phương diện đã được đề cập là dù tồn tại như một thể loại độc lập nhưng những vấn đề cơ bản của truyện ngắn cũng có thể nằm trong phạm trù tiểu thuyết. Bakhtin khi đề cập đến những vấn đề thi pháp tiểu thuyết thì cũng bao hàm trong đó cả những vấn đề thuộc về truyện ngắn. Trong công trình Những vấn đề thi pháp của truyện (Nguyễn Thái Hòa) khi phân chia các thể loại truyện thì thể loại tiểu thuyết đã bao gồm cả truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “truyện ngắn là một thể loại rất động. Nó không tự nhốt mình trong một khuôn phép nào (và có lẽ ở đây một lần nữa ta lại thấy sự giao thoa giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, không có ranh giới tuyệt đối giữa hai thứ đó” (2). Công trình Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh của tác giả Đào Ngọc Chương chủ yếu khảo sát truyện ngắn từ góc độ so sánh với tiểu thuyết. Theo tác giả công trình thì có thể xem truyện ngắn là một phác thảo của tiểu thuyết, một bộ phận của tiểu thuyết, là hạt nhân của tiểu thuyết. Có thể thấy, cả truyện ngắn và tiểu thuyết đều có các yếu tố nhân vật, tình huống, cốt truyện, kết cấu,… Giữa truyện ngắn và tiểu thuyết có sự giao thoa, những đặc điểm tương đồng và dị biệt, lằn ranh giữa truyện ngắn và tiểu thuyết đôi lúc rất mờ nhòe.
Dù định nghĩa truyện ngắn khá phong phú và quan niệm về thể loại này còn có nhiều điểm chưa đồng nhất nhưng truyện ngắn với tư cách là một thể loại thuộc loại hình tự sự vẫn có những điểm đặc thù. Tính chất ngắn của thể loại là dấu hiệu bề mặt. Với thể loại truyện ngắn thì tình huống và chi tiết được xem là các yếu tố quan trọng để khu biệt thể loại. Do sự khuôn định về dung lượng nên buộc người viết truyện ngắn phải chú ý đến những phương diện được cho là đặc trưng của truyện ngắn. Chi tiết, tình huống là những khía cạnh được chú ý khai thác. Chẳng hạn, ở truyện Hoa muộn (Phan Thị Vàng Anh), với dung lượng ngắn, chỉ với một vài nhân vật, lại xuất hiện trong quãng thời gian rất ngắn là những ngày giáp Tết và sau tết, người viết đã diễn tả thành công tâm trạng và cảnh huống của nhân vật bằng cách sử dụng những chi tiết và tình huống đắc địa: chi tiết dọn lá cho vườn mai. Giọng điệu uể oải, rời rạc do người viết cố tình tạo ra phù hợp với việc diễn tả tâm trạng và thực tại của một cô gái quá lứa lỡ thì, diễn tả một cuộc sống tù đọng và bế tắc của nhân vật Hạc. Truyện quả là rất ngắn theo đúng nghĩa đen của từ này nhưng lại có sức lan tỏa.
Truyện ngắn thường hạn chế về nhân vật. Người viết khó có thể rộng tay để khai triển hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng với nhiều lớp lang sự kiện, hành động và mô tả tâm lý nhân vật như trong tiểu thuyết, “với một dung lượng nhỏ hơn rất nhiều, truyện ngắn chỉ chớp lấy cái thần thái của nhân vật khiến nó phải bộc lộ tính cách bằng cách khoan sâu vào lớp đời sống bao quanh nhân vật”(3). Với tính chất ngắn, truyện ngắn đòi hỏi một độ dồn nén cần thiết để có thể chuyển tải hiệu quả thông điệp của người viết, bởi vậy “truyện ngắn thường mang lại những âm vang dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó”, chính vì thế, “đôi khi chỉ một truyện ngắn vài ngàn chữ, lại cho thấy một sự bao trùm về không gian, thời gian, lịch sử… rộng lớn của một cuốn tiểu thuyết trường thiên”(4). Vậy thì, dung lượng (ở đây là sự giới hạn về số trang) tỷ lệ nghịch với giá trị biểu đạt, với sức dung chứa, với những tầng nghĩa mà nhà văn muốn biểu đạt. Điều quan trọng là ở lối viết và khả năng sáng tạo các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn.
2.Hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong văn học Việt Nam đương đại
Trong văn học, sự tương tác thể loại là phạm trù từng được Bakhtin đề cập đến (theo Bakhtin, lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại). Từ góc độ thể loại có thể thấy văn học Việt Nam đương đại chứng kiến một quá trình xâm nhập, “di trú của nhiều loại hình, nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm”. Thực tiễn đời sống văn học cho thấy, một mặt truyện ngắn được sáng tác với những đặc điểm rõ ràng về đặc trưng thể loại, mặt khác nhiều truyện ngắn lại không có sự ràng buộc về tính quy ước thể loại, có sự biến đổi “trong bối cảnh chịu tác động của tiểu thuyết, tiếp thu đặc điểm của thể loại này”(5).
Truyện ngắn tiểu thuyết hóa được đặc trưng bởi các yếu tố. Thứ nhất, ở “sự dài hơi” (không đơn thuần là dung lượng tác phẩm mà ở khả năng phản ánh, sức ôm chứa nhiều vấn đề của đời sống). Thứ hai, ở phương diện nghệ thuật trần thuật, những bút pháp vốn nổi bật trong tiểu thuyết: sự luân chuyển các ngôi kể, đan xen các điểm nhìn, kết cấu đa tầng, kỹ thuật phân tích tâm lý nhân vật,...
Trên thực tế, sự tác động qua lại giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, ở đây là hình thức truyện ngắn tiểu thuyết hóa trong văn học Việt Nam đương đại có thể thấy trong nhiều trường hợp. Nhiều truyện ngắn được viết như những tiểu thuyết cô đọng: Tướng về hưu, Giọt máu, Con gái thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp), Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Những buổi chiều ngang qua cuộc đời (Đỗ Bích Thúy), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Nhân sứ (Hòa Vang), Nhiệt đới gió mùa (Lê Minh Khuê),... Nhận định về truyện ngắn những năm 90 nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Hình như bây giờ rất khó tìm thấy một truyện ngắn “thoáng chốc” kiểu Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu ngày xưa. Hầu hết mỗi truyện ngắn là cả một cuộc đời, một số kiếp, thậm chí một thời đại. Cầm cái truyện ngắn nghe nặng trịch trong tay. Dung lượng của nó là dung lượng của tiểu thuyết phơi bày tất cả mấy năm trước, nhưng nó lại ngắn – cái ngắn này là vô cùng quan trọng – ngắn, bắt buộc phải ngắn, cố tình ngắn, nên đã loại bỏ đi được rất nhiều tạp chất, để cho tác phẩm đặc sệt lại thành một thứ quặng ròng, nặng và nhọn. Nó ngắn, nên nó mạnh hơn tiểu thuyết, cái mạnh của mũi dùi, mũi lê” (6).
Một trong những biểu hiện của hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa là sự khai thác và biểu hiện đời sống theo chiều sâu, điều này làm cho truyện ngắn có một sức chứa lớn hơn khuôn khổ của nó, cho ta “cảm giác về những tiểu thuyết thu nhỏ”. Nguyễn Đăng Điệp nhận định về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: “Gia tài văn chương Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là truyện ngắn. Nhưng điều đáng chú ý là mỗi một truyện ngắn của ông lại mang sức nén của một tiểu thuyết trường thiên. Diễn đạt gọn hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được viết bằng tư duy tiểu thuyết” (7). Không chỉ là câu chuyện của vài ba nhân vật, Giọt máu (Nguyễn Huy Thiệp) là câu chuyện về một dòng họ, câu chuyện của nhiều con người, nhiều cuộc đời trải qua nhiều biến cố trong suốt chiều dài lịch sử gia tộc. Nhìn vào sơ đồ gia phả họ Phạm – một nội dung được Nguyễn Huy Thiệp đưa vào tác phẩm, cũng là sườn của câu chuyện – cơ sở của việc xây dựng cốt truyện truyện ngắn này, người đọc cũng có thể hình dung được tính chất phức tạp cũng như những mối quan hệ đa diện mà người viết có chủ ý đề cập tới. Xét ở khía cạnh tầm vóc phản ánh lịch sử và số phận con người như cách vẫn nói về tiểu thuyết thì truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã có được sức dung chứa lớn. Truyện ngắn Tướng về hưu có bóng dáng tiểu thuyết truyền thống. Tác phẩm được phân tách thành 15 phân đoạn đánh số La mã từ I đến XV, tương ứng với mỗi phân đoạn được đánh số là một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện về tướng Thuấn và gia đình ông qua lời kể của nhân vật xưng tôi – người con của tướng Thuấn. Theo cách hiểu về tiểu thuyết chương hồi của chúng tôi thì đó là tác phẩm có nhiều chương và nhiều hồi mỗi chương là một sự kiện, một kịch tính diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, trong tác phẩm thường có những lời dẫn, kiểu như “đoạn này kể chuyện”, “lời mào đầu”, “xin xem hồi sau phân giải”, “lại nói”,… Kết thúc mỗi hồi người viết thường có lời chú muốn biết diễn biến tiếp theo như thế nào thì người đọc hãy đọc tiếp và hồi sau sẽ rõ. Trong Tướng về hưu, ở nhiều phân đoạn, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng lối viết này bằng cách thêm vào các lời chú ở đầu mỗi phân đoạn, chẳng hạn: Trước khi kể tiếp, xin nói về gia đình tôi /Tôi quay lại đoạn kể cha con tôi bàn việc gia đình. Trong Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), có sự tồn tại đồng thời của nhiều mạch truyện: ngoài mạch truyện chính là Nhâm, có nhiều mạch truyện khác về sư Thiều, chú Phụng, ông giáo Quỳ.
Một trong những biểu hiện của tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn là ở sự xâm lấn của những phương diện kỹ thuật mà thông thường chỉ có trong tiểu thuyết. Nói Cánh đồng bất tận là truyện ngắn mang phẩm chất tiểu thuyết là có cơ sở. Khảo sát Cánh đồng bất tận trên các phương diện vốn dĩ có thế mạnh trong một tác phẩm tiểu thuyết như kỹ thuật di chuyển điểm nhìn trần thuật, kỹ thuật lắp ghép lồng truyện và kỹ thuật phân tích tâm lý, độc thoại nội tâm sẽ thấy được tính chất tiểu thuyết hóa truyện ngắn trong tác phẩm của cây bút nữ trẻ này. Không phải là tác phẩm có kiểu kết cấu nhân vật đa tuyến (vì số lượng nhân vật trong tác phẩm không nhiều với sự hiện diện của bốn nhân vật chính là Sương, Điền, người cha, cô gái điếm) nhưng tác phẩm có sự tồn tại của 3 cấu trúc tự sự song song: cấu trúc theo trật tự nhân quả, cấu trúc theo trật tự thời gian tuyến tính và cấu trúc theo dòng chảy tâm lý nhân vật. Truyện song hành hai hệ thống cốt truyện là cốt truyện sự kiện và cốt truyện tâm lý. Tuy nhiên, trật tự thời gian tuyến tính không được xây dựng trên một trục ngang với diễn trình rành mạch theo các lớp lang mà còn có sự đan xen bởi diễn biến nội tâm của nhân vật. Chính sự đan bện này làm cho tác phẩm vừa mang tính chất của một kết cấu đa tầng nhưng đồng thời lại có sự phân rã cốt truyện. Truyện ngắn có sự hiện diện của dòng chảy tâm lý nhân vật và người viết đã khai thác khá thành công khả năng phân tích, miêu tả tâm lý nhân vật với dòng chảy đan xen giữa quá khứ và hiện tại, hiện thực và suy tưởng. Kỹ thuật phối hợp độ căng chùng trong tiết tấu nhịp điệu – một đặc điểm của tiểu thuyết – được Nguyễn Ngọc Tư vận dụng đến tối đa khiến cho người đọc khi đọc tác phẩm còn có cảm giác như đang được xem một cuốn phim quay chậm, ở đó có sự chồng xếp giữa những xen (scene) ngoại cảnh và xen (scene) tâm trạng. Sự điều tiết nhịp điệu trần thuật, ở đây là sự hòa phối giữa nhịp điệu trần thuật trong tiểu thuyết: nhịp điệu chậm thể hiện “kiểu soi ngắm cuộc sống một cách trầm tĩnh” (Lê Lưu Oanh) và nhịp điệu nhanh, đột ngột, thường đẩy đến cao trào rồi kết thúc trong truyện ngắn đã làm cho tính chất tiểu thuyết hóa trong truyện ngắn này được thể hiện rõ.
Tính chất truyện ngắn tiểu thuyết hóa còn được thể hiện ở kỹ thuật liên kết các truyện ngắn tạo nên kiểu “truyện ngắn khung”, “truyện ngắn trong truyện ngắn” hay “truyện ngắn liên hoàn” trong các truyện Những ngọn gió Hua tát (gồm 10 truyện ngắn liên hoàn), Chút thoáng Xuân Hương gồm ba truyện: Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba. Một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu có sự gắn kết với nhau ở đường dây liên hệ của nhân vật, chẳng hạn nhân vật Khúng vừa hiện diện ở truyện ngắn này, vừa hiện diện ở truyện ngắn khác đều với tư cách là nhân vật chính (Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát).
Một phương diện cần phải nói tới ở tính chất tiểu thuyết hóa truyện ngắn là việc người viết sử dụng những chất liệu sẵn có trong một truyện ngắn đã viết trước đó hoặc từ một tiểu thuyết tác giả viết thành một truyện ngắn. Chẳng hạn truyện ngắn và tiểu thuyết Bóng giai nhân của Đặng Thiều Quang; truyện ngắn Lộc trời và tiểu thuyết Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng – tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội gần đây. Nguyễn Thế Hùng viết Họ vẫn chưa về dựa trên cấu tứ của truyện ngắn Lộc trời và có thể coi truyện ngắn là một phác thảo của tiểu thuyết. Ở những tác phẩm này sự tương tác thể loại được thể hiện ở sự gia cố những chất liệu hiện thực và kỹ thuật trần thuật. Đào Ngọc Chương trong công trình Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh đã khảo sát sáng tác của E.Hemingway và nhận thấy mối quan hệ đặc biệt giữa một số truyện ngắn và cực ngắn với tiểu thuyết của ông (chương 10 trong tập Trong thời đại của chúng ta, truyện rất ngắn trong tập Trong thời đại của chúng ta và tiểu thuyết Giã từ vũ khí). Ở trường hợp này truyện ngắn được xem là một phác thảo của tiểu thuyết.
3.Truyện ngắn tiểu thuyết hóa – bản chất hay ý thức làm “xô lệch thể loại” của chủ thể sáng tạo
Với những đặc điểm tương đồng và dị biệt, trong quá trình phát triển giữa truyện ngắn và tiểu thuyết có sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau. Theo kinh nghiệm của nhà văn Nguyễn Kiên thì tác động qua lại giữa truyện ngắn và tiểu thuyết là điều hiển nhiên, chí ít thì nó cũng đã dẫn đến những tìm tòi có chủ định về sự trộn lẫn hoặc đan xen, tận dụng khả năng liên phối với các hình thức tự sự khác: “Truyện ngắn trong suốt quá trình phát triển, luôn đứng trước một thách thức: phải làm sao sức chứa và sức nặng vượt thoát được ra ngoài cái khuôn khổ bé nhỏ mà nghệ thuật khuôn nó vào. Lẽ dĩ nhiên, truyện ngắn phải tự tìm tòi, đồng thời, nó cũng nhìn sang tiểu thuyết”(8). Về sự tương tác thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Nguyễn Thành Thi nhận định: “Tiểu thuyết và truyện ngắn là những thể loại mới hình thành, đang phát triển và biến đổi, “nòng cốt” của chúng chưa kịp rắn lại, còn trong trạng thái mềm, lỏng. Do vậy quá trình tương tác ở đây càng dễ tạo ra hiện tượng thâm nhập, giao thoa, tổng hòa khá tinh tế, phức tạp” (9).
Trong quá trình hình thành, phát triển và tương tác thể loại, cả truyện ngắn và tiểu thuyết sẽ có những biến thể. Ở đó “nòng cốt của tiểu thuyết như là kết quả của quá trình tổng hợp kinh nghiệm của truyện ngắn vào tiểu thuyết”(10). Với sự xuất hiện của nhiều sáng tác tiểu thuyết ngắn những năm gần đây, người đọc cũng có thể đặt câu hỏi: liệu tiểu thuyết cũng có lúc bị/được truyện ngắn hóa và thực tế là “tiểu thuyết có xu thế nghiêng về truyện ngắn bởi nó ngắn về dung lượng, ít nhân vật, thời gian và không gian không có quy mô lớn (…) còn truyện ngắn thì cố mở rộng phạm vi về phía tiểu thuyết (11).
Có thể thấy, sự xuất hiện của hiện tượng truyện ngắn tiểu thuyết hóa đã chứng tỏ sự biến động “trên bề mặt và trong cấu trúc tự sự” của thể loại truyện ngắn. Điều này gắn với quan niệm của nhà văn về thể loại, về văn học với mục đích nhằm chuyển tải hiện thực đời sống trong bối cảnh mới. Thể loại thường gắn liền với tính quy ước, với những yếu tố đặc định nhưng không phải là quy phạm cứng nhắc, bất biến. Không ít người viết truyện ngắn luôn có ý thức “khắc phục mọi sơ đồ”, “mọi đường mòn đã hình thành trong người viết và người đọc”. Đó cũng là nhu cầu làm mới thể loại thông qua những cách tân tự sự, những nỗ lực làm mới trên hành trình vận động và phát triển của đời sống thể loại. Qua khảo sát thực tiễn sáng tác truyện ngắn hôm nay có thể thấy các nhà văn đang có ý thức phá vỡ ranh giới của những quan niệm mang tính định giá về mặt thể loại. Sự giao thoa của các thể loại trong truyện ngắn thể hiện một cách thế tồn tại của thể loại trong bối cảnh mới: “Giống như chính cuộc đời này, mọi thể tài đều có khả năng biến hóa vô tận. Một khi đã có được cách nhìn nhận mới mẻ về đời sống, nếu nhà văn - ở đây là người viết truyện ngắn – còn tìm được hình thức thể tài thích hợp, và đẩy được những thể nghiệm của mình chín đầy tới mức trở thành những hình thức ổn định, bình thản, thì sức sáng tạo nảy nở không biết đâu là cùng, và sự đóng góp của nhà văn trong hình thức thể loại, cũng sẽ là không gì thay thế nổi”(12). Trong quá trình phát triển, truyện ngắn sẽ thu nạp những đặc điểm mới bởi sự tác động qua lại giữa các thể loại. Sự xâm lấn của các yếu tố tiểu thuyết vào truyện ngắn (hay còn có thể nói khuynh hướng tiểu thuyết hóa trong truyện ngắn đương đại Việt Nam), một phần là kết quả của quy luật nội tại trong quá trình vận động thể loại, mặt khác là bởi ý thức của người viết nhằm tạo nên những không gian nghệ thuật mới.
4. Kết luận
Thể loại không phải là yếu tố làm nên thành công của một tác phẩm, tuy nhiên việc lựa chọn thể loại lại gắn với “tạng” của mỗi người, chẳng hạn có người chỉ làm thơ hoặc chỉ viết và thành công với truyện ngắn hoặc tiểu thuyết và ắt hẳn khi viết nhiều về một thể loại, dần dà người viết sẽ tích lũy được những kinh nghiệm nghệ thuật. Với người tiếp nhận, bất cứ một thể loại văn học nào (như tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn,..) người đọc cũng có thể tìm thấy những ký ức văn học, những dấu hiệu định dạng. Mỗi thể loại là một kênh giao tiếp giữa nhà văn, người đọc và tác phẩm. Với người viết, ngay khi ý tưởng được hình thành và khai triển, nhà văn chắc hẳn sẽ có một khuôn hình thể loại. Còn người đọc, khi đọc một tác phẩm, những quy ước của thể loại sẽ phần nào chi phối cách mà người đọc tiếp cận tác phẩm đó, chẳng hạn sẽ có những tâm thế khác nhau khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, đọc truyện ngắn hiện nay, người đọc có thể bị “gây nhiễu” bởi sự pha trộn, sự tương tác thể loại. Rõ ràng sự “thuần khiết thể loại” không phải mục đích nhà văn hướng tới. “Không chịu khép mình vào các quy định lý thuyết của thể loại”, làm cho ranh giới thể loại trở nên mờ nhòe, phá vỡ ranh giới thể loại cũng là cách thức nhà văn tìm đến sự cách tân. Cũng có thể khái quát con đường hình thành và phát triển của thể loại truyện ngắn theo chiều hướng sau đây: từ “chưa có quy phạm đến chỗ quy phạm hóa” rồi “phá vỡ quy phạm để kiến tạo” thể loại theo những cách thức và thủ pháp nghệ thuật mới. Thể loại, bởi vậy, không bất biến mà luôn biến đổi./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1) Ma Văn Kháng, "Truyện ngắn, đôi điều tản mạn", in trong Phút giây huyền diệu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013, tr. 204 - 205.
(2) Nguyên Ngọc, "Nói về truyện ngắn", in trong Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 27.
(3), (4) Tạ Duy Anh, "Truyện ngắn – sự lóe sáng của ý tưởng", in trong Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 105
(5) (9) (10) Nguyễn Thành Thi. Văn học thế giới mở, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr. 54, tr. 57, tr. 56.
(6) Nguyên Ngọc, "Truyện ngắn hiện nay sức mạnh và hạn chế", tạp chí Thế giới mới, số 2/1992.
(7) Nguyễn Đăng Điệp, "Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp", in trong Vọng từ con chữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 154.
(8) Nguyễn Kiên, "Về tác động của tiểu thuyết đối với truyện ngắn", in trong Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Bùi Việt Thắng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 341.
(11) Nhiều tác giả, Lý luận phê bình văn học đổi mới và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr. 526 - 527.
(12) Vương Trí Nhàn "Sự sáng tạo trong truyện ngắn", tạp chí Văn nghệ quân đội số 10/1983.
Nguồn: Viện Văn học