Ống kính phê bình

3/6
3:24 PM 2017

THU BỒN: CHIM CH’RAO, ĐẤT BAZAN VÀ LỬA

THANH THẢO-Những người đã quen biết, đã chơi với Thu Bồn không ai có thể ngờ rằng anh - sừng sững như một chàng Đam San Tây Nguyên - lại có thể bị căn bệnh thường dành cho người ít vận động: huyết áp cao và xuất huyết não.

                                                   Nhà thơ Thu Bồn

Vậy mà Thu Bồn đã bị, không chỉ một lần, căn bệnh ác nghiệt ấy. Một người cường tráng, lực lưỡng, năng động, luôn chân luôn tay như Thu Bồn; một người lính từ tâm hồn đến thể xác, từ cách viết một bài thơ đến động tác gùi cõng, từ cách cầm con rựa đến cách cầm khẩu súng!

 

Tôi lần đầu được nghe thơ Thu Bồn vào một đêm giao thừa ở Hà Nội cách đây đã 40 năm. Trường ca Bài ca chim Ch’rao của anh gửi từ chiến trường miền Nam ra đã được hai giọng đọc thơ nổi tiếng của Đài Tiếng nói VN thể hiện trong chương trình văn nghệ trước giao thừa. Đó là “giờ vàng” của đài phát thanh (hồi đó chưa có truyền hình) và hàng triệu người dân miền Bắc lúc ấy đã được nghe thơ Thu Bồn, nghe hẳn một trường ca với hàng ngàn câu thơ.

 

Hồi đó, và mãi sau ngày giải phóng được gặp anh tại Sài Gòn, tôi vẫn có cảm giác như Thu Bồn là người Tây Nguyên. Thực ra, anh là người Quảng Nam, và Thu Bồn chính là dòng sông quê hương anh. Là người lính qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thu Bồn rất nhiều năm hoạt động trên địa bàn Tây Nguyên, và Bài ca chim Ch’rao chỉ là khúc dạo đầu cho những gì Thu Bồn đã viết về mảnh đất và con người Tây Nguyên. Có thể nói, anh là nhà thơ miền Nam đầu tiên viết trường ca theo đúng nghĩa của thể loại này, và ở lần đầu ấy, anh đã thành công. Bài ca chim Ch’rao được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu, được Giải thưởng Bông Sen của Hội Nhà văn Á - Phi. Đó là một giọng khan mới, với hình ảnh một anh hùng mới, một chàng Đam San mới.

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt đã đẻ ra một thế hệ những nhà thơ, nhà văn chống Mỹ. Trong những nhà thơ đầu đàn của thế hệ ấy, có Thu Bồn. Suốt mười mấy năm, anh liên tục chiến đấu, sáng tác, và người ta cũng không thể phân biệt đâu là nhà thơ, đâu là người lính ở Thu Bồn. Anh như cây kơ-nia của rừng đại ngàn. Sống cởi mở, bộc trực, Thu Bồn không có “địch thủ” nếu hiểu đó là người kèn cựa với anh hay ghét anh. Vì không một ai có thể ghét Thu Bồn. Anh giúp đỡ mọi người, luôn đi đầu, luôn xung phong nhận những phần việc nặng nhọc hay nguy hiểm nhất ở chiến trường. Và trong thời bình, anh cũng chẳng bao giờ cạnh tranh với ai về quyền lợi. Có lần đến chơi ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 Lý Nam Đế - Hà Nội), tôi thấy Thu Bồn đang đánh trần chia thịt lợn cho anh em. Có vẻ mọi người ở tạp chí này đều “tâm phục khẩu phục” cách chia thịt rất công bằng của Thu Bồn.

 

Hồi còn sống bên anh ở Trại Sáng tác Quân khu năm, khi tôi mới viết xong trường ca Những người đi tới biển đưa nhờ anh đọc giúp, anh đã khóc khi đọc tới đoạn: “Xin má cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh - Chưa tắt ngấn cười kia thì trăng khuyết lại tròn”. Có thể khóc vì một câu thơ của đồng nghiệp, của đàn em, đó là người công bằng tận tâm hồn.

 

Thu Bồn là nhà thơ rất mạnh về bản năng trong sáng tạo. Đó là một thứ bản năng trào cuộn, dữ dội như dòng Thu Bồn mùa lũ, nó khiến anh có thể viết trong một đêm hàng mấy trăm câu thơ, hàng chương tiểu thuyết. Tôi nhớ có lần ở một hội thảo văn học, Thu Bồn đã thức sáng đêm để viết tham luận. Sáng ra, anh em đùa anh: Sao “luận” gì mà “tham” thế! Hóa ra, anh thức để viết một tham luận dài 4 trang giấy bằng... thể văn xuôi. Những dòng thơ trào cuộn, phun ra như phún thạch núi lửa. Thu Bồn sau giải phóng có trường ca Bazan khát. Và đời anh cũng như đất bazan ấy, tươi đỏ và khao khát. Phía dưới vùng đất đỏ ấy còn ẩn giấu những ngọn lửa nào, thật sự chúng ta không biết hết được.

 

Anh đã sống mãnh liệt, đã yêu thương mãnh liệt, và có lẽ, đã chịu đựng mãnh liệt. Tôi biết ở Thu Bồn còn có phần thứ hai, phía sau vẻ ngoài mạnh mẽ của anh: rất giàu xúc cảm, nhiều lúc còn rất yếu đuối nữa. Anh không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ về anh. Và có thể đó chính là căn nguyên của cơn bạo bệnh mà anh mắc phải. Anh là người hào sảng, cởi mở, vui vẻ, ồn ào nữa, nhưng anh như cố giấu một nỗi niềm nào đó bên trong. Không một ai sống đơn giản mà lại thành nhà thơ cả. Thu Bồn càng như vậy. Vì anh đã là một nhà thơ lớn, một nhà thơ hiến mình trọn vẹn cho thơ. Nếu ở lần này, thơ không cứu được anh thì xin anh hãy yên nghỉ: Thơ anh sẽ còn lại với những người bình thường, những người yêu tha thiết cuộc đời này và cũng yêu thơ nữa. Những người có thể rất mạnh mẽ và cũng rất yếu đuối. Như anh.

 

Nguồn: NhavanTPHCM

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *