Ống kính phê bình

3/5
8:50 AM 2017

TIỂU THUYẾT VIỆT 2016 VÀ TÍN HIỆU MỚI TỪ THỊ TRƯỜNG XUẤT BẢN

HOÀNG NGUYỄN-Từ chỗ là một cuốn sách chỉ được lén lút chuyền tay những năm 1980, đến được xuất bản dưới hình thức “samizdat” (xuất bản ngầm) và phổ biến trên mạng internet vào năm 2005, đến trở thành một xuất bản phẩm của Công ty sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn được công nhận chính thức vào cuối năm 2016, tiểu thuyết Trư cuồng - nay đổi tên thành Chuyện ngõ nghèo - của Nguyễn Xuân Khánh đã đi qua nhiều “ngõ” hẹp để đến được đại lộ xuất bản.

 

Năm 2016, văn đàn Việt còn được chứng kiến sự tái xuất đĩnh đạc, đường bệ của tiểu thuyết Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh và sự tỏa sáng ngay từ tiểu thuyết đầu tay của hai tác giả trẻ, đó là Đinh Phương (sinh năm 1989) với Nhụy khúc và Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994) với Mộ phần tuổi trẻ. Đây là những tín hiệu tích cực phản ánh sự chuyển dịch của tiểu thuyết trẻ từ “ngôn tình”, “thị trường” sang “tinh hoa”, cũng như sự chuyển dịch về hướng thoáng mở của cơ chế xuất bản và phát hành sách văn học.
 
Chuyện ngõ nghèo, cuốn tiểu thuyết được Nguyễn Xuân Khánh viết từ năm 1981-1982, đã không đến được rộng rãi bạn đọc suốt hơn 30 năm, vì đề cập đến những vấn đề được mặc định là “nhạy cảm”. Tác phẩm là một nỗ lực tuyệt vọng của nhà văn trong việc làm chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử đặc biệt: giai đoạn hậu chiến, bao cấp - nơi diễn ra xung đột gay gắt giữa hiện thực và lí tưởng, nơi con người bị khốn đốn bởi cái đói và bởi bị kiểm soát về tư tưởng.
 
Ở nửa đầu tác phẩm, nhờ vào hình thức ghi chép nhật kí, hiệu ứng chân thực và trực tiếp được đẩy cao lên. Nhân vật Hoàng, từng là nhà báo, nhà văn, nay thất sủng, bị treo bút, kể lại câu chuyện mình say mê nuôi bốn con lợn nhằm kiếm bữa ăn độ nhật, những bữa ăn với thực đơn chủ đạo là khoai, sắn, mì và cám ngô. Phần thứ hai của tác phẩm là nơi tác giả bộc lộ tài năng tiểu thuyết khi sáng tạo ra một thế giới phản địa đàng, một hành trình vào hỗn mang của Cực Thiên Thai, khi cho nhân vật Hoàng ốm sốt mê man suốt một tháng ròng.
 
Từ bỏ hình thức nhật kí ở phần đầu, bằng bút pháp hiện thực lẫn kì ảo, Nguyễn Xuân Khánh đưa người đọc đi qua các thế giới mê sảng khác nhau. Có thể nói, ông là người đầu tiên của văn học Việt Nam viết những trang văn khoa học viễn tưởng về thế giới phản địa đàng. Bằng nội lực mạnh mẽ, tác giả đã sáng tạo ra một kiểu tự sự song trùng khi dần dần khai thác những nét giống nhau đến ngạc nhiên giữa hai thế giới của phần thứ nhất và phần thứ hai, để xoáy sâu vào bi kịch của nhân vật trí thức thời bao cấp, “ném ra một cật vấn đau đáu về bản tính con người”. Chuyện ngõ nghèo là hiện thân của nỗ lực xác lập, khẳng định vai trò tự sự của những cá nhân trong việc ghi chép lịch sử, lưu giữ kí ức tập thể.  
 
Đi tìm nhân vật, cuốn tiểu thuyết của Tạ Duy Anh được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 2002, bị tịch thu năm 2003, nay được Công ti sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản trở lại. Tác giả cuốn sách kiến tạo riêng mình một lối viết, có thể gọi tên là chủ nghĩa hiện thực thô ráp. Câu chuyện của tiểu thuyết tương đối đơn giản: một nhân vật đột nhiên có hứng thú đi tìm hiểu vụ án một thằng bé bị đâm chết ở một khu phố, và hành trình đi tìm đó mở ra bao quái dị.
 
Tạ Duy Anh đã thâu tóm được, một cách vô cùng tài tình và hài hước, cái không khí quẩn quanh đầy phi lí nhưng hiện tồn một cách mặc nhiên, tự nhiên. Tin đồn cứ thế lan truyền nhưng không ai biết sự thật về nó. Sự thật vĩnh viễn là một thứ ngoài tầm với, là cái không ai sở hữu được, nó bị khúc xạ, nhào nặn, hư cấu qua nhiều diễn ngôn. Đọc Đi tìm nhân vật, độc giả có cảm giác như gặp lại một Franz Kafka, hay một Samuel Beckett, nhưng rồi lại vẫn là một Tạ Duy Anh riêng khác, người đang kể câu chuyện về đô thị Việt Nam đương đại.
 
Đi tìm nhân vật còn là một tiểu thuyết đa thanh, phức hợp nhiều giọng kể, nhiều truyện lồng trong truyện, nhiều văn bản lồng trong văn bản. Chính hình thức này, cùng với việc viết lại những câu chuyện cổ tích ở phần phụ lục cuốn sách, củng cố thêm cái chủ âm của tác phẩm về quá trình bị cuốn đẩy và trượt nghĩa của sự thật. Sự thật không có bản gốc, chỉ có vô vàn dị bản.
 
Bên cạnh những đổi thay về cơ chế xuất bản, văn đàn Việt năm 2016 còn chứng kiến sự vừa trình hiện vừa tỏa sáng của những cây bút tiểu thuyết trẻ giàu nội lực thể nghiệm và sáng tạo.Nhụy khúc của Đinh Phương (Công ti sách Tao đàn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) vàMộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang (Công ti sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) đều vang vọng dồn dập những ảnh hưởng của văn chương nước ngoài (qua văn học dịch) lên văn học bản địa.

Phải chăng với hai tác giả trẻ này, sự viết cũng là nơi mà họ có thể trình diễn sự đọc của mình, để từ đó, mang đến cho người đọc cái đọc liên văn bản thú vị. Qua tác phẩm của họ, người làm nghiên cứu có thể nhận thấy rõ vai trò, vị trí của văn học dịch trong phức hệ văn học. Văn học dịch chiếm thế thượng phong trong khoảng 15 năm qua trên thị trường sách văn học ở Việt Nam, và đến lượt nó lại tạo ra dữ liệu, ý tưởng, cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn bản địa.
 
Người đọc có thể nhận ra mạng lưới liên văn bản trong tiểu thuyết Nhụy khúc của Đinh Phương. Đó là những yếu tố kì lạ bí ẩn bất khả giải theo kiểu Rừng Nauy cũng như thế giới tiểu thuyết của Haruki Murakami nói chung. Hay đó là lối viết hiện thực kì ảo với sự phối trộn, chồng đảo hiện tại và kí ức để tạo nên những khoảng không mơ hồ lớn theo kiểu Jorge Borges… Đinh Phương sáng tạo nhiều ngôi kể, giọng kể khác nhau, để cho nhiều tiếng nói cùng vang vọng, mang đến sự phức điệu và sự năng sản về tính đối thoại cho cuốn sách của mình.
 
Sự thử nghiệm còn nằm ở việc tác giả đan xen nhiều hình thức văn bản trong tiểu thuyết, đó là những mẩu cắt trên báo chí, là thơ, là hồi kí… Hình thức truyện trong truyện là một nỗ lực đẩy giới hạn tiểu thuyết căng ra tới điểm bứt. Đinh Phương, bằng việc học tập các kĩ thuật tự sự hiện đại, đã phiêu lưu trong sự viết, nhằm khai phóng những khả tính phong nhiêu của sự viết…
 
Với văn phong phiêu thăng, lối hành văn giàu nhạc tính, thi tính, lối kết cấu nhiều tầng bậc,Nhụy khúc đem đến nhiều khoái thú cho độc giả Việt. Tuy vậy, người đọc vẫn đòi hỏi cuốn tiểu thuyết này được đẩy lên ở mức cao hơn về chiều sâu tư tưởng, chiều sâu cá tính nhân vật, và nhuần nhị hơn, cao tay hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng lồng phối, tích hợp đa chủ đề, truyền dẫn nhiều thông điệp.
 
Mộ phần tuổi trẻ cũng là một văn bản tiểu thuyết chằng chịt liên văn bản, kể câu chuyện đời sống tinh thần lẫn thể xác của một cá nhân và của cả một thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975. Huỳnh Trọng Khang đã tiến hành trích dẫn và chỉnh sửa, học tập và biến tấu một cách đa dạng các đại thụ trong văn học và triết học. Đó là William Shakespeare, Vladimir Nabokov, Martin Heidegger... Không dừng lại ở hai mảng này, tác giả còn trích dẫn cả ca từ trong và ngoài nước, cả thơ của Du Tử Lê, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng… Cứ như thế, độc giả được đẩy vào một trò chơi tìm bắt nghĩa, tìm bắt nguồn gốc xuất xứ của các trích dẫn, cũng như tìm bắt môtíp truyện, lẫn câu chuyện được kể.
 
Chẳng hạn, cuộc tình của nhân vật chính với cô gái lai Neige vang vọng âm hưởng tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras, bàng bạc cả kịch Romeo và Juliet của William Shakespeare lẫn tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov. Hay chi tiết cú ngoạm chả giò của đôi trẻ nơi chợ Bến Thành giữa cơn bạo động có khả năng phát huy hiệu ứng như chi tiết cái bánh chấm trà trong tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, bởi nhờ nó mà gợi được cả một vùng kí ức về bữa ăn tại gia đình của các ông lớn trong chính phủ miền Nam Cộng hòa. Hay toàn bộ cảnh người anh trai dẫn bạn gái Mĩ về thăm nhà và tiếng cười man dại của họ vào ban đêm như vang vọng những trang tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez… Tuy nhiên, Mộ phần tuổi trẻ ở nhiều trường đoạn phô trổ sự đọc, sự ảnh hưởng một cách quá đà. Và người đọc có phần hẫng hụt khi phần kết của tác phẩm được khai triển hơi… kịch. 
 
Mặc dầu vậy, Nhụy khúc và Mộ phần tuổi trẻ vẫn thể hiện đầy đủ tiềm năng của những tác giả tiểu thuyết trẻ triển vọng. Thay vì theo đuổi dòng văn học thị trường, họ dồn tinh hoa, tinh lực vào việc tạo dựng phong cách riêng, nơi những thử nghiệm về mặt văn bản được đẩy cao, nơi họ thực thi ảnh hưởng để kiến tạo cái đọc liên văn bản hấp dẫn, thú vị. Người đọc tiềm ẩn, lí tưởng mà họ hướng đến khi thực hành sự viết là những người cùng chung vốn đọc, vốn “điển” văn chương, văn hóa với họ.
 
Cùng với sự trở lại một cách công khai, hợp pháp của hai cuốn tiểu thuyết của hai nhà văn gạo cội là Nguyễn Xuân Khánh và Tạ Duy Anh, sự trình làng ấn tượng hai tiểu thuyết đầu tay của hai tác giả trẻ là Đinh Phương và Huỳnh Trọng Khang có khả năng đem đến những trải nghiệm đọc tươi mới cho những ai kén đọc. Việc đọc và diễn giải những tác phẩm này, trên phương diện giá trị văn chương cũng như giá trị lịch sử, sẽ là công việc thú vị cho các nhà phê bình.
 
Thị trường sách văn học Việt, từ đây, hứa hẹn khởi sắc.
 
H.N (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *