ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI-MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
Bài viết góp phần luận giải một số vấn đề lý luận xoay quanh đồng thuận xã hội. Cụ thể là, tác giả đã: thứ nhất, trình bày cách hiểu riêng của mình về khái niệm đồng thuận xã hội; thứ hai, phân tích các đặc điểm và bản chất của đồng thuận xã hội; thứ ba, phân tích vai trò của đồng thuận xã hội với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội; thứ tư, làm rõ những cơ sở chủ yếu để xây dựng sự đồng thuận xã hội - lợi ích, mục tiêu và lý tưởng chung, công bằng xã hội, truyền thống văn hóa,…
Trong thời gian gần đây, khái niệm đồng thuận xã hội (Social Consensus) được đề cập nhiều trong các sách báo, tạp chí, cũng như trong các hội thảo khoa học và trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, hầu như chưa có một tài liệu nào nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống các vấn đề, khái niệm, nội dung, đặc điểm, cơ sở, điều kiện, cũng như, vị trí, vai trò… của đồng thuận xã hội đối với sự phát triển xã hội. v.v… Có thể nói, khái niệm “đồng thuận xã hội” mới chỉ được đề cập một cách sơ lược, lướt qua và còn nhiều vấn đề chưa đi đến thống nhất, thậm chí là trái ngược nhau.
Trong lịch sử phát triển của Việt Nam, đồng thuận xã hội đóng vai trò hết sức to lớn trong việc tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam từ xưa, cũng như trong sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân ta hiện đang tiến hành. Trong công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, việc phát huy đồng thuận xã hội là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội, ổn định chính trị; từ đó, tạo nên động lực thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều đó đã được Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức một cách hết sức sâu sắc. Cụ thể là, trong các văn kiện gần đây của Đảng, vấn đề đồng thuận xã hội luôn được đề cập đến. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: “Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội (tác giả nhấn mạnh)” (1). Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, làm thế nào để giải quyết được những mâu thuẫn xã hội (nhất là những mâu thuẫn về lợi ích), những bất bình đẳng, những sự chênh lệch giữa các vùng miền và khoảng cách giàu nghèo, v.v. đang ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp để tạo sự đồng thuận xã hội là một vấn đề vô cùng cấp thiết. Tất cả những điều đó cho thấy, việc nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống về vấn đề đồng thuận xã hội là một yêu cầu cấp bách, không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận mà còn có giá trị to lớn về mặt thực tiễn đối với nước ta hiện nay.
1. Khái niệm đồng thuận xã hội
Trong các Từ điển chuyên ngành, khái niệm đồng thuận xã hội rất ít được đề cập đến, nếu có thì cũng chỉ được định nghĩa một cách hết sức khái lược. Chẳng hạn, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học, do Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 2007, khái niệm “đồng thuận xã hội” được định nghĩa như sự “bằng lòng, đồng tình đối với những vấn đề quan trọng”(2). Trong Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp - Việt, đồng thuận xã hội được hiểu là “sự đồng tình rõ ràng hoặc ngầm định giữa phần lớn các thành viên của một nhóm, một đảng, một dân tộc, v.v. đối với một hành động, một chính sách hay các giá trị được thừa nhận”(3). Theo hai định nghĩa vừa nêu, nội hàm của khái niệm đồng thuận xã hội chính là sự bằng lòng hay đồng tình của các thành viên trong xã hội.
Trong Từ điển trực tuyến Wikipedia, khái niệm đồng thuận xã hội được giải thích theo hai nghĩa như sau: thứ nhất, đó là sự thoả thuận giữa các thành viên của cùng một nhóm hay cùng một cộng đồng nào đó, mà mỗi người trong nhóm ấy đều thực hành được một ý kiến nào đó trong việc hoạch định quyết định và hành động theo đó; thứ hai, đó là một lý thuyết và thực tiễn của việc tập hợp những sự thoả thuận như thế. Theo đó, nội hàm của khái niệm đồng thuận xã hội vẫn là sự đồng tình, ủng hộ. Quan điểm này đã xem xét khái niệm đồng thuận xã hội từ hai góc độ: lý luận và thực tiễn.
Trong tiếng Hán, thuật ngữ đồng thuận gắn liền với hai từ: 同順(đồng thuận, nghĩa là đồng tình, đồng lòng, thuận theo) và共識(cộng thức, nghĩa là cùng đạt tới một sự nhận thức chung)(4). Như vậy, nội hàm cơ bản của khái niệm đồng thuận là sự đồng tình, đồng lòng, hoà đồng, cùng chung và thuận theo. Tuy nhiên, đó không phải là sự đồng lòng, đồng tình để đi đến sự đồng nhất của tất cả mọi người, mà là trên cơ sở sự thoả thuận các ý kiến, quan điểm khác nhau cuối cùng đi đến một hướng thống nhất.
Cũng tương tự như vậy, một quan điểm khác cho rằng, “đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của đa số thành viên trong xã hội về một vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung”(5).
Qua tham khảo một số định nghĩa nêu trên, chúng tôi cho rằng, đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí hay tán thành, ủng hộ một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội đối với một vấn đề nào đó (chẳng hạn, một quan điểm, một chủ trương, đường lối, chính sách, một quyết định, v.v.) trên cơ sở những điểm tương đồng và cùng chung mục đích. Trong phạm vi rộng, đồng thuận xã hội được xem là sự đồng tình, nhất trí của đa số các thành viên trong xã hội, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, v.v. đối với những vấn đề chung của xã hội, hay đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước. Trong phạm vi hẹp, đồng thuận xã hội là điều kiện có tính khách quan đảm bảo cho sự tồn tại của một hệ thống chính trị xã hội, một tổ chức, một Đảng hay một nhóm xã hội nào đó, v.v. Sự tồn tại của bất cứ một hệ thống chính trị xã hội nào cũng đều phải được xây dựng trên cơ sở sự đồng thuận xã hội. Bởi lẽ, các đường lối, chủ trương, chính sách, nếu không có sự đồng thuận của các thành viên trong xã hội, sẽ không thể được thực hiện một cách hiệu quả, sẽ không thể trở thành hiện thực. Do đó, đồng thuận xã hội là cơ sở để hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội vận hành thông suốt; thể hiện sự phù hợp của chính sách phát triển kinh tế - xã hội với điều kiện lịch sử cụ thể, với quy luật khách quan, v.v..
Để đạt được sự đồng thuận xã hội, về mặt chủ quan, đồng thuận xã hội không thể đi ngược lại với lợi ích của các thành viên, các tầng lớp, các dân tộc, v.v.. Về mặt khách quan, đồng thuận xã hội không thể đi ngược với quy luật khách quan, quy luật phát triển chung của xã hội loài người.
Đối lập với đồng thuận xã hội là sự phản đối của xã hội. Sự phản đối của xã hội biểu hiện rất phong phú và với những mức độ khác nhau; chẳng hạn, biểu tình, phản kháng, thậm chí chống đối, xung đột. Mầm mống của sự phản đối xã hội chính là những mâu thuẫn xã hội. Do vậy, xây dựng đồng thuận xã hội, một mặt, nhằm ổn định đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển đất nước; mặt khác, là cơ sở, điều kiện để ngăn chặn, xoá bỏ mâu thuẫn, xung đột xã hội.
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, đồng thuận xã hội là một khái niệm của triết học chính trị, bởi nó gắn liền với sự tồn tại của các hệ thống chính trị. Cụ thể, đồng thuận xã hội không chỉ được xem là một mục tiêu căn bản của các hệ thống chính trị, mà còn là một phương thức tập hợp lực lượng quan trọng của các hệ thống chính trị đó. Trong chế độ phong kiến trước đây, cho dù “đồng thuận xã hội” chưa được xem là mục tiêu và động lực cho sự phát triển xã hội như quan điểm hiện nay, nhưng các triều đình phong kiến cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc thu phục nhân tâm, an dân, được lòng dân, được dân ủng hộ. Ở Trung Quốc và Việt Nam, trong lịch sử cũng như hiện tại, vấn đề “dân vi bản” hay bài học lấy dân làm gốc luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu.
Trong lịch sử tư tưởng phương Đông, tuy không có khái niệm “đồng thuận xã hội” nhưng nguồn gốc, mầm mống của nó có thể được tìm thấy trong học thuyết Tam tài của Nho giáo (thiên thời - địa lợi – nhân hoà), hay trong tư tưởng “hoà” của triết học Trung Quốc. Vấn đề “hoà” trong truyền thống tư tưởng Trung Quốc vừa thuộc về phạm vi luân lý đạo đức, vừa là một thái độ chính trị, thậm chí mang ý nghĩa bản thể. Theo đó, “hoà” là một trạng thái tồn tại của sự vật, hiện trượng; đồng thời, là cơ sở, nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng. Nho giáo hết sức coi trọng “nhân hoà”, coi “nhân hoà” cao hơn “thiên thời” và “địa lợi”. “Hoà” cũng chính là “hài hoà về lợi ích” - một trong những nhân tố quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhằm tạo nên sự đồng thuận xã hội; đồng thời, đó cũng chính là dung hoà các sự khác biệt, đề cao những điểm tương đồng – cơ sở của đồng thuận xã hội… Do đó, không chỉ trong truyền thống mà ngay cả trong giai đoạn hiện đại, Trung Quốc vẫn luôn coi trọng “hoà”, lấy đó là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị.
2. Đặc điểm, bản chất của đồng thuận xã hội
Qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng đồng thuận xã hội có những đặc điểm và bản chất sau:
Thứ nhất, bản chất của đồng thuận xã hội chính là giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập. Vấn đề làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa các thành viên, các lực lượng, giai tầng, các dân tộc, các tầng lớp, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, v.v.. để từ đó, tiến tới một thoả thuận chung, hướng đến mục tiêu chung là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Trong một xã hội, để đạt được sự đồng thuận xã hội, không thể giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, đặc biệt là các mâu thuẫn xã hội, bằng bạo lực, mà phải thông qua sự thương lượng, thoả thuận để đi đến sự đồng tình, nhất trí.
Việc giải quyết mâu thuẫn như vừa nêu ở trên, về thực chất, nhằm giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích, bởi chúng chính là những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến đồng thuận xã hội.
Thứ hai, bản chất của đồng thuận xã hội chính là sự liên kết xã hội. Vì vậy, đồng thuận xã hội thường được gắn liền với đoàn kết xã hội. Đó là sự liên kết giữa các thành viên trong xã hội, giữa các tầng lớp, dân tộc, giữa các nhóm lợi ích khác nhau, v.v.. Sự liên kết xã hội là một quá trình vừa tự giác, vừa tự phát; vừa có những yếu tố chủ quan, vừa mang những yếu tố khách quan. Cơ sở của sự liên hợp, gắn kết giữa các thành viên, các lực lượng trong xã hội có thể là lợi ích chung, mục tiêu chung, cũng có thể là truyền thống văn hoá hay các yếu tố chung khác. Tuy nhiên, sự liên kết đó không thể dựa trên những biện pháp có tính cưỡng ép. Nếu sự “thống nhất xã hội” được thực hiện trên cơ sở cưỡng ép thì nó không thể tồn tại vững chắc và sớm muộn sẽ bị phá vỡ.
Thứ ba, đồng thuận xã hội mang tính lịch sử cụ thể. Không thể có đồng thuận xã hội chung chung, phi lịch sử; đồng thuận xã hội luôn là sự đồng thuận đối với một vấn đề nào đó. Tính lịch sử cụ thể của đồng thuận thể hiện ở chỗ, một vấn đề có được sự đồng thuận trong giai đoạn lịch sử này chưa chắc đã đạt được sự đồng thuận trong những giai đoạn khác, điều này tuỳ thuộc vào việc vấn đề đó có còn là mục tiêu chung của toàn xã hội hay không? Nó có đi ngược lại lợi ích của các thành viên, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội hay không, v.v.. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, đồng thuận xã hội là điều kiện khách quan cho sự tồn tại của bất cứ hệ thống chính trị xã hội nào; do đó, trong mọi giai đoạn lịch sử, đồng thuận xã hội luôn là mục tiêu của các hệ thống chính trị.
Thứ tư, đồng thuận xã hội mang tính tương đối. Thực tế cho thấy, không thể có một sự đồng thuận xã hội “tuyệt đối”, có thể tồn tại ở bất cứ giai đoạn nào, bất cứ thể chế chính trị nào, bất cứ cộng đồng nào, xã hội nào, v.v.. Tính tương đối của đồng thuận xã hội còn thể hiện ở chỗ, ngay trong một giai đoạn, cũng không thể có sự đồng thuận của tất cả mọi thành viên trong xã hội về một vấn đề nào đó.
Thứ năm, mức độ của đồng thuận trong xã hội phản ánh mức độ đoàn kết cũng như sự ổn định, sự công bằng, dân chủ trong xã hội. Nghĩa là, nó phản ánh sự vận hành hợp lý của kiến trúc thượng tầng trong mối quan hệ hài hoà với cơ sở hạ tầng, cũng như phản ánh sự đúng đắn của các chủ trương, đường lối, chính sách, v.v.. Mức độ của đồng thuận xã hội còn biểu hiện sự vững chắc hay không của hệ thống chính trị - xã hội, cũng như của toàn bộ hệ thống xã hội. Đồng thuận xã hội có nhiều mức độ và hình thức biểu hiện khác nhau, nó có thể biểu hiện dưới hình thức sự ngầm định, cũng có thể biểu hiện một cách rõ ràng thông qua hành động hay thái độ.
Thứ sáu, đồng thuận xã hội cũng chính là giảm bớt và xoá bỏ sự khác biệt để xây dựng những yếu tố chung, tương đồng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là biến xã hội thành một khối đồng nhất, xoá bỏ cái riêng, cái đặc thù, triệt tiêu đấu tranh giữa các mặt đối lập. Đóng vai trò như là cái chung, đồng thuận xã hội vẫn chứa đựng trong nó những cái riêng, cái đặc thù. Giữa những cái riêng, cái đặc thù đó vẫn luôn có sự đấu tranh lẫn nhau, nhưng là đấu tranh trên cơ sở của mối quan hệ với cái chung, trong phạm vi cái chung. Sự đấu tranh đó giúp cho đồng thuận xã hội tiếp tục được phát huy và củng cố hơn nữa.
3. Vai trò của đồng thuận xã hội
Đồng thuận xã hội là một điều kiện khách quan cho sự tồn tại của mỗi một hệ thống chính trị - xã hội. Bất cứ một hệ thống chính trị nào, nếu không đạt được sự đồng thuận xã hội, tức là sự ủng hộ của các tầng lớp, các giai tầng, các thành viên trong xã hội, thì không thể tồn tại được. Do đó, đồng thuận xã hội được xem là một phương thức tập hợp lực lượng có tính khả thi nhất trong đời sống chính trị - xã hội của xã hội hiện đại. Sự tập hợp lực lượng đó dựa trên những tiêu chí mà các giai cấp, tầng lớp, các lực lượng xã hội dù có lợi ích khác nhau, nhưng vẫn có thể gắn kết ở mức độ nhất định và vẫn bảo tồn được những đặc thù riêng của mình, không bị hoà tan, không biến thành kẻ khác.
Mặt khác, đồng thuận xã hội cũng tạo nên sự ổn định, đoàn kết nhất trí của bản thân các hệ thống chính trị. Đồng thuận xã hội không chỉ tạo nên sự đoàn kết nhất trí của toàn xã hội, mà còn giúp cho sự đoàn kết, thống nhất ngay trong một đảng, một nhà nước, một tổ chức, v.v.. Điều đó có thể xem như điều kiện chủ quan cho sự ổn định của các hệ thống chính trị. Giữa điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nếu không có sự đồng thuận trong bản thân hệ thống chính trị, thì sẽ rất khó để xây dựng đồng thuận xã hội, ngược lại, đồng thuận xã hội sẽ giúp cho đồng thuận của bản thân hệ thống chính trị được tăng cường, củng cố và phát huy hơn nữa.
Ngoài vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và ổn định của hệ thống chính trị, đồng thuận xã hội cũng có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, giúp duy trì sự cân bằng, ổn định của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, cùng với các yếu tố khác, như khoa học - công nghệ, con người, công bằng xã hội, dân chủ, v.v., đồng thuận xã hội được coi là một yếu tố tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Bởi lẽ, đồng thuận xã hội là nền tảng tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc - yếu tố nội lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Theo nghĩa đó, đồng thuận xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Đồng thuận xã hội cũng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nên sự liên hợp, gắn kết xã hội. Trong bất cứ xã hội nào cũng luôn tồn tại nhiều thành phần, lực lượng, giai tầng khác nhau; vì vậy, việc làm thế nào để gắn kết các thành phần, lực lượng này thành một khối thống nhất là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Lịch sử của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, khi các thành phần, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, v.v. trong xã hội được gắn kết với nhau, tạo thành một khối thống nhất thì có thể tạo nên sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn.
Như vậy, đồng thuận xã hội không chỉ đóng vai trò động lực thúc đẩy xã hội phát triển, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh xã hội, giúp xã hội duy trì được sự ổn định, cân đối và hài hoà.
4. Cơ sở của đồng thuận xã hội
Khi đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đồng thuận xã hội và đoàn kết xã hội đối với sự phát triển của xã hội hiện nay, thì một vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng được đồng thuận xã hội; nói cách khác, cơ sở, nền tảng để xây dựng đồng thuận xã hội là gì? Theo chúng tôi, cơ sở của đồng thuận xã hội bao gồm các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, để xây dựng đồng thuận xã hội thì yếu tố đầu tiên và căn bản nhất là phải giải quyết được các mâu thuẫn xã hội, mà cội nguồn của các mâu thuẫn xã hội đó chính là vấn đề lợi ích. Lợi ích có thể là những lợi ích vật chất, có thể là những lợi ích tinh thần. Đồng thuận xã hội được xây dựng trên cơ sở bảo đảm lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội; không thể có đồng thuận xã hội khi mà lợi ích của các thành viên trong xã hội bị vi phạm hoặc không được tôn trọng, bảo vệ. Trong một phạm vi nhất định, có thể nói, mức độ đảm bảo lợi ích của các thành viên, lực lượng trong xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ đồng thuận xã hội; lợi ích càng được đảm bảo và giải quyết triệt để bao nhiêu thì mức độ đồng thuận càng tăng thêm bấy nhiêu. Nói như vậy không có nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào lợi ích cũng đóng vai trò là cơ sở quan trọng nhất của đồng thuận xã hội. Chẳng hạn, trong một số hoàn cảnh nào đó thì các yếu tố khác, như truyền thống văn hoá, công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội, dân chủ, v.v. lại đóng vai trò là cơ sở quan trọng nhất của đồng thuận xã hội.
Việc đảm bảo cho tất cả các thành viên trong xã hội đều được thoả mãn về mặt lợi ích là một việc vô cùng khó khăn. Bởi, nếu không giải quyết tốt lợi ích sẽ dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí cả sự xung đột trong xã hội. Do đó, việc đảm bảo lợi ích cho tất cả các thành viên trong xã hội để tạo đồng thuận xã hội cũng đồng thời là quá trình giải quyết mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa các thành viên, lực lượng, tầng lớp, v.v. trong xã hội. “Nếu quan niệm giải quyết mâu thuẫn mới chính là động lực của sự phát triển xã hội thì việc sớm phát hiện và giải quyết mâu thuẫn đóng vai trò quan trọng tạo ra sự đoàn kết và đồng thuận xã hội. Để tạo ra sự đồng thuận xã hội, đoàn kết hay thống nhất xã hội, chúng ta phải kịp thời phát hiện những mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn đó. Giải quyết kịp thời những mâu thuẫn là cơ sở cho sự đồng thuận và đoàn kết xã hội. Do đó, có thể nói, đồng thuận và đoàn kết xã hội là kết quả của việc giải quyết những mâu thuẫn xã hội”(6). Như vậy, việc đảm bảo lợi ích và giải quyết mâu thuẫn về mặt lợi ích là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đồng thuận xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết những mâu thuẫn xã hội khác, như mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, v.v. cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng đồng thuận xã hội.
Thứ hai, ngoài lợi ích, vấn đề mục tiêu chung, lý tưởng chung cũng là một trong những cơ sở quan trọng tạo nên đồng thuận xã hội. Khi tất cả các thành viên trong xã hội cùng hướng đến mục tiêu chung, lý tưởng chung thì đó sẽ trở thành tiền đề quan trọng cho đồng thuận xã hội, trong điều kiện mục tiêu chung đó không triệt tiêu lợi ích của các thành viên trong xã hội. Trong mỗi một giai đoạn lịch sử khác nhau, mục tiêu chung, lý tưởng chung cũng có sự thay đổi, chẳng hạn như trong giai đoạn trước đây là mục tiêu chống giặc ngoại xâm, mục tiêu độc lập dân tộc, còn ngày nay là mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì dân giàu nước mạnh… Nhưng nếu như mục tiêu chung, lý tưởng chung lại ảnh hưởng đến lợi ích của các thành viên trong xã hội thì rất khó có thể trở thành cơ sở để xây dựng đồng thuận xã hội. Do đó, mục tiêu chung, lý tưởng chung không được triệt tiêu những lợi ích riêng; nhưng trong một phạm vi nào đó, để đạt được mục tiêu chung, các thành viên, các tầng lớp, dân tộc, v.v.. đôi khi phải gác bỏ, thậm chí hy sinh lợi ích riêng của mình. Có mục tiêu chung, lý tưởng chung là điều kiện quan trọng để xây dựng đồng thuận xã hội, nhưng mặt khác cũng cần phải có sự nhận thức đúng đắn của tất cả các thành viên trong xã hội đối với mục tiêu chung, lý tưởng chung đó. Thực chất, đây là vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, v.v..
Thứ ba, một trong những cơ sở khác của đồng thuận xã hội là công bằng xã hội. Thực ra, việc đảm bảo lợi ích của các thành viên trong cộng đồng cũng như việc giải quyết các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là những mâu thuẫn về lợi ích, xét ở một góc độ nào đó, cũng chính là nhằm tạo ra công bằng xã hội. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm công bằng xã hội rộng hơn nhiều. Đó không chỉ là công bằng về lợi ích, mà còn là công bằng trong phân phối, công bằng trong phát triển, công bằng trong đối xử,… và đặc biệt, nó gắn liền với vấn đề dân chủ. Tuy nhiên, việc đảm bảo và giải quyết những mâu thuẫn về mặt lợi ích, nhất là những lợi ích vật chất không phải lúc nào cũng có thể mang đến công bằng xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển, thì công bằng xã hội và dân chủ dường như lại quan trọng hơn những yếu tố khác. Khi đó, để đạt được sự đồng thuận xã hội, đòi hỏi phải đối xử một cách công bằng và dân chủ đối với mỗi thành viên trong cộng đồng hay trong xã hội. Có thể coi công bằng xã hội là điều kiện khách quan và trách nhiệm xã hội là điều kiện chủ quan để tạo nên sự đồng thuận xã hội.
Thứ tư, trách nhiệm xã hội của cá nhân - một điều kiện tạo nên sự đồng thuận xã hội. Ngoài lợi ích của bản thân mình, các thành viên cần phải có trách nhiệm đối với sự phát triển chung của xã hội, cần phải hướng đến những mục tiêu chung. Việc đạt được trách nhiệm xã hội trước hết phải dựa trên nhận thức chung của các thành viên, các giai tầng trong xã hội đối với mục đích chung, lợi ích chung của toàn xã hội. Như trên đã nói, trách nhiệm xã hội như là điều kiện chủ quan của đồng thuận xã hội. Nó là vấn đề thuộc về đạo đức.
Thứ năm, tuy không đóng vai trò quyết định, nhưng truyền thống văn hoá cũng là yếu tố góp phần tạo nên đồng thuận xã hội. Nói đến truyền thống văn hoá tức là nói đến những phong tục tập quán, tín ngưỡng, thói quen và quy tắc ứng xử giữa người với người, giữa người với tự nhiên, v.v.. Dễ nhận thấy rằng, khi các tầng lớp, lực lượng, v.v. trong xã hội hay trong một cộng đồng nào đó có chung một nền tảng văn hoá, nghĩa là có những điểm tương đồng thì việc xây dựng đồng thuận xã hội sẽ diễn ra một cách thuận lợi. Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, nhân ái, khoan dung, đùm bọc lẫn nhau, v.v.. Đó chính là những nét đặc thù trong văn hoá người Việt, đồng thời là những yếu tố quan trọng gắn kết mọi người với nhau, tạo nên sự đồng thuận xã hội.
Trên đây là những nghiên cứu bước đầu về một số vấn đề lý luận của đồng thuận xã hội. Để có thể hiểu một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về đồng thuận xã hội, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề này từ nhiều góc độ, phương diện khác nhau.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.116.
(2) Trung tâm từ điển học Vietlex. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.544.
(3) Từ điển thuật ngữ chính trị Pháp - Việt. Nxb Thế giới, 2005, tr.143.
(4) Viện Ngôn ngữ học. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia. Từ điển Hán - Việt. Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001.
(5) Nguyễn Thị Lan. Xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay. Tạp chí Cộng Sản, số 23, 2007.
(6) Phạm Văn Đức. Vai trò và cơ sở của đoàn kết xã hội ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Triết học, số 1, 2008, tr.51.
Nguồn http://philosophy.vass.gov.vn (Tạp chí Triết học, số 7 (218), tháng 7 – 2009)
Nguồn: Văn hóa Nghệ An