Ống kính phê bình

30/5
10:19 AM 2017

NHỚ NGƯỜI LÃNG TỬ XỨ ĐOÀI

TRẦN THỊ TRÂM-Đã chín năm, làng văn, làng báo khuyết vắng nhà thơ - nhà báo Trần Hòa Bình. Cũng tròn chín năm, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền không còn được nghe những bài giảng tâm huyết của người thầy tài hoa ấy nữa.

                                       Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Trần Hoà Bình - Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng


Người lãng tử xứ Đoài, mảnh thiên thạch cô đơn như mây lang thang đầu ô đã lặng lẽ dời trần thế về cõi mộng, nhập vào Hội Tao Đàn phủ Quảng của Tản Đà, Quang Dũng… để lại niềm nhớ tiếc không nguôi cho gia đình, bè bạn, học trò và rất nhiều độc giả trẻ. 

Ra đi giữa tuổi tri thiên mệnh, lúc tài năng đang độ chín, nhưng người nghệ sĩ đa tài Trần Hòa Bình dường như mãi mãi thuộc về giới trẻ bởi ở anh luôn có sự kết hợp giữa một phong cách trẻ trung, với sự tinh tế, lịch lãm của một người nhiều trải nghiệm. Như không có tuổi, người đàn ông đó quanh năm diện bò cả cây, ba lô, tóc dài, cặp kính cận dày cộp, gương mặt thông minh và ăn nói thật có duyên bằng một thứ ngôn từ tinh lọc của lớp trẻ thời @.


Cho đến nay, Trần Hòa Bình đã có tới hàng ngàn bài báo đủ các thể loại với những bút danh đã trở nên quen thuộc: Tầm Thư,Tiến sĩ Giấy, Hà Trang… là tác giả của hàng trăm bài thơ tình, đã nhận được một số giải thơ, văn, hội họa và rất nhiều giải thưởng tinh thần cao quý từ sự bình chọn của các thế hệ học trò. Các em yêu mến anh, không phải chỉ vì thâm niên hơn 30 năm đứng bục, vì năng khiếu sư phạm, lòng say mê nghề nghiệp mà có lẽ bởi những kiến thức sâu sắc, nhuần nhuyễn anh đã cần mẫn chắt chiu được từ cuộc sống và từ sách vở.

Chăm đọc, chăm viết, đi nhiều và đặc biệt là sớm hoà nhập vào môi trường báo chí, những khả năng thiên bẩm của anh đã phát sáng và Trần Hoà Bình đã tìm thấy chính mình trong vai trò của một người thầy dạy nghề làm báo. Là một người có năng khiếu thơ ca, lại được đào tạo hết sức cơ bản về văn chương trong một trường Sư phạm danh tiếng, đi làm báo, Trần Hoà Bình đã nhanh chóng có được nhiều ưu thế. Nguồn cội văn chương đã là cơ sở, nền tảng vững chắc giúp anh làm báo thành công. Cũng giống như trường hợp Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh, Chu Văn Sơn,… anh đã mang đến cho nghề nghiệp mới của mình những sắc hương độc đáo.

Đặc biệt văn và báo đều là nghề viết, nghề của chữ nghĩa mà văn học chính là nghệ thuật ngôn từ nên những người học văn, viết văn khi sang làm báo đều dễ có cơ hội để thành công. Có thể nói rằng, văn hoá là nội lực mà nội lực chính là thực lực, là điểm tựa vững chắc để mỗi con người có thể cạnh tranh một cách lành mạnh. Nền tảng văn hoá, năng khiếu văn chương đã giúp Trần Hoà Bình có được một bút hồn và một bút lực dồi dào khi làm báo. Mặt khác, nhờ quá trình say mê tác nghiệp mà những bài giảng của anh đã chiếm được độ tin cậy cao bởi ngoài những kiến thức kinh viện, người thầy ấy còn truyền cho các nhà báo tương lai những ngón nghề quý báu.

Lãng tử, tài hoa và cũng rất đào hoa, tài năng của anh phát lộ sớm trên nhiều phương diện. Anh làm thơ, viết văn, viết tiểu luận, phê bình, vẽ tranh và rất yêu âm nhạc nhưng nghề mà anh thích nhất lại là nghề dạy học. Tất cả những kiến thức chuyên ngành và liên ngành ấy đã tạo nên một nhà văn hóa Trần Hòa Bình, người trí thức trẻ, nhà thơ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, vì vậy trong kỳ đại hội những người viết văn trẻ năm 1996, anh đã vinh dự được bầu vào Chủ tịch đoàn. 

Với đông đảo công chúng anh là một nhà thơ có chân tài và chân cảm nên thơ anh đã nối kết được những trái tim với những trái tim. Thơ Trần Hoà Bình trẻ trung duyên dáng, hấp dẫn, với không ít bài đã làm rung động trái tim rồi ngủ yên trong lòng độc giả. Thêm một nằm trong số ấy:

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù 
Thành ban mai tinh khiết...


Bài thơ đã được chép vào sổ tay, được truyền tụng rộng rãi trong giới trẻ học đường, được chọn in trong nhiều tuyển tập thơ, được dịch sang tiếng nước ngoài. Bởi ở đây , “Trần Hòa Bình đã kết hợp được cả hai sức mạnh của sự sắc sảo trải đời và sự tài hoa tinh tế”(1). Đó cũng là nét phong cách nghệ thuật độc đáo tạo nên cái duyên trong suốt hành trình sáng tạo của tác giả.

Ngoài Thêm một, các bài: Hát ru hoa sen, Thơ chiều, Khi mùa mưa đến, Cảm ơn cây duối hoa vàng, Bắt chước dân ca H'mông… cũng là những thi phẩm thường xuất hiện trên các chuyên mục thơ hay của các báo rồi trở thành những câu thơ trong trí nhớ bạn đọc: 

Nếu em yêu chồng thì thôi
Nếu không yêu chồng 
Em cứ gọi tên anh trong gió
Núi sẽ chìm và mây sẽ nổi
Anh sẽ về bên em 
Như tia nắng cuối cùng…


Trần Hòa Bình từng hai lần được giải thưởng thơ của báo Nhân Dân (1978) và Hội văn nghệ Hà Nội (1986). Hai lần giải thưởng tranh (1981, 1982). Năm 1997 tác giả lại được nhận giải B (không có giải A) cho tập truyện thơ Người đốt than tại cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tác phẩm đầu tiên anh trình làng vào năm lớp 3 là một bức tranh, còn bài thơ đầu tay thì mãi tới năm lớp 12 mới xuất hiện trên báo. Anh vẽ rất nhiều tranh, tranh tự họa, tranh xé giấy… và cũng thường xuyên viết văn xuôi cho thiếu nhi. Anh yêu âm nhạc và luôn tiếc nuối là mình chưa từng thử bút ở lĩnh vực này. Trần Hòa Bình cũng là người rất am hiểu Đường Thi vì thế mà cái cô đơn trong thơ anh luôn phảng phất, bảng lảng bóng dáng Trần Tử Ngang thuở trước.

Là nhà thơ viết phê bình, là nhà văn hóa đi tư vấn tình cảm tâm lý, anh đã thành công với bút danh Tầm Thư. Còn nhớ, cách đây 43 năm, khi lũ sinh viên lớp 1E, khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội chúng tôi vừa nhập học, còn lơ ngơ như bò đội nón, thì Trần Hòa Bình đã nổi tiếng bởi anh là người duy nhất được nhận điểm 10, cộng thêm 0,5 điểm thưởng cho bài luận trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học năm 1973, với yêu cầu bình giảng đoạn thơ của Tố Hữu:

Đi ta đi khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng
Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy
Hỏi đâu nước chảy cho điện quay chiều …


Không biết hưng phấn đến mức nào mà Bình đã thổi được hồn thời đại vào bài thi đến nỗi có thể ma mị được các thầy cô đáng kính, cẩn trọng trong ban giám khảo kỳ thi nghiêm túc và minh bạch lúc đó. 

Chúng tôi học cùng lớp lại sinh hoạt cùng tổ, tổ 3 có anh Trần Nam Cân làm tổ trưởng. Rồi trời xui thế nào của số phận, khi tôi chuyển về công tác tại Trường Tuyên huấn Trung ương (Nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) được ít năm thì lại thấy Hòa Bình lù lù đi coi thi cùng. Chúng tôi tuy rất quý trọng nhau nhưng do cái tạng riêng mà không phải là những người tri kỷ. Nhưng nếu có điều gì tôi không biết, hỏi thì thế nào Bình cũng nói tôi nghe một cách kỹ lưỡng, tận tình. 

Là thầy giáo, Trần Hòa Bình được học trò yêu quý, nể trọng bởi anh đã kết hợp được năng lực sư phạm với một kiến thức uyên thâm. Anh quan niệm dạy nghề là phải có nghề, nghề dạy nghề. Giờ giảng của anh sinh viên ít khi vắng mặt. Đào hoa, say mê nghề nghiệp anh sẵn sàng truyền nghề cho các bạn trẻ. Giống như những nhà báo tài hoa trước cách mạng tháng Tám, anh là mô hình kép của những nhà báo nghệ sỹ Việt Nam.

Trần Hòa Bình là người rất chăm đọc, chăm học. Cái sự học ở anh đã biến thành nội lực, giúp anh không ngừng sáng tạo, làm nên phong cách lịch lãm, tinh tế, sang trọng của người nhiều trải nghiệm, giúp anh dễ dàng trở thành người của công chúng.

Có điều rất lạ: trông bề ngoài tài tử, thích phiêu lãng, rong chơi là thế nhưng anh lại là con người của truyền thống: tận tụy với công việc, ân tình với mọi người, hiếu thảo với mẹ cha, hết lòng vì con cháu và lại còn rất có trách nhiệm với những việc công đức của xóm làng, họ tộc. Trần Hòa Bình đã từng lặn lội vất vả đi tìm bằng được tác giả của bài thơ Đi học, tích cực góp sức làm gia phả họ Trần, nhiệt thành với đồng hương Hà Tây quê lụa...

Phương châm sống của anh, giống như câu ngạn ngữ của Trung Quốc: “Không có gì thú bằng đọc sách, không có gì cần bằng nuôi con”. Và theo Hà Trang, cha cô là người đàn ông rất đỗi dịu dàng. Có lẽ, anh chính là người đã góp phần làm nên thương hiệu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khi anh mất, Phạm Viết Tùng, em học trò vừa đỗ vào trường, đã tâm sự: Năm lớp 11 vì nhìn thấy hình ảnh lãng tử của thầy trên một tờ báo mà em đã quyết định thi vào ngôi trường có người thầy đáng kính, đáng yêu để được làm học trò của thầy, vậy mà sao thầy đã vội đi xa!

Trong buổi tiễn đưa anh vào cõi vĩnh hằng không chỉ có rất đông bạn bè, đồng nghiệp, học trò… mà có cả bà cụ già bán rau đầu ngõ, chú Tịnh mổ lợn ngoài chợ Xanh, ông chủ nhà hàng cơm Xưa và cả ba cụ già đại diện Ban khánh tiết đình Lim, xứ Kinh Bắc…

Những ứng xử văn hóa, những tấm lòng cao đẹp ấy chỉ có thể cắt nghĩa được bởi khi còn sống anh thường biết lặn xuống tận đáy nỗi niềm của chính mình để có thể chạm được vào nỗi đau của người khác. Vậy mà, Trần Hòa Bình ơi:

Lẽ nào lá đã rụng
Về với đất thiên thu
!(2)


Nguồn: Văn, nghệ Quân đội

------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hoàng Sơn, Tiền Phong Chủ nhật, số 39, ngày 9/11/1991
2. Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, 19/8/2008, ngày tiễn Trần Hòa Bình về cõi vĩnh hằng

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *