Ống kính phê bình

12/5
5:10 PM 2019

DƯỜNG NHƯ VẪN CÒN GÌ NỮA

Sáng 10/5/2019 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học và Công ty sách Như Book đã giới thiệu đến bạn đọc hai cuốn sách viết về nhà thơ Bích Khê - thi sĩ tài hoa của Trường thơ loạn: Ngày đó có em của nhà thơ Đinh Hùng và Lưng trời bóng nhạn của nhà thơ Quách Tấn.

Đinh Hùng và Quách Tấn là hai trong những người bạn thân, người viết cùng thời với Bích Khê. Họ đã cùng với nhau có những tình bạn đẹp và làm nên không khí văn chương của “Một thời đại trong thi ca” mà Hoài Thanh đã nói trong Thi nhân Việt Nam.

 

Nhà thơ Bích Khê (1916 - 1946), cùng với người bạn thân thiết là Hàn Mặc Tử đã thêm tên mình vào danh sách những nhà thơ tài hoa vắn số. Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng Bích Khê lại có một đời thơ nhiều thành tựu, là một trong những nhà thơ ấn tượng của phong trào Thơ mới. Hàn Mặc Tử khi còn sống đã viết những lời đẹp đẽ dành tặng Bích Khê: “Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc... Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự đau khổ...”.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm nhận định: Nếu nói thơ Hàn Mặc Tử là vần thơ điên thì thơ Bích Khê là những vần thơ cuồng. Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Hoàng Diệp đã tạo nên Trường thơ loạn, họ đi bên nhau nhưng mỗi người lại có một bản sắc riêng. Đến nay đã có nhiều công trình đưa Bích Khê trở lại vị trí xứng đáng, chứng tỏ những giá trị tinh hoa sẽ trường tồn với thời gian. Và như nhà phê bình Hoài Thanh đã nói về trường hợp thơ Bích Khê, “dường như vẫn còn gì nữa” mà chúng ta cần phải khám phá.

Ngày đó có em kể về những người phụ nữ đi qua đời thi sĩ Bích Khê, bằng những bài thơ tình đầy luyến nhớ. Qua đó cũng khắc họa chân dung một Bích Khê yêu say đắm, điên cuồng nhưng luôn chọn cách chia xa để bảo toàn sự cao đẹp của tình yêu (“Không cần lấy nhau, chúng em vẫn có một cách yêu mà gia đình, pháp luật cùng khuôn sáo lễ nghi không xâm phạm tới được. Đó là yêu nhau trong tâm hồn, với lời hứa vợ chồng trong tim óc...”). Thi sĩ chọn sự chia xa, cô lẻ của lứa đôi, và viết nên những vần thơ chất chứa nhiều sầu muộn: Hạnh phúc ngoài trời nhiều vẻ đẹp/ Em đừng vướng bận ái ân xưa/ Lòng anh chẳng muốn em đau tủi/ Đơn lẻ chân trời cánh nhạn thưa.

Với sự lãng mạn vốn có của ngòi bút Đinh Hùng, kết hợp với những câu chuyện tình đẹp đẽ, buồn bã của Bích Khê, cuốn sách Ngày đó có em là những áng văn chương man mác, bâng khuâng và xa xót về tình yêu. Nhưng quan trọng hơn, ở đó toát lên khí khái, tâm hồn Bích Khê và lí giải về sự ra đời của những vần thơ mà đến ngày nay người đọc chưa thôi rung cảm: Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.

Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ ấn tượng với sự táo bạo và trực tả trong thơ Bích Khê, đặc biệt là hàm lượng thi tính, nhạc tính. Anh khẳng định, cho đến bây giờ Bích Khê vẫn là nhà thơ duy nhất viết thơ toàn tiếng có thanh bằng hay và thành công. Sự ma mị trong những vần thơ ấy làm nên sức cuốn hút và mở ra những trường liên tưởng khôn cùng.

Lưng trời bóng nhạn ghi lại những quãng đời, những cuộc tình riêng của Bích Khê và đi sâu vào khám phá đời thơ của ông với những nhận định sâu sắc của tác giả cũng như của những bạn văn cùng thời.

Là nhà thơ được Hoài Thanh giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam với tư cách là một trong những nhà Thơ mới xuất sắc nhưng Bích Khê là nhà thơ đi ra từ địa hạt thơ cũ. Tuy nhiên cũng chính Bích Khê thời ấy là người khẳng định: Thơ không có mới cũ, chỉ có thơ dở và thơ hay. Bích Khê đã có một “cú nhảy vọt” của chính mình khi có những vần thơ làm “xôn xao dư luận” thuở ấy: Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ/ Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này/ Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?/ Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm... (Tranh lõa thể).

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: Bích Khê đã có đóng góp rất lớn cho Thơ mới. Những tác phẩm của ông cho thấy đó là một tên tuổi lớn, một người tài thực sự, tiếc là cuộc đời ấy quá ngắn ngủi. Thơ Bích Khê là sự điên cuồng, cũng không ít nhận xét thơ ông là dâm thi. Thế nhưng đi hết những điều đó ta sẽ nhận ra nhà thơ tìm về với tôn giáo, và có tôn giáo của riêng mình.

Qua những thi phẩm để lại cũng như qua lời các bạn văn, các nhà nghiên cứu thì Bích Khê là một nhà thơ tài hoa, cốt cách. Có một phong cách thơ riêng biệt, độc đáo. Những liên tưởng, hình tượng trong thơ ông luôn gây nên sự bất ngờ và làm nên sự rung động sâu sắc.

Nhà thơ Từ Hồng Sơn cảm thán: Gần trăm năm sau chúng ta mở trang sách và lần hồi về những giấc mơ yêu mà chàng thơ mang nặng. Cũng đâu đó là cách lí giải rất độc đáo và không kém phần căn cứ cho Trường thơ loạn của Bích Khê.

TÙNG QUÂN (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *