THI SĨ NGỌC LÊ NINH TỪ “THƠ MỞ CỬA” ĐẾN “THƠ MẤT NGỦ” VÀ 12 CA KHÚC TRỮ TÌNH SÂU LẮNG CỦA NHẠC SĨ TRẦN NGỌC
THI SĨ NGỌC LÊ NINH TỪ “THƠ MỞ CỬA” ĐẾN “THƠ MẤT NGỦ” VÀ 12 CA KHÚC TRỮ TÌNH SÂU LẮNG CỦA NHẠC SĨ TRẦN NGỌC
Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Ngày 12.8, tại nhà Thái học trong khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, đã diễn ra chương trình giới thiệu thơ-nhạc mang chủ đề “Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc” với 12 ca khúc của nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Trần Ngọc phổ nhạc 12 bài thơ của nhà thơ trẻ Ngọc Lê Ninh (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) với sự biểu diễn của nhiều ca sĩ chuyên nghiệp và sự có mặt của các bạn bè đồng nghiệp văn chương và nghệ thuật.
Ngọc Lê Ninh tên thật là Lê Ngọc Ninh, sinh năm 1969, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, tiến sĩ mỏ-địa chất đã in 3 tập thơ tại NXB Hội nhà văn. Anh làm thơ từ thời đi học và cách đây hơn 20 năm đã tham gia một số Câu lạc bộ thơ sinh viên tại Hà Nội . Các tập thơ đã in cho thấy Ngọc Lê Ninh là một hồn thơ trong trẻo, dung dị và đằm thắm, thiết tha với cuộc đời này. Thơ Ngọc Lê Ninh là tiếng lòng nhiều xao động và trăn trở với tình yêu, tình người và tình đời.
Và hôm nay, các bài thơ mang âm hưởng trữ tình của Ngọc Lê Ninh đã được nhạc sĩ Trần Ngọc phổ nhạc trong chương trình ra mắt rất trang trọng này. Tôi chợt nhớ cũng trong những ngày thơ Việt Nam rằm tháng giêng tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ngọc Lê Ninh có mấy lần được mời tham gia sân thơ trẻ và là một trong mười gương mặt thơ mới được giới thiệu trong ngày Hội thơ.
Những bài thơ lãng mạn trữ tình của Ngọc Lê Ninh dường như tìm thấy “đất diễn” của thơ mình, nơi cảm xúc thơ được gieo trồng một cách tự nhiên với những hình ảnh thơ giầu chất thơ sinh viên, thơ tuổi học trò cứ tuôn trào như một sự hối thúc của vần điệu. Cái dí dỏm, nghịch ngợm đáng yêu ấy của tuổi trẻ có khi lại đậm chất đồng dao. Thơ tình của anh mang một sắc thái lạ bởi những cảm hứng nồng nàn trước vẻ đẹp duy mỹ của con người và thiên nhiên.
Còn những bài thơ mang tính thế sự của Ngọc Lê Ninh lại cho thấy nỗi trăn trở của thi ca trước cuộc đời, trước số phận con người và sự gắn bó của nhà thơ với non sông đất nước như cái tựa đề Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc đang diễn ra tại đây.
HAI CHIỀU TỔ QUỐC
Thời gian vít còng lưng mẹ
Nhưng kéo thẳng lưng con
Như dáng hình hào khí nước non.
Mẹ đi tìm thời con gái sắc son
Từ khói lửa nắng mưa bão tố
Mắt níu lại từng bước chân quá khứ.
Con đi tới ngày mai
Bàn tay mẹ nâng con đến tương lai
Cùng lời thề bất tử.
Mẹ mơ về một thời thiếu nữ
Như đàn chim con không vương bụi trần
Bay vào bầu trời hạnh phúc sáng trong.
Mẹ cho con niềm tin khát vọng
Theo nhịp thở hành quân
Từ đồng quê tới rừng biển xa khơi
Trái tim con dâng trào hương mới
Vì Tổ quốc
là
Mẹ - Con
Xanh
vọng
hai chiều.
Thơ Ngọc Lê Ninh có 2 mảng thơ chính: Thơ tình yêu và Thơ thế sự. Thơ tình yêu của anh thì lãng mạn bay bổng trên nhiều cung bậc của cảm xúc tự sự. Còn Thơ Thế sự của anh có nhiều nỗi đời, nỗi người với những trường liên tưởng khá sâu sắc về thời đại về đất nước như trong bài Thơ mở cửa viết cách đây hơn 20 năm vào thời điểm đất nước bước vào thời đổi mới, hội nhập với những câu thơ như được gạn chắt ra từ trong máu thịt đời sống của tác giả:
THƠ MỞ CỬA
Đêm nay từng con chữ
Bò trên giấy nghẹn ngào
Thơ nằm như tắt thở
Đời mình sẽ ra sao?
Thời mở cửa xôn xao
Người kiếm tiền như nước
Thơ mở cửa ai vào
Chỉ Tôi – Anh biết được.
Giữa dòng đời xuôi ngược
Bao kẻ lo sang giàu
Bao kẻ không nhà cửa
Bao kẻ lừa dối nhau.
Tôi nằm nghe đớn đau
Của bao người đã chết
Nơi đồi cao vực sâu
Mộ phần chưa ai biết
Tôi nằm nghe đói rét
Trong cuộc chiến điêu tàn
Rưng rưng dòng ly biệt
Rơi đau ngày bình an.
Vết thương còn râm ran
Hờn căm chưa tát cạn
Choáng ngợp mắt thời gian
Xóa thù xưa – thành bạn.
Thương anh người trúng đạn
Thương Mẹ đợi trắng đầu
Thương người chui đất bạn
Khóc than cùng biển sâu.
Này mắt xanh đen nâu
Những màu da tiếng nói
Hãy cùng nhau nguyện cầu
Đừng gây thêm lửa khói
Đừng gieo thêm tội lỗi
Trên mặt đất hao gầy
Đừng để chồi xanh chết
Trước lá cành run cây.
Hơn hai chục năm sau, với bài Thơ Mất Ngủ, Ngọc Lê Ninh lại cho thấy sự cháy sáng của dòng thơ thế sự nơi thi ca anh khi chia sẻ sự rung động với những cảnh báo đỏ cấp bách trước thảm nạn suy thoái môi trường sống ở nhiều nơi trên đất nước ta:
THƠ MẤT NGỦ
Đêm mất ngủ bên dòng sông vừa chết
Hồn sóng kia lưu lạc ở phương nào?
Nghe cát sỏi đầu thai vào kiếp khác
Mất sông rồi! Tôi khóc vỡ chiêm bao!
Đêm không ngủ bên cánh rừng sắp chết
Hồn cây đi lảo đảo giữa sương tàn
Nghe ám ảnh những đời ma lẩn khuất
Rừng đâu còn! Tôi gục xuống mê man...
Đêm đói ngủ bên những loài thú đói
Đói rừng xanh, đói sông suối cạn nguồn
Đói mùa sống trong đất trời tàn lụi
Cả muôn loài bên vực thẳm hoàng hôn!
Đêm mất ngủ cả muôn loài hết ngủ
Mắt trừng trừng chúng căn vặn nhìn tôi:
Chính các người gây bao mùa thảm họa
Trái Đất buồn đau đớn hóa mồ côi!
Đêm khát ngủ bên mây ngàn khát thở
Cả ngàn sao hấp hối giữa tro tàn
Bầu sinh quyển còn chăng sau tiếng nổ
Đau một trời khói bụi mắt thời gian...
Có thể nói từ “Thơ mở cửa” đến “Thơ mất ngủ” là hai dấu mốc rất quan trọng trong hành trình thơ của Ngọc Lê Ninh hơn hai chục năm qua. Đó là tiếng nói công dân của một thi sĩ luôn hướng ngoại khi mở rộng cánh cửa tâm hồn mình nối kết với những vui buồn của con người đương đại và non sông đất nước này.
Và ngày 12.8 ở khu di tích lịch sử đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tới 12 bài thơ của Ngọc Lê Ninh được ngân vang lên trong những giai điệu trữ tình thiết tha, sâu lắng của nhạc sĩ Trần Ngọc để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam trong những năm tháng qua, cùng khát vọng thương yêu cháy bỏng trong những bản tình ca mang âm hưởng sắc điệu dân gian truyền thống tinh tế lắng đọng của nhiều vùng miền.
Khi một nhạc sĩ phổ tới 12 bài thơ của một tác giả như sự lên đồng của cảm xúc trong một thời gian ngắn, có người e ngại cho rằng có thể có sự trùng lặp và thiếu đa dạng của nghệ thuật âm nhạc? Nhưng rất may điều ấy đã không diễn ra, bởi mỗi ca khúc đã như một sự phát hiện mới về giai điệu mang vẻ đẹp riêng của những loại hình âm nhạc cả truyền thống và hiện đại đã được nhạc sĩ Trần Ngọc chuyển tải khá nhuần nhuyễn.
Có thể nói nhạc sĩ Trần Ngọc đã thêm một lần nữa viết lại, sáng tạo lại 12 bài thơ của Ngọc Lê Ninh bằng âm nhạc, bằng chính những hơi thở cảm xúc hòa quyện giữa nhạc sĩ và nhà thơ là hai đồng tác giả của những ca khúc này. Nhà thơ Ngọc Lê Ninh sẽ là người rất hạnh phúc khi thấy những đứa con tinh thần của thi ca mình hôm nay sẽ khoác lên người tấm áo mới của trường mỹ cảm âm nhạc và nhạc sĩ Trần Ngọc cùng các ca sĩ nổi tiếng có mặt biểu diễn hôm nay chính là những người đã làm giầu có thêm về mặt nghệ thuật cho 12 bài thơ cũng như sẽ bổ sung vào gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trần Ngọc 12 ca khúc mới.