“CẶP BÀI TRÙNG” NHÀ THƠ - DỊCH GIẢ
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, phụ trách Ban Đối ngoại đã soạn thảo đề cương tập tuyển. Cẩn thận Ban Biên tập muốn tranh thủ ý kiến bổ sung. Tôi ngần ngại nhưng được các bậc đàn anh động viên, tôi cũng mạnh dạn nêu ý kiến có lẽ nên chăng bổ sung một số tên tuổi mới xuất hiện lại trên thi đàn Nga, chẳng hạn như Sergay Esenin, và một số tác phẩm của số nhà thơ Xô Viết các nước Cộng hòa, mới được giải thưởng quốc gia, giải thưởng văn học Lênin, như tác phẩm của Petrus Brovka (Belarus), Eduard Megielaitis (Litva), Macsim Rưnski (Ukraina), Miecdo Tusun-Zade (Tacgich)… Tôi được đề nghị cung cấp tư liệu tiếng Nga và thực hiện bản dịch nghĩa mời các nhà thơ khác dịch thành thơ Việt.
Qua các tài liệu dịch nghĩa, nhà thơ Xuân Diệu đặc biệt hứng thú với sáng tác của Sergey Esenin. Ông đọc bản dịch nghĩa, bảo tôi đọc nguyên bản tiếng Nga cho ông nghe một lần, một lần nữa, rồi một lần nữa, hỏi lại nghĩa những từ ông chưa thật hiểu, chưa hình dung ra… Ông đã chọn ra tới bốn bài để chuyển thành thơ, số lượng nhiều nhất so với số bài của các tác giả khác được đưa vào tập tuyển. Cả bốn bản dịch thơ Esenin của Xuân Diệu khi ấy về sau đã được in đi in lại nhiều lần và gần đây nhất, năm 2017, lại được in lại trong Tuyển thơ Sergey Esenin do Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – Văn học Nga” của Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị bản thảo, Nxb Nga “Lokid Premium” ấn hành dành gửi tặng bạn đọc Việt Nam
Còn nhà thơ Huy Cận bạn thơ “cặp bài trùng”, “bạn nối khố” của ông, vừa đi họp Đại hội của Hội các nhà văn Á Phi về, nhận chuyển dịch thơ của nhà thơ Trung Á Tacgich Tusun-Zađe, trích đoạn trường ca Ngày hội trên sông Xưđecria.
Kể từ những ngày được cộng tác làm tập tuyển thơ Liên Xô và nhất là sau khi trường Trung cấp ngoại ngữ Mễ Trì giải thể giữa năm 1964, tôi được về làm biên tập viên ở tổ văn học nước ngoài của Nxb Văn học (khi NXB Văn hóa của Viện Văn học sáp nhập với NXB Văn học của Hội nhà văn thành Nxb Văn học thoạt đầu thuộc Liên hiệp VHNT Việt Nam, sau trực thuộc Bộ Văn hóa), càng ngày tôi càng có nhiều cơ hội gần gũi với đôi bạn thơ Xuân – Huy nổi tiếng. Nhà thơ Xuân Diệu, ngoài sáng tác, để nhiều tâm sức cả cho mảng dịch thuật. Ông tham gia tập thơ Trữ tình Puskin (ra năm 1966), thơ Blok-Esenin (1983) – do tôi đứng tên chủ trì, nhiều tập thơ dịch khác do Nxb Văn học có trong kế hoạch xuất bản. Đặc biệt trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước và nhất là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhà thơ Xuân Diệu là người tham gia dịch nhiều thơ bạn bè nước ngoài ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam chống xâm lược, lên án đế quốc Mỹ… Tổng kết sau này Xuân Diệu ra riêng một tập thơ dịch của nữ thi sĩ Blaga Dimitrova với cái tên rất đẹp Vây giữa tình yêu, viết về đề tài Việt Nam (Nxb Văn Học, 1968) và tập tuyển thơ thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân ta có cái tên không kém phần “thơ mộng” – Việt Nam hồn tôi (NxbVăn học, 1974).
Là biên tập Nxb Văn học, tôi thường được trực tiếp làm việc với nhà thơ Xuân Diệu – cộng tác viên “ruột” của Nxb. Và thường làm việc tại căn buồng riêng của nhà thơ ở tầng 1 biệt thự số nhà 24 phố Cột Cờ (sau này đổi mang tên đường Điện Biên Phủ). Và trong những lần đến làm việc tôi cũng được thấy hoặc chuyện trò với nhà thơ Huy Cận, cùng gia đình sống ở tầng trên tòa nhà “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ” nổi tiếng này. Mỗi lần hẹn tôi đến làm việc nhà thơ Xuân Diệu bao giờ cũng chuẩn bị sẵn một tách cà phê túi pha sẵn với một đĩa nhỏ trên bầy gọn ghẽ đôi ba chiếc bánh bích qui, chiếc kẹo nước ngoài (tiêu chuẩn bìa C của nhà thơ được mua ở cửa hàng Tông Đản). Bữa ấy đi làm về, nhà thơ Huy Cận lên gác thay quần áo ngoài, trời nóng cởi trần đánh bộ quần soóc, lại đeo chéo vai kè kè chiếc bi đông. Ông đi tập thể thao thì phải. Nhà thơ ngó vào buồng bạn “cặp bài trùng” của mình, thấy tôi ông chào hỏi và cười hì hì định bước vào, chắc định bắt chuyện. Xuân Diệu xua xua tay: “Diệu đang có khách, mà Cận không có phần ở đây đâu…”. Thực sự là tôi vui thích được tận mắt chứng kiến một chi tiết tình bạn thân thiết đến thế.
Sau năm 1986, biết tin tôi có việc đi công tác sang Bungari làm việc với nhà xuất bản “Europa”, nhà thơ Huy Cận đến cơ quan mình, sang ngay Nxb Văn học gửi cho tôi một phong thư. Mở ra có nửa tờ giấy A4 in sẵn địa chỉ: Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam với mấy dòng chữ viết tay của nhà thơ: Anh Thúy Toàn, tôi gửi anh ba cái thư (đã có tem Liên Xô) để nhờ anh bỏ thùng thư ở Moskva và 1 cái thư gửi giám đốc “Europa” để anh đưa tay và lấy giùm về 2 quyển (2 bản) thơ Xuân Diệu in ở Budapest (dịch ra tiếng Hung) do “Europa” xuất bản… Sau lời chúc sức khỏe, chữ ký Huy Cận, có ghi rõ ngày 13/6/1986.
Bạn ông, nhà thơ Xuân Diệu đã qua đời ngày 18/12/1985 Huy Cận vẫn chăm sóc bạn như khi bạn còn sống cùng nhà. Tôi lại sực nhớ, câu nói của nhà thơ Xuân Diệu nói hôm nào khi Huy Cận, bộ dạng như một ông chủ hàng phở ở phố cổ: “Diệu đang có khách… Cận không có phần ở đây đâu…” Quả thật là một đôi bạn chí cốt Xuân – Huy!
Đầu năm 1990, thân phụ chúng tôi qua đời tại quê, tận bên Từ Sơn, Bắc Ninh, nhà thơ Huy Cận vì bận công việc, nhưng đã không quên gửi cho tôi thư chia buồn. Và rồi đến khi tôi đã đến tuổi nghỉ hưu ông lại chép tay tặng cho bốn câu thơ ông dịch tác phẩm của nhà thơ Trung Á cổ điển: Omar Khayyam
Chúng ta là những quân cờ
Trong tay thượng đế dật dờ thấp cao
Khi tiến trước, lúc lùi sau
Cuối cùng đều bị quẳng vào hư vô.
Thơ Omar Khayyam
(Ba Tư, thế kỷ 11)
Huy Cận
Chép lại ngày 31/3/1999
Mãi về sau này tôi mới giật mình để ý đến ngày nhà thơ Huy Cận chép tặng tôi bài thơ ông dịch: 31/3/1999. Ông chúc ngày sinh nhật 11/3 vừa qua của tôi. Tôi đã nghỉ chế độ được một năm. Và bấy giờ tôi mới nhớ thêm ra là đúng hai tháng nữa: 31/5/1999 nhà thơ Huy Cận sẽ thượng thượng thọ bát tuần! Tôi đến nhà ông tặng ông hai tấm ảnh tình cờ trước đó, đã bắt gặp nhà thơ Huy Cận ra ngồi trên ghế đẩu trước cửa nhà số 24 – “Nhà tôi hai bốn Cột Cờ…” nổi tiếng, và tôi đã kịp bấm máy ghi lại. Thoạt nhìn thấy ông tôi đưa máy lên ngắm, linh tính ông cảm thấy chuyện gì đó không ổn, đưa tay lên che mặt. Tôi phải đến gần năn nỉ là hình ảnh nhà thơ Huy Cận về nghỉ ngơi, có thời gian ngồi ngắm cuộc đời của nhân dân, đất nước đang diễn ra sôi nổi trước mắt ông cũng có thể có ý nghĩa nào đó đối với hậu thế chứ! Nhà thơ Huy Cận ngồi ngay ngắn lại cho tôi bấm máy.
Nhà thơ chép tặng cho tôi bản dịch thơ của mình chính là trước lúc chia tay buổi tôi đến tặng ảnh ông bữa ấy. Nhận được bức thư chép tay tặng vật của ông, ra về tôi cứ lăn tăn suy đi nghĩ lại. Có phải chăng nhà thơ lớn an ủi tôi, một cá thể trong lớp hậu thế tấp tểnh nối gót bước đường thế hệ tiền bối các ông.
Hãy bằng lòng với hạnh phúc được hưởng cuộc sống mà thượng đế ban cho nơi trần thế. Nhưng sống, dù thế nào cũng phải sống cho chỉn chu. Thì đây tặng vật gửi lại cho “em”, chỉ là bốn câu thơ thôi nhưng “anh” chép lại ngay ngắn, có đầu có cuối, có ngày tháng ghi nhớ… còn nội dung mấy câu thơ ngắn ngủi triết lý cuộc đời, nó đâu có gì tiêu cực, mà ngược lại nó thôi thúc ta sống cho đáng sống mà thôi.
Tôi lại sực nhớ một bản dịch thơ khác của nhà thơ Huy Cận in chung trong chùm thơ của thi hào Pháp Vichto Huygo, có tới sáu bản dịch của sáu nhà thơ Việt Nam trên trang báo Văn nghệ từ tháng 5 năm 1985 nhân kỷ niệm 100 năm mất của tác giả (1885-1985). Bản dịch của nhà thơ Huy Cận chỉ có 3 thi tiết, ngắn gọn nhất, nhưng lại có chú thích xuất xứ của nguyên bản, mà Huy Cận đặt tên “Thăm mồ con”: “Con gái đầu của thi sĩ, Lêôpônđin, bị chết đuối cùng chồng bẩy tháng sau khi cưới, ngày 4/9/1846. Trên đây là bài thơ mà V.Huygô thăm mồ con ba năm sau”. Đúng là tác phong của Huy Cận, chỉn chu trong mọi việc. Ấy vậy mà năm 1993 Nxb Văn học cho in một tập tuyển thơ V.Huygô, mà bài thơ Huy Cận đã dịch công bố trên báo trước đó 8 năm, do một người khác dịch, lại có đầu đề khác và đối tượng tác giả đi viếng lại là người yêu. Sách ra ít lâu sau, biên tập Nxb nhận được thư của anh Hoàng Bình Trọng, từ miền Trung gửi ra góp ý cho bản dịch kia trong sách của Nxb. Bây giờ mới té ngửa ra: từ giám đốc đến biên tập chủ quan tin vào người dịch, là trí thức, tiếng Pháp giỏi từ trước Cách mạng tháng Tám, không ai phân vân gì cứ thế cho in. Tôi cũng là người có phần chịu trách nhiệm
trong đó bởi vì tôi là người giúp việc cho giám đốc có tên chịu trách nhiệm bản thảo. Chỉ nhớ lại bản dịch của nhà thơ Huy Cận tôi cũng thêm một lần ân hận, đỏ tai, đỏ mặt.
Đấy, hai cố nhà thơ lớn, “cặp bài trùng” Xuân - Huy tham gia công việc dịch thuật, người nhiều người ít: Xuân Diệu coi dịch thuật là một mảng sáng tác ngôn từ quan trọng đời mình – trong Kỷ yếu tiểu sử hội viên Hội nhà văn Việt Nam, ngoài sáng tác thơ, văn, Xuân Diệu còn đưa bốn tác phẩm dịch của mình: 1/ Thơ Nadim Hitmét (1962), 2/ Vây giữa tình yêu (1968), 3/ Thơ Nicôla Ghiden (1982), 4/ Những nhà thơ Bungari (1985)… Đáng ra còn có thể kể: Việt Nam hồn tôi, tuyển thơ chống Mỹ do ông truyển chọn, nhưng phần lớn là những bản dịch của ông đăng trên sách báo về đề tài này.
Còn bạn thơ của ông, nhà thơ Huy Cận, tuy không có những tập thơ dịch, nhưng thỉnh thoảng ông cho công bố bản dịch đóng góp vào các trang thơ dịch trên báo chí, thậm chí chép tặng người này người kia, nhưng qua những bản dịch lẻ tẻ ít ỏi cũng có thể thấy một Huy Cận - nhà thơ đồng thời cũng có thể coi là một dịch giả đáng kính nể./.
Nguồn Văn nghệ số 40/2019