Tác phẩm và dư luận

6/11
11:57 PM 2019

VIẾT TỪ NHỮNG GIẤC MƠ

(Đọc trường ca Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh)

CAO NGỌC THẮNG

Những tứ thơ của trường ca Trăng Tân Trào được phát triển từ câu chuyện về một người thầy thuốc đã chữa có kết quả căn bệnh hiểm nghèo cho lãnh tụ Hồ Chí Minh vào khoảng mùa thu năm 1945, đúng lúc thời cơ Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã đến rất gần, khi mà:

Linh hồn của tự do

Thở dồn trong lán cỏ

Chí lớn thu giang sơn

Dấu mình trong tre nứa

(Khổ thơ này ở Chương I và láy lại hai lần ở Chương II)

Người thầy thuốc đến chữa bệnh cho Bác là có thật. Bác khỏi bệnh từ liều thuốc tiên cũng có thật. Nhưng, nguồn gốc của thang thuốc ấy từ đâu, gồm những vị gì?, nào ai biết. Vì sao người thầy thuốc nọ xuất hiện đúng vào thời điểm tưởng như mọi người đã bó tay?, nào ai hay. Và, tông tích của người thầy thuốc, cả khi đến và lúc ra đi, mãi mãi là bí ẩn, dần trở thành huyền tích:

Người chẳng để tên gì

Lặng xanh vào cõi núi

Không cả nghe giọng nói

Dấu mình trong sớm mai

(Chương V)

Phải chăng, người viết trường ca Trăng Tân Trào – nhà thơ Hữu Thỉnh, muốn/ hy vọng tìm cách lý giải căn nguyên câu chuyện kỳ bí đã xảy ra bảy mươi năm trước? Cuộc gặp “duyên kỳ ngộ”, ngay từ ngày ấy lập tức trở thành dấu ấn đậm nét mang tính lịch sử: từ phương thuốc của một thần y, bệnh tình trầm trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được giải quyết có kết quả, góp phần quan trọng, tiếp sức cho khí thế của dân chúng đang trào dâng, đồng lòng vùng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Đó là vận nước.

Chọn ngôn ngữ thơ để biểu đạt những ngẫm suy nung nấu không chỉ là sở trường của nhà thơ, mà còn là mục đích cho diễn ngôn về mối quan hệ, liên hệ có tính tương quan lịch sử của minh triết và tâm linh, của cảm thụ trực giác chứ không đơn thuần lý giải sự vật và hiện tượng, lý giải cái tồn tại nhìn thấy và không nhìn thấy; mà cũng còn là sự trải nghiệm nhằm mở rộng giới hạn của ngôn ngữ thơ, để nhìn sâu hơn vào bản chất đời sống thực tại pha trộn những giấc mơ ẩn khuất trong tâm tưởng

Đêm qua rừng nằm mơ

Chim sà ngang mặt thác

Sáng ra, cá quay đầu

Rối tung trăm nén bạc

hoặc

Đời hiện ra rất gần

Vui buồn treo trước mặt

Nhưng phải lắm khổ đau

Mới nhận ra nước mắt

(Chương I)

Những chữ thơ, những câu thơ chắt lọc, dồn nén, lời thì kiệm mà ý lại nhiều, nghĩa càng sâu. Vì lẽ đó, bằng thể loại trường ca, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thể hiện chân thật sự xúc động, những cảm nhận lắng sâu, có phần không ít dằn vặt, đắn đo. Theo bản in trên Tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam, số 7&8 – 2019), ở cuối trường ca Trăng Tân Trào, tác giả ghi rõ: “Khởi bút mùa thu năm 2015; Hoàn thành đầu xuân năm 2017; Bổ sung và sửa chữa 8-2019”. Tuy nhiên, dường như luôn mang nặng và đối diện với những giấc mơ, kể cả giấc mơ ban ngày, nhà thơ chưa yên lòng, ông vẫn tiếp tục công việc bổ sung và sửa chữa để tác phẩm thật sự hoàn chỉnh, dâng lên kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020) – “Anh hùng giải phóng dân tộc. Danh nhân văn hóa kiệt xuất” (UNESCO).

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người con kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên thế giới trong thế kỷ XX. Ngay từ năm 1923, nhà báo xô-viết Oxíp Manđenxtam đã viết trong bài Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản – Nguyễn Ái Quốc: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị (…) Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang và tiếp tục lan tỏa, được tụng ca bởi các loại hình văn học nghệ thuật do các tác giả lớn trong nước và quốc tế sáng tạo, đặc biệt trong thơ ca.   

Chọn cấu trúc thơ dài (trường ca), nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục dòng chảy của văn học Việt Nam viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Khác với các tác phẩm thơ ca trước đó của nhiều nhà thơ, trường ca Trăng Tân Trào mang tính tự sự-trữ tình rất đậm đà và rõ nét. Qua 855 câu thơ thể năm chữ trong 8 chương thơ (theo tác giả là chưa đầy đủ so với bản thảo gốc), tác giả đã kể một câu chuyện có lớp lang, có kịch tính, về cuộc đời của bốn “nhân vật”: lãnh tụ Hồ Chí Minh - người thầy thuốc - đồng bào, đồng chí - và thiên nhiên, hòa quyện trong mối quan hệ tương sinh tương hỗ, có nhânquả, của một bối cảnh lịch sử xác định, vừa khúc chiết vừa có tính huyền thoại.  

 Trường ca Trăng Tân Trào đã ghi đậm dấu ấn cho một bước ngoặt mới trong lao động nghệ thuật của nhà thơ Hữu Thỉnh, khi ông vận dụng thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) thành công và sáng tạo. Bởi, nếu không có bản lĩnh và tư duy thơ ổn định, thì tác giả khó làm chủ việc “dẫn dắt” cảm hứng, vừa say sưa vừa chừng mực, một cách nhất quán của cấu trúc thơ dài. Ở các trường ca Sức bền của đất, Đường Tới Thành Phố (1977-1978) và Trường Ca Biển (1981-1994), đều có sự pha trộn các thể thơ khác nhau, chủ đạo là thể tự do. Với trường ca Trăng Tân Trào hoàn toàn khác. Tác phẩm được cấu trúc duy nhất bằng thể thơ bốn dòng năm chữ (trong số 216 khổ thơ chỉ có khổ thứ 32 Chương I là bốn chữ).

Vận dụng thể thơ năm chữ, nhà thơ đã “thổi” vào trường ca của mình cách truyền đạt một cấu trúc nội dung mới, tạo nên bức tranh ngôn ngữ với những sắc độ của các tầng hình ảnh thực và ảo đan xen mang nhiều nghĩa, của một “thứ” nhịp điệu trầm bổng không đứt đoạn, thu hút và đòi hỏi sự đọc phải huy động sức tưởng tượng cao độ, để từ đó nhận ra “cái đích” mà mạch thơ vận động.

Câu chuyện huyền tích xảy ra vào mùa thu năm Ất Dậu (1945), không để lại bất kỳ một dấu vết nào cho phép truy tìm người thầy thuốc đã chữa khỏi bệnh cho lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và, khoảng cách thời gian quá rộng cũng không câu thúc sự truy tìm ấy. Câu chuyện của bảy mươi năm trước dần dần đi vào ký ức, đi vào tiềm thức của các thế hệ người dân Việt Nam thành huyền thoại như một lẽ tất yếu, nhi nhiên. Khoảng cách thời gian ấy dường như dành cho/ mở ra hướng mới cho sự suy tưởng về việc “quy tụ” và nhận thức sâu sắc những sự việc, sự kiện có trước và sau câu chuyện trong mối quan hệ nhân-quả. Đúng như J.L. Borges từng chỉ ra: “Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vần thơ”. Người đọc, ít nhiều, trước sau, đều có thể nhận ra hướng nghĩ suy đó từ trường ca Trăng Tân Trào; dù cho tác giả không biện giải nhưng ông đã bộc lộ điều đó lên tác phẩm bằng giấy trắng mực đen.

Chắc chắn nhà thơ Hữu Thỉnh, cũng như mọi người, chỉ được tiếp cận câu chuyện qua lời kể và qua sách báo. Tuy vậy, những gì ông tiếp nhận được từ câu chuyện đã thâm nhập và gợi mở khả năng liên tưởng, ước thúc tư duy thành những ý thơ, câu thơ xoay quanh những ngày lãnh tụ Hồ Chí Minh lâm bệnh, phải nằm trong căn lán Nà Lừa, nơi heo hút đại ngàn lộng gió:

Áo chàm đẫm mồ hôi

Khăn chàm lau ác mộng

Gân xanh chằng tay bệnh

Khí trệ. Thường hụt hơi

khiến lòng người dân đầy âu lo:

- Xin Bác cố ăn thêm

Muôn lòng trông đợi một

Muôn một trông đợi Người

Muôn người chờ một tiếng

và quặn lòng với những câu hỏi:

Gốc nào thì bền dân?

Thân nào thì cao nước?

Bóng nào thì tụ nhân?

Tình nào gom xứ sở?

Trong tình thế ngặt nghèo ấy, Bác vẫn luôn căn dặn các đồng chí của mình phải để việc nước lên trên hết, phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của cán bộ ở xa về, phải giữ bí mật, phải thường xuyên theo dõi tin tức để nắm bắt thời cơ, phải giúp đỡ những chiến sĩ của Đồng minh (nhóm “Con nai”), và nhất quyết thực hiện:

Thứ nhất là đồng tâm

Thứ hai là mưu lược

Thứ ba là thông suốt

Thứ tư là ứng thời

với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để đưa cách mạng đến thắng lợi.

Trong bốn chương (từ Chương I đến Chương IV), sức liên tưởng “đẩy” nhà thơ đi xa hơn bằng những khổ thơ nhớ lại quá khứ ba mươi năm Bác bôn ba khắp thế giới với tâm trạng:

Này sóng biển đầu đời

Mây xa nhà mọng nước

Cha: một thân phiêu bạt

Mẹ: mộ phần tha hương

một mình dấn thân đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức, quyết tâm tìm bằng được con đường cứu nước, cứu dân, điều mà

Bao nhiêu vầng trán lớn

Dở dang. Hận không bờ

cũng bởi

Vằng vặc một niềm quê

Soi người đi muôn dặm

đã thúc đẩy chí lớn

Trải bao cuộc trở trời

Lội ngược dòng băng lạnh

Lặn tới đáy thăng trầm

Cố hương vằng vặc bến

để đến ngày:

Người lập ra một Đảng

Một nguồn, dù thay tên

“Kách mệnh” khêu ngọn đèn

Đường quanh không lạc bước

Dù trải qua bao trầm luân, dù:

Ai bỏ quên bến quê

Mái chèo neo xứ sở?

Ai nhạt nhòa duyên nợ

Mặn mòi tay trao tay?

Bác vẫn bền chí

Cách mạng là sống chết

Phải đâu chuyện thuộc bài

Cách mạng là được mất

Phải đâu chuyện khua môi

kiên định trên con đường thẳng tới độc lập, tự do. Ba mươi năm bôn ba ấy cộng với những ngày sống kham khổ nơi rừng thiêng nước độc sau khi trở về nước, rồi bị nhà cầm quyền Quốc dân đảng (Trung Quốc) cầm tù, Bác đã kiên cường vượt qua. Vậy mà, khi mùa trăng Tân Trào đến ngày đầy đặn thì Người:

Thân bệnh. Đành nằm đây

Trái treo cành Độc lập

Vận nước nghìn năm một

Thắt lòng từng giây qua

Đó là sự khẳng định mối quan hệ bền chặt giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhân dân, cũng là điều kiện khách quan cho nhân vật người thầy thuốc xuất hiện (Chương V).

Khi đến lán Nà Lừa, người thầy thuốc lập tức nhận ra “Một linh cảm khác thường”, bởi:

Đây hẳn là quý nhân

Chọn rừng thiêng ẩn bóng

Hồng phúc của dân mình

Người tài cao đức trọng

Chính vì vậy

Xem mạch Bác, trở về

Lòng ông muôn lá rũ

khi biết rằng người bệnh

Khí vượng, huyết kiệt khô

Dương khang, âm tích tụ

tức là bệnh của Bác đã ở vào tình thế rất hiểm nghèo, chỉ còn hy vọng ở  “đôi mắt sáng”, ở “Phúc dày, thiên tính cao” từ người bệnh tỏa ra. Người thầy thuốc quả là người tinh thông nghề thuốc lại giỏi dịch lý và có lòng từ tâm. Ông lặn lội rừng sâu, núi hiểm, tìm kiếm bằng đủ các vị để luyện nên thang thuốc thần dược với tâm thế

Cầu Trời, Phật bốn phương

Độ trì người thương nước

Xin tổ nghiệp gia ân

Người hiền mau ứng Phúc

Sự huyền diệu của bài thuốc quý được

Tinh chế của núi rừng

Khí thiêng hồn sông núi

Luyện cùng với lòng dân

Mong Người mau qua khỏi

Những bát thuốc đậm đà tình non nước, tình nhân dân, đã nhanh chóng phục hồi sức khỏe của vị lãnh tụ và Người mãi mãi không quên tình nghĩa ấy. Bác dặn:

 - Độc lập nhớ tìm về

Ghi ơn người cứu mệnh

Một tấm lòng tận thiện

Cứu người qua lâm nguy

Ý nguyện của Người không thực hiện được, bởi:

Người đến dịu như gió

Người đi hiền như trăng

Lương y nhân cách trọng

Vô danh mà hữu danh

Và, thật xa hơn nữa, dường như từ những giấc mơ, nhà thơ “bắt được” cảm hứng để giải mã những giấc mơ (Hans Sachs nói: “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ.”), để tác thành Chương VII (gồm 18 khổ thơ) đầy xúc cảm. Nhà thơ “ghi âm” lời bộc bạch chân tình, sâu thẳm của vị thần y chưa một lần (và không bao giờ) gặp gỡ:

Không phải tôi cứu Người

Cứu Người là thiên định

Bác mệnh lớn, đức dày

Bệnh nào rồi cũng chuyển

Người vì nước quên thân

Nhân hiền cho quả thiện

Người đi và Người đến

Tự mình nâng bước tiên

Người thầy thuốc ấy “tự nguyện” đi theo và “luôn ở bên Người” như cái kèo liền cái cột

Xin xanh cùng với lá

Chung bóng giữa non ngàn

Làm một cây góp gió

Nước vượt ngày gian nan

Xin góp gió cho rừng

Xin góp nan đan quạt

Tôi luôn ở bên Người

Dù đèo cao gió khuất

Tác giả cho biết, sẽ bổ sung khổ thơ tâm huyết sau đây, cùng nhiều khổ thơ khác:

Người như từ trời đến

Cứu người rồi về mây

Hỏi tên: theo Thánh Gióng

Hỏi đường: theo nước đầy

Cuộc hội ngộ đầy thánh thiện khi thiên đã định, nhân đã hòa, dù ngày chưa tỏ mà đêm đã rạng:

Trăng cũng thức cùng người

Tân Trào dào dạt sóng

Là đón chào thời cơ

Đất nước làm lại mình

Cuốc cày trồng hy vọng

Niềm hy vọng ấy được nuôi dưỡng từ trứng nước và trở thành hiện thực:

Có đám mây vô danh

Che rợp trời Việt Bắc

Mở thu vào đón khách

Non xanh mùa Độc lập

(Chương VIII)

Khi trường ca Trăng Tân Trào khép lại cũng là lúc đất nước chuyển sang thế vững vàng làm chủ trong độc lập và tự do. Núi rừng Việt Bắc một lần nữa đón Bác về trong vẻ đẹp lung linh, hiền hòa:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Cảnh Khuya, 1947 – Thơ Hồ Chí Minh)

Vẻ đẹp của một dân tộc đoàn kết một lòng, luôn tin tưởng vào tương lai sáng lạn.

Trường ca Trăng Tân Trào đầy đặn ý và tình, làm nên một thiên hùng ca trữ tình rực sáng về mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng bào của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và tiến tới thống nhất đất nước sau này. Tác giả trường ca – nhà thơ Hữu Thỉnh, đã thể hiện sự sáng tạo và thành công  khi thiết lập một cấu trúc nội dung hợp lý, hài hòa bằng thể thơ năm chữ “thuần khiết” với những câu thơ, ý thơ, chữ thơ “mang tính cá thể”, vừa khúc chiết mà dào dạt, vừa thực mà như mơ. Đó chính là thiên chức của nhà thơ, như G.W.F. Hegel đã từng phát biểu: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc.” Đó là nền tảng để trường ca Trăng Tân Trào có cơ hội đọng lại trong lòng người yêu thơ lâu và bền…

                                                                                     Hà Nội, Thu 2019

                                                                                                C.N.T.   

(Nguồn: Tạp chí Thơ số 9&10 – 2019)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *