GHI CHÉP VỀ MỘT CHUYẾN ĐI VỚI CÁC NHÀ VĂN VIỆT NAM
Con chim bói cá cố bay một chỗ trên không trung, thỉnh thoảng lao xuống bắt những con cá nhỏ bơi gần trên mặt nước. Sóng vẫn lăn tăn vỗ đều lên bờ cát trắng, nơi đó không xa là những hàng dừa xanh thẳng tắp, những vườn hoa vẫn nở đúng mùa khoe sắc dưới mưa Xuân. Những giọt mưa đọng lại vẫn lung linh trên các cánh hoa. Đoàn xe chở đại biểu trong nước và nước ngoài của Hội nhà văn chuyển bánh từ nơi đó. Trong lòng chắc ai cũng thầm chào Hạ Long trong nỗi tiếc nhớ và thầm mong ngày trở lại.
Trên xe buýt số 5, ngồi cạnh tôi là chị Hilary Watts, một nhà thơ trẻ sống ở thành phố Boston (Đông Bắc nước Mỹ). Chị có một tình yêu đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam: chưa đầy 6 tháng đã hai lần vượt nữa vòng Trái đất đến với Việt Nam, đã tham gia chuyến xe đạp từ Bắc vào Nam hơn 2 ngàn cây số để quyên tiền giúp đỡ trẻ Việt Nam bị bệnh tim bẩm sinh. Tôi cũng kể cho Hilary nghe những kỷ niệm 16 năm trước đã sống và làm việc ở thành phố Philadelphia (Mỹ). Hai lần đã đến thăm Boston-thành phố quê hương chị và nhiều lần transis ở sân bay Boston khi muỗi lần đến Mỹ.
Dọc đường đi, tôi chỉ cho Hilary những ngôi làng, nhưng bây giờ đâu còn nhà vườn như xưa, thay vào đó là nhà hộp, nhà ống...chiều ngang chỉ 4-7 mét. Những quán nhỏ đủ thử mặt hàng giã có, thật có mọc lên nhan nhản bên đường. Hilary hỏi tôi :
-Không biết kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng nào đầu tiên đã nghĩ ra những kiểu nhà như thế?Câu hỏi thật khó, tôi không thể trả lời được và giải thích được, nhưng trong lòng rất buồn cho những người có trách nhiệm quy hoạch, kiến trúc và cách suy nghĩ của con người Việt Nam hiện tại.
Thỉnh thoảng lại thấy những lô đất rộng đã khoanh vùng có biển ngữ rất to đề tên các khu công nghiệp, nhưng đất lại để không mà người cày thì thiếu ruộng. Đặc biệt, vùng đất mỏ Quảng Ninh trồng rất nhiều cây để làm giấy. Tôi không biết tên là gì, thấy cũng giống như cây khuynh diệp, nhưng lá dài cả hai mặt đều màu xanh rất đẹp.
Khoảng một giờ sau, đoàn xe đến Yên Tử. Trời không mưa, những đám mây rất mỏng màu trắng bay là đà sát đất làm hạn chế tầm nhìn. Vừa bước xuống xe, đã thấy các cô tiếp viên xinh đẹp, lịch sự đón đoàn, phát cho mỗi người một áo ni-lông có mũ che. Dù mặc áo đội mũ, nhưng mây vẫn làm mọi người ướt. Mùa này Yên Tử vắng du khách, hình như hôm nay chỉ đón tiếp đoàn đại biểu Nhà văn trong và ngoài nước.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu xanh nối hai bờ suối. Cầu dài chừng 10 mét, kiến trúc đơn giản nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Đoàn chèo Quảng Ninh đã dựng sân khấu ngoài trời trên khu đất bằng phẳng, chờ sẵn đoàn với trang phục rất đẹp, sặc sỡ đặc trưng cho đoàn chèo của đồng bằng Bắc Bộ. Tôi nghe những giọng hát mượt mà, trong trẻo rất hay và rất xúc động nhưng chẳng hiểu gì cả về nội dung, quay sang hỏi nhà thơ Vũ Quần Phương-một nhà thơ rất nổi tiếng:
- Họ đang diễn vở gì thế anh?
- Tớ cũng chả hiểu gì cả - anh Phương đáp.
Ngay bên cạnh, nhà thơ Phạm Quốc Ca (Đại học Đà Lạt) giải thích cho chúng tôi về tích của vở chèo. Tục truyền ngày xưa Vua Trần Nhân Tông-một nhà Vua minh quân bậc nhất trong lịch sử Việt nam, sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh tan hai lần xâm lược của Đế chế Nguyên Mông xây dựng nước Đại Việt hưng thịnh và phát triển cực nhanh rồi nhường ngôi Vua cho con là Trần Anh Tông tìm đến cõi Yên Tử để tu hành. Đi theo Vua Trần Nhân Tông có ba trăm cung tần mỹ nữ - họ khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã lao mình xuống suối tự vẫn. Thương cảm họ, sau này vua Trần Nhân Tông lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên suối Giải Oan.
Nhưng không phải tất cả cung tần mỹ nữ đều đã lao mình xuống suối tự vẫn. Số còn lại lấy những người nông dân bản địa, nên con gái, con trai Yên Tử ngày nay rất xinh đẹp, tuấn tú, thông minh.
Nghe kể xong, tôi cũng hơi ngờ ngợ, khó tin. Đi cạnh là một phụ nữ còn trẻ lắm lại xinh xắn, vui vẽ hồn nhiên, tôi mạnh dạn hỏi cô:
- Suối rất nhỏ, chỗ sâu nhất chỉ đến đầu gối, nước trong veo, chảy êm đềm như thế này thì làm sao cách đây hơn 700 năm các cung tần mỹ nữ nhảy xuống đó tự vẫn được?
Cô ấy vui vẽ giải thích:
- Ngày xưa nơi này hoang vu lắm, rừng rậm, suối rất sâu. Anh thấy dưới suối có rất nhiều phiến đá to tròn, lại phẳng lỳ... chúng tỏ ngày xưa nước suối chảy rất xiết.
Rồi cô ấy tìm đường xuống suối, con đường xuống suối vừa dốc vừa khủc khủy ngoằn nghèo. Tôi thấy lạ, trời thì lạnh, người thì ướt mà cô ta lại cởi dày và tất rửa chân, tay, mặt. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Vũ Quần Phương thấy vậy nói:
- Ai đến đây cũng thích xuống suối để rửa mặt, tay chân, có người còn lấy nước uống để cầu may, xả xui, giải oan... cho lòng thanh thản. Có người còn mang nước về cho cả người thân.
Rửa chân xong cô ta cứ đứng chơi vơi trên đá để lau chân, đi giày. Tôi thấy không ổn liền chạy xuống giúp cô. Một tay nắm tay tôi, tay kia cầm chiếc khăn sạch lau khô chân - khoảnh khắc đó trên cầu đèn máy ảnh và điện thoại cầm tay cứ nháy lia lịa.
Sau đó cả đoàn theo người hướng đi con đường nhỏ hơi dốc vào sân chùa. Chùa nằm giữa cánh rừng rậm bao la, xung quang chùa có rất nhiều hoa, những cánh hoa ướt sẫm. Riêng hoa loa kèm màu hoàng yến chen lẫn với màu trắng nên vẫn cứ hiên ngang trước gió lạnh với mưa trời. Xung quanh chùa có sáu ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.
Tôi đi theo đoàn vào một ngôi nhà to, cao có bến cáp treo đầu tiên và được mấy người hướng dẫn vào cabin của cáp treo. Trong cabin chỉ có bốn người, trong đó có cả người phụ nữ trẻ ấy. Tôi mạnh dạn hỏi cô:
-Tên em là gì, em viết văn từ bao giờ?
-Da, em tên là Vân Anh, mà anh chẳng cần nhớ làm gì. Em làm việc trong ban Hội viên của Hội Nhà văn đã lâu lắm rồi. Em làm bên Ban Hội viên, viết ít lắm. Có phải ai cũng viết đều thành công đâu anh.
Vân Anh vui vẻ và mỉm cười rồi cả hai ngồi nhìn xuống những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp xanh rì lẫn trong mây trắng. Thấy nhiều nhất vẫn là những cây tùng cây bách có mấy trăm năm tuổi, tiếp đến là những rặng trúc xanh, trúc vàng...
Hết cáp treo tôi, Vân Anh và cả đoàn còn phải leo rất nhiều bậc thang mới đến chùa Vân Tiên lẩn khuất trong mây bên triền núi ở độ cao 700 mét. Tôi chợt nhớ lại câu thơ đọc lúc còn học cấp hai của anh Vũ Quần Phương trong tập Thơ Chống Mỹ, đọc cho Vân Anh nghe:
“Tưởng bắt gặp những tầng mây nguyên thủy
hàng vạn năm vẫn ngơ ngẩn giữa không trung”.
Không ngờ anh Phương đi phía sau nghe được liền nói với tôi :
- Ôi, cậu còn nhớ câu thơ mình viết vào năm 1964 cơ à, hồi ấy mình là sinh viên năm cuối Đại học Y khoa Hà Nội đi thực tế ở dãy Hoàng Liên Sơn trên núi Fanxifan. Quả thật, mấy hôm nay mình rất mến cậu, vừa là đồng nghiệp của mình, cậu lại biết viết văn và chữa bệnh. Còn mình lúc đầu mới ra trường cũng làm bác sỹ sau này chỉ làm thơ và viết văn thôi là chính. Thi thoảng vẫn thích làm nghề y vì yêu nó lắm! Tháng 3 tới có hội nghị cho những người viết tuyên truyền y tế do Bộ Y tế tổ chức, tớ sẽ bảo Ban tổ chức mời cậu nhé.
Tôi nhanh chóng nói với anh:
- Anh Phương ơi, tha cho em! Một năm làm việc, tiết kiệm được ít tiền, về lần này là sạch bách. Quê em nghèo lắm, về quê bà con bạn bè ai cũng phải có chút quà cho vui.
Anh cười ồ lên:
- Thôi, tùy cậu.
Hôm nay trời lạnh, lại mây nhiều nên chúng tôi không đi tiếp được. Mấy nhà văn Mỹ, Nga, Argentina, Trung Quốc, Thụy Điển, Romania... còn cố leo bộ lên đỉnh núi cao hơn. Tôi thán phục sức dẽo dai và phi thường của nhà văn Carlot, người Argentina đã ngoài tám tư tuổi đã leo lên đến chùa Đồng trên đỉnh núi Yên tử.
Xuống hết cáp treo, có hai chùa lớn hai bên. Cũng đã đến giờ ăn trưa. Tôi chưa ăn chay bao giờ nên cũng tò mò xem thức ăn chay thế nào và theo Vân Anh đi vào chùa bên phải (chùa bên trái là ăn mặn). Nhóm ăn của tôi gần 20 người nên kéo 2 bàn xích lại gần nhau. Anh Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) ngồi đối diện với ông Tổng Giám đốc Du lịch Yên Tử để bàn việc ai viết lời bình cho bộ phim quảng cáo du lịch về Yên Tử. Cuối cùng, anh Nguyễn Trọng Tạo nhận lời.
Lần đầu tiên, tôi thấy ăn chay cũng ngon chẳng kém gì ăn mặn, cũng có canh, có cá rán, thịt rán... nhưng chỉ làm bằng rau, bột và đậu. Tôi thích nhất vẫn là món canh măng. Vừa ăn vừa tán chuyện với GS. Hồ Ngọc Đại, nhà văn Thái Bá Lợi, Vân Anh, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Lê Thị Hiệu (từ Pháp về), Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt... thật vui. Tôi nói đùa:
-Em ăn chay nhưng ngủ mặn, chứ không ngủ chay đâu nhé! Làm mọi người phá lên cười và ai cũng đồng ý như thế.
Ăn cơm trưa xong, tôi bùi ngùi chia tay anh Thái Bá Lợi, anh ở lại Yên Tử thêm 10 ngày để viết bài. Có chai rượu mang từ Hungary về để tặng anh, chưa kịp đưa cho anh ở Hà Nội, đành gửi lại nhờ anh Nguyễn Trọng Tạo chuyển cho anh. Tôi chia tay xong với anh Thái bá Lợi không rời Vân Anh nữa bước, cả hai người quý mến và quấn quýt lấy nhau, rồi lên cùng xe và ngồi cạnh nhau.
Xe chưa ra khỏi vùng Yên Tử, đường còn dốc và quanh co, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát còn đang nằm yên dưới ánh nắng vàng yếu ớt của chiều Xuân... Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương cầm một máy ghi âm từ cuối xe lên đầu xe phỏng vấn mọi người cảm nghĩ về hội nghị, về chuyến đi vừa qua.
Nhà thơ Bằng Việt phát biểu đầu tiên:
- Các bạn quốc tế đến Việt Nam thế nào thì đi như thế. Điều quan trọng nhất là họ mang theo một hành trang tinh thần rất lớn: hiểu biết về văn hóa Việt, văn học Việt. Tôi cho rằng điều đó chính là thành công của hội nghị.
Lê Thị Hiệu (từ Cộng hòa Pháp):
- Trước khi về bạn bè tôi nói mày không cần về đâu, mày không về thì hội nghị ở Việt Nam bao giờ cũng thành công tốt đẹp (cười). Vui lắm, gặp bao nhiêu bạn bè. Còn thành thông của hội nghị thế nào thì anh cho vài phút suy nghĩ cái đã... (cười).
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến:
- Quá hay, ăn chơi tối ngày hết Hạ Long lại Yên Tử! Chưa bao giờ nhà báo tiếp cận nguồn thông tin quý giá và đồ sộ như thế. Bản thân tôi đã khai thác được rất nhiều tài liệu từ bạn bè quốc tế tha hồ tư liệu để viết.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến:
- Hơi bị choáng, tôi sướng, bạn bè sướng, chưa biết dịch thế nào, thuật thế nào, học thế nào. Hy vọng lần sau nên choáng kiểu khác cho phong phú.
Đến lượt tôi:
- Sung sướng vô cùng, có thể ngôn ngữ bất đồng nhưng chỉ nhìn nhau đã hiểu hết. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc được có mặt tại hội nghị lần này. Điều quan trọng nhất vẫn là đội ngũ viết. Không có tác phẩm hay thì người dịch cũng chẳng làm được gì. Một cường quốc bao giờ cũng dễ tìm những con người vĩ đại. Vì vậy, dễ hiểu là chúng ta chưa có một tác phẩm văn học nào được đưa vào học đường của thế giới. Nhưng chúng ta cũng vẫn nên tổ chức những hội nghị như thế này, để thế giới hiểu biết thêm về văn học Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam.
Inrasara (nhà thơ, dân tộc Chàm):
- Có lúc hơi bị sến, luộm thuộm nhưng tôi gặp nhiều bạn, giới thiệu được nhiều tác phẩm dân tộc thiểu số - trong đó có của Inrasara - với bạn bè quốc tế.
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
- Được quá, bây giờ về rồi còn nói gì nữa. Tôi tin lần sau sẽ hay hơn. Bây giờ về tập thể dục cho khỏe để lần sau còn đi dự (cười).
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
- Vui, rất vui! Hội nhập không cần ngôn ngữ. Hy vọng lần sau thì các nhà văn Việt Nam nói được ngoại ngữ và các nhà văn quốc tế nói được tiếng Việt...
Còn Di Li rất trẻ và xinh đẹp, nhà văn đầy triển vọng chuyên viết đề tài trinh thám và kinh dị, lúc nào cũng có vẻ kiêu kiêu và trong Hội Nhà văn được gọi là “giới chân dài”, một mình nằm dài trên bốn ghế sau cùng xe ngủ khò khò, chắc đêm qua ngủ ít vì quá phấn kích vì thắng đấu giá vòng bằng nhựa của con cá heo biểu diễn cho cả đoàn xem. Trần Nhương gọi mãi cũng không dậy. Vân Anh dựa mình bên cánh tay tôi ngủ ngon, có lẽ đang mơ màng những giấc mơ rất đẹp. Mái tóc nâu nâu phủ hết gần nửa nhưng vẫn để lộ sống mũi cao, thắng với đôi má ửng hồng rất đẹp, nhưng nom thật nhân hậu. Thấy vậy, tôi ngồi cố giữ yên mình.
Sau pha phỏng vấn là những câu chuyện đàm tiếu mà chủ chòm là nhà văn Trần Cương, khiến mọi người cười đau cả bụng, chảy cả nước mắt, quên cả chặng đường dài 130 cây số. Có lúc cả Trần Cương, Trần Nhương, Đoàn Tử Huyến và Vũ Quần Phương... dành nhau để kể chuyện. Tôi không thể nhớ hết được, đại loại như sau:
1. Hữu Thỉnh vốn là lính xe tăng, sau trận mạc về quê lấy vợ. Lần đầu sang Moscow mấy anh bạn ở Trường Viết văn Gorky muốn tìm giúp Thỉnh một cô sinh viên Nga để làm quen và luyện tiếng Nga, cô này cao ráo, trắng, đẹp lắm và đương nhiên là còn rất trẻ. Thỉnh rất vui và nhận lời: “Thế à, rất tốt!” Thỉnh lúc nào cũng trả lời vui vẻ và ngắn ngọn, biểu hiện tính cách một con người thật thà, chân thật và lòng tốt bụng.
Một ngày đẹp trời cuối xuân đầu hè của nước Nga, các bạn mời cô bạn sinh viên Nga tới, phòng dọn ngăn nắp, lại có lẵng hoa tươi và rất nhiều bánh trái. Gọi điện bảo Thỉnh đến ngay, Thỉnh trả lời:
-Bây giờ à, tớ sang ngay!
Một lúc sau, Thỉnh gọi điện nói không thể sang được:
-Ông Vũ Tú Nam vừa từ Hà Nội sang, tớ phải đi với ông ấy lên Hội Nhà văn Nga.
Thế là chuyến gặp không thành, anh em thương Thỉnh, cố tạo cho Thỉnh một buổi vui khác. Vào cuối hè, những trang trại ngoại ô Moscow đang mùa thu hoạch táo, hàng ngàn sinh viên các trường đại học tham gia thu hoạch. Sinh viên nữ thường chỉ mặc quần con và áo ngực nhỏ, vừa hái táo vừa tắm nắng. Thỉnh ngồi trên xe taxi với các bạn, mắt cứ long lanh, lòng sung sướng, hai bàn tay sát chặt với nhau cứ xoay tròn, miệng hét tướng lên: “Úi chà chà, úi chà chà...” và bảo tài xế vòng đi vòng lại hai lần.
2. Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Bằng Việt, Nguyễn Trọng Tạo lên công tác ở vùng cao Việt Bắc. Đến huyện ủy một huyện, Tạo giới thiệu Nông Quốc Chấn là thứ trưởng, trưởng đoàn, Chế Lan Viên, Bằng Việt là thành viên của đoàn, còn Tạo tự nhận là người lái xe.
Người dân tộc thật thà, ngay buổi đầu tiên đã phân công Chế Lan Viên đi bưng cơm và rót nước cho Nông Quốc Chấn. Chế Lan Viên ngoan ngoãn làm theo sự phân công của huyện ủy. Thấy vậy, Nông Quốc Chấn trợn tròn mắt (vì Chế Lan Viên là bậc thày của Nông Quốc Chấn):
-Sao anh lại đi lấy cơm cho tôi?.
Chế Lan Viên ngoan ngoãn trả lời:
-Huyện ủy phân công tôi làm, tôi nghĩ phần cơm của trưởng đoàn bao giờ cũng ngon hơn và nhiều hơn, thế nào anh cũng chia cho tôi. Cả hai cùng phá lên cười và ăn cùng nhau vui vẻ.
3.
“Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo...
... Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi kiếp sống đày thân giang hồ”
Theo như người kể, cô gái bán dâm trên dòng sông Hương gặp được Tố Hữu, Tố Hữu giới thiệu cô ta với cán bộ phụ nữ xã. Cán bộ đã cảm hóa và giúp cô thành đảng viên, rồi làm cấp lãnh đạo.
4.
“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng”
Năm 1985, Tố Hữu lên làm Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế. Để chứng tỏ dự đoán của mình là tiên tri, Tố Hữu cố tình lái nền kinh tế Việt Nam đến bờ vực thẳm với chính sách: Giá – Lương - Tiền.
5. Theo Nguyễn Đình Thi, mỗi người nông dân Việt Nam ai cũng là ông thánh, có vầng hào quang sáng chói nếu biết:
“Rũ bùn, đứng dậy chói lòa!”
*
Xe chạy, thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy những đám ruộng khô cằn đang trong mùa giá rét. Đó đây, thấp thoáng những người nông dân xắn quần cao hơn đầu gối cày ruộng, với những chiếc cày ngàn đời vẫn vậy đi theo sau con trâu. Những gầu nước được tát lên làm nghêng nghiêng những cây mạ non mới cấy. Trên bờ ruộng cỏ heo may chi chít cứ nghênh nghêng theo gió. Đi qua một góc phía nam của Sân bay Quốc tế Nội Bài, tôi thấy máy bay cứ lên xuống liên tục, đặc biệt là những chiếc Boeing 777 màu xanh rất to và mới của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Xe chạy tiếp về phía Tây qua những dãy đồi đất đỏ được phủ kín màu xanh của rừng. Anh Trần Cương chỉ cho tôi những lùm cây rậm rạp nhưng vẫn thấy dấu vết những địa điểm giấu máy bay Mic của ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Phủ Thành Chương nằm trên đồi cao nhìn xuống mặt hồ rất đẹp và rộng. Ra đón đoàn chúng tôi là một phụ nữ đã đứng tuổi, rất đẹp (anh Trần Cương thì thầm với tôi đó là vợ thứ hai của họa sĩ Thành Chương), chị tươi cười vui vẻ mời cả đoàn uống nước vối, ăn kẹo lạc có vừng. Lúc này tôi mới được biết phủ Thành Chương được đặt theo tên một họa sĩ, anh mua khu đất này và tạo ra một làng cổ Việt Nam để làm một điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Chúng tôi len lỏi lên các khu nhà, nhà trệt có, nhà sàn có, gồng gánh thúng mủng, cối xay lúa, giã lúa, nơm bắt cá... đủ cả. Nhưng tôi vẫn thấy... làm sao ấy, nhà sàn của dân tộc vùng cao, bậc thang lên không phải bằng gỗ mà bằng bê tông xi măng cốt sắt. Nhà tắm thì hiện đại hơn cả nhà tắm của gia đình tôi ở Budapest, lại có cả bếp ga nữa.
Tôi nói với anh Vũ Quần Phương và anh Nguyễn Tiến Lộc (từ Canada):
-Nhà tắm này là của công chúa Mỵ Châu đấy, còn bếp ga kia chắc để nấu thức ăn cho vua Hùng thứ 18.
Làm mọi người cười ồ cả lên. Đúng là thập cẩm, hay Nam Bộ gọi là lẩu. Tôi muốn gặp và góp ý với chủ nhân rằng, anh xây khu này nên có các nhà sử học, dân tộc học... làm tham mưu. Nhưng ông chủ không phải lúc nào cũng có mặt ở đây.
Ra khỏi phủ Thành Chương, mặt trời đã gác bên kia dãy Tam Đảo, màu đỏ nhạt của Trời in bóng xuống mặt hồ. Đang mơ màng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ thì điện thoại tôi báo có tin nhắn tới. Mở ra xem, hóa ra một số máy lạ với nội dung sau đây:
-Tôi là chồng chính thức của Vân Anh, làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi thấy anh và Vân Anh hơi quá quý mến nhau đấy. Nhưng anh hãy gói trọn vào kỷ niệm của một chuyến đi. Đừng mang nó đi xa hơn nữa!...
Và kèm theo là bức ảnh tôi và Vân Anh đang ở bên suối Giải Oan. Sau này, tôi mới biết bức ảnh này cũng được gửi cho nhiều người khác. Cái quý mến nhau giữa tôi và Vân Anh thật nguy hại, suýt nữa làm khó Vân Anh kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bữa chiêu đãi buổi tối của Hội Nhà văn Việt Nam đang đợi cả đoàn ở khách sạn Tây Hồ. Anh Hữu Thỉnh đã nói:
-Đêm nay thức ăn sẽ không bao giờ hết và rượu không bao giờ cạn!
Lúc này tôi thốt lên trong lòng sao Hữu Thỉnh, cùng các anh chị trong Ban chấp hành Hội nhà văn Việt nam tài và giỏi thế! Cùng một lúc vừa quảng bá văn học Việt, con người Việt nam, ngoại giao văn hóa, quảng bá ẩn thực, du lịch việt...hơn tất cả lệ hội quảng bá du lịch nào, bởi những đại biểu tham gia toàn những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng trong nước và thế giới, tiếng nói của họ rất có giá trị và lan tỏa nhanh trong nước họ.
Ngày mai chúng tôi phải chia tay nhau rồi, mỗi người về một ngả. Chưa đến giờ phút đó nhưng lòng tôi bùi ngùi thương nhớ và man mác buồn. Không biết bao giờ mới có cuộc hàn huyên rất vui, rất quý và bổ ích như thế này...
Tối hôm sau chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air France cất cánh từ sân bay quốc tế Nội bài, ngồi bên cửa sổ nhìn về Hà nội đầy những ánh đèn lấp lánh tạo nên một vầng sáng làm lòng tôi bồn chồn thương nhớ, xin chào Hà nội, xin chào tất cả! Suốt cả chặn đường bay hơn 13 tiếng tôi không hề chợp mắt, nhớ các anh chị nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước. Nhớ những đêm ở Tuần châu như trong truyện cổ tích, được nghe những bài hát rất hay “Làng Quan Họ Quê Tôi”, “Khúc Hát Sông Quê” của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Hữu Thỉnh với trường ca “Đường Tới Thành Phố” và “Xa Vắng”. Nhớ Hữu Thỉnh đi cả đêm tới từng phòng chia quà cho bạn bè Quốc tế với tấm lòng rất chân thật và mến yêu...và làm sao quên được Vân Anh.
Nguyễn Lam Thủy