PHÙ SA ĐỜI, PHÙ SA THƠ...
Vanvn.net – Cuối tháng 6 vừa qua, Hội Nhà văn Hải Phòng đã phối hợp với CLB Doanh nhân Sunflower tổ chức chương trình Bàn tròn văn chương số 10 giới thiệu tập thơ “Những hạt phù sa” của Nhà thơ Vũ Trọng Thái, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng và Gala sắc mầu Doanh nhân và Văn nghệ sĩ Đất Cảng. Tới dự có đông đảo các văn nghệ sĩ đến từ Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng và phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương…
“Những hạt phù sa” – NXB Hội Nhà văn 2019 - là tập sách thứ 4 của nhà thơ Vũ Trọng Thái, ngoài thơ anh còn viết văn xuôi. Thơ anh mộc mạc nhưng giàu cảm xúc; đặc biệt anh đã có trên 30 ca khúc được phổ nhạc. Chương trình đã được nghe các ý kiến đánh giá, nhận xét của các nhà văn Bùi Việt Thắng, Lưu Văn Khuê, Nguyễn Long Khánh, Đoàn Minh Ngọc, Phạm Thị Thùy Linh… về tác phẩm của Vũ Trọng Thái.
Vanvn.net xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Bùi Việt Thắng về tập thơ “Những hạt phù sa” của nhà thơ Vũ Trọng Thái.
BÙI VIỆT THẮNG - Bài viết ngắn của tôi có thể gọi là “3 đoản khúc về thơ Vũ Trọng Thái”. Cũng xin thưa trước với quý vị rằng, tôi vốn không sành thơ, chỉ chuyên chú phê bình văn xuôi. Nhưng như ai đó nói, đôi khi trong cuộc đời cũng có lúc phải liều mình như chẳng có. Mất thì không mất gì. Nhưng được là được tất cả. Văn chương thường là thế với người viết và người thưởng thức. Tôi đã đến Hải Phòng hơn một lần. Biết rõ Thành phố Hoa Phượng Đỏ là đất thi ca/ nhạc/ họa lâu đời. Lần này thêm một bằng chứng khi đọc thơ Vũ Trọng Thái. Ai tin thì tin, không tin thì thôi!
Đưa thơ hòa vào tự nhiên
Trong tổng số 64 bài thơ được đưa vào Những hạt phù sa, tôi tỉ mẩn “đếm” được 16 bài, ở đó Vũ Trọng Thái đưa thơ hòa vào tự nhiên. Có thể nói đây là nét ưu trội của tập thơ (thứ tư) mới của thi sỹ Vũ Trọng Thái. Ai chẳng biết tự nhiên là bà mẹ vĩ đại của nhân loại. Nhưng cơn cớ gì, động cơ nào, mục đích gì mà lâu nay chúng ta đã phản bội bà mẹ vĩ đại tàn tệ đến mức nào (đục ruỗng lòng đất bòn vét khoáng sản, chặt phá triệt tiêu rừng, nạo vét cạn kiệt lòng sông, xả khí thải làm thủng từng ô-dôn, phun chất độc diệt cỏ cây...). Tội lỗi này của con người là trời không dung đất không tha. Tôi vận dụng câu triết lý của phương Tây, chế thành: “Nếu anh bắn vào tự nhiên bằng súng lục thì tai họa sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Ai là người có thể chữa trị vết thương lớn này? Theo quan điểm phê bình sinh thái thì, góp vào tích cực cân bằng lại tự nhiên, có thể là nghệ thuật (cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới – văn hào Nga F. Đôt-xtôi-ep-xki đã viết như thế). Cứ điểm danh nhan đề thơ đã thấy rõ: Bức tranh xuân, Mưa xuân, Làng Vọng Nguyệt, Phải viết gì cho nơi đảo xa, Tam Đảo mùa này trong sương, Hà Nội một ngày hè cháy bỏng, Vào thu, Đêm đầu thu phố nhỏ, Một mình đêm Tam Đảo, Về Quang Phục, Mùa mưa ở phố, Nhớ Cao Bằng, Chiều Xứ Lạng, Chiều trung du, Vọng quê, Những hạt phù sa. Có thể coi bài thơ Những hạt phù sa (được dùng làm nhan đề tập thơ) đặc trưng cho thơ Vũ Trọng Thái – ngắn gọn, nhiều năng lượng sinh thành, tạo liên tưởng: “Sông không ngừng chảy/ Thời gian cuộn trôi/ những hạt phù sa/ nhỏ nhoi/ dâng đời/ Ngày mai/ mùa vàng trĩu bông/ đồng quê bát ngát/ nhớ sông bồi đắp/ những hạt phù sa”. Tôi không rõ tuổi của thi sỹ Vũ Trọng Thái, nhưng đọc thơ thì thấy anh cũng thuộc type người “muôn năm cũ”, nên hay lẩn thẩn “hồn bây giờ ở đâu”. Thì đây, hồn anh, như tôi, như lớp U70 hay Vọng quê (theo tôi là một trong mấy bài thơ hay của tập Những hạt phù sa). Bây giờ ta hay “vọng ngoại”, “vọng phố”, “vọng tộc”,... Chỉ có thi sỹ (ngu ngơ) là còn vọng quê: “ Bây giờ còn mấy cơm quê/ Rau dưa cũng bị bùa mê thị trường/ Tóc đuôi gà, sao dễ thương/ Một thời mực tím, tơ vương ngọt ngào/ Sân đình, giếng nước, cầu ao/ Chơi chuyền, đánh chắt, ngày nào thơ ngây/ Cái thưở ngượng ngập cầm tay/ Tại thương nhau đấy, mới hay lén nhìn/ Khăn tay trao gửi làm tin/ Nhắn người đằng ấy, chớ quên quê mình/ Hoa cau trắng rụng đầu đình/ Cây đa, bến nước, ân tình người quê/ Trời xanh, diều sáo, lặng nghe/ Nhắc ai còn nhớ nẻo về... xưa xa”. Có thể nói tự nhiên là thung thổ văn hóa của thi sỹ. Tôi cứ phập phồng lo âu khi thấy anh nếu chẳng may bước chệch ra khỏi quỹ đạo vô hình nhưng hữu duyên, hữu tình này.
Thơ tìm ra “người ta là hoa của đất”
Phần thơ thứ hai có triển vọng thành công hơn trong thơ Vũ Trọng Thái, ở tập thơ thứ tư/ mới này, là khi anh chi chút cái đẹp cho con người – của để dành của tạo hóa. Riêng tôi thích những bài thơ anh viết về người ruột thịt: Cu Bi vào lớp một, Lời ru của ông ngoại, Của để dành, Mẹ tôi, Lòng mẹ, Cha, Thương cháu,... Tôi không có con gái nên khi đọc bài thơ Của để dành thấy cay cay sống mũi, rồi kêu thầm “Ôi! Giá mình được như thi sỹ, có con gái hay biết nhường nào!”. Bài thơ “tự sự - trữ tình”, kể chuyện đấy mà cũng là tâm tình đấy: “Con gái vốn rất tình cảm/ Lo sức khỏe bố mỗi ngày/ Biết bố dạ dày không ổn/ Luôn nhắc bố tránh chua cay/ Con gái thật là tâm lý/ Biết bố say lắm văn thơ/ Thi thoảng con mua tập truyện/ Tặng bố niềm vui bất ngờ/ Con gái rất yêu quý bố/ Mỗi lần bố công tác xa/ Lớn rồi vẫn còn nhõng nhẽo/ Bố ơi, bố nhớ mua quà (...)/ Ôi giữa nhọc nhằn, khốn khó/ Bố vẫn giàu “ Của để dành”/ Mỉm cười – mình là triệu phú/ Cuộc đời mãi mãi tươi xanh” (nếu tôi là nhà thơ thì sẽ sửa/ đổi hai chữ “nhõng nhẽo” thành “nũng nịu"). Tôi mồ côi mẹ sớm (lúc 3 tuổi), nên mỗi khi đọc một bài thơ hay về mẹ là tôi lại rưng rưng. Như bây giờ trước mặt là hai bài thơ Mẹ tôi và Lòng mẹ. Nhưng có lẽ xúc động hơn cả vẫn là lời của người con về mẹ mình trong bài thơ Mẹ tôi: “Suốt mấy hôm nay nắng nóng/ Nhiệt độ ngoài trời rất cao/ Mặt đường cứ như đổ lửa/Buổi trưa chẳng bóng người nào/ Mẹ ngồi trong nhà quạt mát/ Mà vẫn mồ hôi ròng ròng/ Thấy người bán rong ngang cửa/ Nhọc nhằn số phận long đong/ Hình như mẹ thương người ấy/ Mỉm cười dù chẳng mua chi/ Mẹ mời người dưng cốc nước/ Giúp giọt mồ hôi bớt đi/ Chung cảnh những người lao động/ Nên mẹ giàu lòng cảm thông/ Giúp người dù chỉ chút ít/ Chân thành với cả tấm lòng/ Mẹ vẫn thường sống như vậy/ Thương từ hạt gạo, củ khoai/ Cả đời chịu bao thua thiệt/ Vẫn dạy con biết làm người”. Trong cuộc sống hiện thời, có lẽ tình thương đang vơi cạn ở con người vì muôn vàn lý do khách quan và chủ quan. Bệnh vô cảm (nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là bệnh “máu cá”) đang ăn ruỗng lòng từ bi bác ái, thương người như thể thương thân. Vẫn biết văn chương không thể thay đổi căn bản hoàn cảnh. Nó chỉ có thể góp vào/ thêm vào để chia sẻ, động viên con người thêm một hy vọng đặng bước qua những can qua trong bể dâu đời người vốn nhiều “những điều trông thấy đau đớn lòng”. Nếu nói thơ cốt “chơn” (chân thành, chân thật, chân phương) thì tôi thấy khi nào Vũ Trọng Thái viết từ đáy lòng mình, khi đó thơ anh mới hòng chinh phục được độc giả ngày nay vốn thông minh nhưng hơi khó tính và đôi khi thì... đỏng đảnh vô cớ. Viết về mẹ rồi viết về cha. Tôi thấy Vũ Trọng Thái đã ở trong từ trường thơ mình. Bài thơ Cha ngắn gọn như không thể ngắn gọn hơn: “Cha lệch người, ngồi sửa xe cho con/ Nâng bước con từng ngày đến lớp/ Cắn vành môi, con không để bật khóc/ Thương cha nhiều/ Nước mắt chảy xuôi”. Đúng như dân gian tổng kết: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thời bao cấp khốn khó, chính tay tôi đã sửa xe đạp và cắt tóc cho ha cậu con trai của mình để bớt chi phí tiền nong ra hiệu, thêm vào mớ rau con cá cho vợ mỗi lần chợ búa. Chao ôi, nếu ai đó dại dột mà nói “văn chương là trò chơi vô tăm tích”, lại không hề sám hối thì quả là có vấn đề về... thần kinh (!?).
Khúc vĩ thanh
Tôi thấy Vũ Trọng Thái chệch choạc/ chệnh choạng khi nào anh đi ra khỏi thung thổ văn hóa của mình, khỏi từ trường thơ của mình (hòa thơ vào tự nhiên, chi chút cho người thân ruột thịt như một thứ của để dành). Đó là khi anh cố tình hay vô ý định triết lý (may mà chưa rơi vào thứ triết lý vặt). Những khi ấy tôi thấy anh phải cố rướn lên, gồng mình lên, kiễng chân lên một chút cho đủ tới “mức xà”. Đó là trường hợp khi anh viết Đèn pin, Những cái ôm, Gửi những người vô cảm, Cõi thiền, Thời thị trường, Tự hào MECTA, Viết về anh, người khởi nghiệp thành công, Người gieo mầm cho những linh hồn chết, Lạc lõng, Pari không khuất phục, Nhớ và quên,... Sở dĩ tôi nói người thơ Vũ Trọng Thái đôi khi chệnh choạng là vì ở đó, anh đã nhập nhằng giữa sở trường và sở đoản, biến cái này thành cái kia. Người thơ này không mạnh về triết lý trong thơ, anh chỉ ưu trội khi giãi bày, chia sẻ, tâm tình. Anh thành công khi ngòi bút duy tình hơn là duy lý. Thế thì sao người thơ không phát huy ưu điểm? Cứ viết như Lục bát hai câu (6 cặp lục bát hai câu), có phải đậm đà hơn khi viết: “Niềm tin đã thành xa xỉ/ Chôn sâu mỗi góc cuộc đời/ Ai người ra tay dẹp loạn/ Cho yên lành Đất Nước ơi?” (Ngẫm).
Lại nữa, đọc thơ Vũ Trọng Thái (trong tập thơ mới, thứ tư Những hạt phù sa) thấy anh như là một đối cực chữ thơ. Có nhiều khi anh tinh tế, mượt mà đáng ngạc nhiên: “Nhẹ buông một cánh lá rơi/ Cỏ cây dan díu đất trời vào thu” (Vào thu), hay gợi cảm như được xem tranh: “Cánh cò trắng khỏa khoan thai/ Chở theo thương nhớ, dọc dài trung du” (Chiều trung du). Nhưng cơn cớ nào có lúc lại trần trụi, thô ráp: “Trong đêm/ Trước đèn pin/ Sáng như ban ngày/ Sau đèn pin/ Thăm thẳm tối/ Mỗi cuộc đời/ Có như chiếc đèn/ Hai chiều/ Soi rọi?” (Đèn pin). Nhược điểm này còn thấy ở một số bài thơ khác như Chào 2014, Gửi những người vô cảm, Thời thị trường, Tự hào MECTA, Nói về anh, Người khởi nghiệp thành công,...Tôi thiển nghĩ, có lẽ đó là những thời khắc anh đi lạc vào sân khác (sân của truyền thông/ tuyên giáo). Nếu ai đó yêu cầu chọn 5 bài thơ hay của tập Những hạt phù sa thì có lẽ không ngần ngại tôi đề xuất: Những hạt phù sa, Bức tranh xuân, Vọng quê, Của để dành, Mẹ tôi. Ít hay nhiều với con số 5? Nghệ thuật tuân thủ quy luật khắt khe “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Có người nói, tác phẩm sẽ viết mới là tác phẩm hằng mong muốn, ở đó thi sỹ mới “chiến đấu” với chữ nghĩa đến hơi thở cuối cùng. Nghe có vẻ to tát quá. Nhưng quả thực, thơ luôn là chân dung tinh thần tự họa rõ ràng nhất của thi nhân. Tôi muốn một lần nữa quý vị độc giả đọc lại bài thơ ngắn nhưng hàm súc Những hạt phù sa của Vũ Trọng Thái để thấy đường thơ của anh vẫn cứ thao thiết chảy: “Sông không ngừng chảy/ Thời gian cuộn trôi/ những hạt phù sa/ nhỏ nhoi/ dâng đời/ Ngày mai/ mùa vàng trĩu bông/ đồng quê bát ngát/ nhớ sông bồi đắp/ những hạt phù sa”. Riêng tôi cứ thấy ngân nga trong lòng một nhịp điệu thơ trong trẻo, xao xuyến, ấm áp, thúc giục, lôi cuốn và cổ võ mỗi con người đi tới. Thơ này quả thực có dư ba và tạo liên tưởng. Thơ này quả thực như quả chín cành/ chín cây chứ không chín ủ/ chín ép bởi dùng hóa chất. Tôi cứ ngồi im lặng một mình sau khi thưởng thức trọn vẹn tập thơ Những hạt phù sa, rồi thầm mong muốn trong tương lai gần được đọc thơ chín cành/ chín cây của thi sỹ Vũ Trọng Thái. Hy vọng, tại sao không(!?).
Hà Nội, tháng 6-2019
B.V.T