Văn học với đời sống

19/3
12:36 PM 2016

Truyện thiếu nhi: “Sống sạch 365 ngày” của Trần Quốc Toàn

(Truyện và phóng sự ảnh đọc truyện kèm theo)

Gần tết năm Mão, đài truyền thanh phường hay kể chuyện mèo. Mỗi sáng mẹ mèo thức Mun  vào lúc hừng đông, ngay khi bài phường ca của đài vừa cất lên, để Mun kịp rửa mặt đánh răng rồi nghe chuyện giống nòi.    

Bé Mun khoái lắm, dỏng tai ngay từ khi mới đọc bản tin. Sáng nay có tin, một học sinh mầm non lớp cháo, bị nhốt trong nhà một mình khi còn đang ngủ. Thức dậy, không thấy mẹ đâu, cậu ta ra ban công, leo lan can tìm mẹ, chẳng may lộn cổ, rơi xuống từ tầng bốn.    

Rơi trúng cây Nguyệt Quới trăm năm tuổi, ông Tư Tôn vừa đưa  từ vườn kiểng nhà mình ra, đang đợi lên xe tải nhỏ đi hội hoa xuân. Nguyệt Quới trăm tuổi xanh, tán đang đơm hoa trắng dày như mâm xôi, kịp đưa tay hoa đỡ lấy! Cậu bé tìm mẹ thoát chết! Cuối bản tin đài còn nhắc, từ nay, 365 ngày trong năm phải là 365 ngày sạch và an toàn, các chúng cư trong phường, mới được công nhận là chúng cư văn hóa. 

Ôm con  nghe chuyện loài người mà ngẫm chuyện nhà mình, mèo mẹ thở hắt ra lo lắng.

 

Mèo mẹ sinh năm mèo con trên sân thượng một chúng cư bốn tầng, có gắn cái loa sắt vừa loan tin Nguyệt Quới cứu người. Bà muốn giữ cho mỗi đứa con một tầng lầu đặng mà có công ăn việc làm kiếm sống, vậy nên khi những mẹ mèo khác tới đây, bao giờ mèo mẹ khu loa truyền thanh cũng nhã nhặn:

- Đất này là của các con tôi. Mời  chị vui lòng đi tìm nhà bảo sanh mèo, chỗ khác. Thành phố thiếu gì sân thượng cho loài mèo chúng ta.  

Những khi nói miệng không được, mèo mẹ đành phải dùng tới chân tay móng vuốt. Những trận thư hùng trên các sân thượng, mái ngói mà các mẹ mèo thường gào lên như nã súng đại bác, chính là những cuộc chiến giữ đất sống cho con mình. Vì vậy những con mèo lang thang phải giỏi võ. 

Trong 5 mèo con. Em Út Vàng chỉ giỏi bú mẹ. Nó nói “võ nghệ theo sữa mẹ truyền qua, cần gì phải học”. Vậy là nó thành còn mèo béo phì, tròn như một cục bột có trộn lòng đỏ trứng gà. Vừa dứt sữa, mèo béo phì non men ra đầu cầu thang rồi trược chân, lăn lông lốc từ sân thượng xuống tầng thứ bốn. Rơi ngay vào nhà một bà già hưu trí, trong nhà đã sẵn một vườn trẻ mèo. Út Vàng là mèo thiệt đó, nhưng khác nào chuột sa chĩnh gạo! Sướng lắm! Bà hưu trí suốt ngày đan áo, để trong nhà lúc nào cũng có cuộn len cho các bé mèo dùng làm trái banh.  

Rồi tới lượt bé năm tên Mướp ra đi. Năm Mướp là một bé mèo giầu trí tưởng tượng. Khi cánh diều theo nắng chiều in xuống mặt sân thượng. Nó nhẩy lên cái bóng ấy, chạy theo bóng và thưa với mẹ rằng, nó đang lên trời. Mẹ khen: “Con sẽ thành một nhà thơ. Hãy tìm xuống tầng ba xin một chân gác kho giấy cho nhà xuất bản Văn Học Con Nít có văn phòng đại diện ở tầng lầu ấy”. Cuộc chia tay thật lãng mạn. Mẹ con, anh chị em cùng meo meo một khúc lục bát, trên sáu dưới tám:

Con chuột vào kho giấy in

Hỏi mèo gác cổng cho xin một tờ

Chú mèo làm lệnh xuất kho

Xuất giấy, xuất mực làm thơ cúng mèo    

Mèo xám bé Tư có năng khiếu khoa học kĩ thuật. Những lúc bú mẹ nó luôn mở mắt ngắm những ăng ten giàn, ăng ten chảo, nó biết cái nào là của nhà nào. Thấy vậy mẹ mèo bổ túc văn hóa liền: “Ăng - ten là một thứ cây làm bằng sắt tây. Muốn sống giữa rừng sắt tây, phải giỏi khoa học kĩ thuật!”. Một lần có ông kĩ sư lên chỉnh ăng - ten, bỏ quên cái kìm mỏ nhọn, nhỏ xinh như một con chim sẻ. Mẹ mèo bảo con ngậm cây kìm xuống theo, sống luôn trong nhà ông kĩ sư tầng hai. Đó là một buổi chiều, gió bấc đưa mùa đông từ phương Bắc tới. Vừa vào nhà ông kĩ sư, mèo bé Tư phóng ngay lên mặt bàn làm việc có cái mỏ hàn đang tỏa nhiệt để ngủ và mơ trong mùi nhựa thông thơm phức. Đứng trong gió bấc, nhìn con ngủ mà mèo mẹ ấm lòng!  

Tới khi nhà mèo chỉ còn hai chị em, chị hai Mun và Tam Thể bé gái thứ ba thì cô chủ tiệm may tầng trệt tìm lên sân thượng nhìn ngắm. Biết là cô chủ muốn đón mèo về nuôi, chị hai Mun phóng ngay đi chỗ khác, nhường may mắn cho em mình. Mèo Tam Thể khéo tay, lại sạch sẽ. Với bộ áo váy ba màu rất mode, Tam Thể vào tiệm may mà nằm trong tủ kính, khác nào người mẫu lên sàn diễn thời trang ba mảnh, áo ngủ.    

Thấm thoát, trên sân thượng gắn loa truyền thanh chỉ còn con mèo chị Hai tên Mun ở lại với mẹ. Nó thương mẹ chưa muốn đi đâu. Thấy con mình có hiếu bà mẹ đã xác xơ thân gầy lại nằm khoanh tròn cho con rúc vú. Rồi bà gượng dậy truyền thêm cho con những miếng võ mới.     

Hai mẹ con tập đủ các bài quyền cước. Mẹ lấy đuôi làm chuột cho con tập vồ. Lấy cả thân mình làm bị cát cho con tập đấm. Quyền pháp nào mèo Mun cũng đã giỏi, chỉ có bài nhẩy từ nhà này sang nhà kia là chưa làm được, nó sợ rơi xuống đường. Sợ dòng sông xe cộ nghiến nát.      

Phải làm sao cho con mình hết sợ. Mẹ mèo nghĩ nát óc về chuyện này mà chưa ra. Nghĩ tới phát bệnh, vừa rên vừa nói: “Nhà bên có một vườn kiểng. Con sang đấy hái cho mẹ mấy lá sung già làm thuốc. Không thuốc ấy mẹ chắc chết!”. 

Thương mẹ, mèo chị Hai nhảy phắt lên bờ tường. Rồi cong mình như cánh cung, lấy hết sức phóng qua bờ tường bên kia. Nhảy qua nhảy lại vài lần hái thuốc như thế, bài võ nhảy xa đã nhập tâm, nằm sẵn trong đường gân thớ thịt. Tiêu chí an toàn 365 ngày cho một năm mèo, kể như giải quyết xong, mèo mẹ thấy khỏe trong người. Bà nói với con gái mình, nói với một mèo mẹ tương lai: “Con đã trưởng thành. Hãy tìm một người bạn trai ở nơi gần các cánh diều, vầng trăng và ông mặt trời. Ở những sân thượng như thế, một thiếu nữ không thể ở dơ! Hãy sống sạch 365 ngày theo bí kíp bắt đầu từ chữ giấu của loài mèo mà loài người công nhận và ghi ở trang 309 dòng thứ 6 kể từ trên xuống trong Từ điển thành ngữ Việt Nam  nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội 1993.

  

Tôi chỉ  kể đến đây! Bạn đọc nào muốn câu chuyện dài hơn, mời tra từ điển đã dẫn!                                                                                   

                                                            

(Trích từ tập truyện Lộc vừng hồ Gươm đường Trường Sa)

Cô Nguyễn Thụy Anh (áo đỏ) - Chủ nhiệm câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" (K7 phòng 104 Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đọc truyện "Sống sạch 365 ngày" lấy từ sách "Lộc vừng hồ Gươm đường Trường Sa". Đọc trong chương trình  "đố vui của lớp học Nghĩ và Viết" của câu lạc bộ.

Các bạn trong lớp lắng nghe để cùng giải câu đố tác giả Trần Quốc Toàn gửi từ trong TP. HCM ra - tìm các thành ngữ Việt Nam giấu trong truyện. Bất ngờ là đọc chưa xong thì một bạn đã reo lên, có câu "chuột sa chĩnh gạo". Bạn trai đeo kính là Công Long, đang giải thích thế nào là Chuột sa chĩnh gạo.

Nghe vậy nhiều bạn giơ tay xin nói ý kiến của mình. Bạn Minh (đeo kính, đầu cua) lại nói...trật: "Giấu đầu hở đuôi" - mèo cũng có đuôi mà!

Cuối cùng Trần Đức, (bạn áo đen ) đưa tay xin phép rồi đứng lên, run run, nói thẳng, nói thật: "Giấu như mèo giấu cứt"!

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *