Từ đời vào văn

10/4
7:49 AM 2018

NHỚ VỀ MAXIM GORKY

Nguyễn Văn Chiến (Trường Đại học Hà Nội) -1.NHỚ NHỮNG NÉT CHÍNH TIỂU SỬ CỦA M.GORKY.Nhà văn, nhà soạn kịch, nhà phê bình, nhà chính luận vĩ đại người Nga Alexei Maximovich Peshkov với bút danh Maxim Gorky sinh ngày 28 tháng Ba năm 1868 tại thành phố Nizhny Novgorod, mất vào tháng Sáu năm 1936, thọ 68 tuổi.

Trong cuộc đời mình ông có ba người phụ nữ là bạn đời, họ là Andreyeva, Yekaterina Peshkova, Moura Budberg, và ông có những người con gồm Maxim Peshkov, Yekaterina Peshkova, Zinovy Peshkov, Catherine Zhelyabuzhskiy, Yuri Zhelyabuzhsky.

Maxim Gorky được coi là cha đẻ của nền văn học cách mạng Nga và người lập nên nền tảng của chủ nghĩa hiện thực xã hội trong văn học. Ông đã nếm trải những gian khó của thời thơ ấu, rồi sau đó đi khắp mọi nẻo đường trên đất Đế chế Nga. Ông đã làm nhiều nghề nghiệp suốt mười lăm năm ròng trước khi trở thành nhà văn ghi dấu ấn không phai mờ trên văn đàn Nga và thế giới.

Khi ông mười một tuổi thì cha mẹ ông đã qua đời hết. Bà ngoại nuôi ông và đã quan tâm giáo dưỡng năng khiếu thuật chuyện của ông. Nhưng ông đã bắt đầu ra khỏi nhà đi “kiếm sống” năm 1880 khi mới có mười hai tuổi.

Sau một bước ngoặt cuộc đời từ cuộc tự tử không thành vào năm 1887, ông lên đường lang thang chân đất khắp nước Nga suốt năm năm ròng với làm đủ thứ nghề nghiệp để sống, trong đó lần nhận chân rửa bát trên con tàu hơi nước chạy tuyến sông Volga thật quan trọng vì tại đó có một người đầu bếp đã truyền cho ông cách tiếp cận với sách vở, và từ đó, đọc sách đã trở nên niềm đam mê suốt đời của Maxim Gorky. Sau đó vài năm, những điều ông chiêm nghiệm và suy nghĩ đã thôi thúc ông viết. Và bút danh Maxim Gorky (với từ Gorky có nghĩa là “cay đắng”) đã được ông dùng cho mình trong sự nghiệp sáng tác. Truyện ngắn đầu tiên ông viết “Makar Chudra” được ghi bút danh M. Gorky được đăng tải trên nhiều tạp chí vào năm 1892 và liền được công chúng độc giả yêu thích. Sau đó là truyện ngắn “Chelkash” ra mắt năm 1895. Cuộc đời tầng lớp những người cùng khổ được diễn hình thật cô đọng và chân thực trong các truyện đầu tay của ông đã gây ấn tượng mạnh nơi người đọc và ông mau chóng được nhìn nhận như là một trong những nhà văn tiên phong của nước Nga thời đó. Tuyển tập đầu tiên của ông mang tên “Tùy bút và truyện ngắn” in năm 1898. Và một năm sau, những tác phẩm truyện dài và tiểu thuyết của ông bắt đầu được sáng tác và xuất bản với cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Foma Gordeev”. Đó là câu truyện về một con người có hoài bão lớn nhưng yếu đuối, anh ta cảm nhận thấy ghê tởm, chán chường và tội lỗi khi là kẻ thừa kế cái doanh nghiệp đầy lợi nhuận của gia đình. Vì lẽ ấy mà anh ta nổi loạn chống lại cả gia đình lẫn giai cấp xuất thân của mình. Nhưng anh ta thất bại trước sức mạnh của truyền thống vốn dĩ ngạo nghễ trước trước sự chần chừ nhu nhược của con người trẻ ấy. Tình tiết, cốt truyện này đã diễn hình thật rành rẽ nước Nga tăm tối, u ám và ngột ngạt trước cách mạng, những gì được Gorky với tư cách kẻ thù không khoan nhượng của chủ nghĩa tư bản truyền tải thật sinh động.

Maxim Gorky đã gặp Anton Chekhov và Lev Tolstoy để rồi họ trở thành bạn thân. Về sau ông đã viết những hồi ký rất hay và xúc động về hai nhà văn đó. Ngaoif văn xuôi, ông sáng tác nhiều tác phẩm kịch, trong đó, vở kịch “Dưới đáy” đã được ông viết trong thời kỳ cộng tác với Nhà hát nghệ thuật Moskva và được Chekhov rất khen ngợi. Các diễn viênvà đạo diễn đã công diễn vở này thành công ở châu Âu và Mỹ vào năm 1902. Trong tác phẩm này, Gorky không chỉ mô tả cuộc đời khốn khổ của bao con người ở “dưới đáy” xã hội nước Nga thuở ấy mà còn vạch rõ cho người ta thấy được những ảo tưởng vốn đang vây bọc những người bất hạnh.

Gorky tham gia cách mạng rất tích cực. Ông từng bị bắt giam một thời gian vào năm 1898. Năm 1901 ông hoạt động ở nhiều tỉnh nhằm trợ giúp tổ chức gây dựng báo chí bí mật. Đích thân Sa hoàng đã phủ quyết quyết nghị bầu Gorky vào Viện Hàn lâm khoa học Nga năm 1902. Và cũng vì những lời kêu gọi lật đổ chính phủ Sa hoàng mà ông lại bị tống ngục trong thời kỳ Cách mạng Nga 1905.

Gorky bí mật rời Nga đi Mỹ và châu Âu vào thời gian từ 1906 đến 1913.  Ông đến Mỹ để quyên góp quỹ giúp đỡ các nhà cách mạng, chính ở đó ông bắt tay viết tiểu thuyết “Người Mẹ” thuật truyện một người phụ nữ công nhân giản dị - một bà mẹ Nga theo Cơ đốc giáo - cùng đứa con trai bị tù tội của mình đã tham gia cách mạng, bà say mê lý tưởng của người con trai và chính bà cũng tham gia tích cực vào sự nghiệp của con mình. Chín V. Lenin đã nói “…Đây là cuốn sách rất kịp thời”. Thiên tiểu thuyết này được các nhà nghiên cứu văn học ở Liên Xô nhìn nhận là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa hiện thực xã hội trong văn học. Sau đó ông đến sống ở Italia trên đảo Capri. Ngôi nhà ông cư ngụ đã trở thành tâm điểm tập trung hoạt động chính trị và văn học của người Nga ở nước ngoài. Đến năm 1913, ông được chính phủ Sa hoàng ân xá và trở về nước Nga. Ba năm sau đó ông viết hai tập đầu tiểu sử tự thuật “Thời thơ ấu” (1913), “Kiếm sống” (1915), còn tập thứ ba “Những trường đại học của tôi” ra mắt năm 1922. Đây là những tác phẩm không chỉ trần thuật đầy cảm hứng cuộc đời của chính ông mà còn khắc họa đủ đầy và lãng mạn chân thực những con người ông gặp trên bước đường đời, và ấy chính là nước Nga của ông. Có một số nhà phê bình cho rằng những tác phẩm phi hư cấu như thế của Gorky còn nổi trội hơn cả những tác phẩm truyện khác của ông. Có thể là như vậy nếu xuất phát từ những cạnh khía tri nhận, chẳng hạn, với tôi, chân dung văn học của ông về L. Tolstoy và A. Chekhov để lại những ấn tượng không thể phai mờ về nhân cách và tài năng của họ, có lẽ cả cuốn tiểu thuyết dày dặn chưa chắc làm được như thế.

 Mặc dầu Gorky chưa bao giờ là Đảng viên chính thức nhưng ông là một người Mác xít tận tụy và đã dành rất nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng của phái Bolshevik  sau khi đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga phân liệt năm 1903. Chính ông đã bị cầm tù vì những hành động của mình trong thời kỳ xảy ra Cách mạng Nga năm 1905. Sau khi cách mạng tháng Mười thành công, Gorky đã tận tụy hiến mình cho công việc bảo tồn các giá trị văn hóa của nước Nga bằng các công việc cụ thể như xây dựng nhà ở cho các nhà văn và nghệ sĩ, thành lập nhiều nhà xuất bản…Chính ông đã trực tiếp can thiệp với quan chức chính quyền để họ có chính sách tích cực giúp đỡ các ngành nghệ thuật phát triển mạnh.

Ông sống ở Đức và Italia phần lớn thời gian từ 1921 đến 1933, một lý do là để điều trị bệnh phổi, nhưng phần lý do khác xuất phát từ bất đồng với một số vấn đề. Trong thời gian đó ông đã viết hai cuốn tiểu thuyết là “Sự nghiệp của nhà Artamonov” (1925) và “Cuộc đời của Klim Samgin”. Đây là hai tác phẩm điển hình của chủ nghĩa hiện thực phê phán phẫn nộ bóc trần những tệ lậu của nước Nga trước cách mạng. Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng hai tác phẩm này dài, cốt truyện và tình tiết chậm chạp. Song đây là những cuốn sử viết bằng ngôn ngữ tiểu thuyết về nước Nga và con người Nga thuộc các tầng lớp khác nhau hồi đầu thế kỷ 20 được khắc họa nổi, sắc nét và hấp dẫn.

Gorky đã có một số cuộc đi để nhập cuộc và chứng kiến hơi thở cuộc sống nhiểu nơi trên đất nước Xô Viết vào cuối thập niên 20 đầu thập niên 30. Từ nước ngoài, ông trở về Nga năm 1933. Vẫn như trước đây, ông hào hứng và nhiệt tâm tham gia vào công cuộc chấn hưng và phát triển văn hóa bằng sự nghiệp văn chương, xuất bản tạp chí và phê bình văn học.

Maxim Gorky qua đời năm 1936. Lúc sinh thời ông đã được tôn kính và được công chúng say mê đọc, khi mất đi, ông được tôn vinh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Nga thế kỷ 20. Nhiều con phố, bảo tàng, nhà hát, trường đại học, nhà máy, nông trang…mang tên Gorky.

  1. NHỚ MỘT SỐ SÁNG TÁC CỦA M. GORKY

Nhiều giáo trình và công trình đã khảo cứu về cuộc đời và tác phẩm của M. Gorky. Trong bài viết này không đề cập tới những vấn đề như vậy mà chỉ nêu ra một số luận đề vốn được nhiều nhà nghiên cứu tranh luận gần đây ở Nga và những nước khác.

Những sáng tác đầu tay của Gorky như  các truyện ngắn “Makar Chudra” (1892), “Emelian Piliai” (1893), “Chelkash” (1895), hai tập “Tùy bút và truyện ngắn” (in năm 1898 ở Peterburg), tác phẩm bốn tập “Truyện ngắn” (1900)  đã đem lại vinh quang đích thực tới nhà văn. Tuy nhiên, cách đánh giá và nhìn nhận của giới phê bình mang tính xã hội học chưa phải đã chính xác khi hạ thấp các tác phẩm văn xuôi hiện thực như thế của ông xuống cái tầm là chỉ bóc trần cái thế giới tư hữu của con người ở nước Nga Sa hoàng, còn các tác phẩm lãng mạn thì lại được gán cho cái mác là lời kêu gọi đấu tranh cách mạng. Trong giáo trình “Văn học Nga thế kỷ 20” do Nhà xuất bản “Giáo dục” Liên bang Nga ấn hành năm 1999 khẳng định rằng, với cách lý giải sai lạc như thế thì sáng tác của Gorky thành ra đối lập với văn học Nga hồi đầu thế kỷ 20. Mà quan niệm như thế cũng rất phổ biến ở Liên Xô trước đây, thậm chí cả hiện nay ở các trường phổ thông và đại học Việt Nam có giảng dạy văn học Nga. Bởi lẽ làm như vậy là cắt rời sáng tác của M. Gorky ra khỏi dòng văn xuôi lãng mạn và hiện thực Nga với những tên tuổi như Aleksandr Kuprin, Ivan Bunin, Leonid Andreyev, Fedor Sologub, Aleksey Remizov,  Yevgeny  Zamyatin, Dmitry Merezhkovsky…

Thời kỳ ông sáng tác các tác phẩm đầu tay là lúc ông bôn ba trên các nẻo đường nước Nga, ông tâm sự trong một bức thư rằng cuộc hành hương như thế được thúc đẩy bời ham muốn nhìn thấy xem ông đang sống ở đâu và con người xung quanh ông là như thế nào. Những câu truyện ấy khắc họa sự phân đôi lạ lùng nơi tâm hồn con người, cái nội tâm bị giằng xé giữa ý thức quỷ sứ và  ý thức thiên thần. Ông có chung những tìm kiếm và mô tả xã hội với các nhà văn khác, nhưng ông lại khác họ ở cách chọn lựa những thân phận cùng cực như những kẻ chân đất, thất nghiệp, lang thang tứ tán tìm nơi tá túc…làm nhân vật cho mình, như trong những truyện ngắn như “Hai gã chân đất”, “Làm muối”, Người bạn đường của tôi”…Ông nêu lên các biểu hiện của băng hoại đạo đức, tinh thần, họ “rơi vào trạng thái thờ ơ”, họ cảm thấy “ai cũng chống lại mình, thế là ai cũng ôm trong tâm khảm khối giận dữ chống lại tất cả”. Nhưng nhìn sâu hơn vào cuộc đời họ thì mới thấy nét thiện tâm lấp lánh với những nghĩ suy thông thái và sự hướng tới vẻ đẹp nơi trần thế như trong “Một lần vào mùa thu”, “Emilian Piliai”, “Konovalov”, “Bà Akulina”, “Những người xưa”, “Malva”.

Trong những tác phẩm viết theo mạch lãng mạn chủ nghĩa như “Makar Chudra”, “Cô gái và thần chết”, “Bà lão Izergil”, “Bài ca chim ưng”, “Hãn và con trai của ông”, “Người câm” toát lên cuộc tìm kiếm mạch sống tinh thần mạnh mẽ và cao cả qua các huyền thoại và truyền thuyết. Nhân vật lãng mạn sống chung cùng những người cùng bộ lạc vốn có những suy nghĩ và hành động thật hẹp hòi, họ tàn nhẫn và độc ác. Nhưng chính cái tồn tại tăm tối và khổ sở như thế lại là căn nguyên hun đúc nên khát khao vươn tới những gì tươi sáng, bao dung, bí ẩn và hướng thiện.Những vật vã ấy nhiều khi phải đổ máu và cay đắng để giành được sự thật và vẻ đẹp. Những đồng loại trì trệ được Makar Chudra tổng kết: “Họ thật nực cười,những người nơi cậu ấy.Họ quần tụ thành cả đám rồi chèn ép lẫn nhau, nhưng trên thế gian này có biết bao là chỗ cơ mà…”.

Gorky muốn chỉ cho người ta thấy nhân vật lãng mạn là kẻ phá vỡ tan tình trạng lay lắt ngủ mê mệt của biết bao nhiêu người. Ông dùng những truyền thuyết, những diễn trình cuộc đời như cổ tích để kích thích những nghĩ suy vượt khỏi đám lầy trì độn của cái môi trường tù đọng nước Nga Sa hoàng.Đó là sự hy sinh của Chim ưng, cái hành động được ngợi ca; “…những giọt máu nóng của ngươi, hệt các tia lửa, sẽ rực sáng lên nơi đêm trường của cuộc đời, rồi nhiều trái tim can trường sẽ cháy lên bởi nỗi niềm khao khát mãnh liệt vươn tới tự do, tới ánh sáng…”

Hình tượng Danko và Larra trong “Bà lão Izergil” thể hiện tường minh lối diễn hình lãng mạn và triết lý về cuộc đời của Gorky. Larra kiêu căng coi mình là kẻ “đầu tiên trên trái đất”, gã khôn khéo, ác độc, khỏe, man dã và chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mặt người ta cả. Bản chất gã là phi nhân tính. Khi đã bị nguyền rủa, gã muốn chết mà chẳng được. Sự trừng phạt cao nhất đâu cứ phải là triệt hạ thể xác, mà đó có thể là cái cô đơn không còn ai chú ý đến nữa từ người tới thiên giới…Còn Danko lại yêu quý những kẻ vốn “sống như dã thú”, “như chó sói”, những người vây quanh anh để  “dễ dàng tóm được và giết chết anh”. Nhưng Danko đã xé toang lồng ngực để lấy trái tim bùng cháy soi sáng cho tất cả thoát được tình thế lạc đường chắc chắn sẽ chết trong rừng thẳm. Đoạn kết thật bi hùng; kẻ cứu giúp đã chết mà có người còn đang tâm dẫm vó trái tim thật mạnh cho nó khỏi leo lét. Dường như hành động quên mình ấy nào có thể khơi gợi được sự từ tâm và phục thiện…Nhưng đó là chủ ý của Gorky, cuộc đời đâu có dễ dàng hoàn thiện, tính hai mặt của con người ta vẫn còn mạnh lắm trong từng cá nhân, cho nên cần có những con người biết vượt qua nỗi sợ để chế ngự những khía cạnh quỷ sứ trong tâm khảm con người ta cho dù kết cục có thể thật bi thảm…

Cũng giống như K. Paustovsky sau này, người nhìn thấy sự nên thơ, lãng mạn nơi từng ngọn cỏ, từng giọt sương mai…M. Gorky nhận chân cái lãng mạn vốn tiềm tàng trong mọi nhẽ của cuộc sống khi ông viết “Tất thảy đều đẹp và buồn  một cách lạ lùng, dường như ấy là sự mở đầu của câu truyện cổ tích kỳ diệu”. Gorky nhận biết thật rõ thông tuệ của truyền thuyết về nét hài hòa của cuộc đời khi vẻ đẹp của tự nhiên hòa cùng nhịp với vẻ đẹp tỏa sáng từ những hành động và suy tưởng cao cả của con người như Danko, như Chim ưng, như người mục đồng trong truyện “Người câm”…

Tính lãng mạn bộc lộ rất rõ trong tác phẩm “Bài ca chim báo bão”. Chính V. Lenin đã trích dẫn nội dung truyện này trong một bài báo của mình, có lẽ vì thế mà người ta liền coi đây là lời hiệu triệu cho đấu tranh cách mạng. Các nhà nghiên cứu Nga hiện nay phân tích cho thấy trong “Bài ca chim báo bão” này hừng hực niềm khát khao biến cải thế giới về đạo lý,tinh thần, diễn tả chiến thắng của tinh thần can đảm và ý chí vượt gian khó vốn là hiếm hoi trong thế giới đầy rẫy những toan tính nhỏ nhen. Chim báo bão được coi là sức mạnh tự phát hùng vĩ của tự nhiên, là hội tụ những mong muốn lý tưởng của Gorky về sức mạnh đánh bại bóng tối của bảo thủ, của trì trệ. Lời kêu gọi được tung ra ở cuối truyện: “Bão táp hãy bùng lên dữ dội nữa đi!” truyền diễn những cơn nhiệt huyết dữ dội “sức mạnh của cơn giận dữ, ngọn lửa của đam mê và niềm tin vào chiến thắng” nơi Chim báo bão kiêu hãnh tung cánh trên tất cả những đe dọa của sóng dữ và gió giật, hình tượng ẩn dụ của nhân cách quật cường vượt lên mọi tầm thường để mang lại niềm tin và khí phách cho cộng đồng những người khác đang lưỡng lự, thụ động.

Tiểu thuyết “Foma Gordeev” tiếp tục những kiến giải nghệ thuật của Gorky về cuộc xung đột giữa ước mơ và hiện thực.  Với Gorky, con người lý tưởng để cải tạo xã hội cần lành mạnh về đạo đức, có tâm thế cuồng nhiệt xả thân vì tranh đấu làm cho cuộc sống tốt hơn lên. Nhân vật chính trong tác phẩm này – Foma Gordeev – phẫn nộ với “sự chật chội” của cuộc đời và mong mỏi tìm ra được một “sự nghiệp cân sức với mình”. Thế nhưng, mọi thế lực ngự trị trong thành phố là giới chính trị, những kẻ biển lận, tầng lớp tư sản mới hãnh tiến… toan tính đè bẹp tất cả những nỗ lực tiến bộ đang nhằm xóa đi cái bất công và đê tiện của thói ỷ vào đồng tiền và quyền thế, những kẻ chống lại tiến bộ như vậy khiến Phoma phải căm phẫn gọi họ là “những kẻ hút máu”. Tiểu thuyết tạo được bức chân dung hợp với lịch sử thực tế về giới thương nhân thăng tiến thật nhanh và cũng thoái hóa và tàn lụi chóng vánh.  Foma ngột ngạt trong môi trường buôn bán của gia đình cũng như trong cả xã hội, chàng tự hỏi: “Cuốc đời là gì nhỉ nếu như đấy không phải là những con người?”. Lúc đầu chàng hốt hoảng vì ngỡ ấy chính là số phận, nhưng dần dà, sự thật hé lộ sự việc đâu phải vậy, cho nên chàng thốt lên: “Anh em ơi, cứu giúp tôi với! Tôi không thể sống được nữa” vì chàng thấy “mình không biết nghĩ suy thế nào đây”. Luận đề “sống để làm gì” không hề có câu trả lời. Bi thảm cuộc sống nằm ở chính xã hội, tức là những người xung quanh không tán đồng những thiết tha cải biến.

M. Gorky phụng sự  mục đích sáng tác rất thực tế, đó là “thức tỉnh niềm tự hào về chính bản thân mình nơi con người”, ông ước vọng về những con người “có mặt trời trong máu” như  nhân vật Cyrano de Bergerac ở  kịch của  Edmond Rostand.  Chính Gorky đã theo đuổi và say mê những luận điểm về biến cải thế giới bằng tôn giáo do triết gia Nga Vl. Soloviev đề xướng. Những trăn trở ấy được ông gói ghém trong tâm sự: “Tôi cảm nhận thấy trong không trung đang lưu chuyển một thế giới quan mới, một cách hiểu thế giới mang tính dân chủ, mà để nắm bắt nó thì tôi lại không thể và không  biết cách”. Nhà văn đã mê mải với cái sôi sục của tư duy của chính mình và của các nhân vật. Cái trỗi dậy của suy tư ấy tạo nên tiếng nói đa thanh của “dòng người” rất đa dạng về nguồn gốc. Và đây là căn nguyên thúc giục ông đi tìm những hình thức nghệ thuật để ghi lại tiếng nói ấy trong các tác phẩm.

M.Gorky là bạn của A. Chekhov, và ông cũng là người có những khái quát chính xác về sáng tác kịch của Chekhov khi nhận xét về tính cách tân trong kịch của ông rằng Chekhov đã “phá hủy chủ nghĩa hiện thực” của kịch truyền thống bằng cách đưa các hình tượng lên thành “biểu tượng đầy hứng khởi”, rằng Chekhov đã rời bỏ những xung đột kịch tính của các tính cách, chối bỏ cốt truyện gay cấn, căng thẳng.  Và chính Gorky cũng làm như vậy với kịch của mình. Ông tôn trọng sự nhịp nhàng, khoan thai của cuộc sống hàng ngày “không sự kiện to tát” nhằm tập trung làm bật lên “dòng chảy ngầm” nơi các hối thúc nội tâm của nhân vật.

Ông đã sáng tác các vở kịch “Những kẻ tiểu thị dân” (1901), “Dưới đáy” (1902), “Những người sống nơi dã thự” (1904), “Những đứa con của mặt trời” (1905), “Những kẻ man dã” (1905), “Những kẻ thù” (1906).. Trong số này thì vở “Dưới đáy” nổi bật lên nhờ chiều sâu của tư tưởng và tính chắc chắn và hoàn hảo của bố cục. Cái tên “Dưới đáy” không chỉ nói tới những con người vốn sống dưới đáy của xã hội như những kẻ chân đất, bịp bợm, bán hoa…mà còn hàm chỉ tình cảnh dưới đáy của tâm hồn con người vốn được ghi nhận từ cách tiếp cận riêng của tác giả nhằm nêu lên sự xung đột giữa những cảm quan không giống nhau về thế giới, tức là sự chộn rộn vật vã của tư tưởng con người ta . Gorky lựa chọn cảnh huống sống của những người ở tầng lớp dưới đáy – “vương quốc tối tăm” - để phát lộ ta những chân tướng trôi ngầm của sự sống mà khó ai biết tới ở tình trạng bình thường. Đó là chân dung vô vọng và trần trụi bản chất thực như nhân vật Bubnov ê chề thốt lên: “…mọi nhẽ đều trụi lụi cả rồi, chỉ còn mỗi một gã người trần trụi lõa lồ còn lại thôi”.  Những lời thoại chẳng ai nghe ai lại gắn kết với nhau ở một điều là bộc lộ ra cái ý ngầm của nội dung cho thấy tính ảo trong mọi mối quan hệ, thân phận thừa dư của những kẻ bất hạnh.Nhân vật Luka xuất hiện ở hồi 2 vở kịch đã rọi sinh khí cho cuộc sống tù túng như thế, ông ta cho rằng: “…con người ta sống vì những lẽ tốt hơn….Đến một trăm năm, mà có thể lâu hơn thế - họ sống vì con người tử tế hơn”. Nhưng rồi nghịch cảnh của đời là khép vòng tồn tại thật buồn, thật bi thảm, đó là cái lộ trình: người ta xuất phát từ lãnh đạm, vô tình để đi đến ước mơ mà không thể đạt thấu, rồi từ ước vọng ấy lại đi tới các chấn động thảm thiết trên thực tế hay sụp đổ, chết chóc. Có lẽ, dáng dấp của bi kịch thân phận  mà các nhà văn hiện sinh những năm sau này đã hiển hiện thấp thoáng trong các tình tiết vở kịch của Gorky. Rồi họ cũng dần hiểu thân phận và vật vã tìm lối thoát, nhưng cái phũ phàng của nhận thức vốn đối lập với thực tại lại khiến họ lâm vào ngõ cụt. Khi họ dày vò mình với câu hỏi; “Mình sinh ra trên đời này để làm chi?”, sau đó phát hiện ra mình chỉ là hạt cát bé nhỏ khó lòng thoát khỏi số phận thì bế tắc vẫn bao trùm. Lỗi lầm của họ là do tiếp cận chân lý chỉ bằng trực giác, nhưng lại vẫn run rẩy, sợ hãi trước tình cảnh không lối thoát của mình mà dẫn tới tê liệt ý chí.

Trong thời kỳ lưu vong ông đã hoàn tất tiểu thuyết “Bà mẹ” ở Italia. Rồi ông sang Mỹ với ước mơ thúc đẩy “cách mạng thế giới” của tinh thần con người. Tại nước Mỹ đó ông đã viết các tùy bút “ Ở Mỹ”, “Những bài phỏng vấn của tôi” - một tác phẩm trào phúng về quyền lực chính trị. Ông đã tiếp cận tư tưởng thần học khi ở đảo Capri và viết truyện vừa “Tự bạch” với nhân vật Matvei, người vừa trải qua một tai nạn, cả nghĩ và tin vào thắng lợi của năng lượng “chung của con người” ngang bằng với lẽ kỳ diệu của Chúa trời.

Quá trình nhận diện và tri nhận thế giới của Gorky luôn diễn tiến sâu sắc. Những kiếm tìm nghệ thuật và thực tại trong sáng tác tiểu thuyết “Bà mẹ” đã lại khiến ông trăn trở. Ông muốn phát hiện ra  căn cốt của thực tiễn đã làm nên “cái thế giới bị tàn phá” kia. Vào tháng Hai năm 1912 ông căn vặn bản thân: “Đúng là lúc và thật cấp bách phải nghiên cứu nước Nga từ mọi gốc rễ trong khi việc lưu tâm không phải là với câu hỏi – nước Nga thế nào? – mà là cho câu hỏi –tại sao nước Nga lại như thế?”.

Từ  tháng Tư năm 1917 đến tháng Năm năm 1918, Gorky cho đăng tải trên báo “Đời sống mới” loạt bài “Những ý nghĩ muộn màng, Những ghi chép về cách mạng và văn hóa”. Ngoài những ý kiến phê phán những sai lầm và hiện tượng tiêu cực trong xã hội, Gorky bày tỏ niềm hy vọng về “khả năng thiêng liêng của lao động tự do, của sáng tạo trên mọi lĩnh vực”.

Vào cuối đời, ông sáng tác tiểu thuyết “Sự nghiệp nhà Artamonov” (1924) và tác phẩm sử thi bốn tập “Cuộc đời Klim Samgin”, nhưng cái chết của nhà văn vĩ đại đã khiến ông không hoàn tất được bộ sử thi này. Cuốn “Sự nghiệp nhà Artamonov” được nhìn nhận như bộ lịch sử về sự sinh thành, thịnh vượng và suy tàn của chủ nghĩa tư bản Nga.Ba thế hệ gia đình nhà doanh nghiệp này đã lao tâm khổ tứ vì tiền và sản nghiệp, nhưng nhiều người trong số họ đã lụy tiền quá đỗi để quên đi bổn phận đạo đức với đồng loại. Và rốt cuộc, đứa cháu Aleksei đã trở thành kẻ phá gia chi tử làm tiêu tán sản nghiệp để khánh kiệt hoàn toàn. Chính tác phẩm này cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị dự báo và cảnh tỉnh con người về những hệ lụy phát triển nền văn minh máy móc mà quên khuấy đi con người với tư cách là chủ thể của xã hội hài hòa và nhân văn.

Với tác phẩm “Cuộc đời Klim Samgin”, M. Gorky trù định tái tạo lịch sử của trí thức Nga suốt một tiến trình kéo dài 40 năm. Một quang cảnh đầy xúc cảm và suy tưởng triết học về nước Nga trí tuệ có trục thời gian dọc hai thế kỷ khiến người đọc không thể  hững hờ được vì sự phong phú về chất liệu cuộc sống và cách xử lý văn chương rất tài hoa của Gorky.

Một lẽ rất kỳ thú trong sáng tác của M. Gorky (mà cũng tương tự như cuộc đời sáng tạo của nhà văn Nga đoạt giải Nobel văn chương Ivan Bunin (1870 - 1953), ấy là cả hai lần lưu vong của ông đều không bợn dấu vết trong sáng tác của ông. Toàn bộ vốn liếng tư liệu sống cho sáng tác của mình đều được ông chắt tỉa chỉ từ hiện thực nước Nga trước cách mạng mà thôi. Ông không hề viết bất cứ tác phẩm văn học nào về những xứ sở nước ngoài ông từng sống hay ghé thăm, và ông cũng không hề viết về cuộc sống sau cách mạng ở nước Nga Xô Viết.

Vào những năm đầu sau cách mạng tháng Mười, Gorky đã trải qua cuộc khủng hoảng tinh thần rất nặng nề do ông phải đối mặt với nhiều điều trái ngược với kỳ vọng của mình về văn hóa, xã hội. Những ai đọc “Nhật ký Moskva” của nhà văn, nhà viết kịch Pháp Romain Rolland, giải Nobel Văn học năm 1915, người tới thăm Liên Xô năm 1935, thì đều thấy được Gorky là một nhà văn vĩ đại, một nhân cách cao cả cô đơn và đầy bi kịch đến thế nào được Rolland mô tả trong sách của mình.

Gorky trở về nước Nga năm 1933, và ông chính là nhà văn lưu vong quay về Nga cuối cùng. Từ đó ông đã có những quan hệ cá nhân với lãnh tụ cách mạng Stalin. Chính Gorky đã tham gia trực tiếp vào công tác chuẩn bị của ban tổ chức đại hội lần thứ nhất các nhà văn Xô Viết. Sau đó ông trở thành chủ tịch của Hội nhà văn Liên Xô mà được thành lập năm 1934. Tại căn hộ ông ở tại Moskva, đích thân Stalin đã có những cuộc gặp gỡ ban đêm nổi tiếng với các nhà văn.Và chính tại một cuộc gặp như thế đã xuất hiện thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực xã hội” (sotsialistichesky realism, thuật ngữ tiếng Anh là socialist realism) và nội dung chính trị - xã hội cụ thể của thuật ngữ cũng đã được bàn thảo và hoàn tất.

 Vào giai đoàn những năm 20 và 30  ông năng nổ với công tác tổ chức nhằm tạo dựng nền văn học mới của nước Nga. Ông đã lãnh đạo hoặc tham gia trực tiếp vào việc sáng lập các tạp chí “Học tập văn học”, “Ở nước ngoài”, thành lập các bộ sách “Cuộc đời những người trứ danh”, “Thư viện nhà thơ”.

Cùng thời gian ấy, ông quan tâm nhiều tới những con người nếm trải xung đột nội tâm do các tấn kịch xã hội hay gia đình để bắt tay vào viết các tác phẩm mà hình thành nên “làn sóng thứ hai” trong sáng tác kịch của ông. Đó là “Egor Bulychov và những người khác” (1932), “Dostigaev và những người khác” (1933), “Vassa Zheleznova” (1935).

Năm nay, độc giả ngưỡng mộ Maxim Gorky trên toàn thế giới kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông. Nhiều người nói, mỗi khi gặp trắc trở, hay chỉ đơn thuần thấy buồn trong cuộc sông, họ bèn vời tới truyện ngắn, tiểu thuyết,  hay bộ ba tự thuật của Gorky đọc để tâm hồn trở nên thư thái, nhẹ nhõm, và điều quan trọng nhất, nghị lực sống lại trào dâng…Những ai học viết từ truyện hư cấu đến chính luận hay chân dung văn học…đều có thể học được từ các tác phẩm của ông cách bố cục, cách trình bày vấn đề và cứ liệu, cách phân tích tâm lý và hành động và nhiều điều nữa. Gorky, bậc thầy của văn học hiện thực xã hội, luôn giúp đữ nhiều người chọn văn chương làm lẽ sống, nhiều nhà văn các thế hệ kế tiếp ở Nga và trên thế giới đã được truyền cảm hứng và học được nhiều từ nhân cách và các tác phẩm của ông.

Có những nhà phê bình cho rằng Gorky đã thất bại trong cuộc đời và sáng tác. Họ nhầm rồi, sức sống nơi con người ông và tính nghệ thuật lẫn tính nhân văn cao cả của truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch, tùy bút, chính luận…của ông vẫn nóng bỏng, vẹn nguyên và phát triển vì sách của ông vẫn được dịch, được in ở khắp nơi trên thế giới. Độc giả các thế hệ vẫn đang tìm tới ông với tư cách người bạn, người thầy, người hướng đạo trong văn chương, sự nghiệp và sự sống!

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *