MÊNH MÔNG BA BỂ
Sáng sớm khi sương mù còn giăng giăng khắp núi rừng, hồ Ba Bể thấp thoáng như nàng tiên đang bay lượn với tấm váy trắng tinh khổng lồ. Khi hoàng hôn đổ bóng, hồ Ba Bể lung linh huyền ảo trong muôn vàn tia nắng rực rỡ.
Khi ngồi trên chiếc tàu nhỏ do một thanh niên dân tộc Tày cầm lái bắt đầu lướt sóng trên mặt hồ thì chúng tôi càng ngất ngây trước vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của hồ Ba Bể. Mặt hồ mênh mông, mênh mông với diện tích 650ha, độ sâu trung bình 20-25 m, chạy dài hơn 8km. Nước hồ trong vắt, dưới ấy là tôm tép, cua cá đang thoải sức bơi lội, kiếm ăn. Ngay sát ven hồ, thấp thoáng chỗ này là một màu đỏ tươi của hoa rừng, chỗ kia là một vạt hoa trắng tinh khôi bám vào vách núi. Xa xa trên những bãi đất bồi ven hồ, từng khóm tre xanh đang xào xạc trong làn gió mát, vài chú trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ, mươi chú cò trắng dạo bước trên đôi chân khẳng khiu gợi cho ta cảnh thanh bình vốn có ở các làng quê Bắc bộ. Và kìa từng đàn bướm trắng như những vị chủ nhà mến khách túm tụm trên bãi đất trống hoặc bay lượn trên không chào đón du khách đã đến với Ba Bể. Không chỉ có hoa, có bướm mà có cả con người chào đón con người bằng những cái vẫy tay, ấy là những du khách ta và Tây vẫy chào nhau mỗi khi thuyền xuôi, thuyền ngược. Thật thú vị khi được ngắn nhìn những cô gái Tầy xinh xắn trong bộ trang phục áo Chàm chèo thuyền độc mộc đưa du khách đi thưởng ngoạn cảnh hồ. Trong làn sương khói mờ ảo của sớm bam mai hay trong ráng chiều nắng vàng, những cô gái Tầy khi ẩn khi hiện như những nàng tiên từ trên trời xuống chốn bồng lai tiên cảnh ở hạ giới. tiên Họ thường là khách du lịch nước ngoài, họ có thời gian và thích gần gũi thiên nhiên nên hay đi thuyền gỗ còn đa phần du khách trong nước không có thời gian rong ruổi nên ngồi thuyền máy, tiếng máy nổ và mui che làm giảm đi cái cảnh lãng mạn của non nước Ba Bể.
Ngước mắt lên cao là những dãy núi đá cao sừng sững, trên đấy bạt ngàn cây xanh tươi tốt, trên đấy còn có muôn thú đang sinh tồn. Còn tít tắp trên kia là vòm trời trong xanh, mây trên trời nghiêng ngó hỏi mây dưới nước, ngươi là ai mà sao giống ta đến thế? Tôi khỏa tay xuống nước, cái mát mẻ chạy đến từng chân tơ kẽ tóc. Bao nỗi nhọc nhằn nơi phố phường đông đúc và bụi bặm được trút bỏ trên mặt hồ mênh mông. Đang đắm mình trong trời nước bao la, thuyền giảm tốc, tiến về phía động Puông. Chúng tôi leo lên động, ngay lập tức sửng sốt trước vẻ đẹp kỳ ảo của hang động, dưới đất là hang đá nhấp nhô, cột chống trời khổng lồ; trên vòm động là nhũ đá với muôn vẻ hình thù đâm xuống tua tủa. Đi xuống phía dưới là một khúc hồ như con sông nhỏ xuyên qua động Puông. Du khách trầm trồ ngợi ca vẻ đẹp của động Puông không kém gì hang động trên vịnh Hạ Long hay ở Phong nha- kẻ bàng. Rời động Puông, chúng tôi lại lênh đênh trên mặt hồ. Mê say, thích thú là cảm giác chung của du khách khi ngồi trên thuyền ngắm cảnh Ba Bể nhưng vẫn gợi một chút suy tư khi thi thoảnh lại nhìn thấy một vạt rừng bị người dân sống bên lòng hồ phá đi làm rẫy. Hay thi thoảng con thuyền lại khựng lại khi bị va vào đá ở những đoạn lách do nước ở hồ Ba Bể đang ngày một vơi cạn. Hồ Ba Bể với diện tích mặt nước 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m là cái bể chứa nước ngọt khổng lồ, việc nước hồ đang cạn dần đã được cảnh báo nhưng việc phòng tránh cho hồ cạn nước thì chưa được tính đến. Và để cho hồ Ba Bể luôn giữa được vẻ hoang sơ, có lẽ tỉnh Bắc Kạn nên nghĩ đến việc di dời người dân đang sống ở ngay sát bờ hồ đi nơi khác khi mà chưa muộn.
Xuôi về phía hạ lưu, xa xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm từ con thác Đầm Đẳng- một khúc gãy của sông Năng đổ xuống phía Tây vườn quốc gia Ba Bể và chảy vào đất Tuyên Quang. Thác Đầm Đẳng dài khoảng 1km, có nhiều ghềnh đá, là nơi thưởng ngoạn của du khách, ngắm nhìn thác nước trắng xóa bắn tung tóe, nghe tiếng ầm ầm thác đổ; và nơi đây cũng là nơi người dân đến đây câu cá. Tôi đi xuống chân thác, trò chuyện với hai bố con anh Phùng Văn Huấn đang câu cá, anh cho biết anh là người dân tộc Tày ở bản Đa Vị, Na Hang, Tuyên Quang, hai bố con chèo thuyền sang đây để câu cá. Có ngày bố con anh câu được 3kg cá, cá chạch có giá 180 ngàn/kg còn cá Quất thì đắt hơn, 370 ngàn đồng/kg. Tôi hỏi anh có nhiều người đến thác câu cá không, anh bảo tùy từng ngày, ngày nhiều đến vài chục người, ngày ít cũng dăm ba người, họ đi câu vừa để giải trí vừa để có cá ăn, còn câu được nhiều thì đem bán. Tôi mượn con anh cái cần câu, nhớ lại cách đây hơn ba mươi năm mình cũng từng câu tại ao nhà, mỗi khi cá dính câu, dây cước căng ra, ngọn cần câu vít xuống thật thích thú, đến khi lôi được cá lên bờ rồi thì hồ hởi như vừa lập được một chiến công. Không chỉ có cá, hồ Ba Bể còn có rất nhiều tép, người dân sống quanh hồ thường đơm đó bắt tép làm tép chua. Đây là một trong những món ăn đặc sản ở Ba Bể được chế biến công phu. Tép bắt ở hồ lên còn tươi nguyên, đem rửa sạch, bỏ muối, cơm chín, men, rượu, đảo lửa, để ba ngày sau đem ăn rất thơm, ngon. Bánh trứng kiến cũng là món ăn đặc sản ở Ba Bể, nguyên liệu chế biến là bột gạo nếp và nhân là trứng kiến đen lấy ở trên rừng chỉ ngày 3 tháng 3 mới có. Ăn bánh trứng kiến xong, uống chè tuyết Ba Bể càng làm cho du khách thêm lâng lâng khoái cảm. Chè tuyết được hái từ những cây chè trên rừng cao to, có độ tuổi từ 3 năm đến 30 năm, được sao chế một cách kỹ càng. Chè tuyết uống thơm, ngon, lúc đầu có vị đắng, sau có vị ngọt. Hàng ngày có hàng chục người dân tộc sống ở quanh hồ Ba Bể mang các thứ bánh đặc sản, bánh giày, bánh trời, bánh trứng kiến, cơm lam, chè tuyết, tép chua, mật ong rừng đến các bến tàu, khách sạn, nhà nghỉ để bán cho du khách. Bà Bế Thị Loan, dân tộc Tày cho biết, ngày nào bà cũng mang các thứ đi bán, ngày nhiều khách bán được 200-300 ngàn.
Thật kỳ lạ, ngay sát hồ Ba Bể mênh mông lại sinh ra một cái ao gọi là ao Tiên, gọi là cá ao vì bốn xung quanh có bờ, bờ ao không phải bằng đất mà là những vách núi đá cao sừng sững. Nước ao trong xanh, phẳng lặng, khiến cho cho du khách một cảm giác bình yên. Ao Tiên tròn, rộng hơn 3.000m2. Xung quanh Ao Tiên được bao bọc bởi núi đá vôi và thảm rừng nguyên sinh, mặt ao tĩnh lặng, nước xanh biếc, in bóng mây trời.
Những dấu chân kỳ lạ trên đá, gắn với sự tích Ao Tiên huyền thoại, kể về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ giáng trần. Nhìn về phía mặt trời lặn, còn có một triền đá nhô cao, tương truyền là nơi các vị thần tiên chơi cờ.
Trong lòng Ao Tiên có các loài cá quý như cá chép kính, cá lăng, cá chiên... được cho là đã theo dòng nước ngầm từ Hồ Ba Bể vào đây cư ngụ. Dọc đoạn đường từ Hồ tới Ao Tiên, còn có những loài cây cổ thụ sống trên núi đá vôi như cây ô rô, cây mậy tèo, cây nụ. Giữa đường có ngã rẽ tới Động Tiên cao 15m, rộng 35m với những nếp đá xếp thành tầng hướng về phía Nam. Trong động có nhiều thạch nhũ và một ngách sâu đi về phía Bắc. Động Tiên cùng với Ao Tiên tạo thành một sinh cảnh nguyên sơ, tô điểm cho vẻ đẹp ồ Ba Bể..
Cũng thật kỳ lạ, giữa hồ Ba Bể mênh mông lại có hai đảo nhỏ nổi lên giữa hồ là đảo Bà Ngõa và đảo An Mã , gọi là đảo An Mã vì nó giống như con ngựa đóng cương đang lội nước. Ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm, trên đảo An Mã có hội "Lồng tồng"- lễ xuống đồng của người dân tộc sống trong vùng, cầu mong cho một năm mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Chúng tôi lên đền An Mã, ngôi đền linh thiêng nằm trên một khu đất rộng, phía trước có trồng nhiều loại hoa, gió từ dưới hồ thổi lên mát rượi, chúng tôi thắp hương trong ngôi đền, cầu mong sức khỏe, cầu mong cho hồ Ba Bể mãi mãi mênh mông, xanh biếc; sớm được tỉnh Bắc Kạn và Bộ Văn hóa- thể thao& du lịch đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO thế giới để hồ Ba Bể được công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long, Phong Nha kẻ bàng. Hồ Ba Bể hoàn toàn xứng đáng trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới vì nó được kiến tạo cách đây 200 triệu năm. Đây là một kiến tạo vĩ đại của thiên nhiên cuối thế kỷ Camri. Ba nhánh thông nhau của hồ Ba Bể là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Nước từ hồ này có thể chảy sang hồ kia nhưng tàu thuyền thì không qua lại được vì bị ngăn cách bởi những vách đá. Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Trên núi có hồ quốc gia, dưới núi có rừng quốc gia, tỉnh Bắc Kạn đang được thiên nhiên ưu đãi hai thứ tài sản vô giá không chỉ về môi trường sinh thái mà còn là nguồn thu lớn từ du lịch nếu biết đầu tư và quảng bá. Nếu hồ Ba Bể không có sự quyến rũ thì làm sao hàng năm có hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài lặn lội đường xá xa xôi đến với Ba Bể. Nhưng từng ấy du khách vẫn là quá ít so với một Ba Bể mênh mông, huyền ảo. Ba Bể như một nàng tiên xinh đẹp đang ngủ, cần đánh thức nàng tiên dậy để cho nước hồ thêm mênh mông, xanh biếc; để chim chóc thêm lời hát ca; để du khách trong và ngoài nước nao nức đổ về.
V.Đ