LƯỠNG GIỚI:BI KỊCH HẬU HY LẠP
Là một tiểu thuyết về một người liên giới tính, nó trở thành cuốn sách về bản dạng nhập nhằng của nước Mỹ. Là cuốn sách về bản dạng nhập nhằng của nước Mỹ, nó trở thành một biên niên sử về con người trong thời đại hậu thánh thần. Là một biên niên sử về con người trong thời đại hậu thánh thần, nó trở thành một gia phả của một thời đại. Là một gia phả của một thời đại, nó trở thành một Bildungsroman - một trường ca về tuổi nổi loạn. Là tất cả những văn bản vĩ đại đó, nó từ chối ngưng trệ hay bị chặn lại và do đó liên tục đưa chúng ta trở lại với thế giới biến động và phì nhiêu của nó.
Không chỉ bởi Lưỡng giới kể lại lịch sử một gia đình tị nạn từ Hy Lạp, cũng không chỉ vì trong nhiều trường đoạn Jeffrey đã nhái lời nguyện cầu của Homer ngay dòng đầu Illiad: “Hỡi Thi thần, xin cất lời ca…”, mà Lưỡng giới xứng đáng được coi là phần nối dài của truyền thống bi kịch Hy Lạp.
Ta hãy nghĩ tới nguồn gốc của từ “tragedy” (bi kịch). Mặc dù về vấn đề này, giới nghiên cứu gần như vẫn còn chia rẽ, ý kiến khác nhau thì vô số kể, nhưng trong đó có một giả thuyết của học giả John J. Winkler cho rằng có thể nó bắt nguồn từ tragizein (τραγίζειν), trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “sự thay đổi giọng nói ở lứa tuổi thiếu niên”, hàm ý chỉ những ca công là “đại diện cho những kẻ đang trải qua tuổi dậy thì”. Chiếu theo góc nhìn đó, Lưỡng giới với cuộc phiêu lưu băng qua tuổi dậy thì của một “dị nhân” và rộng hơn là tuổi dậy thì của nước Mỹ, đã sát với “bi kịch” theo nghĩa nguyên bản nhất.
“Tôi sinh ra hai lần: lần đầu, là bé gái, vào một ngày không sương khói khác thường ở Detroit tháng Giêng năm 1960; rồi lần nữa, là thằng nhóc thiếu niên, ở phòng cấp cứu gần thành phố Petoskey, tiểu bang Michigan, tháng Tám năm 1974”. Cốt truyện ngoằn ngoèo của Lưỡng giới được bắt đầu một cách trực diện như vậy.
Giống như Saleem Sinai trong Những đứa con của nửa đêm, Cal/Calliope Stephanides - nhân vật trung tâm của Lưỡng giới cũng trăn trở về giây phút mình bổ nhào ra khỏi cõi hư vô để đường đường tiến vào thế giới. Nhưng nếu Saleem Sinai ngay lập tức thẳng toẹt về việc mình lọt lòng vào chính thời khắc Ấn Độ giành độc lập - như một lời gợi ý rõ rành rành về sự liên thông giữa số phận của thằng bé mặt nhọ và đất nước Ấn Độ, thì ở Lưỡng giới, mối dây kết nối giữa Cal/Calliope và nước Mỹ không hiển hiện như vậy. Jeffrey Eugenides đặt hai mốc thời gian ra đời của Cal/Calliope là hai thời điểm quan trọng trong chính sử Hoa Kỳ: 1960 - manh nha cuộc chiến tranh Việt Nam, 1974 - nước Mỹ sa lầy và chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn toàn đại bại.
Ở giữa hai khoảng thời gian đó là hai kẻ bập bõm tập làm người lớn: một là Cal/Calliope với cái gene nổi loạn thiếu đi enzyme 5-Alpha-Reductase, và hai là một xã hội Mỹ đang chao đảo vì sự nổi loạn của tầng lớp da màu, sự phiền nhiễu của những cuộc cách mạng khoa học, sự đột biến của bọn người hippie cùng phong trào tình dục tự do, sự sôi sùng sục của một nồi lẩu văn hóa tạp pí lù. Như một cái mủ đang mưng, phải có tất cả những viêm nhiễm sưng tấy ấy để một trật tự mới được hoài thai, phải có cuộc đi hoang bốc đồng rồi thì Cal mới trở về ngôi nhà của mình, một ngôi nhà với kiến trúc tiên phong, và cậu nghĩ đến viễn tưởng về sự khai sinh một thế giới mới nơi ngụ cư của một loại người mới, loại người ấy chính là cậu và những người như cậu.
Hơn cả một loại người mới, Cal/Calliope trong Lưỡng giới là một người anh hùng kiểu mới. Người anh hùng ấy không cướp lửa cho loài người như Prometheus, không phạm tội giết cha và cưới mẹ như Oedipus. Ta còn nhớ trong vở Iphigeni ở Aulis của nhà bi kịch vĩ đại trước công nguyên Euripides, người anh hùng Agamemnon bày tỏ niềm ghen tị với ông già nô lệ, rằng ngài thèm thuồng một đời sống vô danh và tăm tối. Đáp lại, ông già nô lệ nói: “Thưa nhà vua Agamemnon, tiên vương Atreus đã không sinh ra ngài chỉ để hưởng hoàn toàn hạnh phúc ở đời. Ngài phải nếm cả vui sướng và khổ não, vì ngài sinh ra là một người trần: dầu cho ngài không thích thế thì đấy vẫn là ý muốn của chư thần.” Câu thoại tưởng chừng tầm thường của lão già nô lệ kỳ thực cất giấu bên trong nó minh triết thiêng liêng - thứ tư tưởng cốt cán trong bi kịch Hy Lạp, rằng người anh hùng luôn phải chống chọi với những thế lực linh thiêng, và quá trình làm người là sự giằng co với công lý Zeus, với Định Mệnh.
Khi Lưỡng giới được viết ra, nó đã là thế kỷ thứ 21 sau Công nguyên, tức là hàng thiên niên kỷ sau khi những vị thần trên đỉnh Olympus chỉ còn lại là thần thoại của một nền văn minh sơ khởi. Định Mệnh đã tuyệt chủng. Khoa học chính thống không công nhận sự tồn tại của những vị thần quyết định số phận của một con người. Nhưng lúc này, Định Mệnh lại được hiện hình trong một bộ dạng khác: bộ gene. Cal/Calliope là một vị anh hùng kiểu mới, bởi anh/cô phải vật lộn với bộ gene thiếu đi một nhiễm sắc thể của mình. Và một câu hỏi triết học muôn thuở: ta là chính ta do ta lựa chọn, hay chỉ đơn thuần là một phản ứng của những hợp chất đã được mã hóa sẵn bên trong?
Đến cuối cùng, ngay cả trong mong thời đại mà quyền lực của con người lạm phát, ý chí tự do dường như vẫn nằm ngoài tay với và bất khả đạt được. Người ta không còn bỗng nhiên biến đổi giới tính một cách kỳ ảo như chàng/nàng Orlando của nữ văn sĩ Virginia Woolf hay nhà tiên tri mù Tiresias thành Thebes bị biến thành phụ nữ trong 7 năm ròng, rõ ràng là Cal/Calliope mắc một hội chứng mà y học hiện đại có thể gọi tên và cắt nghĩa nguyên nhân, nhưng rồi sao? Bản dạng của Cal/Calliope vẫn không thể minh định. Và dù là Định Mệnh, dù là bộ gene, đó vẫn chỉ là cách mà chúng ta lấp liếm hiểu biết mù mờ về bản chất bí hiểm của nhân vị.
Jeffrey Eugenides, có lẽ vì thế, đã cất công khai quật cả một niên sử dòng họ Stephanides. Trước khi Cal/Calliope rơi tọt vào thế giới này và làm một chuyến chu du huy hoàng, cái gene thiếu đi enzyme 5-Alpha-Reductase đã tồn tại và vượt qua những hành trình lưu lạc kỳ vĩ từ bán đảo Tiểu Á thời loạn lạc tới vùng Trung Tây nước Mỹ thời Cấm Rượu, thời Đại Suy Thoái, thời bùng nổ kinh tế, cái gene ấy được yểm trợ bởi những ái lực vừa trần tục vừa thần thoại, như ái lực đã đẩy bà nội Desdemona vào tội loạn luân với cậu em ruột Lefty. Và nên nhớ, chính cuộc tình của Hera và Zeus vốn dĩ cũng là một cuộc tình chị em loạn luân vậy. Ngay từ đầu, gia đình nhà Stephanides tuy làm người nhưng đã thực hành một cuộc đời theo kiểu các vị thần. Vậy mà, Albert Camus từng viết: “Vì muốn làm người nên từ chối làm thánh thần.”
Jeffrey Eugenides kể lại rằng, ý tưởng Lưỡng giới đã nhen nhóm trong ông từ năm 16 tuổi, trong một giờ học tiếng Latin, khi thầy giáo giảng về trường ca Metamorphosis của Ovid tới đoạn Hera tranh cãi với Zeus liệu đàn ông hay đàn bà tận hưởng cuộc sống tình dục nhiều hơn. Hera nói đàn ông. Zeus khăng khăng đàn bà. Họ đem câu hỏi ấy tới vị tiên tri Tiresias - người đã sống cuộc đời của cả đàn ông và đàn bà - để phân xử. Tiresias phán: “Nếu niềm vui ái tình là mười phần, thì ba lần ba thuộc về đàn bà. Một phần thuộc về đàn ông.” Là một người đàn ông chính cống, Eugenides thừa nhận “chẳng còn gì nhiều để mà hy vọng”, và đi đến quyết định trở thành một nhà văn để có thể bước vào tâm trí của cả người đàn ông và người đàn bà.
Mặc dù nhen nhóm từ rất sớm, tác phẩm đã phải đi một chặng đường dài để thành hình hoàn chỉnh, những 20 năm ròng, trong đó là 9 năm dùng để miệt mài viết, có lẽ cũng chẳng ngắn hơn là bao so với chặng đường mà cái gene đột biến của dòng tộc Stephanides phải đi để ngoi lên ngoài ánh sáng.
Lưỡng giới là một bi kịch về con người đối chọi với Định Mệnh, bản thân nó cũng có những cú ngoặt Định Mệnh thật kỳ lạ. Ta còn nhớ, trong tác phẩm, nhân vật Calliope đã phải lòng một cô bạn gái và gọi cô ấy với biệt danh Đối Tượng Mơ Hồ. Ngoài đời, Eugenides tiết lộ rằng, biệt danh ấy thật ra chính là cách ông gọi một cô bạn xinh đẹp mình từng biết hồi còn đi học. Và vào cái ngày bản thảo Lưỡng giới hoàn chỉnh, ông đi ăn tối, và tình cờ thay, gặp lại cô gái ấy. Dù nói gì đi nữa, Định Mệnh vẫn luôn đeo bám con người.□
Nguồn Tia Sáng