ĐỌC CHÙM THƠ VIẾT VỀ RỪNG VÀ BIỂN CỦA TRỊNH CÔNG LỘC
Có nghĩa là trước khi đọc chùm thơ này của Trịnh Công Lộc, trong tôi, những đối tượng trên vẫn còn trong ý nghĩ và cảm xúc trừu tượng, khái quát, chứ chưa hiện lên thành những cảm xúc, suy tư cụ thể nhờ ngôn từ, hình tượng và tư tưởng thơ anh mang lại. Thế mới biết, thơ có sức mạnh riêng, ma lực riêng của nó.
Trịnh Công Lộc là nhà thơ nhập cuộc, mong thơ nói lên tiếng nói vì cuộc sống và con người. Thơ không thể bàng quan và xa lạ với những gì dân tộc đang yêu thương và gắn bó. Anh nghĩ về những điều mọi người đang nghĩ và cha ông tatrước đây đã nghĩ. Cuộc sống đang đập vào anh và vào thơ anh muôn vàn lớp sóng. Anh không thể ngồi trầm ngâm, lặng lẽ mặc cho nó thế nào cũng được. Nghĩ về biển trong cơn sóng gió do kẻ thù gây nên, anh liền khẳng định sự bất tử của biển như một cổ mẫu thiêng liêng, không thể nào xao nhãng trong tâm thức của mọi người. Bài thơ Từ biển mà đi là ý thức mãnh liệt về tình yêu Tổ quốc trong ý thức sáng tạo của Trịnh Công Lộc:
Đâu phải bây giờ
mới từ biển mà đi
đất nước mấy ngàn,
mấy ngàn năm bão tố
biển của ta, lại nhiều hơn sóng dữ
đừng nghĩ ai, bé nhỏ trước muôn trùng …
Một ý thức bảo vệ vẹn toàn lãnh hải của toàn dân tộc lại hiện lên như mệnh lệnh xuyên suốt không gian và thời gian: “Ông cha mình đã từ biển mà đi/ vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ những luồng lạch nông, sâu/ thuộc lòng như chữ nghĩa/ bao lớp người đi giữ đảo, không về”, bởi vì “biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm/ ru lời ru vô tận dưới lòng sâu/ mỗi đảo nhỏ/ đã hoá thành ngọn nến/ thắp linh thiêng rừng rực trời sao”. Ngày xưa đã thế. Bây giờ lại càng phải thế - biển thiêng liêng trong mọi hồn người:
Bây giờ, lại từ biển mà đi
biển là đất - đất liền với biển
đất giàu lên - biển cũng giàu lên
đất đã mạnh - biển trời thêm mạnh
Không ai yêu Tổ quốc mình mà lại không yêu biển - một phần không tách rời thực thể Việt Nam: “đừng nghĩ ai,/ bé nhỏ trước muôn trùng/ chẳng kẻ nào,/ tát được bể Đông!”.Hình tượng biển hiện lên trong liên hệ tương đồng với Trường Sơn núi để trở thành Trường Sơn biển mênh mông, vững chãi và uy nghi.Trong ý thức tồn sinh vẹn tròn của Tổ quốc, mỗi hòn đảo nhỏ đảo to, đảo chìm đảo nổi đều như cùng con người gánh vác non sông:
Bây giờ,
lại từ biển mà đi
nơi cuối chót Hoàng Sa,
nơi Trường Sa cuối chót
đôi bờ vai,
bát ngát biển trời
gánh bao nỗi gian truân đất nước
như Trường Sơn,
gánh xương máu chiến tranh
như lịch sử, gánh thăng trầm mỗi bước !
Và cuối cùng là sự thức nhận nghĩa vụ tối thượng của mỗi con người Việt Nam yêu nước, chính là lên đường chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa, cuối chót/ lại lên vai/bát ngát mà đi!” (Từ biển mà đi).
Nhưng rồi, nhà thơ không dấu được nỗi đau khi thực tế một phần lãnh đã hải bị kẻ thù xâm phạm. Ngày 14/ 3/ 1988, Đảo Gạc Ma phải hứng chịu bi thương từ sự tàn bạo của kẻ thù. Bi kịch Gạc Ma đã trở thành niềm bi hùng, bi tráng, tiêu biểu cho tinh thần anh dũng Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chủ quyền lãnh hải vẫn tung bay trên đảo Gạc Ma dù 64 chiến sĩ - những người con ưu túcủa nhân dân đã ra đi mãi mãi không về. Xương máu các anh điểm tô cho tinh thần yêu nước và ý chí căm thù giặc sâu sắc của những người đang sống. Sáu mươi tư chiến sĩ Hải quân Việt Nam trước khi vĩnh viễn ra đi, họ đã siết chặt tay nhau kết thành một vòng tròn Gạc Ma bất tử, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải quê hương. Họ đã trở thành những anh hùng bất tử với trọng trách sáng ngời mà Thiếu úy Trần Văn Phương đã thay mặt đồng đội tuyên bố trước lúc anh xả thân vì nghĩa lớn một cách anh dũng: “Thà hy sinh quyết không để mất đảo”. Họ đã trở thành huyền thoại giữa lòng dân tộc. Và giờ đây, Trịnh Công Lộc đã thực sự đến chỗ biển trời lẫn sóng nước - nơi các chiến sĩ đã hy sinh để thả những vòng hoa tưởng nhớ, vinh danh sáu mươi bốn anh linh bất tử ấy. Đã có nhiều bài thơ về Gạc Ma xúc động. Nhưng bài thơ Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma của Trịnh Công Lộc đã đạt tới sự chắt lọc, giàu biểu tượng. Xin đọc lại trọn vẹn bài thơ này
Đã bao lần thả vòng hoa xuống biển
Hoa cứ trôi, sóng dạt về đâu
Những vòng hoa, linh hồn neo đậu
Vợi nỗi buồn, bớt lạnh lẽo, cô đơn
Nhưng ở đây,
rừng san hô tím ngắt
Những vòng hoa không muốn trôi đi
Hay có phải
- sáu mươi tư hồn cốt
Còn quanh đây… sóng buốt thân tàu…
Những người kia khuất mặt đi đâu
Sao giấu nổi tội trời, tội đất
Những vòng hoa cứ quẩn quanh bờ nước
Như vòng tay muốn ôm xiết vòng tay.
Bài thơ Rừng đảo khẳng định thế trận thiên nhiên hùng vĩ của đất nước và nói lên tinh thần yêu nước của những người giữ đảo, tạo thành sức mạnh bất khuất: “Người yêu đảo, mặn mòi với đảo/ Đảo yêu người hạt muối cắn đôi/ Máu thấm đất hồng tươi mặt đất/ Máu biển loang sóng đỏ chân trời…”.
Âm hưởng bi hùng và tinh thần sử thi hiện lên trên từng dòng thơ, như nhắc thức con người hôm nay quyết tâm giữ biển. Mỗi hòn đảo khơi xa trở thành cột mốc giữa muôn trùng sóng gió, bão giông. Nằm trong mạch cảm hứng tự hào, ân nghĩa ấy, trước đó Trịnh Công Lộc đã rất nổi tiếng với bài thơ Mộ gió đầy suy tư và xúc động, ẩn chứa những năng lượng và giá trị thẳm sâu về lòng yêu Tổ quốc của những người chiến binh thời Nguyễn bảo vệ chủ quyền lãnh hải và hy sinh anh dũng nơi đảo xa. Những Mộ gió bất tử chính là khởi đầu và truyền thống của những Vòng tròn Gạc Ma bất tử. Bài thơ đạt cùng lúc 02 giải thưởng lớn - giải nhì về thơ và giải nhì về ca khúc được phổ nhạc trong cuộc thi toàn quốc “Đây biển Việt Nam” nam 2011- 2012.
Trịnh Công Lộc luôn nghĩ suy và trăn trở trước những hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng không chỉ của riêng mình mà còn chính là của mọi người để nghiệm suy và thông điệp những vấn đề lớn lao, trọng đại của Đất nước. Anh âu lo và lên tiếng nói bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn bằng tiếng nói thi ca rất kịp thời, dứt khoát. Khái quát về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người (thiên nhân tương dữ), Trịnh Công Lộc đã đúc kết thành nhữngnội dung sâu sắc qua bài thơ Đất, những con đường. Từ bài thơ này, anh triển khai những tứ thơ có liên quan đến tình yêu Tổ quốc và ý thức bảo vệ môi sinh.Thiên nhiên trước hết là đất mẹ, là vòm trời, là nơi yêu thương, sinh dưỡng, bao bọc con người từ thuở hồng hoang mở cõi đến bây giờ: “Đất/ Ôm trứng Âu Cơ/ Vòm trời miên man ấp ủ/ Miên man mưa dầm, nắng lửa/ Sinh nở/ Những con đường…./ Nơi trời đất nên duyên/ Ngọn nguồn sinh nở” (Đất, những con đường).
Bài thơ Đảo vắng cũng nằm trong mạch cảm hứng tương tác mật thiết giữa thiên nhiên và con người như thế. Con người tựa vào thiên nhiên, thiên nhiên che chở con người, tạo nên mối quan hệ sinh thái bền vững: “Không có đất, chưa có người đến ở/ Chỉ có đá và mây/ Gió và sóng/ Thay tiếng đập cửa/ Thay hơi ấm đi về”. Thiên nhiên mở lòng mình đón con người đến sống để làm nên sự tương sinh, tương hợp: “Đón chúng tôi đầu tiên/ Những lớp đá lô nhô vòng tay ôm xiết/ Khi ngọn sóng muốn trào dâng tiếng hát/ Người muốn làm cây cho đá ngọt ngào”.Nhà thơ đã phát hiện và nhân cách hóa vẻ đẹp lẫn sứ mệnh của những hòn đảo giữa trùng khơi: “Mỗi đảo nhỏ như trái tim của biển/ Những trái tim nhịp đập trùng khơi” (Lời của sóng).Đó chính là quan niệm và sự ý thức về “cộng đồng sinh vật” để vì lợi ích của “chỉnh thể sinh thái”, trong đó, có con người. Thời hiện đại, con người được đặt trong mối quan hệ bình đẳng với thiên nhiên, chứ không phải như trước đây, người ta xem con người là trung tâm (human-centred) của sinh thái. Đây chính là cái nhìn nhân văn mới của triết học hiện đại mà Trịnh Công Lộc đã nắm bắt và thể hiên một cách mới mẻ, khách quan.Qua những hình tượng trên, nhà thơ không chỉ thông điệp đến người đọc về ý thức, trách nhiệm của con người với thiên nhiên trong hiện tại, mà ông còn muốn thông điệp về những viễn cảnh tốt đẹp trong tương lại mà thiên nhiên mang lại cho con người khi con người biết sống hài hòa với tự nhiên. Trong tâm thức mọi người, Biển muôn đời là lãnh hải của lòng dân: “Biển sâu là mãi mãi/ Hoàng Sa đi cực bắc/ Trường Sa đi cực nam/ Cũng là mãi mãi/ Biển đây/ Tổ quốc của mình!” (Giữa biển).
Mỗi hòn đảolà Trường Sơn trên mặt biển, không ai có quyền xâm phạm. Những ngôi sao trên bầu trời cao rộng luôn sáng soi để canh giữ biển trời: “Sao là mắt của biển/ Đảo là mắt trùng khơi/ Đăm đăm xa vời vợi/ Bao nỗi niềm biển ơi!” (Biển đêm).
Biển là nền nước mênh mông, mỗi hòn đảo là mỗi trụ trời bất tử: “Trường Sa đấy bốn bề dông bão/ Đón người ra với đảo, gửi niềm tin/ Song Tử - như trụ trời - bất tử/ Gọi ngàn xa/ Tung cánh bay về…” (Ngàn xa).
Chùm những bài như : “Mộ gió”,“ Từ biển mà đi”, “ Vòng hoa quang đảo Gạc Ma”, “ Lời của song “, “ Rừng đảo”…là một đóng góp mới mẻ, đậm nét, xứng đáng cho nền thơ đương đại Việt nam.
Bên cạnh Biển là Núi Rừng. Núi rừng là một phần môi sinh bền vững khác trên mặt đất liền, qua đó, Trịnh Công Lộctriết luận và xác tín sự toàn vẹn lãnh thổ. Có thể xem bài thơ Đỉnh núi là biểu trưng cho một phần của Trường Sơn hùng vĩ, ôm ấp chở che sự sống con người: “Núi tiếp núi chập chùng vi vút/ Vời vợi xa, sương gió về đâu/ Dốc thẳng đứng, yên cương lưng ngựa/ Cuồn cuộn bay vun vút ngàn sâu…Cứ thế, nhà thơ đồng nhất hóa hình tượng núi trên mặt biển và núi trên đất liền như bệ phóng vững chắc che chở cõi bờ đất nước ngàn năm:
Đất là núi
là sông
là biển
Núi ngất cao, sông biển rộng dài
Sông với biển giăng thành như núi
Giữ bình yên bờ cõi đất đai!
Vì vậy, mọi người phải biết giữ gìn, yêu thương và san sẻ: “Mỗi tấc đất,đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi/ một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây!” (Đỉnh núi). Hiện thực và tâm linh xoắn luyến trong nhau để tạo nên chiều kích mới của lòng yêu nước.
Dòng sông cũng là hình tượng luôn ám ảnh hồn thơ Trịnh Công Lộc.Nó như cổ mẫu trong suốt, luôn trôi chảy, bền vững và nhắc thức con người phải biết gắn bó và san sẻ: “Sông đã thành lời ru êm ái/ Ru đời ta-ôm mãi đời ta…/ Sông đã thành mây-mây ru, gió hát/ Mây lại thành mưa, ru đất cùng trời/ Trách gì đâu, sông ấy đã cho tôi/ Nhiều hơn cả những gì tôi đã có” (Ru người theo sông). Phải nói rằng Trịnh Công Lộc đã nhìn thiên nhiên như một sinh thể có tâm hồn, đang đồng hành cùng cõi nhân sinh và cõi nhớ trong tâm thức mỗi con người.Chính thiên nhiên đã nâng tâm hồn con người lên tầm cao rộng mênh mông như trời, như biển.
Đảo và rừng như nương tựa vào nhau để tồn tại, để làm nên tâm hồn Việt Nam, sức mạnh Việt Nam: “chi chít mọc, đảo thành rừng của biển”, “như binh đoàn ào ạt tiền phương” mà con người cần phải gắn bó, quyết tâm giữ biển:
Biển một ly không thể cắt rời
Người yêu đảo, mặn mòi với đảo
Đảo yêu người, hạt muối cắn đôi
Máu thắm đất hồng tươi mặt đất
Máu biển loang sóng đỏ chân trời
(Rừng đảo)
Biển đảo luôn được nhìn trong mối quan hệ vững bền với núi rừng, đất đai. Chúng trở thành đường chân trời mơ mộng muôn đời như những cổ mẫu thiêng, luôn tồn tại trong tâm thức mọi người: “Đất là núi/ Là sông/ Là biển/ Núi ngất cao, sông biển rộng dài/ Sông và biển giăng thành như núi/ Giữ bình yên bờ cõi đất đai !”.
Đất và biển là sở hữu của dân tộc, của lòng dân. Chúng là vĩnh cửu Trường Sơn rừng, muôn đời Trường Sơn biển: “Mỗi tấc đất/ đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi/ Một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây !” (Đỉnh núi) từ đó. nhà thơ luôn là người phản biện và bảo vệ cho những gì thuộc về chân lý: “Đất có rừng, biển cùng rừng như đất/ Biển mỡ màu, rừng đảo ngàn xưa/ Đại dương bao la, đại ngàn rừng đảo/ Đại ngàn xanh, xanh ngập bến bờ” (Rừng đảo).
Chùm thơ viết ở Vị Xuyên chính là sự cụ thể hóa ở một bình diện khác của của mối quan hệ sinh thái tâm linh thiêng liêng và xúc động để tưởng nhớ những người chiến sĩ nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược. Giờ các anh yên nghỉ giữa lòng dân nơi nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Những đài hương, giờ đây, ngày đêm nghi ngút khói hương nối liền hai cõi âm - dương vời vợi, nhưng gần gũi, tương thông và tương trong mọi chiều kích không gian và thời gian hiện thực trần thế: “Đài hương/ lưng chừng núi/ Các anh về cả đây/ Trong đá và trong cát/ Mặc/ mưa nắng đong đầy”. Hồn thiêng các chiến sĩ luôn hiện về bàng bạc núi sông và mỗi hồn người:
Khói nhang người đến thắp
Vị Xuyên thành cánh mây
Nghe như có tiếng đập
Tim núi,
giấc mơ bay …
(Đài hương)
Trịnh Công Lộc đã đồng hiện không gian và thời gian sinh thái chiến tranh một thời ác liệt nhưng hào hùng để con người hiểu thêm rằng trong chiến tranh, núi sông và con người cùng nương tựa vào nhau để chiến đấu và chiến thắng:“Ơi sông Lô…/ hò dô… / chiến trận/ Gió ngàn xa,/ heo hắt/ Đã một thời sông nước hùng ca!” (Sông Lô!).
Giờ đây,những địa danh ấy đã là sự sống và địa chỉ tinh thần của nhân dân: “Chiến tranh qua ngàn trận/ Sông vẫn xanh ngời ngời”. Nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng: “Vừa dừng chân - Thanh Thuỷ/ Đã nghe thấy sông Lô/ Tiếng trong và tiếng đục/ Giữa mờ sương xa mờ”. Sông Lô trong âm nhạc Văn Cao giờ đây lại âm vang hào hùng trong thơ Trịnh Công Lộc, làm hiện lên trùng trùng vạn dặm khơi xa:“Sông Lô từ vạn dặm/ Gió lại về tinh khôi/ Thượng nguồn, rừng đá thắm/ Cũng soi lên dáng trời”. Cảm hứng quay về một thời lửa đạn chiến tranh trong nhận thức của cuộc sống thời bình đã giúp nhà thơ đồng hiện quá khứ gần và quá khứ xa một cáchtự hào, day dứt:
Đêm đêm nghe tiếng núi
Gió cuộn,
đổ xuống dòng
Đổ đi đâu cho hết
Tiếng bời bời của sông
Trách mình như trẻ nhỏ
Đêm say một giấc nồng
Sông Lô,
quên gọi dậy
Cứ yên nằm như không !
(Sông Lô từ vạn dặm)
Chiến tranh có khả năng hóa giải chiến tranh. Bài học xương máu và bài học xả thân vì nghĩa lớn của một dân tộc yêu nước không chỉ có tác dụng thanh lọc niềm tin và lòng tự hào của phe chính nghĩa, mà cao hơn, nó có khả năng cảm hóa và tấn công vào cái ác của phe phi nghĩa. Tư tưởng “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô dại cáo)vẫn còn nguyên giá trị thời sự - thời đại cho đến ngày nay.Qua bài thơ Hai bên, Trịnh Công Lộc đã nói lên sự khác biệt của lòng người. Sự đối lập giữa đại nghĩa và hung tàn, giữa chí nhân và cường bạo chính là xuất phát từ bản chất văn hóa và sự lựa chọn đạo đức của mỗi dân tộc, mỗi chủ thể ý thức: “Bầu trời, nước mắt mây mưa/ Cây ngã xuống/ rừng loang máu đỏ/ Biên giới là hai bên/ Bên ta và bên họ/ Mọi thứ chẳng khác nhau là mấy/ Chỉ lòng người khác biệt nhiều thôi”.
Bài thơ Trái đất - quả cầu vàng cũng nằm trong mạch cảm xúc và cái nhìn biện chứng trên, tác giả đã chứng minh bi kịch của cái ác và sự thất bại củatư tưởng bá quyền, nước lớn đối với nước nhỏ: “Cường quốc đã thi nhau/Bóc lớp này lớp khác” đã làm cho Trái đất - quả cầu vàng trở thành nạn nhân của chiến tranh hủy diệt:
Trái đất như quả cầu vàng
Như trái ngọt
Khi lòng tham chưa nguôi cơn khát
Bàn tay
còn khát máu chiến tranh
(Trái đất - quả cầu vàng)
Nhà thơ đã tiên đoán và nhìn thấy lâm nguy đưa lại cho con người những tổn thất và bất hạnh như thế nào nếu chiến tranh còn tái diễn trên mặt đất. Khi ấy:
kẻ hai mặt nhiều hơn
Nhà tù xiềng xích nhiều hơn
Hủy diệt nhiều hơn
Tưởng như không còn mặt đất
Nếu chiến tranh lần này có thật?
Sẽ không lời giải đáp
Tôi nghe, tôi hát
Trái đất nhỏ
đi trước vận mệnh con người.
(Nếu)
Chiến tranh cùng với sự tàn bạo của nó đã làm hủy hoại môi sinh, cả mặt đất và bầu trời loang máu đỏ đau thương: “Cuộc chiến đã nổ ra/ Đất nhàu mặt đất/ Sông nhàu mặt sông/ Biển nhàu mặt biển/ Bầu trời/ nước mắt mây mưa/ Cây ngã xuống/ rừng loang máu đỏ!”.Với cảm hứng luôn suy ngẫm như đối thoại với lịch sử và thời cuộc, Trịnh Công Lộc đã đứng hẳn về phía những con người yêu nước chân chính, những con người đã quên mình cho Tổ quốc để nghiệm suy và chính luận:
Mỗi tấc đất, đã bao nhiêu máu
Thắm lên từng vách núi ngọn cây
Mỗi đỉnh núi, một bàn thờ Tổ quốc
Ngát linh hương nghi ngút trời mây!
(Đỉnh núi)
Hình tượng thơ độc đáo, mới lạ trở thành một biểu tương văn hóa tôn vinh những giá tri thiêng liêng.
Khi đặt chân lên chiến địa Vị Xuyên, một trong những nơi diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ác liệt kéo dài suốt 10 năm ( 1979 – 1989 ) Trịnh Công Lộc đã viết một chùm thơ đầy ấn tượng, trong đó có bài “ Vành tang núi’. Điểm khác biệt của chùm thơ này và bài thơ “ Vành tang núi” ở chỗ, tác giả đã tổ chức cấu trúc theo lối tích hợp các yếu tố về hình tượng, ngôn ngữ, về biểu cảm lịch sử và địa danh cụ thể, lấy cái cụ thể của sự kiện làm điểm tựa cho liên tưởng. Đọc bài thơ biết ngay đó là Vị Xuyên, không cần phải tưởng tượng, hình dung xem nó ở đâu.Vị Xuyên, chiến địa không lẫm vào đâu được Đó là một sự tìm tòi công phu trong thơ Trịnh Công Lộc. Tôi cũng đồng cảm với nhà thơ Đặng Huy Giang viết trên Báo Văn nghệ số 7 ngày 18/2/2017 về bài thơ này :
“Vành tang núi”, chất một mất một còn của cuộc “đối đầu chiến địa” được Trịnh Công Lộc khai thác triệt để. Có cảm giác: Đạn không chỉ bắn vào núi ở Vị Xuyên, bắn vào lãnh thổ Việt Nam, mà còn bắn vào lòng ông. Bài thơ được triển khai hết sức tự nhiên và có chất tự sự ở khổ đầu: Chưa thấy ở đâu/ Đạn bắn vào đến nỗi/ Đá chín thành vôi/ Thanh Thủy “Lò vôi thế kỷ”. Và đạn bắn nhiều đến nỗi Đá núi lô nhô, đèo đọt/ Lối mòn gầy gộc, lắt leo/ Sương sớm tan mau/ Nắng chiều tắt vội…Ở khổ thơ thứ hai, chất thâu tóm, đúc rút bắt đầu xuất hiện ở hai câu ở dạng khẳng định – trải nghiệm: Mới rõ hết sự tình/ Núi không thể hắt đi. Không có ai có thể đau đớn như Trịnh Công Lộc khi hình dung ra một sự hoang tàn, đổ nát và mất mát đến tận cùng ngỡ không thể đến tận cùng hơn. Rồi hậu quả tất yếu là Đá vụn sống lưng/ Thấy đá không thấy cỏ/ Thấy máu không thấy người. Đến Thấy máu không thấy người, mạch thơ trở nên dồn nén để giải tỏa thành một tứ thơ độc đáo, khác lạ và hoàn chỉnh.
Đây là toàn văn bài thơ :
Chưa thấy ở đâu
Đạn bắn vào đến nỗi
Đá chín thành vôi
Thanh Thuỷ “ Lò vôi thế kỷ”
Chưa ở đâu
Một dãy bản xa
chênh vênh ranh giới
Đá núi lô nhô,đèo đọt
Lối mòn gầy gộc lắt leo
Sương sớm tan mau
Nắng chiều vội tắt
Giấc ngủ dài hơn trăm quăng dao
Dài hơn điểm cao 1509
Dài hơn Thanh Tân,Thanh Thuỷ …
Chẳng ai nghĩ đến ngày súng nổ
Đạn réo qua đầu, còn ngỡ
Khi pháo đạn gầm lên dội lửa
24 tiếng / mỗi ngày ,
mỗi giây không nghỉ
30 ngày / mỗi tháng không ngơi
Mới rõ hết sự tình
Núi - không thể hắt đi !
Không ai nghĩ mười năm
thành đối đầu chiến địa
Đá vụn sống lưng.
Thấy đá, không thấy cỏ
Thấy máu,không thấy người
Thanh thuỷ “ Lò vôi thế kỷ”
Vôi - vành tang núi
Trắng lên trời !
Tháng 7/ 2016
Với chùm những bài như : “ Đỉnh núi “, “ Vành tang núi “, “ Thác gọi”, “ Đài hương “, “ Sông Lô từ ngàn dặm”…lay động, sâu lắng và có tầm vóc đáng ghui nhận, tương xứng với chùm những bài thơ về Biển của tác giả.
Đọc xong chùm thơ viết về Rừng và Biển của Trịnh Công Lộc, mọi nhỏ nhặt, tầm thường trong ta biến mất, nhường chỗ cho những gì lớn lao, cao đẹp. Tác giả đã thực sự thao thức và nhập vai vào mọi người để nghĩ suy về những vấn đề thế sự trọng đại của Đất nước bằng tiếng nói thi ca. Chùm thơ đã trở thành tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ trong ý thức nghệ thuật của nhà thơ. Và nó đã trở thành đối tượng, chủ đề trở đi trở lại trong sáng tạo của Trịnh Công Lộc. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên mà cụ thể là mối quan hệ giữa Núi Rừng và Biển Đảo ở đây không trừu tượng, trái lại rất cụ thể, ân tình qua từng cảnh tượng và con người cụ thể; từ đó, nhà thơ khái quát, nâng lên thành tình yêu Tổ quốc, Nhân dân với thái độ và sự lựa chọn kịp thời, dứt khoát, theo phán đoán đúng. Từ đó, giúp chúng ta ý thức về môi trường sống hiện tạitrong ý nghĩa nhân văn sinh thái, văn hóa sinh tháihài hòa, cao đẹp. Trong mỗi chúng ta, lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc bao giờ cũng vẹn tròn và bất tử:Vĩnh cửu Trường Sơn rừng, muôn đời Trường Sơn biển.
Vỹ Dạ, 4 / 2019.
( Nguồn : Tạp chí Thơ số tháng 8 +9 năm 2019 )