VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC MỸ VIẾT VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Trong thời chiến, lí do chính trị khiến cho không chỉ dòng văn học về chiến tranh Việt Nam mà toàn bộ nền văn học Mĩ nói chung chỉ đến được với miền Bắc Việt Nam một cách rất hạn chế. Lúc đó độc giả miền Bắc chỉ biết đến những nhà văn Mĩ lừng lẫy như Ernest Hemingway, Jack London, Mark Twain, O’Henry… Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu tình hình dịch thuật văn học Mĩ ở miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng dưới ảnh hưởng của một nền chính trị “thân Mĩ”, chắc chắn văn học Mĩ ở miền Nam khi ấy phải hết sức đồ sộ. Trong hai mươi năm cấm vận hậu chiến, tình hình tiếp nhận văn học Mĩ ở cả hai miền cũng không khởi sắc hơn miền Bắc trước 1975 là bao. Những tác phẩm văn học Mĩ ở miền Nam trước kia, vì những lí do lịch sử, đã thất tán nhiều nơi, hoặc nếu được lưu lại thì độc giả cũng không dễ dàng tiếp cận. Những tác phẩm dịch mới lại hết sức nhỏ giọt, mặc dù đã có sự xuất hiện của một số tác giả có tính thị trường. Chúng tôi đếm được từ một thống kê chưa đầy đủ của Lê Thị Kim Loan thì trong số 1067 bản dịch văn học Mĩ ở Việt Nam sau 1975 chỉ có 130 (khoảng 12%) bản dịch ra mắt độc giả trước năm 1995, năm mà hai chính phủ Việt - Mĩ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao. Trong 130 tác phẩm được dịch trước năm 1995 nói trên, không có tác phẩm nào viết về chiến tranh Việt Nam.
Sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, văn hóa và văn học Mĩ theo quy luật toàn cầu hóa đã ồ ạt vào Việt Nam. Số lượng người biết tiếng Anh ngày càng nhiều đã kéo văn học Mĩ đến gần hơn với độc giả Việt. Thế nhưng dòng văn học chiến tranh Việt Nam của Mĩ lại cực kì ít ỏi trong cơn lũ văn học dịch ấy. Trong kết quả thống kê chưa đầy đủ nói trên, chúng tôi nhận thấy trong số 937 bản dịch văn học Mĩ ở Việt Nam sau 1995, chỉ có 8 tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, và không có tác phẩm nào trong số đó là văn học hư cấu. Tất cả đều ở dạng hồi kí, kí sự, kí chân dung nhân vật, tài liệu chiến trường hoặc tài liệu phân tích lịch sử.
Những thể loại trung tâm của văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca đến với độc giả Việt Nam lại càng muộn màng và ít ỏi hơn. Trong khả năng tìm kiếm của chúng tôi, bài thơ đầu tiên về chiến tranh Việt Nam của một nhà thơ Mĩ xuất hiện trên một ấn phẩm ở Việt Nam là bài Ba mươi cái cúi đầu bắt buộc của Fred Marchant do Tô Diệu Linh dịch, đăng trên tạp chí Sông Hương số 179 - 180 tháng 1-2/2004. Tựa đề của bài thơ ẩn ý những cảm xúc của một người cựu binh Mĩ khi nhớ về sự kiện Mậu Thân sau 30 năm. Chỉ đáng tiếc đây là bản dịch nghĩa, không phải dịch thơ.
Tập thơ của một tác giả Mĩ về chiến tranh Việt Nam phải đợi đến tận năm 2010 mới ra mắt độc giả Việt Nam. Mà đây cũng không phải là một tập thơ gốc được dịch trọn vẹn. Dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đã tuyển chọn trong số rất nhiều tập thơ chiến tranh của nhà thơ Bruce Weigl, kết hợp với hồi kí Trở về ngôi nhà Việt của ông để chuyển ngữ và biên soạn nên quyển Sau mưa thôi nã đạn, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Những bản dịch thơ trong tuyển tập này của Nguyễn Phan Quế Mai không chỉ giới hạn trong ý nghĩa câu chữ mà còn mang thêm một chút chất thơ của ngôn từ. Có thể dẫn ra một vài đoạn: Nhưng những cành cây vẫn là dây kẽm gai/ Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn/ Cả bây giờ và cả khi nhắm mắt/ Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng/ Bom napalm dính chặt cô vào máu/ Đôi bàn tay với ra phía trước/ Nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt (Bài hát bom napalm); Hai mươi tuổi mơ chạm vào da thịt mềm con gái/ Nhưng sống là sự thật đen tối/ Chiến tranh là con ong sắt chảy đỏ/ Hút cạn mật đời… (Tết đến).
Thơ ca được dịch ít ỏi là thế có thể đổ lỗi cho rào cản ngôn ngữ. Xưa nay trong văn học dịch, cả dịch giả lẫn độc giả đều thường hứng thú với văn xuôi hơn, vì vẻ đẹp ngôn từ của thơ ca là tài sản của một cộng đồng ngôn ngữ khó có thể chia sẻ với người ngoài. Thế nhưng, với đối tượng văn học đang bàn đến, tình hình dịch văn xuôi cũng không hề sôi động hơn. Tiểu thuyết hoàn chỉnh đầu tiên về chiến tranh Việt Nam của người Mĩ chỉ đến tay độc giả Việt Nam vào cuối năm 2010, nghĩa là 35 năm sau khi chiến tranh kết thúc, 15 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Đó là tiểu thuyết Chuyện của Paco của nhà văn Larry Heinemann do Phạm Anh Tuấn chuyển ngữ, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Năm 2011, Nhà xuất bản Văn học trẻ ra mắt bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng cho tác phẩm Những thứ họ mang của Tim O’Brien. Đây là một lựa chọn hợp lí, dù muộn màng, vì tác phẩm này vẫn được giới nghiên cứu nước ngoài xem là đại diện tiêu biểu nhất trong dòng văn học về chiến tranh Việt Nam. Trước đó, tác phẩm này đã được trích dịch và công bố rải rác ở vài nơi. Phan Thu Hiền dịch chương Những cuộc đời sau khi chết và đăng trên tạp chí Văn học số 1, 1997. Đào Ngọc Chương cũng trích dịch tác phẩm này để phục vụ cho việc nghiên cứu một vấn đề thi pháp truyện ngắn trong bài Trường hợp tác phẩmNhững thứ họ mang theo (The Things They Carried) của Tim O’Brien và hiện tượng tiểu thuyết – truyện ngắn đăng trong Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh (2010). Cứ tưởng được khơi thông thì dòng sẽ mạnh, nhưng không, sau hai quyển sách nói trên, đến nay vẫn chưa có thêm tiểu thuyết hay tập truyện ngắn nào thuộc dòng văn học này được giới thiệu đến độc giả người Việt trong nước.
Có thể đi tìm lời giải thích cho việc văn học chiến tranh của “phía bên kia” vẫn còn đang tắc lại ở phía bên này. Không phải người Việt không muốn nhắc lại những chuyện buồn trong quá khứ, vì những câu chuyện chiến tranh trong thời kì Đổi mới ở Việt Nam với Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Lựu… cùng lượng độc giả của họ đã chứng minh điều ngược lại. Không phải nhà văn và độc giả Việt vẫn còn dè chừng với những người từng ở bên kia chiến tuyến, vì mối quan hệ giữa Trung tâm William Joiner và Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như những nhà văn khác ngoài tổ chức, đã gạt đi niềm nghi ngờ ấy. Có thể có hai nguyên nhân. Thứ nhất, đó là tâm lí e ngại của dịch giả trong bối cảnh chính trị, xã hội của đất nước khi chiến tranh vừa kết thúc. Khi nỗi đau trong nhân dân còn nhức nhối và hai chính phủ vẫn chưa bắt tay nhau thì việc giới thiệu những tác phẩm nói về bi kịch của “kẻ thù”, dù trên tinh thần khách quan vô tư, vẫn khó được đón nhận một cách tích cực, thậm chí có khả năng bị quy chụp lệch lạc quan điểm. Dịch giả đáp ứng nhu cầu đọc về chiến tranh của độc giả bằng các tác phẩm phi hư cấu, nơi mà người viết nhìn cuộc chiến bằng ánh mắt khách quan thông qua những phân tích lịch sử, và ở đó chính phủ và quân đội Mĩ là kẻ có lỗi. Sau khi quan hệ ngoại giao được nối lại, quán tính của văn học vẫn khiến các dịch giả chờ đợi thêm một thời gian nữa, để yên tâm rằng thơ ca, tiểu thuyết viết về nỗi đau cá nhân khi được dịch ra sẽ không hứng chịu “búa rìu dư luận”. Sự chờ đợi cẩn thận ấy là hợp lí, chỉ có điều dịch giả đã chờ đợi quá lâu. Người ta quên rằng thời gian có thể xoa dịu nỗi đau thì cũng có thể làm lạt phai niềm mong mỏi. Đó chính là nguyên nhân thứ hai: lệch pha về thời điểm. Khi độc giả có thể phản ứng, dù tích cực hay tiêu cực, thì không có sách để đọc; khi đã có sách thì người ta không còn hứng thú để phản ứng nữa. Khi hai bản dịch Chuyện của Paco và Những thứ họ mang ra mắt, độc giả Việt vẫn đón nhận chúng với tấm lòng trân trọng, vẫn yêu thích như yêu thích một tác phẩm văn học có giá trị, nhưng không kèn khua trống rước hay bàn quá nhiều về nó như một vấn đề của riêng mình. Những thế hệ độc giả mới đã lớn lên, và chiến tranh không phải là kí ức hay một phần đời của họ. Thế hệ độc giả trước kia cũng đã có thêm nhiều quan tâm khác. Do đó, văn học chiến tranh chỉ là một trong vô số lựa chọn của người đọc Việt Nam hôm nay.
2. Trong số các nhà văn cựu binh Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam, Tim O’Brien, Larry Heinemann và Karl Marlantes là những cái tên nổi bật đáng chú ý. Tim O’Brien là cái tên gắn liền với văn học chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm đầu tiên của ông, hồi kí Nếu tôi chết ở chiến trường, hãy gói tôi lại và đưa tôi về quê hương viết về những trải nghiệm còn tươi mới của ông ở chiến trường Việt Nam. Xuất bản năm 1973, ngay lập tức nó đã được đánh giá là quyển sách của những hồi ức dữ dội kinh hoàng và nhận được những lời ngợi ca mà bất cứ cây bút trẻ nào cũng mơ ước. Giới phê bình so sánh hồi kí này với sáng tác của Melville, Crane, Whitman và cả Hemingway. Tác phẩm thứ hai của ông, tiểu thuyết Ánh đèn phương Bắc, kể về hai anh em sống ở vùng Minnesota. Mâu thuẫn giữa họ – một người là cựu binh trở về từ Việt Nam, người kia lại là một nhà hoạt động phản chiến – được đặt trong bối cảnh của những mâu thuẫn rộng lớn hơn: mâu thuẫn giữa con người với bản tính tự nhiên của mình, và với chính tự nhiên.
Sau đó, ông ra mắt tiểu thuyết Đi theo Cacciato, tác phẩm gặt hái thành công vang dội cả về mặt thương mại lẫn văn học. Câu chuyện kể về một tiểu đội bộ binh đóng quân ở Quảng Ngãi nhận nhiệm vụ truy đuổi anh lính Cacciato đào ngũ. Sử dụng lối viết hiện thực huyền ảo, tác giả tái hiện hành trình truy đuổi kì lạ: cả nhóm bị rơi vào một cái hố và đi xuyên lòng đất đến một thành phố xa lạ, rồi từ đó họ đi dần về hướng tây, qua Ấn Độ, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kì và đến Paris – miền đất hứa. Câu chuyện truy đuổi đồng đội đào ngũ dần hé lộ là câu chuyện đào ngũ trong tâm tưởng của chính những người truy đuổi. Đi theo Cacciato giành Giải thưởng Sách Quốc gia của Mĩ năm 1979. Kết quả này gây bất ngờ không chỉ vì nó đã vượt qua quyển sách bán chạy nhất trong năm Thế giới trong mắt Garp, mà đáng nói hơn là nó được xuất bản chỉ bốn năm sau khi cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc. Cuộc chiến ấy đã chia rẽ nước Mĩ quá lâu đến nỗi vết thương sau vài năm vẫn còn làm đau người Mĩ, khiến cho người ta khó mà tin rằng một tiểu thuyết xoáy trực tiếp vào cuộc chiến này có thể được đón nhận một cách tích cực.
Sau đó vài năm, O’Brien cho ra mắt tiểu thuyết Kỉ nguyên nguyên tử, tuy không trực tiếp miêu tả chiến trường hay khắc họa chiến tranh Việt Nam, nhưng vẫn làm người đọc cảm thấy ám ảnh bởi chiến tranh khi nói về đời sống con người trong thời kì chiến tranh lạnh.
Năm 1990, tác phẩm Những thứ họ mang ra đời, đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp văn học của Tim O’Brien. Tác phẩm này có thể xem là một tập truyện ngắn, với 22 truyện ngắn hoàn thiện về mặt kết cấu và trọn vẹn về mặt nội dung, nhưng đồng thời nó có thể được đọc như một tiểu thuyết, vì những truyện ngắn ấy đều được xây dựng trên một bối cảnh chung với một hệ thống nhân vật cố định. Tác phẩm kể về một đơn vị bộ binh của quân đội Mĩ chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi, với những mẩu chuyện vụn vặt, rời rạc xoay quanh cuộc đời các binh lính và sĩ quan. Đó có thể là chuyện về những trận đánh, về một mối tình, về nỗi cô đơn, về một lá thư, về những món đồ quân dụng, về cái chết của đồng đội và của đối phương, về lòng can đảm, về đất dưới chân và mây trên đầu… Không nhân vật nào quan trọng hơn nhân vật nào, tác phẩm cũng không có một câu chuyện xuyên suốt, liền mạch qua các chương, tức là không có câu chuyện khung, chỉ có bối cảnh khung. Những thứ họ mang vẫn được đánh giá là tiểu thuyết dữ dội nhất về chiến tranh Việt Nam từ trước đến nay. Trải nghiệm Việt Nam trong Những thứ họ mang được so sánh với kí ức về nội chiến Mĩ trong Biển hiệu đỏ của lòng can đảm của Stephane Crane. Những thứ họ mang đã mang đến cho O’Brien nhiều giải thưởng: giải thưởng của Tạp chí Quốc gia, giải thưởng của Hội Phê bình sách Quốc gia, giải thưởng Heartland của Tạp chí Chicago Tribune, giải thưởng văn học của Pháp dành cho tác phẩm nước ngoài hay nhất năm 1979, và cả giải thưởng Pulitzer văn chương – một trong hai giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh. Các nhà phê bình không tiếc lời cho tác phẩm này. Quyển sách đã tiêu thụ được hai triệu bản trên khắp thế giới và được đưa vào giảng dạy chính thức ở nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên khắp nước Mĩ. O’Brien đã không giấu được sự ngạc nhiên khi biết rất nhiều học sinh từ mười bốn đến mười tám tuổi của nước Mĩ đã tiếp xúc với tác phẩm này. Vào tháng 4/2014, tác phẩm này đã được trang web bán sách Amazon.com đưa vào danh sách 100 quyển sách nên đọc trong đời. Không dừng lại ở đó, tiểu thuyết Hồ trong rừng của ông cũng được trao giải thưởng James Fenimore dành cho tiểu thuyết lịch sử hay nhất năm 1995.
Bên cạnh Tim O’Brien, Larry Heinemann cũng là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc về văn học chiến tranh Việt Nam. Ông sinh trưởng ở Chicago, trong một gia đình có ba anh em trai đều đi lính. Ông và người em trai cùng nhập ngũ năm 1966, cùng sang Việt Nam năm 1967. Ông phục vụ ở chiến trường Việt Nam trong sư đoàn lục quân 25, sư đoàn được mệnh danh là “Tia chớp nhiệt đới”, từ năm 1967 đến 1968. Sau khi rời quân ngũ, Larry Heinemann trở lại trường đại học và bắt đầu sự nghiệp viết văn. Tốt nghiệp khóa sáng tác ở trường Đại học Columbia, Chicago, ông nhận học bổng Fulbright nghiên cứu văn học dân gian ở Đại học Huế. Sáng tác văn học của ông về Việt Nam không nhiều nhưng sớm gây chú ý. Năm 1977, ông xuất bản tiểu thuyết Giáp lá cà, gần như trút hết mọi kinh nghiệm chiến trường của mình lên trang giấy.
Tiểu thuyết Chuyện của Paco (1987) gây tiếng vang hơn khi được giải thưởng Sách Quốc gia năm 1987 cho hạng mục tác phẩm hư cấu. Chuyện kể về cựu binh Paco, người duy nhất trong số 93 người của đại đội Alpha sống sót sau trận đánh ở cứ điểm Harriette trong tình trạng cực kì thê thảm: nửa thân dưới gần như nát bét và bị phơi nắng giữa ngập ngụa máu của đồng đội suốt hai ngày trước khi được tổ tìm kiếm phát hiện. Trở về từ chiến trường, Paco mang theo tấm thân tàn tạ, đi lại phải dùng một cái gậy gỗ, trên người đầy những đinh vít, vết khâu, vết sẹo, nhiều đến mức trông như có một tấm khảm trên người anh ta. Anh ta thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau đầu và tấy nhức ở những vết thương cũ, và hằng ngày anh ta phải dùng thuốc giãn cơ Librium và thuốc chống trầm cảm Valium. Paco trở nên lầm lì, ít nói và hầu như không bao giờ nhắc lại quá khứ ở Việt Nam. Paco rời bỏ thành phố quê hương, chạy mãi về hướng tây đến khi nào hết tiền thì dừng lại, xin việc làm và sống lay lắt qua ngày. Ban ngày anh câm lặng như một cái bóng, đến đêm đánh vật với những hồn ma quá khứ. Chuyện của Paco được kể bởi những hồn ma ấy – những người đã tử trận ở Harriette – như thể những người hát rong đang trò chuyện trực tiếp với độc giả.
Năm 2005, Larry Heinemann ra mắt hồi kí Núi Bà Đen, kiểm kê lại tất cả những lần ông trở lại Việt Nam sau chiến tranh kèm theo những quan điểm chính trị của ông về cuộc chiến cũng như về đất nước này. Ngoài ra, tác phẩm của ông còn xuất hiện trong một số hợp tuyển văn học chiến tranh như Bên kia thiên đường do Wayne Karlin biên soạn, Viết giữa những chiến tuyến do Kevin Bowen và Bruce Weigl biên soạn, Hợp tuyển Việt Nam do Nancy Anisfield biên soạn, Những truyện chiến tranh kinh điển do Sebastien Faulks biên soạn, Cựu binh chiến tranh, cựu binh hòa bình do Maxine Kingston biên soạn... và một số báo, tạp chí, trong đó có báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Larry Heinemann, cùng với hai nhà thơ Bruce Weigl và Kevin Bowen, là những tác giả cựu binh Mĩ có mối gắn bó thân tình với Việt Nam trong nhiều năm qua. Họ đã nhiều lần trở về Việt Nam cũng như tham gia vào các hoạt động giao lưu, phổ biến văn học giữa hai nước thông qua Trung tâm William Joiner.
Không viết nhiều về chiến tranh Việt Nam như Tim O’Brien và Larry Heinemann, nhưng tác giả Karl Marlantes là người có sách về chiến tranh Việt Nam xuất bản gần đây nhất tạo được tiếng vang lớn. Sự ra mắt gây chú ý của tiểu thuyết Matterhorn năm 2010 đã cho thấy vết thương Việt Nam chưa bao giờ có thể hoàn toàn được chữa lành trong lòng nước Mĩ. Matterhorn chứa đựng cả cuộc đời binh nghiệp của Karl Marlates, một binh nghiệp có thể gọi là thành công nhưng không vì thế mà bớt những nỗi niềm ám ảnh. Sau chiến tranh, ông bị hội chứng rối loạn tâm lí sau chấn thương ở mức độ nặng. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị, Marlantes giải tỏa bằng cách viết văn. Sản phẩm của quá trình ấy là bản thảo tiểu thuyết Matterhorn dài 1600 trang đánh máy, sau khi được chính tác giả cắt gọt nhiều lần đã ra mắt độc giả với 600 trang sách. Chuyện kể về đại đội thủy quân lục chiến Bravo chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Họ được giao nhiệm vụ xây dựng một cứ điểm quân sự trên một ngọn đồi nằm ở gần biên giới Việt - Lào và giới tuyến sông Bến Hải. Ngọn đồi được đặt tên là Matterhorn - tên của một ngọn núi trên dãy Alps vốn là một cứ điểm quan trọng liên tục bị đánh phá trong thế chiến thứ hai. Những ngày đại đội Bravo vừa xây dựng vừa bảo vệ Matterhorn dài đằng đẵng với những hiểm nguy rình rập từ kẻ thù, từ thú rừng, từ những tai nạn bất ngờ, và cả từ những xung đột nội bộ. Thế nhưng sau khi hoàn thành, đại đội Bravo lại nhận lệnh phải rời bỏ Matterhorn vì cấp trên cho rằng nó không có nhiều giá trị như dự tính ban đầu. Quân đội Bắc Việt chiếm Matterhorn một cách dễ dàng. Đại đội Bravo bị các mệnh lệnh của thượng cấp kéo lê lết qua những trận đánh khác nhau ở Quảng Trị, để rồi nhận mệnh lệnh cuối cùng là phải tái chiếm Matterhorn khi nhân lực đã tổn hao quá nhiều.
Tờ Thời báo New York đã cho rằng tác phẩm này là “một trong những tiểu thuyết sâu sắc và có sức công phá nhất từng ra đời từ cuộc chiến ở Việt Nam, hay bất cứ cuộc chiến tranh nào”. Matterhorn lọt vào danh sách 10 quyển sách hay nhất năm 2010 của Thời báo New York, đạt giải thưởng Eilliam E. Colby 2011 và giải thưởng Sách hay 2011 của bang Washington cho hạng mục tiểu thuyết, giải thưởng của Hội Bán sách Bắc Thái Bình Dương 2011, giải thưởng sách hay Indies 2011. Sau đó, Karl Marlantes còn cho ra mắt hồi kí Đến với chiến tranh cảm giác ra sao? vào năm 2011, nhưng không gây chú ý bằng tác phẩm trước đó.
Có thể thấy, chiến tranh Việt Nam để lại trong lòng nước Mĩ một vết thương nhức nhối ngay từ khi cuộc chiến đang diễn ra cho đến tận bây giờ. Phản ánh chân thực nỗi đau tinh thần ấy, văn học Mĩ viết về chiến tranh Việt Nam chủ yếu bao gồm những tác phẩm phản chiến, đạt được nhiều thành tựu trên cả thơ ca và văn xuôi. Nhiều nhà văn được nhắc đến như những tác giả tiêu biểu của văn học Mĩ trong thế kỉ XX như Tim O’Brien hay Larry Heinemann. Tuy nhiên, dòng văn học này còn đang tắc nghẽn ở đâu đó, chưa thể khơi dòng để tràn vào Việt Nam ồ ạt như mong đợi, mặc dù hai bên đã có những hoạt động tích cực để bắt tay nhau vượt qua những buồn đau quá khứ.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội